trực tuyến [TRỰC TIẾP] "4 thứ khó có được ở đời" | Thầy Thích Trúc Thái Minh, ngày 08/11 Canh Tý
Giới thiệu Tin tức Câu lạc bộ - Đạo tràng Nghi lễ Pháp âm Bài viết Thư viện kiến thức Câu chuyện chuyển hóa Tu học của Tăng chúng Truyện tranh Phật giáo Giải đáp thắc mắc Videos Thư viện ảnh Thông Báo
Những phong tục tập quán ngày Tết - Lưu ý quan trọng để năm mới an lành
Bài viết 15/11/2024

Những phong tục ngày Tết như: hái lộc đầu năm, xem bói chân gà, gói bánh chưng, cúng tổ tiên, xông đất,... là những phong tục lâu đời của nhiều người Việt. Tuy nhiên, nhiều người thường có quan niệm sai lầm khi thực hiện, dẫn đến không mang lại bình an, may mắn mà còn ngược lại. 

Dưới đây là tổng hợp phong tục ngày Tết cổ truyền và những lưu ý mà ai cũng nên biết. 

1. Phong tục hái lộc ngày Tết 

Nhiều người quan niệm, “lộc” là mầm lộc (mầm non) trên cây; nên họ đi chùa hái lộc vào năm mới với mong muốn gia đình được may mắn, giàu sang.

Tuy nhiên, với đạo Phật, việc bẻ những búp lộc trên cây không mang đến tài lộc, may mắn cho gia chủ. Bởi cây ở chùa là tài sản Tam Bảo; nếu chưa xin phép chư Tăng (người có quyền trông coi tài sản ở chùa) thì người đó sẽ mang tội trộm cắp tài sản Tam Bảo. Đây là việc làm khiến mất lộc, mất phúc trong năm mới. 

>> Xem thêm: Hái lộc đầu năm như thế nào cho đúng, được nhiều tài lộc?

Hái cành lộc không mang đến tài lộc trong năm mới (ảnh minh họa)

2. Phong tục xem bói bằng chân gà 

Theo phong tục ngày Tết, nhiều gia đình thường mua gà (đặc biệt là gà trống) để cúng giao thừa. Hai chân gà sau khi luộc sẽ được gia chủ mang đi xem bói.

Nhiều người quan tâm đến tục xem chân gà đầu năm (ảnh minh họa)

Theo quan điểm đạo Phật, xem bói chân gà là việc mê tín, không có trong nhân quả. Bởi chúng ta biết rằng, mọi việc đều có nhân duyên và vận hành theo nghiệp. 

Như trong kinh Nghiệp báo sai biệt, có đoạn: “...Tất cả chúng sinh có liên quan với nghiệp, nương tựa nơi nghiệp, theo nghiệp của mình mà lưu chuyển. Do nhân duyên này nên có chia ra thượng, trung, hạ; sai khác nhau chẳng đồng…”.

Người xem bói chưa phải là bậc vào dòng Thánh quả, có túc mạng minh, thiên nhãn minh (tức là có thể nhớ rõ các đời sống trong quá khứ; thấy được sự sống chết của tất cả chúng sinh); cho nên, họ không thể biết trước được tất cả sự việc thông qua xem bói chân gà.

>> Xem thêm: Cách để cuộc sống tốt đẹp mà không cần xem bói chân gà   

3. Phong tục gói bánh chưng ngày Tết

Vào ngày Tết, mâm cỗ gia đình thường không thể thiếu những chiếc bánh chưng. Đối với đạo Phật, phong tục gói bánh chưng không chỉ là nét đẹp của Tết cổ truyền, mà còn chứa đựng giá trị nhân văn sâu sắc và ý nghĩa gắn kết yêu thương.

