trực tuyến [TRỰC TIẾP] "4 thứ khó có được ở đời" | Thầy Thích Trúc Thái Minh, ngày 08/11 Canh Tý
Giới thiệu Tin tức Câu lạc bộ - Đạo tràng Nghi lễ Pháp âm Bài viết Thư viện kiến thức Tu học của Tăng chúng Khóa tu mùa hè Câu chuyện chuyển hóa Giải đáp thắc mắc Videos Thư viện ảnh
Ba Ngọc Báu Phải Trang Điểm Cho Mình Nếu Muốn Bước Vào Con Đường Giải Thoát

Trong cuộc đời đầy rẫy những đau khổ, con đường thù thắng nhất để vượt qua mọi khổ đau đó chính là con đường giải thoát ra khỏi luân hồi sinh tử. Để bước vào con đường mang lại hạnh phúc chân thật ấy, mỗi người Phật tử cần trang bị những gì để đạt được thành tựu?

Ngày 14/8/2019 (tức ngày 14/7/Kỷ Hợi), như thường lệ, chùa Ba Vàng đã tổ chức buổi giảng Pháp thường kỳ. Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh tiếp tục giảng bộ Kinh Mi Tiên Vấn Đáp bài 176: “Có Ai Thấy Phật Không?” Tiếp tục cuộc hành trình thăm quan các gian hàng trong kinh đô chính Pháp của Đức Thế Tôn tại buổi Pháp thoại lần này, Sư Phụ đã giúp hàng đệ tử hiểu rõ về ba loại châu báu quý giá. Nếu chúng sinh nào trang điểm được bằng những châu báu này thì sẽ tiến tu trên con đường đi đến Niết Bàn.

Chính Điện Tầng 2 chùa Ba Vàng chật kín Phật tử về chùa tu học

Chính Điện Tầng 2 chùa Ba Vàng chật kín Phật tử về chùa tu học

Ba Ngọc Báu Phải Trang Điểm Cho Mình Nếu Muốn Bước Vào Con Đường Giải thoát

Trong phần trước của bài kinh “Có Ai Thấy Phật Không?”, Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh đã giảng giải về những loại châu báu mà Đức Phật hướng dẫn cho chúng sinh để đạt giác ngộ giải thoát. Đó là: Giới Bảo Châu, Định Bảo Châu, Tuệ Bảo Châu, Giải Thoát Bảo Châu. Đây là những châu báu quý giá; chúng sinh nào trang điểm được bằng những châu báu này sẽ tiến tu trên con đường cầu đạo bất tử. Trong Pháp thoại lần này, Sư Phụ tiếp tục giảng giải cho hàng đệ tử ba loại châu báu quý giúp mỗi người con Phật đạt được giải thoát. Đó là: Giải Thoát Tri Kiến Bảo Châu, Tuệ Phân Tích Bảo Châu và Thất Giác Chi Bảo Châu.

Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh trong thời khóa giảng Pháp thường kỳ

Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh trong thời khóa giảng Pháp thường kỳ

#1 Giải Thoát Tri Kiến Bảo Châu

Với khái niệm “Giải Thoát Tri Kiến Bảo Châu”, Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh đã trích dẫn lời giải thích của Đại đức Na-tiên khi đối đáp với đức vua Mi-lan-đà như sau: “Giải thoát tri kiến bảo châu này là giải thoát rốt ráo, giải thoát không còn dư tàn. Do vậy loại bảo châu này tỏa rạng bất khả tư nghì. Tính chất và công năng của nó là vô hạn, vô lượng định vậy. Các bậc Thánh nhân vô lậu, trưởng tử của đức Thế Tôn thường trang điểm loại bảo châu này, tự tại vô ngại giữa dòng đời để giáo hóa chúng sinh.”
Với những phân tích khúc triết của Đại đức Na-tiên về “Giải Thoát Tri Kiến Bảo Châu, , Sư Phụ đã giảng giải cho đại chúng rằng: “Tri kiến là sự thấy biết, hiểu biết, kiến thức của mỗi người. Tri kiến có được nhờ vào quá trình chúng ta học tập, tích lũy nghiên cứu. Giải thoát tri kiến là giải phóng, giải thoát khỏi tất cả mọi tri kiến chúng ta đang có dù đó là kiến thức trong quá trình học Phật”. Có thể nói, Người học Phật muốn giải thoát rốt ráo thì cần vượt qua tất cả cái thấy biết trong Phật Pháp và những kiến thức nơi thế gian. Sư Phụ nhấn mạnh, giáo Pháp của Phật như chiếc bè giúp chúng ta sang sông, đến được bờ thì cần phải bỏ bè để lên bờ đi tiếp. Bởi Phật dạy rằng “Chính pháp còn phải bỏ hà chi phi pháp”, buông tất cả những gì mình đang có, không mang vào những cái gì không phải của mình thì đó là giải thoát, là sự buông bỏ của người có trí tuệ.

