trực tuyến [TRỰC TIẾP] "4 thứ khó có được ở đời" | Thầy Thích Trúc Thái Minh, ngày 08/11 Canh Tý
Giới thiệu Tin tức Câu lạc bộ - Đạo tràng Nghi lễ Pháp âm Bài viết Thư viện kiến thức Tu học của Tăng chúng Khóa tu mùa hè Câu chuyện chuyển hóa Giải đáp thắc mắc Videos Thư viện ảnh
3 điều tham khảo để cuộc sống tại gia được hạnh phúc hơn
Bài viết 05/03/2020

Hạnh phúc là nhu cầu tất yếu của tất cả chúng ta. Mỗi người đều có quan niệm về hạnh phúc khác nhau. Có người xem đó là những điều đơn sơ, bình dị, nhưng cũng có người lại mong cầu niềm vui từ những thứ xa hoa. Khi xã hội càng phát triển, cuộc sống đã sung túc, no đủ hơn nhưng chúng ta vẫn chưa thực sự có được hạnh phúc. Chúng ta phải gồng mình để đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của cuộc sống để thỏa mãn những nhu cầu của bản thân nhưng khi nhìn lại, mới giật mình nhận ra những thứ mình đã cố gắng có được không đem lại niềm vui chân thật cho mình.
Tiếp tục chương trình trải nghiệm Khám phá vườn tâm, chúng ta sẽ tìm hiểu hạnh phúc chân thật bắt nguồn từ đâu và làm sao để có hạnh phúc qua lời chia sẻ của Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh với bài viết: “Hạnh phúc là gì? 3 điều chú ý để cuộc sống tràn đầy hạnh phúc” sau đây.

5 quan niệm trả lời cho câu hỏi: “Hạnh phúc là gì?” của thế gian

Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh từng chia sẻ: "Một con người trong đời thường quan niệm về hạnh phúc: Thứ nhất là mình có một gia đình êm ấm. Vợ chồng hòa thuận, con cái ngoan ngoãn, học hành giỏi giang. Thứ hai là mình phải có tài sản. Làm sao mình có tài sản, có của ăn của để, dư dả, không đến nỗi thiếu thốn? Cần tiêu, cần chi cái gì là có, không phải vay, phải giật. Nghèo là khổ, nghèo thật sự là khổ. Cho nên người ta nói là nghèo thì đi với hèn là thế đấy. Nghèo hay hèn và khổ! Chúng ta phải có tài sản, có tài sản đủ để chi dùng. Đấy là một cái làm cho chúng ta hạnh phúc. Thứ ba nữa là chúng ta phải có sức khỏe. Có của rất là nhiều nhưng mà suốt ngày bệnh tật, ốm đau, ăn không được thì làm gì có hạnh phúc đâu. Phải có sức khỏe. Trong đạo Phật cũng đặt vấn đề sức khỏe lên rất quan trọng. Sức khỏe là vàng luôn đấy. Có sức khỏe thì mới làm được mọi cái. Không có sức khỏe thì chẳng làm được gì, không cả cảm thụ được cuộc sống nữa, cũng không biết là vui, khổ. Vì thân thể nó đau đớn suốt ngày, triền miên bệnh tật thì còn gì mà hạnh phúc nữa. Cái nữa là chúng ta trong cuộc sống phải thành đạt. Thành đạt cũng là một yếu tố góp phần cho chúng ta được hạnh phúc. Và cái thứ năm là chúng ta được mọi người yêu quý. Đây là trong quan hệ xã hội. Chúng ta có tất cả bốn cái kia nhưng chúng ta không có bạn, không có ai yêu quý, tôn trọng, ai cũng xem thường mình, thế thì làm sao? Cho nên cái này cũng là một cái yếu tố để chúng ta hạnh phúc".

>>> Tiền nhiều để làm gì?

Một người nếu hội đủ năm yếu tố trên sẽ được coi là hạnh phúc. Nhưng sự thật khi có đầy đủ tiền bạc, danh vọng, tình cảm,... thì sẽ được như vậy hay không? Nếu đủ những tiêu chuẩn trên là hạnh phúc thì thế gian đã không có những tỷ phú, ca sĩ, diễn viên phải tự tử quyên sinh vì không chịu được sóng gió cuộc đời. Vậy liệu có hạnh phúc chân thật hay không? Và làm cách nào để có thể tìm được niềm vui trọn vẹn ấy?

