trực tuyến [TRỰC TIẾP] "4 thứ khó có được ở đời" | Thầy Thích Trúc Thái Minh, ngày 08/11 Canh Tý
Giới thiệu Tin tức Câu lạc bộ - Đạo tràng Nghi lễ Pháp âm Đăng ký khóa tu Khóa tu mùa hè Bài viết Thư viện kiến thức Tu học của Tăng chúng Truyện tranh Phật giáo Giải đáp thắc mắc Videos Thư viện ảnh
Tính kiên nhẫn là gì? 03 cách ứng dụng Phật Pháp để kiên nhẫn hơn
06/07/2024

Kiên nhẫn là yếu tố quan trọng giúp chúng ta gặt hái những thành tựu trong cuộc sống, đi đến đích của mọi công việc. 

Tuy nhiên, có nhiều người lại rất thiếu kiên nhẫn, khiến bản thân dễ mắc sai lầm, khó đạt được mục tiêu và đánh mất cơ hội của chính mình. 

Vậy, làm thế nào để khắc phục sự thiếu kiên nhẫn? Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ tới quý vị 03 phương pháp hiệu quả giúp chúng ta rèn luyện tính kiên nhẫn trong công việc và cuộc sống. 

Kiên nhẫn là gì?

Nhẫn là chịu đựng những điều trái ý, nghịch lòng, sự khó, sự khổ một cách có ý thức và vượt qua những điều đó. 

Người ta thường gọi là kiên nhẫn và nhẫn nhịn. Nhẫn là nhất tự thiên kim, một chữ nhẫn đáng giá nghìn vàng. Trong đạo Phật, Đức Phật cũng gọi nhẫn nhục là đệ nhất đạo. Do đó, nhẫn nhục, kiên nhẫn là điều rất quý, là đức tính rất cần thiết của con người; không nhẫn nhục, kiên nhẫn được sẽ khó thành công. 

Nguyên nhân dẫn đến thiếu kiên nhẫn

Trong cuộc sống, nếu khi còn nhỏ được chiều chuộng nhiều, có được mọi thứ một cách dễ dàng thì chúng ta sẽ ít có tính kiên nhẫn. Ngược lại, một số người sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn, không được thỏa mãn ngay những mong muốn thì thường có nhiều sự kiên nhẫn hơn. 

Cho nên, khó khăn nhiều khi là một nguồn năng lượng rất quý báu, cũng là một duyên tốt. 

Lợi ích của kiên nhẫn là gì?

Nếu kiên nhẫn thì sẽ hoàn thành được công việc. Ví dụ khi đang quét nhà mà có người rủ đi chơi, chúng ta phải hoàn thiện xong thì mới được đi. Như vậy, gieo nhân kiên nhẫn sẽ giúp chúng ta có quả được hoàn thiện công việc.

Trong Phật giáo có câu chuyện về ngài tên là Châu-lợi-bàn-đặc, do nghiệp duyên kiếp trước nên khi xuất gia, Ngài không tiếp thu được Phật Pháp; học một bài kệ nhưng mấy năm không thuộc. Về sau, Đức Phật trao cho ông một cây chổi và chỉ dạy hàng ngày, ông vừa quét nhà; vừa nói “quét sạch bụi bẩn”. Chỉ bốn chữ đó nhưng ông học mãi không thuộc. Thế nhưng, nhờ sự kiên nhẫn, vâng lời Đức Phật, đầy đủ lòng tin với chúng Tăng mà ông phát sinh trí tuệ. Cuối cùng, ông đã chứng Thánh quả, thường dùng thần thông biện tài thuyết pháp giáo hóa chúng sinh.

Cho nên, nếu người nào có ý chí, nỗ lực, kiên trì thì sẽ đạt thành công trong công việc và cuộc sống.

03 phương pháp rèn luyện tính kiên nhẫn

Tính kiên nhẫn có được là do chúng ta phải tự rèn luyện. Dưới đây là 03 cách để chúng ta có thể rèn luyện bản thân kiên nhẫn hơn. 

