trực tuyến [TRỰC TIẾP] "4 thứ khó có được ở đời" | Thầy Thích Trúc Thái Minh, ngày 08/11 Canh Tý
Giới thiệu Tin tức Câu lạc bộ - Đạo tràng Nghi lễ Pháp âm Bài viết Thư viện kiến thức Tu học của Tăng chúng Khóa tu mùa hè Câu chuyện chuyển hóa Giải đáp thắc mắc Videos Thư viện ảnh
Những câu chuyện tiền kiếp về Đức Phật Thích Ca và bản nguyện của Ngài khi giáng trần

Đức Phật Thích Ca là bậc Toàn Giác, một con người siêu việt, vĩ đại và duy nhất trên thế gian này. Để mở ra con đường chân hạnh phúc, không còn khổ đau của sinh tử luân hồi, từ vô lượng kiếp trước, Đức Phật đã tinh tấn tu hành không dừng nghỉ, thậm chí là hy sinh cả máu thịt của mình vì lợi ích chúng sinh.

Vậy từ vô lượng kiếp trước Đức Phật là ai? Ngài giáng sinh nơi trần gian với bản nguyện gì? Kính mời quý Phật tử cùng tìm hiểu qua lời giảng của Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh trong bài viết dưới đây.

Những tiền kiếp trước Đức Phật Thích Ca là ai?

Đức Phật từng tuyên bố: “Ta là Phật đã thành. Chúng sinh là Phật sẽ thành”. Câu nói của Ngài không phải là lời suông mà khẳng định sự thật. Nhiều kiếp trước, Ngài cũng từng là những chúng sinh, trải qua vô lượng kiếp tu hành, cho đến kiếp cuối cùng Ngài đắc thành quả vị Phật.

Trong buổi Pháp thoại “Trước khi đản sinh, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là ai?”, Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh trích giảng kinh Mi Tiên vấn đáp để đại chúng phần nào hiểu được câu chuyện về ba tiền kiếp của Ngài là chàng trai Thiện Huệ, Bồ tát Vessantara và Bồ tát Hộ Minh.

1. Chàng trai Thiện Huệ được Đức Phật Nhiên Đăng thọ ký

Thời Đức Phật Nhiên Đăng, có một vị Thái tử tên Phổ Quang, con của vua Đăng Chiếu; là tiền thân của Đức Phật Thích Ca. Sau đó, vị Thái tử ấy đã phát tâm xuất gia tu hành, lấy Pháp danh là Thiện Huệ. Tuy nhiên, khi ấy Thiện Huệ chưa phải là đi xuất gia tu hành theo Đức Phật.

Một lần, Thiện Huệ nghe tin Đức Phật Nhiên Đăng đi giáo hóa nên quyết định mang tiền, vàng đến cúng dường Ngài. Trên đường, chàng gặp nàng thôn nữ trên tay cầm bảy đóa sen xanh cũng đi cúng dường Phật Nhiên Đăng. Thiện Huệ ngỏ lời xin mua lại hoa để cúng dường. Nàng thôn nữ vì cảm mến Thiện Huệ nên đã không bán mà chia hoa cho chàng và hai người cùng đi dâng hoa cúng dường Phật Nhiên Đăng. Và nàng kết giao rằng: Từ nay cho đến nhiều kiếp về sau, hai người sẽ trở thành vợ chồng. Nàng sẽ trợ duyên cho chí nguyện tu đạo giải thoát của chàng. Cho đến kiếp cuối cùng chàng Thiện Huệ chính là Thái tử Tất Đạt Đa và cô thôn nữ chính là công chúa Da Du Đà La.

Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh chia sẻ về tâm nguyện của Thiện Huệ khi đến pháp hội: “Khi nhìn thấy dung tướng của Đức Phật Nhiên Đăng thì Thiện Huệ rất cảm động và chàng phát ra đại nguyện: Con nguyện sẽ quyết chí theo Ngài tu hành và sẽ chứng đạt thành tựu trí tuệ toàn giác như Ngài”.

Sau khi phát lời đại nguyện chân thật thì Thiện Huệ lần lượt tung năm bông hoa sen của mình và hai bông hoa sen của cô gái lên trên trời để dâng cúng Phật. Thật kỳ diệu, năm bông hoa sen khi tung lên liền biến thành một đài sen rất lớn và hai bông hoa của cô gái thì kết thành một đài hoa rất đẹp bay đến chỗ Phật Nhiên Đăng. Khi ấy, Đức Phật nói nhân duyên của hai đài sen có hai vị phát nguyện rất lớn. Sau đó, Thiện Huệ và cô thôn nữ cùng tu hành theo Phật Nhiên Đăng.