Thế gian luôn thay đổi - hạnh phúc thế gian cũng vậy

Có những lúc chúng ta nhìn lại, sẽ thấy rằng cuộc đời này luôn thay đổi. Mới hôm nay thấy hạnh phúc nhưng ngày mai đã thấy đau khổ. Hôm nay nhiều tiền thì hạnh phúc ngày mai hết tiền lại đau khổ. Danh vọng, địa vị, tình yêu cũng thế. Cho nên chúng ta cứ miên man đi tìm hết thú vui này đến thú vui khác để đáp ứng nhu cầu hạnh phúc của mình.

Đức Phật dạy: “Vạn vật đều vô thường, biến đổi,...”Đức Phật dạy: “Vạn vật đều vô thường, biến đổi,...”

Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh giảng giải: “Tiền của có thể đến rồi đi, danh vọng được rồi mất. Tình cảm cũng thế, cũng hợp rồi tan. Có cái gì bền mãi đâu. Cho nên Đức Phật nói là: “Vạn vật đều vô thường, biến chuyển, không có cái gì đứng yên”. Trong tình yêu cũng thế, mình cứ nghĩ yêu nhau là hạnh phúc. Nhưng chúng ta thấy rồi, ai lúc đầu mới yêu chẳng hạnh phúc, nhưng rồi sau tình yêu chạy đâu mất rồi. Phải không? Cưới nhau thì hết tuần trăng mật xong, là đến lúc “vỡ mật” rồi, chán rồi, hạnh phúc chạy đâu mất. Tức là không giữ được, Thầy nói vui thế, không ai giữ được. Cho nên, tình cảm cũng biến đổi. Có phải không đại chúng? Đấy là vấn đề ta không giữ được một cái gì đứng yên cả, từ vật chất, cho đến tinh thần của chúng ta, nó đều bị biến đổi, mà nhà Phật gọi là luật vô thường chi phối”. Nếu thế gian luôn thay đổi không ngừng thì chúng ta đi đâu để tìm được hạnh phúc chân thật?

Gốc của hạnh phúc đến từ “Tâm”

Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh chia sẻ: “Gốc gác của hạnh phúc không phải nằm ngoài chúng ta mà nằm ngay ở trong tâm chúng ta. Đó là sự thật! Vì chúng ta cảm nhận về cuộc sống này, về thế giới này là tâm. Tâm tôi biết buồn, biết vui, biết lo, biết suy nghĩ, biết sợ hãi. Đấy là tâm tôi. Vậy tôi hạnh phúc cũng là tâm tôi. Có phải không? Chứ không phải cái bên ngoài. Cái bên ngoài là những cái duyên, nhưng không phải là căn bản. Nó không phải là căn bản, mà tâm của tôi mới là gốc của hạnh phúc. Khi Đức Phật phát hiện ra: “À, tâm là gốc của mọi vấn đề”, thì Ngài quay về xử lý chuyện tâm. Làm sao để “anh” tâm này ở trong hoàn cảnh nào cũng vui. Cho nên, Đạo Phật cũng gọi là tu tâm mà. Tu tâm, luyện tâm, rèn tâm để đạt được tâm ở một trình độ trong bất kỳ hoàn cảnh nào vẫn an vui. Đó mới là gốc đấy. Hạnh phúc là ở tâm, chứ không phải đặt tiêu chí ở bên ngoài đâu, tiền của, danh vọng này khác… Vì sao? Vì tất cả những cái đấy đều sẽ bị thay đổi. Vậy bây giờ, trong biến đổi như thế, ta phải giữ được tâm, ta phải luyện được tâm chúng ta thế nào? Trong tất cả các cảnh, tâm chúng ta vẫn bình an, vẫn thanh thản thì ta mới có hạnh phúc chân thật. Đấy là con đường mà Đức Phật đi”.

Hạnh phúc chân thật mà chúng ta đang mong mỏi được xuất phát từ tâm

Hạnh phúc chân thật mà chúng ta đang mong mỏi được xuất phát từ tâm

Từ lời dạy của Sư Phụ chúng ta biết rằng, hạnh phúc chân thật mà chúng ta đang mong mỏi đến từ nơi tâm. Và phải luôn giữ vững được tâm mình trước sự thay đổi của vạn vật thì khi ấy mình mới hạnh phúc.