1. Rèn luyện tính kiên nhẫn qua các hoạt động thường ngày

Chúng ta cần thực tập từ những việc nhỏ, từ những khó khăn trong các việc nhỏ; dần dần sẽ có được đức nhẫn. 

Ví như cái cây, không trải qua mưa gió thì khó có thể cứng cáp được. Cũng vậy, để có được đức nhẫn trong tâm, chúng ta phải thực tập hàng ngày. Qua những sự nhẫn nhỏ, chúng ta sẽ nhẫn được những việc lớn, bền bỉ, kiên trì, kiên nhẫn với các mục tiêu lớn của mình và đạt được thành công.

Chúng ta nên tập rèn luyện tính kiên nhẫn từ những việc nhỏ hàng ngày (ảnh minh họa)

Chúng ta nên tập rèn luyện tính kiên nhẫn từ những việc nhỏ hàng ngày (ảnh minh họa)

2. Tạo niềm đam mê với công việc

Thiếu kiên trì khiến chúng ta thường hay lăng xăng, làm việc không trọn vẹn từ đầu tới cuối. Vì thế, để khống chế việc đó, chúng ta nên tư duy thấu đáo và kiên trì thực hành các công việc một cách trọn vẹn, từ đầu tới cuối. Đồng nghĩa với việc là chúng ta luôn phải tạo cho mình tính kiên trì.

Muốn làm được điều đó, chúng ta phải tạo được niềm đam mê với công việc. Đây được xem là bước đầu để chúng ta khám phá chính mình. Từ đó, tiếp thêm cho bản thân nguồn năng lượng sống và chúng ta sẽ không bị chơi vơi.

Ví dụ, khi nhận ra bản thân không có khả năng giỏi trong một việc nào đó nhưng chúng ta kiên trì làm từ đầu đến cuối công việc. Và đến khi nhận được thành quả cuối cùng chúng ta sẽ sinh ra một lượng hỷ tâm. Chính điều đó sẽ giúp chúng ta khám phá và phát huy khả năng của mình.

Dù không giỏi trong một công việc nào đó, hãy kiên trì làm việc từ đầu đến cuối để rèn luyện tính kiên trì cho bản thân (ảnh minh họa)

Dù không giỏi trong một công việc nào đó, hãy kiên trì làm việc từ đầu đến cuối để rèn luyện tính kiên trì cho bản thân (ảnh minh họa)

3. Thực tập thiền 

Muốn bản thân không còn hấp tấp, chúng ta nên dành thời gian để thiền định. Bởi, thiền là một phương pháp để chúng ta quản trị tâm của mình, giúp tâm dần được định, không còn lăng xăng, chạy nhảy lung tung. 

Cụ thể hơn, trong nhà Phật, thiền định sẽ gồm có tu quán và tu chỉ. Ở đây, chúng ta dùng tu quán để quan sát tâm mình và khả năng của bản thân trong hiện tại.  

Lấy ví dụ, trong một sự việc, chúng ta cần nhận thức được sự hấp tấp của bản thân. Sau đó, chúng ta sẽ tư duy về khả năng của mình trước khi bắt đầu thực hiện công việc. Từ việc làm đó, chúng ta sẽ diệt trừ được tính hấp tấp của mình.

Thiền là một trong những phương pháp giúp rèn luyện tính kiên nhẫn hiệu quả (ảnh minh họa)

Thiền là một trong những phương pháp giúp rèn luyện tính kiên nhẫn hiệu quả (ảnh minh họa)

Khác với những phẩm chất tự nhiên mà có, kiên nhẫn là yếu tố cần được rèn luyện bởi chính bản thân mỗi người. Hy vọng rằng, qua bài viết, quý vị hiểu hơn về đức tính kiên nhẫn, đồng thời biết áp dụng các phương pháp rèn luyện tính kiên nhẫn cho bản thân để vượt qua khó khăn, thử thách để đạt được thành công trong công việc và cuộc sống.

Bài liên quan