trực tuyến [TRỰC TIẾP] "4 thứ khó có được ở đời" | Thầy Thích Trúc Thái Minh, ngày 08/11 Canh Tý
Giới thiệu Tin tức Câu lạc bộ - Đạo tràng Nghi lễ Pháp âm Bài viết Thư viện kiến thức Tu học của Tăng chúng Khóa tu mùa hè Câu chuyện chuyển hóa Giải đáp thắc mắc Videos Thư viện ảnh
5 xe diễu hành: Tái hiện dấu ấn cuộc đời của Đức vua Trần Nhân Tông tại chùa Ba Vàng
Tin tức khác 03/01/2024

Lễ diễu hành Kính mừng Phật hoàng Trần Nhân Tông đản sinh diễn ra vào ngày 11/11/Quý Mão (tức ngày 23/12/2023) tại chùa Ba Vàng, với sự tham gia của hàng vạn Phật tử, bà con nhân dân trong và ngoài nước. 

Trong đó phải kể đến chuỗi 5 xe mô hình tái hiện lại các sự kiện nổi bật về cuộc đời làm vua và xuất gia tu đạo của Phật hoàng. Mỗi xe đều mang một ý nghĩa đặc biệt, thể hiện sự kỳ công và hoành tráng của sự kiện này.

1. Xe “Bồ Tát giáng sinh cõi phàm - Truyền giáo Pháp Phật”

Sự kiện một con người đặc biệt như vua Trần Nhân Tông đản sinh nơi đời là vô cùng hiếm có trong lịch sử Việt Nam. Xe mô hình “Bồ Tát giáng sinh cõi phàm - Truyền giáo Pháp Phật” mô phỏng hình ảnh cung thành thời nhà Trần và Thái tử Trầm Khâm (sau này là Phật hoàng Trần Nhân Tông). Từ khi sinh ra, Thái tử đã mang tướng mạo phi phàm, trí dũng hơn người.

Trên tay Thái tử cầm một nhành sen và có 4 con rồng chầu xung quanh, thể hiện sự đản sinh cao quý của một vị Bồ Tát nơi đời. 

Hình ảnh cung thành trên mô hình xe tái hiện vương triều nhà Trần thịnh vượng - nơi Ngài chọn đản sinh.   

Theo xe là khối Phật tử khoác trên mình trang phục thời Trần, tay cầm hoa sen - biểu tượng của sự thanh khiết, vô nhiễm của Phật giáo.

Hình tượng Thái tử Trần Khâm cùng cung thành thời Trần được tái hiện trong lễ diễu hành tại chùa Ba Vàng

Hình tượng Thái tử Trần Khâm cùng cung thành thời Trần được tái hiện trong lễ diễu hành tại chùa Ba Vàng

Nhân dân, Phật tử cầm cờ thời Trần và hoa sen sau xe diễu hành

Nhân dân, Phật tử cầm cờ thời Trần và hoa sen sau xe diễu hành

2. Xe “Hội nghị Diên Hồng - Đại thắng Nguyên Mông” 

Mô hình xe tiếp theo tái hiện hình ảnh Đức vua Trần Nhân Tông cùng các bô lão họp bàn đánh giặc Nguyên Mông lần thứ 2 trong hội nghị Diên Hồng. Hình ảnh các bô lão giơ cánh tay để nhất trí đánh giặc thể hiện tinh thần lục hòa, dân chúng đồng lòng và quyết tâm bảo vệ đất nước Đại Việt.

Vó ngựa Mông Nguyên tàn bạo, hùng mạnh, chinh chiến khắp thế giới, nhưng cũng không thể đàn áp được khối đại đoàn kết dân tộc của quân dân Đại Việt. Hội nghị Diên Hồng được mở ra, lần đầu tiên trong lịch sử nước nhà có một hội nghị dân chủ, là tiếng nói hùng mạnh vang khắp non sông của lão quyền và dân quyền.

