trực tuyến [TRỰC TIẾP] "4 thứ khó có được ở đời" | Thầy Thích Trúc Thái Minh, ngày 08/11 Canh Tý
Giới thiệu Tin tức Câu lạc bộ - Đạo tràng Nghi lễ Pháp âm Bài viết Thư viện kiến thức Tu học của Tăng chúng Khóa tu mùa hè Câu chuyện chuyển hóa Giải đáp thắc mắc Videos Thư viện ảnh
Giữ gìn truyền thống Khất thực - phương tiện “Hoằng Pháp, độ sinh” của chư Tăng
Khất thực 10/01/2020

"Mỗi tuần mỗi nhật bóng y vàng
Khất thực gieo duyên độ thế gian
Chiếc bánh gói xôi là hạt ngọc
Tín tâm, hoa nở phước thênh thang".
Trải qua hơn 2600 năm, truyền thống khất thực của ba đời chư Phật vẫn được gìn giữ và lưu truyền. Ngày nay, hình ảnh Tăng đoàn ôm bát trì bình khất thực như thời Đức Phật còn tại thế trên các con phố của đất nước Thái Lan hay My-an-ma đã khiến nhiều người không khỏi xúc động. Bởi đó là những hình ảnh vô cùng cao quý và thiêng liêng của bậc Sa-môn trong màu áo huỳnh y giải thoát. Với tâm nguyện Trên cầu thành Phật, dưới độ chúng sinh, chư Tăng Ni chùa Ba Vàng thực hành hạnh khất thực gieo duyên “ba y - một bát - độ ngàn nhà” giúp cho nhân dân, Phật tử có cơ hội được bố thí, cúng dường, gieo trồng vào ruộng phước điền những hạt giống thiện lành, đáng quý.

Tăng đoàn chùa Ba Vàng trì bình khất thực ở Bangkok (Thái Lan)

Tăng đoàn chùa Ba Vàng trì bình khất thực ở Bangkok (Thái Lan)

Tăng bảo là ruộng phước điền của thế gian

Khất thực có nghĩa là đi xin ăn, đây là cách nuôi thân mạng chân chính Đức Phật đã dạy cho người xuất gia. Tuy nhiên, không phải ai đi xin ăn cũng được gọi là khất sĩ. Trong kinh Tương Ưng Bộ I Đức Phật dạy: “Không phải ai ăn xin; cũng được gọi là khất sĩ; nếu chấp trì độc Pháp; không còn gọi là Tỳ-kheo; ai sống ở đời này; từ bỏ các phước báo; đoạn trừ mọi ác pháp; hành trì theo phạm hạnh, sống đời sống chánh trí, vị ấy xứng Tỳ-kheo”.

Cô gái thành kính chắp tay trang nghiêm khi Tăng đoàn khất thực đi ngang qua

Cô gái thành kính chắp tay trang nghiêm khi Tăng đoàn khất thực đi ngang qua

Người tu sĩ đi khất thực không chỉ nuôi thân mạng mà cao cả hơn là vì chư Tăng đang gieo trồng ruộng phước lành cho chúng sinh; vì ít dục, vì biết đủ, vì đoạn giảm, vì viễn ly cầu thiện hành và vì đoạn trừ tâm kiêu mạn. Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh từng giảng giải: “Tỳ kheo đi khất thực xin ăn, ai cho gì thì ăn đó, không phân biệt, khen chê thức ăn của thí chủ cúng dường. Người xuất gia tu hạnh tùy thuận và nhẫn được tất cả những gì không vừa ý. Hôm bữa no, bữa đói người khất sĩ lấy đó để tu được hạnh nhẫn. Tỳ-kheo ôm bình bát đi khất thực là ruộng phước để thí chủ gieo vào, cúng dường để họ có được phước báu. Cho nên người tu làm sao chính mình phải là ruộng phước màu mỡ của chúng sinh”.

Chư Tăng Ni trì bình khất thực trong khuôn viên bổn tự

Chư Tăng Ni trì bình khất thực trong khuôn viên bổn tự

Truyền thống trì bình khất thực của Phật giáo thể hiện nét đẹp văn hóa tôn giáo và mang những ý nghĩa tốt đẹp của Sa Môn hạnh

Truyền thống trì bình khất thực của Phật giáo thể hiện nét đẹp văn hóa tôn giáo và mang những ý nghĩa tốt đẹp của Sa Môn hạnh

Theo lời Sư Phụ dạy, sớt bát cúng dường là duyên phước thù thắng, rất nhiều người thành kính sớt bát cúng dường chư Tăng mà nhiều kiếp sau thoát đói khổ, được kết duyên lành với Tam Bảo. Lợi ích mà pháp khất thực mang lại không hề nhỏ; cả người khất sĩ hay người Phật tử cúng dường cũng đều nhận được những giá trị tốt đẹp khi hành trì đúng Pháp.