Điều phục tâm để có hạnh phúc chân thật

Trong cuộc đời, chúng ta được sống và cảm nhận là từ chính tâm của ta. Cảm xúc vui, buồn, lo lắng, sợ hãi cũng xuất phát từ chính tâm mỗi người. Chúng ta khao khát có được sự hạnh phúc chân thật chính là đang đi tìm sự hài lòng, thấy trọn vẹn ở tâm mình. Những điều bên ngoài, của cải vật chất chỉ là phù du, còn gốc của hạnh phúc phải là tâm được rèn luyện, được tôi luyện rất bản lĩnh, vững vàng, vượt qua sóng gió, dù đau khổ vẫn thấy an lạc, thanh thản, bình an. Với tấm lòng từ bi, mong muốn cho mọi người có thể tìm thấy hạnh phúc chân thật cho chính mình, Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh đã giảng về lời dạy của Đức Phật khi ai đó muốn kiếm tìm sự hạnh phúc ở thế gian tương đối này.

#1 Bớt ham muốn là điều kiện cần để có được hạnh phúc

Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh đã chỉ dạy: “Phật tử chúng ta phải tu bỏ bớt ham muốn đối với ngũ dục, tập dần mới được! Sinh tử nhọc nhằn đều do ham dục mà khởi nên thiểu dục thì sẽ vô vi, thân tâm này sẽ tự tại. Mình muốn thân tâm được tự tại thì chúng ta phải bớt ham muốn. Các Phật tử biết rồi, càng ham muốn nhiều; đến già, đến lúc chết mà không hết ham muốn thì càng khổ. Nên Thầy nói người lắm tiền, nhiều của mà không biết tu, không biết xả thì chết rất khổ. Vậy nên Thầy đi đám ma, Thầy vẫn phải dặn các vong phải xả đi, tài sản phải xả đi, không xả đi thì cứ đắm đuối, lại bị đọa lạc. Tiếc của, tiếc công mình làm ra cái nhà, làm ra tài sản nhiều quá nên không đành lòng đi được, cứ luẩn quẩn rồi đọa xuống”. Từ lời Sư Phụ giảng chúng ta thấy lòng tham của chúng sinh là vô đáy. Có được cái này lại ham muốn cái khác, không bao giờ biết đủ. Nên càng nhiều ham muốn sẽ càng chìm đắm trong ngũ dục, trong luân hồi mà không nhìn thấy được hạnh phúc; vì mải chạy theo những ham muốn của chính mình. Vậy nên để có được sự hạnh phúc trước hết ta là phải bỏ bớt ham muốn.

Người có ham muốn nhiều sẽ không bao giờ có được hạnh phúcNgười có ham muốn nhiều sẽ không bao giờ có được an lạc

#2 Biết sống đủ sẽ đem đến sự hạnh phúc an lạc nơi chính tâm ta

Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh mong mỏi: “Chúng ta biết đến Phật, học biết sống ít muốn, biết đủ thì hạnh phúc. Người không biết đủ thì nằm trên giường vàng, ở trên nệm ngọc vẫn thấy khổ. Còn chúng ta biết đủ thì nằm trên một cái chiếu, một cái chõng vẫn thấy an vui. Đó là tinh thần Đức Phật nói rõ. Chỗ này Phật tử phải mổ xẻ, phải quán chiếu thật kỹ để có niềm tin vào lời Phật dạy. Người biết đủ là hạnh phúc, đây là điều Phật nói. Vậy nên, người Phật tử chân chính biết quay về Phật Pháp, biết lo tu học thì sẽ được bớt khổ. Người biết tu đối với vật chất có bao nhiêu cũng thấy là đủ, có ít mình sống theo lối ít, có nhiều mình chia sớt cho những người thiếu thốn. Thấy rõ vật chất chỉ là của tạm bợ, dùng nuôi thân cho mạnh khỏe để tiến tu, chứ không lấy đó làm lẽ chính của cuộc đời. Từ đó, ta khởi tâm mong cầu, ham muốn mãi thì không bao giờ hết khổ. Quan điểm người tu rất rõ: Tùy phúc, tùy phận của mình để sống biết an phận thì niềm vui sẽ nhiều hơn; còn mình không biết an phận thì mãi mãi đau khổ”.

Người Phật tử chân chính biết quay về Phật Pháp, biết lo tu học thì sẽ được bớt khổ

Từ lời chỉ dạy trên Sư Phụ chúng ta biết rằng, nếu mỗi chúng ta biết hài lòng, biết đủ với những gì đang có thì cuộc sống sẽ được an lạc, hạnh phúc hơn. Sống không bất chấp luân thường đạo lý để có được tài sản mà có ít sống theo kiểu ít, có nhiều thì biết san sẻ cho những người khó khăn. Nếu được như vậy thì thân tâm chúng ta sẽ được an lạc.