Hình ảnh Đức vua Trần Nhân Tông họp bàn cùng các bô lão được tái hiện trên xe mô hình

Hình ảnh Đức vua Trần Nhân Tông họp bàn cùng các bô lão được tái hiện trên xe mô hình

Đoàn người hân hoan sau xe mô hình Hội nghị Diên Hồng - Đại thắng Nguyên Mông trong lễ diễu hành

Đoàn người hân hoan sau xe mô hình Hội nghị Diên Hồng - Đại thắng Nguyên Mông trong lễ diễu hành

3. Xe “Giấc mộng Phật tổ - Truyền tâm ấn bát nhã” 

Mô hình thể hiện những biểu tượng của điềm lành ứng báo trong giấc mơ đặc biệt của Thái tử Trần Khâm. Một hôm, khi đang nghỉ tại chùa Tư Phước, Ngài mộng thấy một bông sen vàng lớn bằng bánh xe mọc lên từ rốn mình, trên bông sen đó có một vị Phật đang ngự. Bên cạnh có người chỉ tay vào Thái tử và hỏi: “Biết Đức Phật này không? Đó là Đức Biến Chiếu Tôn”.

Hình tượng đóa sen vàng trên xe mô hình được lấy ý tưởng từ giấc mộng của vua Trần Nhân Tông. Đó không phải giấc mơ của một kẻ phàm nhân, mà đó là điềm lành của một vị Bồ Tát giáng sinh cõi Ta Bà với hạnh nguyện truyền bá Pháp cứu khổ của Đức Tổ Thích Ca, giúp Đại Việt tránh nạn đao binh, nhân dân Đại Việt được sống trong cảnh no ấm, hạnh phúc. 

Trên xe mô hình, tôn tượng Đức Phật Biến Chiếu với bông sen trong giấc mộng gợi về sự kiện “Niêm hoa vi tiếu” khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni sắp nhập diệt. Trong Pháp hội truyền thừa, Đức Phật Thích Ca đã giơ bông hoa sen lên, tôn giả Đại Ca Diếp - Đại đầu đà đệ nhất đã đón lấy bông hoa đó. Hành động đó như ngụ ý rằng, trong thời chúng sinh tham dục nhiều, chỉ có Pháp tu đầu đà khổ hạnh mới giúp cho người tu diệt tận mọi ái dục. 

Phật hoàng Trần Nhân Tông đã tiếp tục gìn giữ pháp đầu đà như thời Đức Phật Thích Ca, và ngày nay tại chùa Ba Vàng, chư Tăng cũng đang lưu giữ pháp tu cao quý này.

Xe “Giấc mộng Phật tổ - Truyền tâm ấn bát nhã”  diễu hành trong niềm hân hoan của hàng vạn người dân, Phật tử

Xe “Giấc mộng Phật tổ - Truyền tâm ấn bát nhã” diễu hành trong niềm hân hoan của hàng vạn người dân, Phật tử

Khung cảnh cờ hoa nô nức trong lễ diễu hành tại chùa Ba Vàng

Khung cảnh cờ hoa nô nức trong lễ diễu hành tại chùa Ba Vàng

4. Xe “Tiếp Tăng độ chúng - hành hạnh đầu đà - Lục hòa ban bố” 

Với khối chư Tăng khất thực, bình bát và tấm y, xe mô hình dưới đây đã tái hiện lại hình ảnh đặc trưng của Pháp hạnh đầu đà và Pháp lục hòa.

Hình ảnh chư Tăng đắp y, ôm bình bát đi khất thực là Pháp thứ 6 trong 13 Pháp đầu đà. Theo đó, chư Tăng tùy duyên đi các nơi để khất thực, không phân biệt giàu nghèo, ai cúng cho cái gì thì thọ nhận cái đó. Hình ảnh chư Tăng ôm bình bát khất thực là biểu trưng cho Tăng đoàn nối tiếp bước chân của Phật hoàng, hóa độ nhân dân, làm phước điền tối thượng cho chúng sinh gieo trồng phúc báu. 

Tăng đoàn dưới thời Phật hoàng Trần Nhân Tông rất đông đảo, tỏa đi khắp nơi để truyền giảng Phật pháp, dạy nhân dân thực hành mười thiện nghiệp, biết bỏ ác làm lành. Tăng đoàn sau này được tiếp nối bởi Nhị tổ Pháp Loa và Tam tổ Huyền Quang. Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử cũng được phát triển lên tới đỉnh cao thể hiện sự hưng thịnh của Phật Pháp. Nhân dân Đại Việt yêu kính lời Phật dạy, chăm thực hành Lục hòa nên đất nước thái bình, an lạc.

Trong chương trình diễu hành, đi theo mô hình xe “Tiếp Tăng độ chúng - hành hạnh đầu đà - Lục hòa ban bố”, Phật tử, nhân dân vẫy cờ Phật giáo rực rỡ sắc màu. 

