trực tuyến [TRỰC TIẾP] "4 thứ khó có được ở đời" | Thầy Thích Trúc Thái Minh, ngày 08/11 Canh Tý
Giới thiệu Tin tức Câu lạc bộ - Đạo tràng Nghi lễ Pháp âm Bài viết Thư viện kiến thức Tu học của Tăng chúng Khóa tu mùa hè Câu chuyện chuyển hóa Giải đáp thắc mắc Videos Thư viện ảnh
“3 biểu hiện khi Phật Pháp bị tiêu hoại” - Tăng, Ni, Phật tử cần làm gì?
Bài viết 07/02/2020

“Ở đây, này Kimbila, khi Thế Tôn nhập diệt, các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ sống cung kính tùy thuận bậc Đạo Sư; sống cung kính tùy thuận Pháp; sống cung kính tùy thuận chúng Tăng; sống cung kính tùy thuận học Pháp; sống cung kính tùy thuận không phóng dật; sống cung kính tùy thuận tiếp đón. Đây là nhân, đây là duyên, khi Như Lai nhập diệt, Diệu Pháp được tồn tại lâu dài”. - Trích Kinh Tăng chi, chương Sáu Pháp, phẩm chư Thiên, Tôn giả Kimbila.

Đức Phật biết giáo Pháp của Ngài chỉ tồn tại trong khoảng thời gian nhất định và sẽ diệt tận. Lúc còn tại thế, cả cuộc đời Ngài không ngừng nghĩ đến chúng sinh. Khi sắp nhập Niết bàn, Ngài vẫn nghĩ đến chúng sinh. Ngài dạy: “Những ai có thể cứu độ, ở cõi trời, người, đều đã được cứu độ. Còn những ai chưa thể cứu độ, ta cũng đã tạo nhân duyên cứu độ về sau rồi” - Trích kinh Di giáo, Tam Tạng Pháp Sư Cưu-ma-la-thập dịch.

Lời di huấn cuối cùng của Đức Phật trước khi nhập Niết bàn

Lời di huấn cuối cùng của Đức Phật trước khi nhập Niết bàn

Là người đệ tử Phật, chúng ta cần làm gì để giáo Pháp của Đức Thế Tôn được kéo dài. Kính mời quý Phật tử cùng đọc những lời dạy sau đây:

3 biểu hiện khiến giáo Pháp của Đức Thế Tôn bị tiêu hoại

Giáo Pháp của Đức Phật cao siêu màu nhiệm, nhưng cũng không ra khỏi quy luật sinh - trụ - hoại - diệt của thế gian. Khi nói về những biểu hiện của sự tiêu hoại Phật Pháp, Ngài Na Tiên dạy: “Có ba sự tiêu hoại cả thảy. Ấy là tiêu hoại sở đắc, giác ngộ. Thứ hai là tiêu hoại về hạnh kiểm, giới luật. Thứ ba là tiêu hoại về Tăng tướng, phẩm mạo”.
#1 Sự tiêu hoại về sở đắc, giác ngộ: “Ấy là khi mà tứ chúng không còn kiên tâm trì chí thực hành giáo Pháp cho đến nơi đến chốn. Chúng chỉ thực hành cho có lệ, được chút gì hay chút ấy, vì vậy chúng không còn có khả năng chứng ngộ đạo quả”.
#2 Sự tiêu hoại về hạnh kiểm, giới luật: “Đó là vào thời mà tứ chúng khinh thường những giới điều nhỏ, không thực hành, không tôn trọng những giới cấm lớn. Chúng mất tư cách, thiếu phẩm hạnh, thiếu hạnh kiểm, phá giới luật”.
#3 Sự tiêu hoại Tăng tướng, phẩm mạo: “Đến một lúc nào đó, Tăng chúng không còn mặc y cà-sa nữa. Chúng viện cớ phương tiện, viện cớ đi lại khó khăn, viện cớ “phá tướng”, nên không còn thích mặc y cà-sa vướng víu trên người, chúng thích mặc áo thế tục. Đến lúc ấy, chiếc y cà-sa màu vàng chỉ còn là một mảnh vải vàng tượng trưng, vắt qua lỗ tai mà thôi. Rồi đến lúc, chút vải vàng ấy cũng không còn nữa”.

Trước lời dạy của Ngài Na Tiên về biểu hiện tiêu hoại của Phật Pháp; Sư Phụ chia sẻ: “Chùa Ba Vàng quyết định toàn thể Tăng chúng đắp y của Phật cả ngày. Chư Tăng, Ni sẽ đắp y từ sáng đến tối để phân biệt Tăng và tục rõ ràng. Thầy tu không chấp cái áo, nhưng y cà-sa rất quý, thể hiện cho lý tưởng, hoài bão, của người tu sĩ. Đức Phật bắt buộc các Thầy cạo tóc là để khác với người thế gian. Phật dạy: “Các ông là Sa-môn, người xuất gia, hình tướng phải khác người thế tục”. Đó là điều đặc biệt bảo vệ cho Tăng đoàn”.

