trực tuyến [TRỰC TIẾP] "4 thứ khó có được ở đời" | Thầy Thích Trúc Thái Minh, ngày 08/11 Canh Tý
Giới thiệu Tin tức Câu lạc bộ - Đạo tràng Nghi lễ Pháp âm Bài viết Thư viện kiến thức Tu học của Tăng chúng Khóa tu mùa hè Câu chuyện chuyển hóa Giải đáp thắc mắc Videos Thư viện ảnh
Rưng rưng khi được thấy những bước chân trần trong giá lạnh mùa đông
Khất thực 23/12/2019

Hình ảnh Tăng đoàn chùa Ba Vàng trì bình khất thực sáng chủ nhật từ lâu đã trở nên quá đỗi quen thuộc trong lòng mỗi người Phật tử. Thế nhưng, khi được tham gia sớt bát cúng dường Tăng chúng vào ngày 22/12/2019 (nhằm ngày 27/11/Kỷ Hợi) - ngày miền Bắc đón không khí lạnh tràn về, được trực tiếp nhìn thấy hình ảnh những người tu sĩ với đôi chân trần tự tại bước đi khất thực, rất nhiều Phật tử đã không kìm nén được niềm xúc động của mình.

Những bước chân trần trong giá lạnh mùa đông khiến nhiều người xúc động

Đúng đợt không khí lạnh tràn về miền Bắc, trời mưa phùn kết hợp với sương mù giăng phủ, nhưng ngay từ sáng sớm, rất đông Phật tử và du khách thập phương đã cùng về chùa Ba Vàng tham gia buổi lễ sớt bát cúng dường chư Tăng. Mặc dù sáng sớm rất lạnh, sương mù trắng xóa, mưa phùn lất phất; nhưng dường như buổi sớt bát được chư Thiên ủng hộ; tới giờ chư Tăng đi khất thực thì trời bỗng nhiên tạnh mưa sân chùa trở nên khô ráo. Các Phật tử ai nấy đều hoan hỷ, chắp tay trang nghiêm quỳ đón chờ chư Tăng đi khất thực. Chư Tăng tuần tự di chuyển từ nội viện Tăng, tay ôm bình bát, thong dong tự tại, lần lượt đi đến hồ Bán Nguyệt, ngã 7 nơi thờ Phật Di Lặc, rồi tiến về sân Chính điện và cuối cùng trở về nội viện Tăng.

Du khách và Phật tử dâng tịnh tài cúng dường đến Tăng đoàn

Du khách và Phật tử dâng tịnh tài cúng dường đến Tăng đoàn

Khi thấy hình ảnh chư Tăng chân đất ôm bình đi khất thực, có lẽ trong lòng các Phật tử ai cũng dâng trào lên những dòng cảm xúc. Có người cảm thấy hoan hỷ, người hạnh phúc nghẹn ngào, người thấy rưng rưng xúc động nhưng tựu chung lại ai nấy đều chung một niềm tôn kính đối với chư Tăng. Là người con đến từ Hải Phòng, Phật tử trẻ Nguyễn Thanh Tuấn đang làm tại công ty VinFast hạnh phúc chia sẻ về nhân duyên biết đến chùa thông qua một người bạn giới thiệu. Sau khi lên mạng tìm hiểu và biết đến bài giảng của Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh; nhận thấy những lợi ích chân thật khi tu tập, Thanh Tuấn đã quyết định về chùa quy y Tam Bảotu tập Bát quan trai hàng tháng. Được tham gia buổi sớt bát, Thanh Tuấn xúc động chia sẻ: “Khi nhìn thấy Tăng đoàn đi khất thực mình rất xúc động. Quý Thầy là những người đã từ bỏ tất cả, từ bỏ gia đình, tuổi thanh xuân tìm cầu giác ngộ, giải thoát. Đây là điều rất khó mà không phải ai cũng làm được. Hôm nay, trời lạnh mà quý Thầy đi chân đất mình rất xúc động, nước mắt rưng rưng”.

Bình bát của Sa-môn - ruộng phước điền thế gian

Thời Phật còn tại thế, Ngài cùng các đệ tử sống bằng cách đi khất thực từ nhà này đến nhà khác. Vật sở hữu của quý Ngài không có gì ngoài 3 tấm y và một bình bát. Bình bát là vật dụng để chứa đựng thực phẩm vừa đủ sức ăn của một người. Chư Tăng đi xin ăn bằng bình bát cũng chỉ lấy đủ với sức của mình mà không lấy tích chứa thêm. Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh từng giảng: “Tỳ-kheo ăn bằng bình bát để nuôi sống thân mạng, nhưng cũng để học hạnh tùy thuận, không khen chê đồ ăn. Thứ nữa, khi đi khất thực bữa no bữa đói giúp vị Tỳ kheo nhẫn được những điều khó nhẫn, những điều không vừa ý đến với mình. Đối với người xuất gia, việc ăn cơm bằng bình bát mang lại nhiều lợi ích; tâm ít bị phiền não, đoạn trừ tâm kiêu mạn, giảm trừ lòng tham và để có nhiều thời gian tu hành. Khất thực đúng Pháp không những lợi ích cho người xuất gia mà còn tạo cơ duyên cho người cúng dường thực hành tâm bố thí và kết thiện duyên với Tam Bảo.”