Trong một lần khác, Thiện Huệ nghe tin Đức Phật Nhiên Đăng đi giáo hóa sẽ đi qua con đường lầy, chàng đã ra sức làm đường. Nhưng thời gian không đủ, vẫn còn một khúc đường lầy nhỏ; khi đó chàng liền nằm xuống, nguyện lấy thân lót đường cúng dường Đức Phật.

Thiện Huệ lấy thân mình lót đường bùn lầy để cúng dường Đức Phật

Thiện Huệ lấy thân mình lót đường bùn lầy để cúng dường Đức Phật

Thiện Huệ lấy thân mình lót đường bùn lầy để cúng dường Đức Phật

Công đức cúng dường của Thiện Huệ từ nhiều kiếp kết tụ thành, khiến chàng trai hội đủ duyên lành thù thắng. Sư Phụ giảng giải: “Khi ấy, Đức Phật Nhiên Đăng thấy được tâm của Thiện Huệ đúng thật là tâm vô ngại, cho nên Ngài đã thọ ký: Ngươi sau này tu hành sẽ thành tựu Phật quả, hiệu là Thích Ca Mâu Ni”.

2. Bồ tát Vessantara - bố thí vợ con

Đức Phật Thích Ca có kiếp là Bồ tát Vessantara. Ngài vốn là hoàng tử con vua nước Sivi. Sau khi lên ngôi trị vì đất nước thì đã bố thí con voi quý để giúp cho đất nước bạn có được mưa thuận, gió hòa sau nhiều năm hạn hán. Sự việc ấy khiến Ngài phải rời khỏi cung thành. Sau đó, Ngài tiếp tục bố thí trang sức, vàng bạc, ngựa đi đường...tất cả những gì trên người mình cho những người đến xin.

Đặc biệt, trong một lần Ngài phát nguyện tu bố thí ba la mật; đó là bố thí vợ và con của mình. Sự bố thí cao thượng đã làm chấn động cả Tam Thiên, Đại Thiên thế giới. Như trong kinh Mi Tiên vấn đáp bài số 163, Đại đức Na Tiên nói: khắp các cõi Trời, người, Đế thích, A-tu-la, Long Vương, Phạm thiên, Dạ xoa, Ma vương... Tất thảy, ai cũng nổi gai ốc, dựng tóc gáy; và ai cũng tán dương, khen ngợi không hết lời! Bồ-tát Vessantara đã thực hành pháp hạnh bố thí ba la mật cho đến trọn đời trọn kiếp.

Và trong nhiều kiếp hành Bồ tát đạo, Đức Phật Thích Ca đã từng bố thí cả thân mạng của mình của cho chúng sinh. Ngài từng xả thân để cứu năm con cọp bị đói sắp chết. Ngài cũng từng phát nguyện làm con cá lớn để cả dân làm lấy thịt chữa bệnh.

3. Bồ tát Hộ Minh - Thiên chủ cõi Trời Đâu Suất

Sau rất nhiều kiếp tu hành đến thời Đức Phật Ca Diếp, Thiện Huệ tái sinh là Thái tử Hộ Minh lên làm vua nhưng cũng bỏ ngôi vị đi xuất gia cầu đạo. Khi xuất gia tu hành công hạnh viên mãn, Ngài bỏ báo thân ở cõi người, sinh lên cõi trời Đâu Suất làm Bồ tát Hộ Minh. Khi chư Thiên thấy Ngài vãng sinh lên đây, họ sung sướng loan tin lên các tầng trời.

Bồ tát Hộ Minh từ trên cõi Trời Đâu Suất giáng sinh xuống trần gian

Bồ tát Hộ Minh từ trên cõi Trời Đâu Suất giáng sinh xuống trần gian

Bồ tát Hộ Minh từ trên cõi Trời Đâu Suất giáng sinh xuống trần gian

Bồ tát Hộ Minh từ trên cõi Trời Đâu Suất giáng sinh xuống trần gian

Bồ tát Hộ Minh từ trên cõi Trời Đâu Suất giáng sinh xuống trần gian

Trong kinh Bản Hạnh, Đức Phật dạy do sức oai thần và công đức của Bồ tát Hộ Minh nên khi Ngài tái sinh lên cung Trời Đâu Suất, nơi đây xuất hiện vô lượng cảnh trí trang nghiêm, cung điện chiếu sáng rực rỡ. Ở cõi Trời tuy sung sướng, có năm thứ dục lạc thù diệu nhưng tâm Ngài không bị các thứ dục lạc mê hoặc, chưa từng mất chính niệm, không quên bản nguyện. Khi Bồ Tát Hộ Minh sắp hết thọ mạng nơi cõi Trời, hiện năm tướng suy, chư Thiên lo lắng, khóc lóc, than trách vì khi Ngài sống trong cõi Trời Đâu Suất, thuyết Pháp giáo hóa, chỉ dạy khiến chư Thiên sinh tâm vô cùng hoan hỷ.

