Nhiều người cho rằng, “nhẫn là nhục” hoặc nhẫn nhục chỉ khiến kẻ mạnh có thêm cơ hội lấn át kẻ yếu. Tuy nhiên, theo quan điểm của đạo Phật, chúng ta nhẫn để đạt được mục đích cao cả thì không phải là hèn kém; mà sẽ giúp cho cuộc sống hạnh phúc, ấm êm hơn.
Vậy nhẫn nhục là gì? Rèn luyện đức nhẫn thế nào để cuộc sống được bình an, vui vẻ? Hãy cùng tìm câu trả lời trong bài viết dưới đây.
Nhẫn nhục nghĩa là gì?
Nhẫn không chỉ đơn thuần là chịu đựng, mà là sự chịu đựng có ý thức để vượt qua; chịu đựng những điều trái ý, nghịch lòng, sự khó khăn, đau khổ. Tức là, chúng ta ý thức được, điều này là khó khổ, ý thức được chúng ta đang kham nhẫn nó và vượt qua; thì đó mới được gọi là nhẫn.
Ví dụ con vật đã chết, dù có ai đánh vào thân xác nó, nó cũng không phản ứng lại; đó không thể gọi là nhẫn.
Còn nhục là những điều sỉ nhục, nhục mạ; sự hèn kém, hổ thẹn,... Như vậy, nhẫn nhục là chịu đựng sự đau khổ, những lời thóa mạ, chê trách, hay những điều trái ý, nghịch lòng.
Người nhẫn nhục có phải là nhu nhược không?
Theo quan điểm đạo Phật, nhẫn nhục không phải là biểu hiện của sự yếu đuối hay nhu nhược.
Trong kinh Di Giáo, Đức Phật dạy: “Nhẫn nhục là đức tính mà trì giới với khổ hạnh cũng chẳng bì kịp. Người có thể nhẫn nhục mới đáng gọi là bậc đại nhân có sức mạnh. Như người chẳng thể vui lòng nhận lời mắng chửi độc ác như uống nước cam lộ, thì chẳng thể gọi là bậc trí huệ đã nhập đạo”.
Cho nên, người nhẫn nhục được thì mới là người có sức mạnh; chịu được sự mắng chửi giống như uống nước cam lộ thì mới có trí tuệ nhập đạo. Người đó cũng là người làm chủ được thân và tâm. Ví dụ, khi bị mắng chửi, nhục mạ, người đó phải làm chủ được tâm sân giận; chứ không chọn cách đánh người. Trong kinh Pháp Cú, Đức Phật dạy: “Nhẫn nhục là đệ nhất đạo”; đặc biệt là đối với người xuất gia.
Tuy nhiên, chúng ta cần phân biệt rõ, nhẫn để diệt trừ tham, sân, si khác với nhẫn để thỏa mãn tham, sân, si hay sự kiêu mạn. Bởi trong cuộc sống, nhiều người còn nhẫn bằng tâm bất thiện như tham lam với ngũ dục; sân giận, thù hằn, si mê, tà kiến mà nhẫn.
Ví dụ, khi bị mắng chửi, nếu tỏ thái độ xem thường mà im lặng; đó là vì kiêu mạn mà nhẫn. Hoặc nhiều người vì sân mà nhẫn, nhẫn để báo thù về sau.
Lợi ích của việc rèn luyện hạnh nhẫn nhục
1. Giúp dễ dàng thông cảm, mở rộng tâm yêu thương với tất cả mọi người
Khi tức giận, nổi nóng, mọi người thường dễ bất hòa, dẫn đến giận dỗi hay hiểu lầm nhau. Những lúc như vậy, chúng ta nên nhẫn nại để mọi việc được êm ả. Từ đó, chúng ta sẽ thấu hiểu được nguyên nhân của các vấn đề, hiểu được tại sao người này, người kia bị khó chịu trong tâm.
Ví dụ, một người có thể nặng lời với chúng ta nhưng không phải vì hiềm khích, mà do họ đang chịu đựng căng thẳng từ hoàn cảnh riêng.
Cho nên, nhẫn nại và hiểu được như vậy rồi, chúng ta dễ dàng thông cảm, yêu thương và hỷ xả cho nhau. Người rèn luyện đức nhẫn sẽ mang lại bình an cho bản thân và mọi người.
2. Gia đình được hạnh phúc, ấm êm
Đối với gia đình, nếu muốn hạnh phúc, êm ấm, vợ chồng cần nhẫn nhịn nhau. Ví dụ, nếu người chồng giận, người vợ nên bớt lời.
Không chỉ vợ chồng, anh em trong gia đình cũng cần thực hành nhẫn nhịn, kính trên nhường dưới.
Ví dụ: Đối với bậc trên, nếu xem thường, không kính trọng - tức là chúng ta không nhẫn. Còn với người dưới, nếu không biết nhường nhịn, hy sinh, bao dung thì đó cũng chưa phải thực hành đức nhẫn.
3. Nhẫn nhục giúp tôi luyện ý chí, vượt qua khó khăn
Nhẫn nại sẽ giúp tôi luyện ý chí và rèn luyện tâm của mình. Có những người tự chọn làm những việc khó để rèn luyện hạnh nhẫn nhục của bản thân. Ví dụ như Bác Hồ tập leo núi để rèn luyện ý chí của mình.