Phật tử chắp tay trang nghiêm đảnh lễ Tăng đoàn

Phật tử chắp tay trang nghiêm đảnh lễ Tăng đoàn

Trong bài giảng 5 hạng người ăn bằng bình bát, Sư Phụ cũng chia sẻ: “Một vị Tỳ-kheo ôm bình bát đi khất thực thì phải là ruộng phước điền để chúng sinh gieo trồng. Người ấy phải tu tập làm sao để mình là ruộng phước màu mỡ. Khi thí chủ phát tâm cúng dường đều phát sinh phước báu. Nếu ăn bình bát vì ngu si không hiểu biết, không thực hành Pháp; kiêu mạn, ác dục hoặc ăn bằng bình bát vì ham danh, vì nghe Thế Tôn khen ngợi thì những người đó không đem lại phước báu to lớn cho thí chủ cúng dường”.
Khi được hỏi về ý nghĩa của bình bát của chư Tăng, Phật tử trẻ Thanh Tuấn chia sẻ: “Chư Tăng đi khất thực có nhiều mục đích, nhưng quan trọng hơn hết là đoạn trừ lòng kiêu ngạo và thực hành hạnh nhẫn nhục. Mình từng nghe Phật dạy bình bát của chư Tăng là ruộng phước điền để chúng sinh gieo trồng, tạo ra phước báu, hạnh phúc đời này và những kiếp về sau. Chư Tăng mang bình bát đi khất thực gieo duyên để chúng sinh biết bố thí, biết cho ra thì họ sẽ nhận lại quả báo tốt lành, bởi cho ra là hạnh phúc, cho ra là nhận lại”.

Bình bát của Sa môn là ruộng phước phước điền của chúng sinh

Bình bát của Sa môn là ruộng phước phước điền của chúng sinh

Pháp tu khổ hạnh đầu đà là phương thức duy trì chính Pháp được trường tồn mãi ở thế gian

Đệ nhất đầu đà Tôn giả Đại Ca Diếp là vị Thánh Tăng sống trọn đời với Pháp hạnh đầu đà làm lợi ích cho chúng sinh. Ngài suốt một đời thực hiện khất thực không phân biệt giàu nghèo, ngồi một chỗ hoặc dưới gốc cây, hoặc ngoài đồng trống, hoặc chỗ vắng vẻ trọn chẳng dời đổi, hoặc mặc áo năm mảnh, hoặc giữ ba y, hoặc ở gò mả, hoặc ăn một bữa hoặc ăn đúng ngọ, hoặc hành đầu đà.
Đức Phật đã tán thán Tôn giả Đại Ca Diếp: “Lành thay! Lành thay, Ca Diếp! Thầy có nhiều lợi ích, độ người vô lượng, rộng đến tất cả Trời, Người đều được độ. Vì sao? Ca Diếp! Nếu hạnh đầu đà này được ở đời thì Pháp của ta cũng sẽ được lâu dài ở đời. Nếu có Pháp ở đời, thì thiên đạo tăng thêm, ba đường ác liền giảm. Cũng vậy, Thánh Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, đạo Tam thừa đều còn ở đời. Này các Tỳ-kheo, hãy học như Ca Diếp tu tập”.

Trưởng lão Đại Ca Diếp độ bà lão nghèo

Trưởng lão Đại Ca Diếp độ bà lão nghèo

Vâng lời dạy của Đức Thế Tôn và học hạnh đầu đà của Tôn giả Đại Ca Diếp, chư Tăng, Ni chùa Ba Vàng đang ngày đêm miên mật tu tập theo Pháp khổ hạnh đầu đà cầu Thánh quả làm lợi ích cho nhân, Thiên.

Chư Tăng chùa Ba Vàng thực tập tu tập sống trong rừng

Chư Tăng chùa Ba Vàng thực tập tu tập sống trong rừng

Phật tử Phạm Thị Hạnh đến từ đạo tràng Minh Long Thanh Trì - Hà Nội lần đầu tiên được sớt bát cúng dường chia sẻ: “Hôm nay được đủ duyên về chùa sớt bát tôi rất hạnh phúc, đêm không ngủ được, chỉ mong sớm được về chùa. Tôi được biết chư Tăng ngày ăn một bữa, tối ngủ trong rừng. Hôm nay được sớt bát cúng dường, tôi rất vinh dự vì được thực hiện mong mỏi của mình. Nhìn thấy chư Tăng với đôi tay, đôi chân nứt nẻ, tôi rất xúc động, không cầm nổi nước mắt của mình”. 

Bước chân thong dong, tự tại của người khất sĩ trong tiết trời se lạnh

Bước chân thong dong, tự tại của người khất sĩ trong tiết trời se lạnh

Hình ảnh chư Tăng khuất dần xa xa, nhưng đôi mắt cô vẫn nhìn theo rưng rưng mãi. Tấm lòng của cô thật đáng quý biết bao. Hình ảnh chư Tăng khất thực là biểu trưng cho sự giải thoát của những bậc đã giải thoát mà Đức Phật là người khai sáng. Chư Tăng khất thực là thực hành hạnh xả bỏ bản ngã và thể hiện tấm lòng từ bi đến với chúng sinh. Nhận phẩm vật ngon dở, không phân biệt giàu nghèo là biểu tượng của sự thanh tịnh và lòng bình đẳng đối với chúng sinh. Với tấm lòng ấy, chúng ta thấy Tăng đoàn thật là cao quý.

Tăng đoàn trì bình khất thực là sự biểu trưng cho sự giải thoát

Tăng đoàn trì bình khất thực là sự biểu trưng cho sự giải thoát

Hy vọng rằng, sẽ có nhiều người đủ duyên được sớt bát cúng dường chư Tăng để nhiều đời nhiều kiếp về sau, họ được lợi ích thiện lành, đủ nhân duyên giác ngộ và giải thoát.

Liên Tú

Xem thêm: Tôn Giả Đại Ca Diếp – Đại Đệ Tử Phật Với Hạnh Đầu Đà Đệ Nhất

Vẻ đẹp khất thực bình yên một sáng mùa Đông