trực tuyến [TRỰC TIẾP] "4 thứ khó có được ở đời" | Thầy Thích Trúc Thái Minh, ngày 08/11 Canh Tý
Giới thiệu Tin tức Câu lạc bộ - Đạo tràng Nghi lễ Pháp âm Bài viết Thư viện kiến thức Tu học của Tăng chúng Khóa tu mùa hè Câu chuyện chuyển hóa Giải đáp thắc mắc Videos Thư viện ảnh
Bài Pháp “Người thiện, kẻ ác và trăng” dưới đêm trăng rằm Trung thu

Tối ngày 12/9/2019 (nhằm ngày 14/8/Kỷ Hợi) toàn thể chư Tăng, Ni và Phật tử đã vân tập về sân chính điện để cung đón Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh quang lâm và truyền trao Pháp nhũ. Nhân ngày tết Trung thu của các bé thiếu nhi, Sư Phụ đã giảng bài kinh có tựa đề: “Người Thiện, Kẻ Ác Và Trăng” được trích trong bộ kinh A Hàm. Bài Pháp đặc biệt hơn khi nói về kẻ ác, người thiện ứng với ánh trăng nhân dịp đêm trăng sáng tròn đầy trong không khí vui vẻ, ấm áp của ngày tết Đoàn viên nơi núi rừng Thành Đẳng.

Toàn cảnh buổi giảng Pháp của Sư Phụ dưới đêm trăng rằm Trung thu

Toàn cảnh buổi giảng Pháp của Sư Phụ dưới đêm trăng rằm Trung thu

Chút tản mạn với ánh trăng núi Thành Đẳng

Đời người có lẽ ai cũng đã từng nhiều lần ngắm trăng. Ánh sáng mặt trăng luôn mát mẻ, dịu hiền, an lành trong màn đêm và không gay gắt, chói chang như ánh mặt trời. Đức Phật dạy rằng: “Trí tuệ cũng như mặt trăng, người có trí tuệ giải thoát thường mang đến sự mát mẻ, an lành đến với tất cả chúng sinh”. Được sống trong ánh trăng trí tuệ giải thoát của Ngài là hạnh phúc to lớn với những người con Phật. Sư Phụ đã dành thời gian tản mạn cùng đại chúng những câu thơ về trăng, bởi vì hôm nay là dịp đặc biệt để Phật tử cùng trông trăng, ngắm trăng:
"Sân nhà em sáng quá,
Nhờ ánh trăng sáng ngời,
Trăng tròn như cái đĩa
Lơ lửng mà không rơi
Những hôm nào trăng khuyết
Trông giống con thuyền trôi
Em đi trăng theo bước
Như muốn cùng đi chơi"

- Trăng sáng - tác giả Nhược Thủy

Mặt trăng của chân tâm - mặt trăng của trí tuệ

Mặt trăng của chân tâm - mặt trăng của trí tuệ

Khung cảnh tĩnh mịch, bình yên của núi Thành Đẳng là nơi lý tưởng để ngắm vầng trăng huyền diệu, thả mình vào ánh sáng trăng rằm. Điều này giúp tâm hồn mỗi người như được thanh lương, mát mẻ hơn. Từ đó, Sư Phụ khuyến tấn đại chúng, trên bước đường tu tập phải luôn quán sát vầng trăng tâm của mình, sao cho được sáng tỏ và tròn đầy. Trí tuệ của mình càng sáng tỏ thì tâm mình ngày càng được thiện lành, nhân cách càng được thanh cao hơn.

Nhìn trăng để thấy tướng thiện, tướng ác

Trong buổi giảng Pháp, Sư Phụ đã chia sẻ với toàn thể đại chúng câu chuyện ý nghĩa của ánh trăng qua bài kinh số 94, trong kinh Tạp A-Hàm. Chuyện kể rằng vào một ngày nọ, có chàng trai Bà-la-môn tên là Tăng-ca-la đến bạch Phật, mong Phật giải thích rõ người bất thiện và người thiện? Cả hai câu hỏi đều được Phật trả lời “Giống như trăng.”

Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh trong buổi giảng Pháp

Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh trong buổi giảng Pháp

Người bất thiện được ví: “Như trăng dần về cuối tháng, ánh sáng tắt mất, màu sắc cũng mất, những gì liên hệ cũng không còn, ngày đêm đều tiêu mất, cho đến không còn hiện ra nữa. Cũng thế, có người đối với Như Lai phát lòng tin, lãnh thọ tịnh giới, khéo học, nghe nhiều, giảm phần mình để bố thí, chính kiến chân thật; nhưng sau đó lại lui sụt đối với giới luật, đa văn, bố thí, chính kiến; tất cả đều mất hết cả ngày lẫn đêm cho đến trong khoảnh khắc cũng không còn gì.” Nếu người thiện nam, tín nữ này không thường nghe Pháp, không chính tư duy, làm những hành vi ác, nói lời ác thì sau khi thân hoại mạng chung sẽ bị đọa vào đường ác, địa ngục. Những người bất thiện này cũng được ví như trăng nhưng trăng dần về cuối tháng. Qua lời dạy của Đức Phật, hàng Phật tử cũng tự kiểm lại mình. Có những người khi mới bước chân vào đạo thì nhiệt tình, hăng hái nhưng được một thời gian thì lui sụt. rời bỏ đạo tràng, đi theo tà đạo và mất hết thiện căn với chính Pháp.

