“Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng
Nhị vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”
Nhắc đến hoa sen là nhắc đến vẻ đẹp giản dị, mộc mạc nhưng rất đỗi thanh cao, tinh khiết; đây cũng là loài hoa gắn liền với đời sống, cốt cách của người dân Việt. Trong Phật giáo, hoa sen thường gắn liền với hình ảnh của các Đức Phật, các vị Bồ Tát. Đặc biệt khi Đức Phật đản sinh, Ngài đã bước đi trên hoa sen. Vậy hoa sen có những đặc tính quý báu thế nào? Kính mời quý Phật tử cùng tìm hiểu qua lời giảng trên Thầy Thích Trúc Thái Minh trong bài viết dưới đây.
1. Hoa sen có tính vô nhiễm
Đặc tính thứ nhất của hoa sen, Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh chia sẻ: “Chúng ta thấy hoa sen ở trong bùn mà bùn càng hôi, càng dơ thì sen mọc càng tốt và tỏa hương rất thanh khiết. Cho nên mới nói hoa sen gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.
Cũng như vậy, Đức Phật hay Tăng đoàn tu hành thanh tịnh được ví giống như là hoa sen ở đời. Dù ở giữa trần gian trong mùa hạ nóng bức, thế nhân ganh đua, tranh đấu; nhưng chư Tăng thì sống đời phạm hạnh, buông bỏ dục lạc, danh vọng để cầu đạo giải thoát.
2. Hoa sen có tính trừng thanh
“Trừng thanh” tức là nắng trong, “trừng” là dừng lại, “thanh” tức là trong. Để giúp quý Phật tử hiểu rõ hơn, Sư Phụ giảng giải: “Ở đầm nước đang đục ngầu mà trồng hoa sen thì nước sẽ tự nhiên trong hơn. Tính chất của hoa sen là thế. Đấy gọi là tính chất trừng thanh”.
3. Hoa sen có tính kiên nhẫn
Tại sao nói hoa sen có đức tính kiên nhẫn? Lý giải về điều này, Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh chia sẻ: “Hết mùa hạ sen tàn và nó trở về gốc của mình, đó là củ sen. Mà củ sen nằm sâu trong bùn, hết mùa đông, hết mùa xuân, đến mùa hạ lại nảy chồi. Nó nằm kiên nhẫn như vậy ở trong bùn, cho đến mùa hạ hoa lá lại tưng bừng. Cho nên gọi là đức kiên nhẫn của cây sen”.
4. Hoa sen có tính viên dung
Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh giải thích: “Hoa sen có tính viên dung, tức là rất tròn đầy. Bông sen chúm chím, đầy đặn, lớp trong lớp ngoài rất kín đáo. Có những bông hoa thì vừa nở đã thấy hết nhụy; nhưng hoa sen thì cánh trong, cánh ngoài e ấp bao nhiêu ngày mới nở, bao bọc nhau rất kín đáo”.
5. Hoa sen có tính thanh lương
Tiếp nối phần giảng giải về 8 đặc tính quý báu của hoa sen, Sư Phụ chia sẻ: “Hoa sen có tính chất thanh lương, mùi hương của hoa sen rất mát mẻ. Ngửi mùi sen là tâm hồn mình dịu xuống, lắng xuống, bớt nóng nực, khiến cho thanh lương, mát mẻ”.
6. Hoa sen có tính hành trực
Về đức tính hành trực, Sư Phụ giảng giải: “Đa phần cọng sen, ngó sen rất thẳng. Đó gọi là hành trực, ngay thẳng là cây sen”.
7. Hoa sen có tính ngẩu không
Thế nào là ngẩu không? Sư Phụ giải thích: “Ngẩu không tức là thân hoa sen như thế nhưng lại rỗng ở bên trong. Thân cây sen đưa cả cành hoa lên như thế nhưng bên trong cành sen lại rỗng, nước chảy qua được đó. Thể hiện tính không chấp trước, bao nhiêu nước vào cũng có thể trút ra được hết”.
Sư Phụ cũng chia sẻ thêm, ngược lại chúng ta không giống với hoa sen, chúng ta hay chấp trước, không buông bỏ. Còn hoa sen có cọng sen rỗng, rút lên là nước chảy hết, không để điều gì trong bụng cả. Vậy nên Sư Phụ khuyên chúng ta hãy sống làm sao giống tâm của người quân tử: không thù, không giận, biết buông bỏ.
8. Hoa sen có tính nhân, quả đồng thời
Đến với đặc tính cuối cùng của hoa sen, Sư Phụ chia sẻ: “Duy nhất hoa sen đặc biệt có nhân và quả đồng thời; hoa, quả cũng đồng thời. Quả sen là hạt sen, bát sen ở trong hoa sen cũng có ngay một lúc luôn. Thường các loài hoa khác thì hoa phải rụng, rồi trái mới mọc ra. Còn khi hoa sen nở là có trái bên trong rồi, hoa và quả đồng thời có luôn. Đó là tính đặc biệt”.
Như Chư Phật và Bồ Tát đã vô nhiễm với cuộc đời và hoa sen cũng vậy, không nhiễm bùn, không hôi tanh. Cho nên hoa sen là biểu tượng trong Phật Pháp, tượng trưng cho tính vô nhiễm của các bậc giải thoát.
Từ lời Sư Phụ giảng giải, chúng ta thấy tám đặc tính cao quý của hoa sen là những đức tính mà người con Phật cần phải học và rèn luyện để có được những thành quả trong tu tập, hướng đến con đường chân hạnh phúc. Chúc quý vị luôn an vui, thường lạc như những bông hoa sen: “Trong bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.
Hạnh Ngân
Phước báu xa lìa lời nói lưỡi hai chiều - Kinh Thập Thiện bài 8 | Thầy Thích Trúc Thái Minh
29/11/2024 379
Xem thêm
Chùa Ba Vàng đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy đón Tết Nguyên đán 2025
Chùa Ba Vàng tu tập kỷ niệm ngày Đức Phật thành đạo (PL.2568 - DL.2025)
Một ngày tu Bát quan trai giới an lạc kỷ niệm ngày Đức Phật thành đạo
Chuyến ngoại khóa ý nghĩa tại chùa Ba Vàng của thầy trò trường THPT Nguyễn Công Hoan, Hưng Yên
Chuyến thăm thân tình của Tỉnh đoàn Bình Định và Tỉnh đoàn Cà Mau tại chùa Ba Vàng