Tại sao Đức Phật lại quyết định giáng trần?

Khi mãn tuổi thọ 4000 năm trên cõi Trời Đâu Suất, Bồ tát Hộ Minh quyết định xuống nhân gian để thực hiện bản hoài vĩ đại của mình. Bởi Ngài quán sát và thấy ba nhân duyên sau đây:

Thứ nhất, Sư Phụ chia sẻ: “Ngài quán sát thấy tất cả chúng sinh không phải ở cõi Nam Diêm Phù Đề này mà trong tất cả pháp giới đối với Ngài đều đã từng là thân nhân quyến thuộc nhiều kiếp”.

Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh lý giải rằng, sự quán sát đó là do nhiều đời, nhiều kiếp Ngài đã tu hành tinh tấn, chứng đạt được trí tuệ hiểu rõ sự thật. Ngài thấy được tất cả chúng sinh đều từng là cha, là mẹ, anh em ruột thịt trong nhiều kiếp của Ngài. Vì vậy, Ngài khởi lên tình yêu thương vô lượng với tất cả chúng sinh.

Ngài quán sát thấy rằng tất cả chúng sinh đều đã từng là thân nhân quyến thuộc của Ngài trong nhiều kiếp (ảnh minh họa)

Ngài quán sát thấy rằng tất cả chúng sinh đều đã từng là thân nhân quyến thuộc của Ngài trong nhiều kiếp (ảnh minh họa)

Ngài quán sát thấy rằng tất cả chúng sinh đều đã từng là thân nhân quyến thuộc của Ngài trong nhiều kiếp (ảnh minh họa)

Thứ hai, Sư Phụ chia sẻ: “Ngài lại quan sát thấy tất cả chúng sinh đều có đầy đủ khả năng để giác ngộ. Trong kinh Hoa Nghiêm, Ngài nói rằng tất cả chúng sinh đều có đầy đủ đức tướng trí tuệ Như Lai”.

Tức là Ngài tuyên bố tất cả chúng sinh đều có thể thành Phật. Đây là điều vô cùng đặc biệt, bởi chưa một giáo chủ của tôn giáo nào dám nói điều này. Chúng sinh đang u mê, quên mất bản tính chân như của mình, phải chịu khổ trong luân hồi sinh tử mà không biết lối ra. Vậy nên, sự thị hiện của Đức Phật chính là mở ra con đường đưa đến hạnh phúc, không có khổ đau.

Thứ ba, Sư Phụ giảng giải: “Ngài lại thấy giữa Ngài và chúng sinh không có sai khác. Ngài và chúng sinh đều chung cùng một bản thể, một bản tính chân như”.

Sư Phụ lý giải bản nguyện của Bồ tát Hộ Minh: “Chúng sinh có đầy đủ đức tướng trí tuệ Như Lai, lại là ruột thịt với Ngài mà tại sao lại phải chịu khổ? Từ ba cái thấy như vậy nên Bồ Tát Hộ Minh không thể bỏ chúng sinh mà Ngài nhất khoát phải cứu độ, phải giúp cho tất cả chúng sinh còn chìm đắm trong đau khổ được giải thoát như mình. Chính vì vậy, Đức Phật xuống trần gian chúng ta với một trọng trách rất nặng nề”.

Bản nguyện của các Đức Phật là cứu độ, giúp cho tất cả chúng sinh còn chìm đắm trong đau khổ được giải thoát như mình

Bản nguyện của các Đức Phật là cứu độ, giúp cho tất cả chúng sinh còn chìm đắm trong đau khổ được giải thoát như mình

Bản nguyện của các Đức Phật là cứu độ, giúp cho tất cả chúng sinh còn chìm đắm trong đau khổ được giải thoát như mình

Từ lời giảng giải của Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh, chúng ta thấy rằng trong vô lượng kiếp tu hành của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, từ kiếp quá khứ lâu xa (chàng trai Thiện Huệ) cho đến kiếp áp chót (Bồ tát Hộ Minh), dù ở địa vị cao sang quyền quý, Ngài cũng không màng danh lợi, không quên bản nguyện cứu độ chúng sinh.

Nếu thế gian không có mặt trời, thế gian sẽ vô cùng tăm tối. Cũng vậy, nếu không có Đức Phật ra đời, chúng ta sẽ không bao giờ biết đến ánh sáng chân lý nhiệm màu của Phật Pháp, đưa chúng ta đi qua biển khổ sông mê của luân hồi sinh tử. Quả thật, Đức Phật là một con người vô cùng vĩ đại trên thế gian này!

Tịnh Duyên

Bài liên quan