trực tuyến [TRỰC TIẾP] "4 thứ khó có được ở đời" | Thầy Thích Trúc Thái Minh, ngày 08/11 Canh Tý
Giới thiệu Tin tức Câu lạc bộ - Đạo tràng Nghi lễ Pháp âm Bài viết Thư viện kiến thức Tu học của Tăng chúng Khóa tu mùa hè Câu chuyện chuyển hóa Giải đáp thắc mắc Videos Thư viện ảnh
Tập tính tốt của con gà và sóc giúp người đệ tử Phật thực hành thành tựu đạo Pháp
Bài viết 11/10/2019

“Tu không học thì tu mù
Học không tu thì chỉ là cái đãy đựng sách”.

Đối với người đệ tử Phật, tu tập để tiến đạo luôn là điều tối quan trọng. Tu là sửa đổi thân tâm mình từ xấu ác thành thiện lành, chính trực; sửa tà tâm thành chính tâm; từ u mê thành giác ngộ, sáng suốt. Xuyên suốt con đường đó, mỗi hành giả cần phải biết quan sát, lắng nghe những điều xung quanh để tăng trưởng kiến thức Phật pháp. Tiếp tục những câu chuyện rất thú vị giữa Đại Đức Na Tiên và vua Mi Lan Đà với chủ đề “Những tập tính tốt của con lừa, con gà, con sóc mà Tỳ kheo cần phải học” qua lời giảng của Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh ngày 28/9/2019 (tức 30/8/Kỷ Hợi), đại chúng được trang bị thêm những kiến thức Phật pháp cần thiết. Trong bài viết này, tập tính tốt của con gà và con sóc sẽ được làm rõ để các Phật tử lấy đó làm bài học trên lộ trình tu hành Phật Pháp.

Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh ban bố cho đại chúng những dòng Pháp nhũ quý báu

Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh ban bố cho đại chúng những dòng Pháp nhũ quý báu

Sự tỉnh thức của con gà - điều lợi ích thứ nhất mà mỗi người hành giả cần học

Tỳ kheo Na Tiên đã nói với vua Mi Lan Đà về sự tỉnh thức của con gà: “Suốt đêm gà luôn luôn tỉnh thức, chỉ một tiếng động nhẹ là nó biết ngay. Trời còn mờ mờ sáng, gà không bước ra khỏi chuồng. Một vị Tỳ kheo cũng cần phải tỉnh thức như thế. Trời còn sớm không nên ôm bát khất thực ra khỏi chùa, phải lo các công việc quét liêu thất, vườn, chùa, bảo tháp,... Rồi còn làm vệ sinh, múc nước đầy chỗ này chỗ kia, tìm đảnh lễ Thầy Tổ hoặc các vị Tỳ kheo cao hạ,…”
Sư Phụ cũng chỉ dạy, người hành giả trong tu tập cần trang bị cho mình đức tính cao quý này. Đó là luôn tỉnh thức trong các hành vi, biết bao quát, quán xuyến công việc, chu toàn phận sự để vượt lên sự lười biếng, trễ nải. Hành giả đó cũng luôn phải chân thật thực hành Chính Pháp để tăng trưởng giác ngộ và trí tuệ giải thoát. Vị đó phải thường cung kính, đảnh lễ, cúng dường những bậc chân tu để thành tựu cho mình tâm niệm biết ơn. Như chư Tăng chùa Ba Vàng đang ngày đêm thực hành các pháp khổ hạnh đầu đà, luôn đề cao sự tỉnh giác trong các đề mục thiền quán, chân thật cầu thánh quả, mang lợi ích đến với chúng sinh muôn loài.

Đức tính cao quý thứ hai cần học từ con gà: chủ động đề phòng hiểm nguy

Trong bài kinh, Tỳ kheo Na Tiên lấy dẫn chứng: “Khi trời sáng rõ đường, gà mới xuống chuồng đi kiếm ăn, nó lang thang từ chỗ này sang chỗ khác. Một vị Tỳ kheo cũng nên như thế, khi hoàn thành xong công việc ở chùa mới đi trì bình khất thực; cũng lang thang từ nhà này sang nhà nọ, từ con đường này sang con đường khác. Gà tuy kiếm miếng ăn nhưng luôn đề phòng các kẻ thù tấn công như chồn, cáo, diều hâu... Vị Tỳ kheo cũng y như vậy, dầu khất thực xin ăn nhưng cũng phải cảnh giác đề phòng tâm hươu ý vượn, phải thu thúc thân, khẩu, ý”.
Quá trình đi khất thực, nếu không tỉnh giác, đề phòng tâm ý của mình thì sẽ dễ bị ngoại cảnh tác động, chi phối. Từ đó mình dễ bị dao động, lôi kéo theo các cạm bẫy, dục lạc tầm thường nơi thế gian mà đánh mất định tâm cao quý. Sư Phụ đã căn dặn chúng đệ tử rằng: “Người tu phải tập sự tỉnh giác, phòng hộ để ngăn chặn những dục lạc, phiền não bên ngoài xâm nhập vào mắt, vào tai. Vì nó có thể làm rối loạn tâm dẫn đến không tu hành được. Đối trước việc không liên quan đến tu tập của mình thì không nên tham gia, bàn bạc. Vì như thế sẽ xuất sinh nhiều phiền não, khó an tịnh tâm. Người khéo tu thì biết buông, cái gì quan trọng với mình thì mới nên quan tâm. Đã làm việc gì thì phải tập trung, sâu sát; cũng như đã tu tập chủ đề nào thì phải bám chặt chủ đề đó thì mới có kết quả tốt”. Giống như người leo núi phải rất vất vả mới chinh phục được đỉnh cao; người tu cũng cần phải nỗ lực, gắng sức vượt qua tham dục, đắm chấp của chính mình mới thành tựu được đạo Pháp. Đây là những điều rất thực tế để mỗi hành giả luôn phải khắc ghi trên lộ trình tìm cầu chân hạnh phúc.