Tăng, Ni, Phật tử cần làm gì để kéo dài Phật Pháp ở thế gian?

Khi nghi ngờ về thời gian tồn tại giáo Pháp của Đức Thế Tôn, đức vua Mi Lan Đà hỏi: “Thưa đại đức! Khi đức Thế Tôn cho phép nữ giới vào tu, ngài có nói là giáo Pháp chỉ còn tồn tại năm ngàn năm. Nhưng khi sắp Niết bàn, đức Thế Tôn lại nói với Subhaddā rằng: Chừng nào chư Tỳ-kheo đệ tử của Như Lai, có đức tin đầy đủ, biết thực hành đúng đắn giáo Pháp của Như Lai thì chừng ấy trong thế gian sẽ không mất quả vị A La Hán!”.

Đại đức Na Tiên đưa ra ví dụ: “Ví như một cái hồ với sức chứa như vậy, mạch nước rỉ ra hằng ngày như vậy thì khi mùa hạ đến, chừng vài tháng là hồ cạn; nhưng nếu năm, bảy ngày lại có những trận mưa lớn thì thời hạn cạn nước của cái hồ kia sẽ thế nào, hở đại vương?”

Vua Mi Lan Đà đáp: “Dĩ nhiên là có thể kéo dài thêm một tuần, hai tuần hoặc một tháng, hai tháng nữa cũng chưa biết chừng!”

Đại đức Na Tiên trả lời: “Cái hồ chính là giáo Pháp, thời hạn khô nước chính là giáo Pháp đến thời phải tiêu hoại, nước mưa tuôn đổ thêm chính là phẩm hạnh tu tập của tứ chúng. Nếu tứ chúng tu hành đúng đắn, thực hành trọn đủ và nghiêm túc về giới, về định, về tuệ thì giáo Pháp sẽ lâu dài hơn năm ngàn năm; và bốn đạo, bốn quả, sẽ còn tồn tại trên thế gian lâu dài hơn thời hạn giáo Pháp bị tiêu hoại, có phải vậy không, đại vương?”
Vua Mi Lan Đà đáp: “Vâng, đúng thế!”

Từ lời dạy của Đại đức Na Tiên, chúng ta biết rằng, thời gian giáo Pháp tồn tại phụ thuộc vào sự tu học của Tăng, Ni, Phật tử. Nếu Tăng, Ni, Phật tử tinh tấn tu hành thì giáo Pháp sẽ kéo dài ở thế gian. Nếu sống buông lung, phóng dật, chẳng chịu tu tập thì giáo Pháp sẽ nhanh chóng tiêu hoại. Chúng ta cũng mong mỏi nhiều người thực hành giáo Pháp, mang giáo Pháp giúp chúng sinh bớt khổ.

Chư Tăng Ni và Phật tử hướng tâm để lắng nghe những lời Pháp nhũ của Sư Phụ

Chư Tăng Ni và Phật tử chùa Ba Vàng chăm chỉ học Pháp từ Sư Phụ

Sư Phụ chỉ dạy: “Giáo Pháp của Phật, tồn tại ngắn hay dài, ảnh hưởng ở chính Tăng, Ni và Phật tử chúng ta. Với tâm nguyện thực hành giáo Pháp để Phật Pháp được lâu dài thì toàn thể Tăng, Ni, Phật tử đều phải quyết tâm tu tập, học hiểu giáo Pháp, ứng dụng tu hành để giáo Pháp được lâu dài, làm lợi ích cho chúng sinh, cho nhân loại”. Trong thời khóa kiểm tâm tại chùa Ba Vàng - các cư sỹ có thể chân thật chia sẻ những khúc mắc trong tâm sau một ngày làm việc

Trong thời khóa kiểm tâm tại chùa Ba Vàng - các cư sỹ chân thật chia sẻ những tâm niệm trong ngày

Như vậy, trách nhiệm của tứ chúng không chỉ là học và thực hành giáo Pháp của Phật mà còn phải hộ trì Tam Bảo để chính Pháp được tồn tại lâu dài. Mong rằng, mỗi người đệ tử Phật sẽ luôn phát tâm dũng mãnh tu trì giới luật của Phật, đem đạo vào đời, giúp cho đời bớt khổ để ai cũng được sống trong tình yêu thương, thấm nhuần mưa Pháp!

Tịnh Duyên