#3 Sống là chính mình - bớt so sánh để được hạnh phúc

Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh chia sẻ: “Cái tâm mình mà luôn luôn so sánh, mình đố kỵ thì mình cũng không có hạnh phúc.”
Để đại chúng dễ hiểu hơn, Sư Phụ có kể một câu chuyện:
“Có con quạ, nó nhìn thấy con thiên nga; nó rất ngưỡng mộ thiên nga. Nó nhìn thấy thân nó đen xì, nó chạy đến thiên nga và bảo:
- Bạn thiên nga ơi, tôi nghĩ bạn là người hạnh phúc nhất! Tôi ước mong sao, tôi có được bộ lông như bạn.
Con thiên nga nói:
- Tôi cũng nghĩ tôi là hạnh phúc, thế nhưng khi tôi nhìn thấy con vẹt thì tôi mới thấy tôi thua con vẹt. Vì con vẹt, lông của nó còn mấy màu sặc sỡ, đẹp hơn tôi. Tôi chỉ có mỗi màu trắng thôi. Cho nên tôi thấy, tôi cũng không hạnh phúc.
Thế là quạ lại chạy đến vẹt, bảo:
- Vẹt ơi, bạn là người thật hạnh phúc. Tôi ngưỡng mộ bạn lắm!
Vẹt bảo:
- Tôi cũng nghĩ tôi là người hạnh phúc nhưng khi tôi nhìn thấy công thì tôi mới thấy tôi thật sự là tôi khổ quá, tôi không so sánh gì được với con công. Con công, nó hàng trăm màu sặc sỡ và bao nhiêu người ngưỡng mộ nó.
Rồi quạ lại đến vườn thú để thăm công. Lúc đó đến thì thấy bao nhiêu người đang xem công múa. Khi mọi người xem xong rồi, mọi người đi hết rồi thì quạ mới đến gần công bảo:
- Công ơi, bạn đúng là người hạnh phúc nhất thật! Bao nhiêu người ngưỡng mộ bạn.
Thì con công bảo:
- Đúng, tôi cũng nghĩ tôi là người hạnh phúc đấy. Nhưng mà quạ ạ, tôi nói thật nhé. Nhiều lúc tôi lại ước ao, tôi được như quạ đấy. Vì tôi bị nhốt trong cái lồng này. Tuy rằng hàng trăm, hàng ngàn người xem tôi nhưng mà tôi ước ao có một ngày, tôi được tự do, không bị ở trong cái lồng mà kìm khóa thế này. Tôi mong, tôi được như quạ đấy quạ ạ, được tung cánh trên trời.
Lúc ấy quạ mới hiểu được: Hóa ra hạnh phúc là như vậy đấy. Nếu mình cứ so sánh như thế thì mãi mãi mình không bao giờ mình hạnh phúc được”.

Cuối cùng chú quạ cũng đã trả lời được câu hỏi hạnh phúc là gì cho bản thân mình

Cuối cùng chú quạ cũng đã trả lời được câu hỏi hạnh phúc là gì cho bản thân mình

Đức Phật đã đạt được hạnh phúc tối hậu. Ngài chẳng còn mảy may một sự đau khổ. Chúng ta là con của Ngài, thật vui thay khi được đi trên con đường Ngài đã đi để có được hạnh phúc. Vì vô minh, thiếu phước bao kiếp qua chúng ta không thấy được con đường chân lý mà Đức Thế Tôn đã tìm thấy. Nay đủ nhân duyên, chúng ta hãy quay về thực tập theo lời dạy của Ngài để có được hạnh phúc chân thật. Rèn luyện tâm, ít ham muốn, biết đủ và tu học, thực hành theo đúng giáo Pháp của Đức Thế Tôn. Khi ấy, chúng ta sẽ tìm được hạnh phúc trong chính tâm mình mà không phải tìm kiếm ở bất cứ đâu.

Qua bài giảng của Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh, chúng ta hiểu được rằng, hạnh phúc nằm ngay ở trong tâm của mỗi người. Tâm của chúng ta rất kỳ diệu. Tâm không chỉ là nguồn gốc của hạnh phúc mà còn là chìa khóa để giải quyết tất cả những vấn đề trong cuộc sống của mỗi chúng ta. Cho nên hiểu về tâm là việc rất quan trọng. Vậy “tâm” còn có điều bí ẩn gì mà chúng ta chưa biết? Điều bí ẩn ấy sẽ được tiếp tục hé mở trong những bài giảng tiếp theo của Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh trong chương trình “Không ra ngoài, hãy ở nhà chống dịch - quay về khám phá vườn tâm”.
Mời quý Phật tử và các bạn hãy chia sẻ quan điểm của mình về hạnh phúc và những phương pháp có được hạnh phúc trong phần bình luận dưới đây nhé.

Hạnh Từ