Xe mô hình tái hiện Tăng đoàn cầm bình bát - hình ảnh đặc trưng của Pháp tu đầu đà

Xe mô hình tái hiện Tăng đoàn cầm bình bát - hình ảnh đặc trưng của Pháp tu đầu đà

Hàng vạn Phật tử và bà con nhân dân giương cao ngọn cờ Phật giáo, cờ thời Trần khi tham gia lễ diễu hành

Hàng vạn Phật tử và bà con nhân dân giương cao ngọn cờ Phật giáo, cờ thời Trần khi tham gia lễ diễu hành

5. Xe “Hư không lưu sử vàng - Uông Bí, Quảng Ninh, Việt Nam” 

Sau khi hoàn thành trách nhiệm của một bậc quân chủ Đại Việt, vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con trai và xuất gia, chuyên tu theo 12 Pháp hạnh đầu đà. Ngài cho dựng thảo am Ngọa Vân trên núi Yên Tử và miên mật tu tập với Pháp danh là Hương Vân Đại Đầu Đà. 

Hình ảnh núi non Yên Tử trùng điệp và chùa Đồng chế tác tinh xảo, kỳ công trên xe mô hình thứ 5 này tái hiện lại nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông, đã thực hành các Pháp đầu đà cao quý cách đây hơn 700 năm. Sau này, Ngài chứng đắc quả vị và sáng lập ra thiền phái Trúc Lâm Yên Tử - là niềm tự hào của Phật giáo Việt Nam.   

Một bên xe được trang trí hình ảnh trống Đồng cùng lá cờ Trần, bên còn lại là hình ảnh bánh xe chuyển Pháp luân và lá cờ Phật giáo. Qua đó, tái hiện các biểu tượng thiêng liêng của lịch sử dân tộc và thể hiện tư tưởng Hòa quang đồng trần - lấy đời để dựng đạo, lấy đạo đi xây đời. 

Ngay khi còn ở ngai vàng, Đức vua Trần Nhân Tông đã đưa Phật Pháp đến gần với đời sống nhân dân, tạo điều kiện cho toàn dân tu học Lục hòa, từ đó Đại Việt trên dưới một lòng xây dựng giang sơn. 

Khi xuất gia, Trần Nhân Tông lại càng đề cao tư tưởng “Phật giáo bất ly thế gian giác”. Phật giáo không phải trong chùa, trong núi hay chỉ dành cho những bậc Thánh nhân nào đó, mà Phật giáo đem lại giá trị cho tất cả mọi người bình đẳng như nhau. 

Nhân dân, Phật tử theo sau xe mô hình đều hân hoan, mừng vui với những đóa hoa cúc vàng rực rỡ trên tay. Hoa cúc là biểu tượng cho Pháp lục hòa, chính là tinh thần đoàn kết, bền chặt - dù có héo cũng không rời cành, cánh hoa không lìa khỏi đài hoa. 

Hình ảnh xe diễu hành “Hư không lưu sử vàng - Uông Bí, Quảng Ninh, Việt Nam”

Hình ảnh xe diễu hành “Hư không lưu sử vàng - Uông Bí, Quảng Ninh, Việt Nam”

Nụ cười rạng rỡ trên gương mặt các bạn trẻ cùng bông hoa cúc - biểu tượng cho Pháp lục hòa

Nụ cười rạng rỡ trên gương mặt các bạn trẻ cùng bông hoa cúc - biểu tượng cho Pháp lục hòa

5 xe mô hình xuất hiện trong chương trình đã thể hiện rõ nét 5 dấu ấn đặc biệt trong cuộc đời của Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông. Các mô hình được thiết kế tỉ mỉ, công phu, khéo léo thể hiện những câu chuyện lịch sử hào hùng đã qua.

Dù đang ngồi trên vương vị hay đã đi xuất gia thì Phật hoàng Trần Nhân Tông vẫn luôn quan tâm và chăm lo cho đời sống của dân chúng, đặc biệt là đời sống tinh thần của con dân Đại Việt. Nhờ sự đản sinh và xuất gia của Ngài mà nhân dân Đại Việt có nơi để nương tựa vững chắc, được học hiểu giáo lý của Đức Phật mà áp dụng vào đời sống cho có thể nhiều lợi ích. 

Hy vọng, thông qua bài viết này, quý nhân dân Phật tử sẽ có thêm hiểu biết và niềm tự hào về Phật hoàng Trần Nhân Tông - vị vua Phật Việt Nam.

Bài liên quan