Trong cuộc sống, khó có ai dám tự nhận mình chưa từng phạm phải khẩu nghiệp. Một khi đã phạm tội khẩu nghiệp thì tai ương sẽ đến với chúng ta.
Vậy nên, nếu chúng ta không khẩn trương sám hối khẩu nghiệp, tu nhân tích đức thì khó tránh khỏi khổ đau, phiền toái.
Bài viết dưới đây sẽ giúp quý vị hiểu rõ hơn về các loại khẩu nghiệp thường mắc và biết cách sám hối, cách tu khẩu nghiệp để tiêu trừ nghiệp chướng, sống đời bình an, được nhiều điều tốt đẹp.
Khẩu nghiệp là gì?
Khẩu là miệng, khẩu nghiệp tức là “nghiệp của miệng”.
Trong kinh Hoa Nghiêm có đoạn: “Bồ Tát tự nghĩ: Ta từ kiếp quá khứ vô thỉ đến nay, do tham, sân, si mà thân, khẩu, ý phát sinh vô lượng vô biên các nghiệp ác, nếu như các nghiệp ác ấy mà có thể tướng, thì tận cả hư không giới cũng không thể nào dung chứa cho hết được…”
4 loại khẩu nghiệp dễ phạm
Trong kinh Lương Hoàng Sám có đoạn: “Phòng ngừa cái ý như canh gác cửa thành, giữ gìn cái miệng như bưng kín miệng bình”.
Quả thật, lời nói của chúng ta rất quan trọng. Nếu không cẩn thận và giữ gìn, chúng ta rất dễ tạo khẩu nghiệp. Dưới đây là một số biểu hiện của khẩu nghiệp mà chúng ta dễ phạm:
1. Nói dối: Nói không đúng sự thật. Tức là có bảo là không, không bảo là có, trắng bảo là đen, đen bảo là trắng…
2. Nói hai lưỡi (đâm thọc): Kích bác người này, người kia để cho họ có mâu thuẫn với nhau, khiến họ mất tình đoàn kết, tình thân, tình huynh đệ, tình yêu…
3. Nói thêu dệt: Có ít thì mình xuýt ra nhiều, dệt gấm thêu hoa, tô đắp các sự việc lên, nói không đúng sự thật.
4. Nói lời ác khẩu: Xúc xiểm, mắng chửi, vu oan giá họa, nguyền rủa, thóa mạ… người khác.
Quả báo khẩu nghiệp
Trong mười nghiệp ác, có bốn nghiệp ác do khẩu nghiệp gây ra. Vậy nên, chúng ta phải hết sức cẩn trọng với cái miệng này.
Như trong kinh, Đức Phật dạy: “Phủ tại khẩu trung, sở dĩ trạm thân”. Câu này có nghĩa là ở đời “cái búa”, “con dao” nằm ngay trong miệng của chúng ta. Nếu chúng ta nói lời ác, lời độc thì chính những lời ấy sẽ quay lại làm hại mình.
- Nói tục, chửi thề là ngôn từ không đẹp, không lành mạnh. Nếu lời nói đó không có tâm thù oán với ai thì chúng ta vẫn mắc phải khẩu nghiệp không tốt (gọi là khẩu nghiệp bất thiện). Còn nếu khẩu nghiệp kèm theo ác tâm, thù hại thì chúng ta sẽ kết nghiệp với người đó (người bị chửi) và mối ân oán này khiến con người gặp nhau để trả nghiệp, có thể trong kiếp này hoặc kiếp sau.
Trong kinh Lương Hoàng Sám có đoạn: “... Than ôi! người đời, tâm ôm lòng ác độc, miệng nói lời ác độc, thân làm việc ác độc. Do ba điều ấy mà hại chúng sanh, chúng sanh bị độc hại liền kết oán hận, thề quyết báo thù hoặc đời này toại nguyện, hoặc chết rồi mang theo. Chúng sanh kết oán như vậy khắp cả lục đạo để báo thù nhau, không bao giờ cùng tận.Báo thù nhau như vậy đều do túc nghiệp đời trước đã gây ra, chớ không phải vô cớ, không có nguyên nhân”.
- Nói hai lưỡi (đâm thọc) sẽ khiến chúng ta sinh vào các cảnh giới như địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh; sinh vào gia đình bất hòa, mâu thuẫn.
Như trong Kinh Tăng Nhất A-Hàm (Tập 3, phẩm Thiện Ác, Bài kinh số 1), Đức Phật có dạy: “... nói dối, nói thêu dệt, nói lời ác, nói hai lưỡi đâm thọc gây rối đôi bên, tật đố, sân hận, tà kiến. Ðó là mười pháp, chúng sanh thực hành mười pháp này, sẽ đọa trong đường ác”.
Hay trong kinh Tăng Chi Bộ II (Chương 5, phẩm Mắng nhiếc, phần Người nói nhiều) có đoạn: “Nói láo; nói hai lưỡi; nói lời độc ác; nói lời phù phiếm; sau khi thân hoại mạng chung sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục”.
- Chúng ta hay buôn những loại chuyện làm hại người khác, lấy chuyện của người ra soi mói, nói xấu khiến cho họ bị khốn khổ. Làm vậy khiến chúng ta cũng sẽ bị soi mói, đặt điều, chịu khổ đau do đã làm khổ người.