Cho nên, muốn có ý chí, sức mạnh; chúng ta phải nhẫn nhục, chịu đựng. Với những người đã từng nhẫn chịu, khi gặp cảnh khổ, họ sẽ không bị ảnh hưởng nữa; vì họ đã từng vượt qua thử thách đó.
Làm thế nào để thực hành hạnh nhẫn nhục?
1. Suy nghĩ kỹ trước khi nói
Khi đang tức giận, chúng ta cần từ từ, suy xét xem lời nói hiện tại có ích gì cho sự việc này không, nói như vậy có đạt hiệu quả hay không.
Bởi khi tâm còn sân hận, dù ý kiến có đúng, thì lời nói đó cũng không đạt hiệu quả, đối tượng nghe vẫn khó tiếp thu. Cho nên, trước khi đưa ra góp ý, chúng ta nên lắng lại để tâm được bình an, thanh tịnh, không còn tức giận, khó chịu.
Nếu góp ý trong tâm còn sân giận, không nhẫn nại, thì sẽ khiến chuyện nhỏ thành to; mang lại buồn khổ cho chính bản thân và mọi người.
>>Xem thêm: 03 cách ứng dụng Phật Pháp để kiên nhẫn hơn
2. Tập nhẫn với sáu căn, với tâm của mình
Trong đạo Phật, chúng ta cần tập nhẫn để diệt trừ tâm tham, sân, si, kiêu mạn; tập nhẫn với tâm và sáu căn của mình.
Khi tâm khởi ham muốn, chúng ta không được làm theo nó, tức là nhẫn chịu. Ví dụ, giết người, cướp của, đam mê sắc dục là do lòng tham. Khi không nhẫn chịu được lòng tham, chúng ta sẽ bị phạm tội.
Bởi vậy, chúng ta cần nhẫn từ trong tâm, sau đó nhẫn đến ra bên ngoài thân; như vậy được gọi là thân nhẫn. Thân nhẫn là dừng lại được những hành vi của mình.
Hoặc khi muốn giật lấy đồ của người khác, chúng ta dừng được hành động đó. Đây chính là bước nhẫn đầu tiên (nhẫn ở thân). Tuy nhiên, trong tâm có thể vẫn còn hậm hực, tiếc nuối. Nếu tiếp tục dừng lại hành động cho đến khi tâm hậm hực lắng xuống, đó gọi là nhẫn trong tâm.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần tập nhẫn ở miệng. Thông thường, nếu không biết nhẫn, chúng ta dễ dàng buông lời cãi vã, mắng chửi nhau khi trái ý. Khi đó, chúng ta không cãi, không nói tục nữa; đó gọi là nhẫn cái miệng.
Ngoài ra, chúng ta cần nhẫn với cả sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Ví dụ:
+ Nhẫn với mắt: Khi nhìn thấy sắc đẹp, đồ vật đẹp, tâm chúng ta dễ khởi lên ham muốn, thích thú. Khi đó, chúng ta nhẫn nại, không chiều theo ham muốn, đó gọi là nhẫn với mắt. Và ngược lại, khi mắt thấy những điều trái ý, đồ vật xấu; chúng ta khởi tâm sân giận, khởi suy nghĩ muốn hủy hoại nó. Những lúc như vậy, chúng ta phải nhẫn, dừng lại tâm sân để không khởi ý ác. Đó chính là nhẫn nơi con mắt.
+ Nhẫn với tai: Khi nghe thấy những lời khen, chúng ta thường khởi tâm ham thích. Lúc đó, chúng ta cũng cần phải nhẫn. Bởi cũng có nhiều lời khen không biết có đúng hay không. Nếu nhận lời khen đó, chúng ta sẽ bị tự đắc. Cho nên, khi nhận được lời khen, chúng ta phải tự mình xét xem nó có đúng với mình hay không; từ đó nhẫn nại để điều phục tâm kiêu mạn. Đó gọi là nhẫn ở lỗ tai.
Cho nên, mỗi chúng ta phải nhẫn khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần; từ đó sẽ giúp diệt trừ được tâm tham dục, tâm sân hận, kiêu mạn và si mê.
Trên đây là nội dung tóm tắt từ bài giảng “Hạnh nhẫn nhục với người tu Phật” của Thầy Thích Trúc Thái Minh. Từ đó, chúng ta hiểu rằng, hạnh nhẫn nhục không tiêu cực như nhiều người hiểu lầm; trái lại còn giúp bảo vệ mối quan hệ, giúp cuộc sống bình an và hạnh phúc hơn.
Phước báu xa lìa lời nói lưỡi hai chiều - Kinh Thập Thiện bài 8 | Thầy Thích Trúc Thái Minh
29/11/2024 379
Xem thêm
5 sự kiện đặc biệt trước khi Đức Phật thành đạo mà người Phật tử nên biết
Cách tăng khả năng tập trung để làm chủ cuộc sống và thành công hơn
Bình luận, chia sẻ Phật Pháp đúng cách để bình an, tăng trưởng phước báu
Hướng dẫn cách cầu siêu cho thai nhi tại chùa Ba Vàng
Hướng dẫn cách để tượng Phật trên xe ô tô đem lại phước lành, bình an