Đại chúng chăm chú lắng nghe Pháp thoại của Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh

Đại chúng chăm chú lắng nghe Pháp thoại của Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh

Còn đối với người thiện, Phật chỉ dạy Bà-la-môn: “Như mặt trăng đầu tháng, trong sáng ngày đêm càng tăng thêm ánh sáng, cho đến lúc trăng tròn đầy, chiếu sáng khắp nơi. Cũng thế, người thiện nam, thiện nữ nơi Pháp luật của Như Lai có lòng tin trong sạch, có chính kiến chân thật, thanh tịnh thêm sáng suốt và tăng tiến về mọi mặt giới luật, bố thí, đa văn, trí tuệ ngày đêm đều tăng trưởng.” Họ lại thêm gần gũi các bậc thiện tri thức, nghe chính Pháp, chính tư duy, thân, khẩu, ý làm những việc này nên sau khi thân hoại mạng chung hóa sinh ở cõi Trời. Vậy nên người thiện được ví như ánh trăng nửa đầu tháng.

Phật tử chăm chú lắng nghe và ghi chép những dòng Pháp nhũ của Sư Phụ

Phật tử chăm chú lắng nghe và ghi chép những dòng Pháp nhũ của Sư Phụ

Những bài học quý báu qua lời Sư Phụ chỉ dạy

Qua câu chuyện Bà-la-môn bạch Phật, Sư Phụ đã chỉ dạy cho đại chúng phải tinh tấn tu tập, hướng tâm hồn mình như ánh trăng đầu tháng thiện lành. Ví như qua sóng gió của chùa thì những ai đã có lòng tin, lại càng kiên cố, kiên trung; còn những ai yếu kém lòng tin thì ngay đây là lui sụt. Họ không còn đủ sáng suốt để đặt lòng tin vào quý Thầy và đi gặp gỡ tà tri thức, tà đạo dẫn đến việc đi sai đường. Vậy nên việc tinh tấn học hỏi, luôn vững tâm với bạn lành và thân cận thiện hữu tri thức là vô cùng quan trọng. Học Phật phải biết tích góp, bòn mót từng chút phước báu, biết vượt qua danh lợi tiến tới lợi ích cho số đông. Đặc biệt phải luôn tỉnh giác, bảo vệ mình cũng như những đạo hữu của mình, cùng sách tấn nhau trên con đường học đạo để không rơi vào tà đạo, bạn ác. Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh nhấn mạnh: “Mình còn yếu kém, đạo tâm còn chưa vững chắc, kiên cố thì phải chọn bạn tốt mà chơi, chọn môi trường thiện lành cho mình tu tập. Bởi lẽ gần mực thì đen, gần đèn thì rạng. Chính mình và tập thể phải thực hành các Pháp trong sạch, bảo vệ môi trường tu tập tốt đẹp để tiến đạo”.

Phật tử chùa Ba Vàng và nhân dân thập phương cùng lắng nghe những lời giảng Pháp quý báu của Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh trong đêm rằm Trung thu

Phật tử chùa Ba Vàng và nhân dân thập phương cùng lắng nghe những lời giảng Pháp quý báu của Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh trong đêm rằm Trung thu

Sư Phụ cũng luôn cố gắng xây dựng một môi trường tu tập trong sạch, thanh tịnh cho chư Tăng, Ni cũng như Phật tử bằng tất cả tâm huyết để đại chúng được hòa hợp tu hành. Trong khung cảnh ánh trăng huyền ảo nơi núi rừng Thành Đẳng, qua lời dạy của Sư Phụ, bản thân mỗi Phật tử đã nhận thức rõ hơn về con đường đi tìm ánh trăng trí tuệ trong tâm mình. Đặc biệt hình ảnh ánh trăng luôn tỏa sáng dù bị mây che phủ, đó như một lời nhắc với mỗi người con Phật phải luôn thắp sáng tâm mình dù có sóng gió, khó khăn. Và người có lòng chân thật, kính tín Tam Bảo thì sẽ tiến tu, tâm luôn kiên cố và luôn thân cận những bậc thiện tri thức.

Trí Giác Hiếu