Thời khóa thọ trai - Cơ hội thực hành niệm tri ân

Nghi thức thọ trai là một trong những nghi thức rất cao đẹp của Phật giáo. Đây là nghi thức thể hiện sự biết ơn, cung kính cúng dường của chư Tăng đối với ân đức to lớn của chư Phật, chư Bồ Tát Thánh hiền.
Sư Phụ từng giảng: “Khi các Thầy đi khất thực, xin được thức ăn thì các Thầy nghĩ rằng: Không phải do cái đức của mình đâu, đó là nhờ đức của Chư Phật nên mình mới xin được thức ăn này. Nếu không có Đức Phật ra đời, nếu mình không phải là đệ tử Phật, mình đi xin chắc gì ai cho. Nhưng vì mình có hình tướng người xuất gia, có bóng dáng của chư Phật, mình được ân hưởng phước báu của chư Phật; cho nên mới xin được đồ ăn, thức uống này. Thầy vẫn nói là mọi thứ của chư Tăng đều xuất sinh từ chư Phật, chứ không phải tự mình có công đức gì”.
Trước khi thọ thực, quý Thầy dâng bình bát lên ngang tầm trán, thực hiện nghi lễ dâng cơm cúng Phật với sự oai nghi bày tỏ sự cung kính, biết ơn đối với Đức Phật, các vị Bồ Tát và các vị Thánh, Tổ đi trước; biết ơn đối với giáo Pháp của Phật. Trong khi thọ thực chư Tăng thực hành đầy đủ “tam đề, ngũ quán”.
Tam đề là ba muỗng cơm đầu tiên và đọc thầm:
Muỗng thứ nhất: nguyện dứt tất cả điều ác
Muỗng thứ hai: nguyện tu tất cả điều lành
Muỗng thứ ba: nguyện cứu độ tất cả chúng sanh
Ngũ quán là việc tư duy quán sát về năm điều:
Một, quán thức ăn này từ đâu đem đến, công lao của người làm ra thức ăn này
Hai, quán đức hạnh của mình đủ hay thiếu, mà nhận thức ăn này
Ba, quán đề phòng tật xấu tham sân si do sự ăn uống gây ra
Bốn, quán thức ăn này như phương thuốc trị bệnh ốm gầy
Năm, quán vì thành đạo quả, nên mới thọ nhận thức ăn này.

Chư Tăng thực hành hạnh nhất tọa thực

Chư Tăng thực hành hạnh nhất tọa thực

Chư Tăng thực hiện tam đề, ngũ quán

Chư Tăng thực hiện tam đề, ngũ quán

Sư Phụ chia sẻ: “Một bữa thọ trai tại chùa đúng Pháp tu được rất nhiều công đức: vừa biết ơn; vừa biết xét đức hạnh bản thân; biết trừ tham, sân, si; biết đủ; vừa biết tinh tấn; vừa phát nguyện độ sinh. Ăn như vậy mới có ý nghĩa, mới hình thành đức hạnh của người tu hành”.
Khất thực là truyền thống ba đời của chư Phật. Đức Phật cũng từng nói, Ngài cũng phải kế thừa truyền thống ấy. Ngày nay với tâm nguyện của Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh cũng như tâm nguyện của chư Tăng Ni, Phật tử chùa Ba Vàng là những người đệ tử Phật được kế thừa truyền thống ấy để hành trì làm lợi lạc cho mình và cho nhân sinh. Vào mỗi sáng chủ nhật hàng tuần trong khuôn viên của chùa, chư Tăng thực hiện việc trì bình khất thực để phần nào làm sống lại truyền thống cao quý ấy. Mong rằng, một ngày nào đó, nhân duyên đầy đủ, chúng ta sẽ được nhìn thấy hình ảnh Tăng đoàn trên khắp đất nước Việt Nam ba y - một bát đi khất thực để chúng sinh gieo vào ruộng phước lành làm lợi lạc nhiều đời nhiều kiếp về sau.

Tịnh Duyên 

Xem thêm: Xúc Động Hình Ảnh Chư Tăng Chùa Ba Vàng Chân Trần Đội Mưa Khất Thực

Chư Tăng Chùa Ba Vàng Trì Bình Khất Thực Như Thời Đức Phật Còn Tại Thế

Kinh Nikaya – Năm Hạng Người Ăn Từ Bình Bát