#2 Tuệ Phân Tích Bảo Châu

Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh cũng chỉ dạy tư lương của người tu hành cần thiết đó chính là “Tuệ Phân Tích Bảo Châu” bao gồm “Tuệ phân tích về ý nghĩa, Tuệ phân tích về Pháp, Tuệ phân tích về văn tự, Tuệ phân tích biện tài vô ngại (tốc trí biện tài)”. Một vị hành giả trang bị được cho mình bốn tuệ này, khi vào bất kỳ hội chúng nào, gặp bất kỳ ai cũng đều uy dũng, không sợ hãi, lo lắng. Bởi họ lấy kiến thức, trí tuệ vô lượng vô biên từ kho tàng vô tận tạng. Sư Phụ chia sẻ: “Tất cả chúng ta ai cũng được sở hữu kho vô tận tạng này nhưng chúng ta chưa biết cách mở. Tu học Phật Pháp để lấy chìa khóa mở kho này thì chúng ta sẽ trở thành những vị vô ngại biện tài có trí tuệ vô biên”. Như vậy, “Tuệ phân tích bảo châu” quả thực là kho báu vô giá giúp mỗi người con Phật có được trí tuệ vô biên, giải đáp mọi nghi vấn của chính mình cũng như của chúng sinh. Đồng thời, đánh thức được nguồn trí tuệ vốn có từ bản tâm, nội lực tu tập là căn bản chứ không chỉ đơn giản là tiếp nhận kiến thức từ bên ngoài. Khai phá được kho tàng trí tuệ vô tận này là điều cần thiết của người đi trên con đường cầu đạo Vô thượng Bồ đề.

#3 Thất Giác Chi Bảo Châu

Trong lâu đài chính Pháp của Đức Thế Tôn còn có một loại ngọc nữa được gọi là: “Thất Giác Chi Bảo Châu” bao gồm: Niệm giác chi, Trạch Pháp giác chi, Tinh tấn giác chi, Hỷ giác chi, Khinh an giác chi, Định giác chi, Xả giác chi. Qua lời giảng và sự phân tích sâu sắc của Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh, đại chúng đã hiểu được đây là bảy giác chi rất quý báu dẫn người con Phật đi đến giác ngộ. Tu tập Thất giác chi sẽ giúp đạt được giác ngộ rốt ráo. Đây là bảy loại ngọc báu bắt buộc mỗi người con Phật phải trang điểm nếu muốn bước vào cõi hào quang của chư Thánh. Nơi đây, chư Thiên, nhân loại, phạm Thiên ai cũng thèm muốn, ước vọng, trầm trồ, tán thán, ca ngợi về sắc đẹp, tính chất có một không hai trên trần đời của nó.

