trực tuyến [TRỰC TIẾP] "4 thứ khó có được ở đời" | Thầy Thích Trúc Thái Minh, ngày 08/11 Canh Tý
Giới thiệu Tin tức Câu lạc bộ - Đạo tràng Nghi lễ Pháp âm Đăng ký khóa tu Khóa tu mùa hè Bài viết Thư viện kiến thức Tu học của Tăng chúng Truyện tranh Phật giáo Giải đáp thắc mắc Videos Thư viện ảnh
Kinh Ma-ha-nam
Văn kinh 12/08/2024

Một thời, Thế Tôn trú giữa dân chúng Đế Thích (Sakka), tại Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavatthu), trong khu vườn cây bàng.

Rồi họ Thích Ma-ha-nam (Mahànàma) đi đến Thế Tôn, sau khi đến... ngồi xuống một bên, họ Thích Ma-ha-nam bạch Thế Tôn:
Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, là người cư sĩ?

- Ai quy y Phật, này Ma-ha-nam, quy y Pháp, quy y chúng Tăng. Cho đến như vậy, này Ma-ha-nam, là người cư sĩ.

- Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, là người cư sĩ đầy đủ giới?

- Này Ma-ha-nam, người cư sĩ từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu. Cho đến như vậy, này Ma-ha-nam, là người cư sĩ đầy đủ giới.

- Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, là người cư sĩ đầy đủ tín?

- Ở đây, này Ma-ha-nam, người cư sĩ có lòng tin, tin tưởng ở sự giác ngộ của Như Lai: “Đây là Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn”. Cho đến như vậy, này Ma-ha-nam, là người cư sĩ đầy đủ tín.

- Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn là người cư sĩ đầy đủ lòng bố thí?

- Ở đây, này Ma-ha-nam, người cư sĩ trú ở gia đình, tâm thoát khỏi cấu uế của xan tham, bố thí dễ dàng, bàn tay rộng mở, thích thú từ bỏ, đáp ứng điều yêu cầu, thích thú chia sẻ vật bố thí. Cho đến như vậy, này Ma-ha-nam, là người cư sĩ đầy đủ bố thí.

- Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, là người cư sĩ đầy đủ trí tuệ?

- Ở đây, này Ma-ha-nam, người cư sĩ có trí tuệ, thành tựu trí tuệ về sanh diệt (các pháp), trí tuệ các bậc Thánh thể nhập (các pháp), đưa đến chơn chánh đoạn tận khổ đau. Cho đến như vậy, này Ma-ha-nam, là người cư sĩ đầy đủ trí tuệ.

Ma-ha-nam sau khi nghe Đức Phật chỉ dạy lòng tràn đầy hoan hỷ.

(Trích soạn từ: Đại Tạng Kinh Việt Nam, Kinh Tương Ưng - Tập 5, Chương XI Tương Ưng Dự Lưu, Phẩm Phước Đức Sung Mãn, bài kinh Ma-ha-nam, tr.574-576, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành năm 1993)