- Trước đây, chúng ta hay chê bai người khác thì sau này cũng sẽ bị quả báo như vậy. Hay khi nói những lời nói xấu ác thì có thể chúng ta sẽ mắc quả báo miệng hôi thối, nói không ai tin…
Trong kinh Từ Bi Thủy Sám Pháp có đoạn: “... Những tội, nghiệp do miệng gây ra, thường làm chúng sinh bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ chịu khổ vô cùng. Nếu đầu thai vào loài súc sinh phải làm thân chim cú, chim mèo, tiếng kêu đáng ghét. Nếu được sinh vào loài người thì hơi miệng hôi thối, nói không ai tin, còn trong bà con quyến thuộc thường xảy bất hòa, đánh lộn cãi lẫn”.
- Chúng ta làm ơn mà bị mắc oán cũng là do miệng hay kể công, mắng nhiếc, nói lời sỉ nhục người.
Cho nên, các Đức Phật đều dạy không được nói hai lưỡi, nói lời hung ác, nói dối, nói thêu dệt. Nên biết lời nói dua nịnh quanh co, hoa mỹ hay đem lại thị phi, tai họa, không phải là ít, mắc phải quả báo rất nặng.
Cách sám hối khẩu nghiệp
Chúng ta thấy, khẩu nghiệp đem lại những quả báo đáng sợ. Bởi vậy, những ai từng thóa mạ, nguyền rủa… người khác thì cần phải nhanh chóng, khẩn trương sám hối.
“Sám” nghĩa là ăn năn, day dứt. “Hối” là hối hận, hối cải, chừa đổi. Vậy nghĩa của từ “sám hối” tức là ăn năn và hứa lần sau sẽ không tái phạm.
Nếu chúng ta cứ khẩu nghiệp xong sám hối, rồi lại tái phạm thì đó mới chỉ là sám hối ngoài miệng, chưa thật sự đúng nghĩa của sám hối. Sám hối đúng nghĩa là phải nhận thức được việc làm ấy không tốt, gây tổn hại; và mình hứa chừa bỏ.
Trong kinh Từ Bi Thủy Sám Pháp có đoạn: “Pháp sám hối chính là sửa đổi sự lỗi lầm đã qua, diệt ác làm lành. Người đời ai không lỗi, như bậc hữu học lỡ mất chính niệm còn bị phiền não nổi lên, bậc La Hán có lúc kết tập phát khởi cũng còn phạm phải những nghiệp thân, khẩu, ý, huống kẻ phàm phu sao khỏi tội lỗi. Những người có trí biết trước liền ăn năn đổi lỗi, còn kẻ ngu si giấu giếm, nên tội thêm tràn đầy, chất chứa lâu ngày không biết khi nào tỏ ngộ. Nếu biết hổ thẹn giãi bày sám hối, không những diệt được tội lỗi, còn thêm vô lượng công đức, gây dựng quả vị Niết Bàn vi diệu của Như Lai”.
Xem thêm: Sám hối để tiêu trừ tội lỗi, tâm hồn thanh thản với 5 cách sau
Cách tu khẩu nghiệp để có kết quả tốt đẹp
Chúng ta phải ý thức được tầm quan trọng và thấy rõ nhân quả của lời nói. Chỉ một lời nói, lời nguyền rủa, nói xấu người khác mà chúng ta phải chịu đau khổ. Vậy nên, trước khi nói, chúng ta phải tư duy kỹ về vấn đề đó. Nghĩ xem lời này nói ra có làm cho người khác đau khổ, tổn thương, tổn hại gì không. Nếu lời nói ấy không ảnh hưởng xấu mà lại giúp người được phấn khởi, yêu đời, tiến bộ thì lời ấy nên nói.
Đức Phật dạy, chúng ta phải nói lời chân thật, không nói lời dối trá; nói lời hòa hợp, không gây chia rẽ, mất đoàn kết; nói lời đẹp đẽ, thanh lịch; tránh nói lời ỷ ngữ, thêu dệt; nói lời hiền hòa, từ bi; không ác độc, cay nghiệt.
Chúng ta phải nói những lời ái ngữ, chân thật, hòa hợp mang lại lợi ích cho mọi người - đó là tu khẩu nghiệp. Nếu kiên trì thực hành, chắc chắn chúng ta sẽ có khẩu nghiệp thiện lành, đem lại những kết quả tốt đẹp cho bản thân và những người xung quanh. Đồng thời, được phước báu, uy tín, danh dự và sự tín nhiệm, giúp đỡ từ mọi người.
Trên đây là những lý giải về khẩu nghiệp được tổng hợp từ các bài giảng của Thầy Thích Trúc Thái Minh, giúp chúng ta hiểu rõ và biết cách thực hành nói lời đúng đắn, chân thành, tránh khẩu nghiệp để mang đến lợi ích tốt đẹp cho bản thân và mọi người xung quanh.
Nhà có tang có được đi chùa không? | Thầy Thích Trúc Thái Minh
Bố mẹ con nói nhà có tang sự thì không được đi lễ chùa, nên không cho con đi. Vậy con thưa Thầy có phải như thế không ạ?...
04/01/2025 1113
Xem thêm
Ngày Phật đản: Cơ hội để tích lũy phúc báu, đón nhận phúc lành và may mắn
Hướng dẫn đăng ký quy y Tam Bảo chùa Ba Vàng trực tiếp và trực tuyến
Lời chúc mùa Phật Đản: Lan tỏa yêu thương và an lạc đến mọi người
Danh sách những bài hát về Phật đản ý nghĩa mà bạn không thể bỏ qua
Lâm Tỳ Ni: Thánh tích linh thiêng ghi dấu sự đản sinh của Đức Phật