Kho Tàng Chính Pháp Của Đức Thế Tôn

Các gian hàng tại kinh đô chính Pháp của Đức Thế Tôn không chỉ có những loại châu báu được kể trên, mà còn còn có một kho tàng được ví như một cái “chợ tổng hợp”. Để hàng đệ tử hiểu rõ tại khu “chợ tổng hợp” có điều gì đặc biệt, Sư Phụ đã trích dẫn lời màn đối đáp của Đại đức Na-tiên với Đức vua Mi-lan-đà rất đầy đủ. Từ đó, Sư Phụ đã phân tích và có những ví dụ rất cụ thể để đại chúng hiểu được tại “chợ tổng hợp” có vô số châu báu để phù hợp với đủ loại căn cơ trong xã hội. Nếu muốn sức khỏe trường thọ, sắc đẹp, tài sản,... thì có loại châu báu Năm giới của Phật tử tại gia. Nếu muốn được niềm vui của nhân loại và chư Thiên thì có loại châu báu Bát Quan Trai Giới. Riêng các bậc xuất gia, các loại châu báu quý giá được bày trong các câu lạc bộ thanh lịch và thanh khiết hơn như Tạng kinh, Tạng luật, kệ ngôn kệ thơ,... Do đầy đủ các loại châu báu mà trong các câu lạc bộ đó có biết bao vị Thánh nhân ra đời. Nhờ có kho tàng châu báu của Đức Thế Tôn mà đủ mọi căn cơ, dù là người Phật tử tại gia hay người xuất gia đều có cơ hội bước trên con đường giải thoát. Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh nhấn mạnh, giới của Phật được gọi là Biệt Giải Thoát. Tức là giữ được giới nào thì được giải thoát riêng phần đó.

Hàng Phật tử chắp tay hồi hướng sau khi nghe xong bài Pháp của Sư Phụ

Hàng Phật tử chắp tay hồi hướng sau khi nghe xong bài Pháp của Sư Phụ

Có Ai Thấy Phật Không?

Trong bài giảng, Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh cũng khẳng định: “Đức Phật là nhân vật lịch sử có thật, là một con người bằng xương bằng thịt đã hiện diện trên đời và có chứng tích để lại. Ngài đã để lại cho nhân loại một kinh đô chính Pháp”. Sư Phụ chia sẻ, khi con nhỏ, Người ước ao trên đời có một người toàn diện mọi mặt, trong sáng như ngọc pha lê để Thầy có thể trọn một niềm tin kính ngưỡng. Sau khi biết về Đức Phật và giáo Pháp của Ngài, Sư Phụ tin chắc Đức Phật là con người toàn vẹn, hoàn thiện tất cả mọi mặt. Qua đây, Sư Phụ nhắn nhủ tới toàn thể đại chúng rằng: “Các Phật tử chỉ cần tin trên đời này có một con người toàn bích là Đức Phật cũng đã được rất nhiều phước báu. Nhờ giáo Pháp của Đức Phật mà chúng ta được giải thoát tâm hồn, cứu chúng ta trong hiện đời này và vĩnh kiếp về sau chúng ta sẽ đạt được giải thoát”.

Đại Tăng Chùa Ba Vàng chụp ảnh lưu niệm tại vươn Lâm Tỳ Ni - Nơi Đức Phật đản sinh

Đại Tăng Chùa Ba Vàng chụp ảnh lưu niệm tại vươn Lâm Tỳ Ni - Nơi Đức Phật đản sinh

Qua bài giảng của Sư Phụ, đại chúng thông hiểu hơn về các loại châu báu dẫn đến con đường giải thoát rốt ráo. Những lời Pháp nhũ của Sư Phụ như tiếp thêm động lực giúp cho niềm tin vào Đạo của mỗi người con Phật thêm kiên cố và vững chắc hơn. Từ đó phát nguyện tu tập tinh tấn để đi tới Niết Bàn.
Cuối Pháp thoại, Sư Phụ đã khẳng định chân thật, chắc chắn rằng Đức Phật là người có thật, là người thật tu, thật chứng thông qua giáo Pháp của Ngài để lại cho hàng hậu thế. Giáo Pháp của Đức Phật chính là một gia tài vô giá cho thế gian. Điều đó càng chứng tỏ rằng Đức Phật là một người toàn thiện và vĩ đại nhất:
“...Tâm Thế Tôn mảy trần không bợn
Thân của Ngài vô tận phước lành…”

Hạnh Duyên