Những bước chân tự tại khi đi khất thực của Tăng đoàn chùa Ba Vàng

Những bước chân tự tại khi đi khất thực của Tăng đoàn chùa Ba Vàng

Gà rất tự tại và luôn tỉnh giác khi ăn là điều đáng học thứ ba

Quan sát gà khi ăn sẽ thấy sự chăm chú và cảnh giác của nó. Trước khi ăn, nó dùng chân bới vật thực ra, ăn mỗi chỗ một ít không kể ngon hay dở. Một vị Tỳ kheo cũng nên như vậy, khi đi khất thực, người ta cho gì cũng nhận, kể cả cho đồ ăn thiu thì vẫn phải nhận và thọ thực, không được kén chọn. Khất thực đủ phần mình thì không được nhận nữa. Phải ăn trong chánh niệm, không kể ngon hay dở. Ăn theo thứ tự từ trên xuống dưới, ăn hết không được để dư thừa. Đại đức cũng chỉ dạy các vị Tỳ kheo khi ăn cũng phải quán tưởng: "Vật thực này có gì đâu, nó là đất, nước, lửa, gió đấy thôi; thích thú mà làm gì, thỏa mãn mà làm gì! Ta ăn là để duy trì sức khỏe và sự sống mà tu hành; chẳng nên ăn để trang điểm cái thân, dưỡng cái thân cho mập mạp; chẳng nên ăn để mà chơi, để nô đùa, lêu lổng,... Ăn để giảm trừ thọ khổ do đói gây nên, để khỏi ảnh hưởng đến việc tu tập". Thực hiện theo lời Phật dạy, Sư Phụ đã giảng thêm cho đại chúng: “Chư Tăng chùa Ba Vàng đang thực hành hạnh thiểu dục tri túc, khi ăn cũng luôn quán sát, đề phòng tâm ý mình. Đó là quán thức ăn này từ đâu đến, công của người nhiều hay ít; mình đã có công đức gì mà được thọ nhận thức ăn này; khi ăn phải đề phòng tâm tham; coi thức ăn như thuốc chữa bệnh gầy ốm; vì thành đạo mà thọ nhận thức ăn này”. Và còn bởi vì: “Ăn chỉ là chuyện bất đắc dĩ đối với người chân thật tu tập”. Miếng ăn cũng chỉ để giúp cái thân bất tịnh này được an ổn khỏi đói khát, bệnh tật mà tiến tu đạo Pháp. Trên lộ trình vượt qua sinh tử luân hồi, sự tỉnh giác trong tu tập luôn là điều quan trọng thiết yếu hơn cả.

Mắt mờ và sáng đúng thời là điều lợi ích thứ tư cần học từ con gà

“Ban đêm, gà mắt mờ nhưng ban ngày mắt gà rất sáng, rất tỏ tường cả cây kim, sợi chỉ. Chạng vạng tối, khi gà lên chuồng là mắt mờ hẳn, dường như đui hẳn”. Cũng thế đối với các vị Tỳ kheo, tâm rất tỉnh thức nhưng phải làm như đui, như điếc khi trì bình khất thực trong xóm làng, vào thành phố. Bởi lẽ khi giao tiếp với lục trần, tâm hươu, ý vượn; nếu không kiểm soát chặt chẽ sẽ dễ buông lung, phóng dật. Khi ấy, người hành giả khó có thể chú tâm vào các đề mục thiền quán mà tăng trưởng thiện pháp cho chính mình. Từ đó, dễ lạc vào con đường tìm sự thỏa mãn dục lạc và dục lạc ấy sẽ “nuốt chửng” những ai không vững tâm tu hành. Thật đúng như Tôn giả Ca-chiên-diên đã dạy: "Hành giả tu tập, có con mắt sáng cũng làm như mờ, có lỗ tai tốt cũng làm như điếc, có miệng lưỡi thiện thuyết cũng làm như câm; có sức mạnh, dũng cảm cũng nên làm như kẻ yếu đuối; có sự việc gì xảy ra thì thân tâm đều nằm ngủ yên lặng, như mẹ ru con ngủ vậy".

