Mất tập trung trong công việc, học tập có thể khiến bạn bỏ lỡ nhiều cơ hội phát triển và để lại những hối tiếc về sau. Hai cách để tập trung từ quan điểm Phật giáo dưới đây sẽ giúp bạn rèn luyện được sự tập trung, làm việc hiệu quả, làm chủ cuộc sống và có được sự bình yên trong tâm mình.
Nguyên nhân khiến mất đi sự tập trung
Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường bị cuốn vào những suy nghĩ vẩn vơ; mà trong nhà Phật gọi là vọng tưởng. Vọng tưởng có 2 nguồn gốc như sau:
Một là, do tồn dư từ những kiếp trước mang sang kiếp này.
Chẳng hạn, nếu có một người trong kiếp trước từng làm các việc ác như sát nhân, hại vật,... thì nó sẽ được lưu trữ trong tàng thức. Khi chuyển sinh, những tàng thức đó được mang theo sang kiếp này. Vì vậy, đôi khi chúng ta bỗng nhớ đến những hình ảnh mà chưa từng gặp trong đời hoặc có những giấc mơ kỳ lạ.
Như trong kinh Mi Tiên Vấn Đáp - câu 168, Đại đức Na Tiên có nói về nguyên nhân xảy ra giấc mơ. Trong đó, có nguyên nhân thứ sáu: “Thứ sáu, những chủng tử có sẵn trong tâm do mình đã tạo tác từ quá khứ".
Hai là, do ở hiện tại, sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý) và sáu trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp) của chúng ta tiếp xúc với nhau. Đây là nguồn sinh vọng tưởng chính. Ví dụ, sáng làm gì, tối nghĩ điều gì,... thì có thể sẽ ngủ mơ đến. Hoặc tâm có lo lắng thì chúng ta cũng vọng tưởng về điều đó rất nhiều.
Trong kinh Lương Hoàng Sám - Phần 10, có đoạn: “Lại nữa, từ vô thỉ trở lại cho đến ngày nay, sáu căn, sáu trần, sáu thức, vọng tưởng điên đảo, phan duyên các cảnh, tạo ra tất cả các tội…”
Tác hại khi mất tập trung
Về trí tuệ
Trong kinh Đức Phật dạy, tất cả chúng sinh đều có đầy đủ đức tướng và trí tuệ của Đức Phật; nhưng lại không thể dùng được trí tuệ của Đức Phật vì đã bị vọng tưởng làm khuất lấp hết.
Trong bài kinh Đại Thế Chí Tu và Hộ Trì Cho Người Niệm Phật, Đức Phật có chỉ dạy Ngài A Nan rằng: “Thầy và đại chúng nên biết, tất cả chúng sinh từ vô thỉ đến nay, tiếp nối lưu chuyển trong dòng sinh tử, đều do không nhận biết được thể tính trong sạch sáng suốt của chân tâm thường trú, mà chỉ sống hoàn toàn bằng vọng tưởng; vì vọng tưởng là không chân thật, cho nên mới có luân hồi sinh tử".
Gây ra các bệnh tâm lý
Trong ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức), tưởng là nặng nhất. Tưởng không chỉ là mộng tưởng, mơ mộng mà còn là suy nghĩ trong tâm trí, tư tưởng. Cho nên, chúng ta đang sống trong tưởng.
Đặc biệt trong thời đại 4.0 ngày nay, trên mạng có rất nhiều thông tin tràn ngập, chúng ta nạp quá nhiều thông tin sẽ dẫn đến rối loạn về tư tưởng như lo lắng, trầm cảm, tự kỷ rồi căng thẳng, thậm chí có những hành vi tiêu cực.
Ảnh hưởng tới công việc
Khi học tập và làm việc, tâm chúng ta chỉ cần loạn xạ, vọng tưởng, suy nghĩ lung tung thì hiệu quả sẽ bị giảm sút. Trong thời đại hiện nay, mọi thứ đều được điều khiển tự động, nhưng chỉ cần ta mất tập trung, lơ đãng trong lúc làm việc, bấm nhầm một con số cũng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Những phương pháp cải thiện sự tập trung hiệu quả
Hạn chế tiếp xúc với thông tin tiêu cực
Đầu tiên, khi căn và trần tiếp xúc là phải lựa chọn những việc cần thiết, học bất kỳ điều gì phải biết chọn lọc có chủ đích. Bởi sức khỏe tinh thần của chúng ta không đủ mạnh nên cần biết tiếp nhận những thứ lành mạnh và tích cực. Nếu tiếp thu quá nhiều sẽ dẫn đến bội thực thông tin.
Tìm hiểu và thực hành thiền định
Chúng ta nên tìm hiểu Phật Pháp và học thiền - phương pháp giúp dứt trừ vọng tưởng và chữa lành tâm bệnh. Đồng thời, thiền cũng giúp chúng ta yên tĩnh, hạn chế tiếp xúc với những thông tin trên mạng và biết cách chọn lọc, tiếp nhận những thông tin cần thiết. Vì vậy, thiền định chính là cách giúp tâm trí chúng ta được quân bình, mạnh khoẻ và có thêm sức sống.
Hiện nay, ở một số công ty, tập đoàn lớn, nhân viên cũng thường dành 15-30 phút để ngồi thiền trước mỗi giờ làm việc.
>>Xem thêm: Thiền là gì? Tìm hiểu 02 phương pháp thiền hiệu quả trong đạo Phật
Bài viết này được tổng hợp từ những chia sẻ của Thầy Thích Trúc Thái Minh về sự tập trung.
Hy vọng qua đó, quý vị hiểu rõ hơn về 02 cách để tập trung từ quan điểm Phật giáo và áp dụng để đạt được nhiều thành tựu trong cuộc sống. Chúc quý vị sức khỏe và an lạc!
Phước báu xa lìa lời nói lưỡi hai chiều - Kinh Thập Thiện bài 8 | Thầy Thích Trúc Thái Minh
29/11/2024 379
Xem thêm
Nhẫn nhục là gì? Cách thực hành đức nhẫn để cuộc sống bình an hơn
Bình luận, chia sẻ Phật Pháp đúng cách để bình an, tăng trưởng phước báu
Hướng dẫn cách cầu siêu cho thai nhi tại chùa Ba Vàng
Hướng dẫn cách để tượng Phật trên xe ô tô đem lại phước lành, bình an
8 cách thai giáo cho con đúng cách giúp bé khỏe mạnh, thông minh