Trong gia đình, trẻ em không có nhiều công việc cần quan tâm như người lớn; mà niềm hạnh phúc là được gần gũi bố mẹ. Cho nên, gói bánh chưng ngày Tết là cơ hội để kết nối tình cảm giữa các thế hệ trong gia đình. Đây sẽ là kỷ niệm đẹp để sau này, cứ vào dịp Tết, con cái sẽ nhớ về cha mẹ và gia đình. 

Gói bánh chưng ngày Tết là kỷ niệm đẹp để sau này con cái sẽ nhớ về cha mẹ và gia đình (nguồn: Ảnh Internet)

4. Phong tục cúng ông bà ngày Tết

Theo truyền thống, Tết Nguyên Đán là dịp để gia đình sum họp; là thời gian con cháu từ khắp nơi trở về, được quây quần bên nhau. 

Đây còn là dịp để gia đình được mời gia tiên, ông bà, cha mẹ đã khuất về cùng đón Tết. Vì vậy, vào ngày 30 Âm lịch, các gia đình thường làm cơm cúng Tất niên để mời những người đã khuất về ăn Tết, sum vầy trong ba ngày đầu năm (từ mùng 1 đến mùng 3 Tết). 

Ngày Tết là dịp để con cháu mời ông bà, cha mẹ đã khuất về ăn Tết với con cháu

Bên cạnh đó, vào ngày mùng 3 Tết, theo truyền thống, các gia đình thường thực hiện lễ hóa vàng (đốt vàng mã) để tiễn gia tiên trở về cõi âm. Tuy nhiên, theo lời Phật dạy, chúng ta không nên đốt vàng mã; vì việc này không mang lại lợi ích cho người đã khuất. 

>> Xem thêm: Đốt vàng mã có được người âm phù hộ? Lý do người âm đòi đốt vàng mã

Trong ba ngày Tết, chúng ta nên làm mâm cúng với đồ thanh tịnh, không sát mạng chúng sinh. Như trong kinh Địa Tạng có đoạn: “...Lại vầy nữa, này ông Trưởng Giả! Sau khi những chúng sanh gây phạm tội nghiệp như thế mạng chung, hàng cốt nhục thân quyến có làm chay để giúp thêm phước lành cho người chết đó”. 

Ngoài ra, chúng ta nên làm các việc thiện, tác phước cúng dường Tam Bảo để hồi hướng phước báu cho gia tiên.

>> Xem thêm: Cúng Tết gia tiên thế nào để cả năm được may mắn, vạn sự như ý?

5. Phong tục xông đất ngày Tết

Vào dịp Tết, nhiều gia đình thường lo lắng về việc người xông nhà không hợp tuổi sẽ mang đến vận đen cho cả năm. 

Theo quan niệm dân gian, nhiều gia đình chọn người xông nhà để tránh vận đen cho một năm (ảnh minh họa)

Tuy nhiên, trong đạo Phật, chúng ta biết rằng, không phải người xông đất mang đến vận đen hay may mắn; mà tất cả nhân duyên đều từ nơi nghiệp sinh ra. 

Cho nên, chúng ta không cần quan tâm đến việc người xông nhà mang đến điều tốt hay xấu; mà cần xét lại gia đình mình đã làm những điều gì tốt đẹp trong năm.  

>> Xem thêm: Cách chọn người xông nhà để năm mới bình an, nhiều tài lộc

Bên cạnh đó, Tết cổ truyền còn nhiều phong tục khác như:

- Phong tục lì xì ngày Tết

- Phong tục dựng cây nêu ngày Tết

- Phong tục bày mâm ngũ quả ngày Tết

- Phong tục tỉa chân hương ngày Tết

Các lưu ý trên được tóm tắt từ những lời giảng của Thầy Thích Trúc Thái Minh. Hy vọng bài viết này sẽ giúp quý vị hiểu đúng và sâu sắc hơn về các phong tục ngày Tết; từ đó áp dụng trong năm mới, mang đến hạnh phúc, bình an cho bản thân và mọi người.