Chư Tăng chùa Ba Vàng thực hành hạnh khất thực thiểu dục tri túc

Chư Tăng chùa Ba Vàng thực hành hạnh khất thực thiểu dục tri túc

Tập tính cao thượng thứ năm cần học của con gà là bám chặt, kết dính, chú tâm

Điểm đặc biệt của con gà là dù có lấy cây, lấy gậy xua đuổi, nó không bao giờ muốn bỏ cái chuồng cũ của mình. “Với một vị Tỳ kheo, khi làm bất cứ một công việc gì cũng phải bám chặt, kết dính, chú tâm vào công việc ấy. Khi đang mang y, mang bát hoặc học Pháp... đều phải nhất tâm bám chặt vào đó, dù cho các ý niệm nổi trôi, dù cho những sự quyến rũ bên ngoài muốn xua đuổi rời khỏi công việc, cũng không đi”. Thực hiện lời dạy này của Đại đức Na Tiên, Sư Phụ và chư Tăng Ni chùa Ba Vàng đang ngày đêm nỗ lực thực hành Pháp cầu trí tuệ Bồ đề. Sư Phụ chỉ dạy: “Với Pháp môn Thiền Tịnh song tu của chư Tăng tại chùa Ba Vàng, tịnh ba nghiệp thân, khẩu, ý cho trong sạch và thực tập pháp thiền Tứ niệm xứ là căn bản (Niệm thân, niệm thọ, niệm tâm và niệm pháp)”. Đây là con đường đưa đến thanh tịnh cho chúng sinh, thắng vượt các phiền não, diệt trừ khổ đau, sầu não, đạt đến chính đạo, chứng đắc Niết Bàn. Đây cũng là Pháp tu căn bản mà chư Tăng, Phật tử cần phải học và thực hành chân thật để là điểm tựa cho mình tiến đạo. Dù có bị mắng chửi, xua đuổi, đánh đập,… mỗi người tu cũng phải kiên quyết bám trụ, kiên định tuân thủ theo lời giáo huấn của Đức Thế Tôn, nương vào pháp Tứ niệm xứ để thực hành trọn vẹn công đức.

Khi có phận sự phải đi ra ngoài thì chư Tăng chùa Ba Vàng luôn mang theo Y và mang theo Bình bát riêng của mình

Khi có phận sự phải đi ra ngoài thì chư Tăng chùa Ba Vàng luôn mang theo Y và mang theo Bình bát riêng của mình

Tập tính cao quý của con sóc là phòng ngừa và chiến đấu với kẻ thù

Con sóc cũng có những đặc tính giúp ích cho người tu hành: “Khi thấy kẻ thù, kẻ nghịch, kẻ lạ đến; sóc thường phồng cái đuôi của mình lên để hăm dọa hoặc chống cự lại. Cũng tương tự thế, các vị Tỳ kheo khi gặp ngoại trần hung dữ, cường liệt, cũng phồng cái đuôi Tứ niệm xứ của mình to lên để chiến đấu, chống chọi lại”. Với mỗi người hành giả, phiền não, tham ái là những kẻ thù lớn có thể ảnh hưởng đến tâm trí và kết quả tu tập, thiền định. Khi nó đến gần, người đó không được chậm trễ mà phải dùng Tứ niệm xứ mà quán chiếu chống lại để vượt qua mới có thể thành tựu đạo quả. Ví như khi Tỳ kheo gặp nữ sắc thì phải quán thân bất tịnh trong Tứ niệm xứ để vượt qua. Nó không chỉ dừng lại trên miệng lưỡi, chỉ có thật tu mới có thể thành tựu được. Trước ngũ dục, lục trần cần phải tỉnh giác mới có thể vượt qua, điều trị tham dục và đắm chấp về xác thân của mình. Đó cũng là những điều căn bản mà Sư Phụ và chư Tăng chùa Ba Vàng đang ngày đêm nỗ lực thực hành Pháp, cầu ánh sáng giác ngộ, giải thoát; giúp chúng sinh vượt qua lầm mê trong cuộc đời.

Năm đức tính của con gà cùng với sự chủ động phòng ngừa và chiến đấu của con sóc đã được ứng dụng để hình thành những phẩm chất cao quý nơi những bậc chân thật tu hành cầu trí tuệ Phật. Chắc chắn điều đó sẽ mang lại lợi ích lớn đối với các chúng sinh.
Qua lời chỉ dạy của Sư Phụ, đại chúng hiểu thêm về những tập tính của mỗi con vật mà có thể ứng dụng thực hành, đạt lợi ích trong tu tập. Điều đó khẳng định rằng, chỉ có chân thật thực hành Pháp của Đức Như Lai mới có thể chiến thắng các tập khí xấu; chính là chiến thắng nguồn gốc của khổ đau, luân hồi sinh tử. Những tâm niệm cấu uế phải làm cho sạch sẽ, bởi vì “Hết phàm là Thánh, hết si mê tức giác ngộ”. Làm những việc lớn lao như vậy, nếu không có chí, nếu chẳng lập nguyện thì thật khó có thể thành tựu.

Trí Giác Hiếu