“Tết là gì?” Đối với nhiều người, Tết là sự khởi đầu; là thời điểm thiêng liêng, quan trọng, dung hòa của đất trời; là thời điểm chúng ta gác lại mọi bộn bề của cuộc sống, chia sẻ niềm vui, hạnh phúc và cùng tận hưởng bữa cơm ấm cúng bên gia đình. Dù có đi xa đến đâu, chỉ cần quay về với gia đình là mọi mệt mỏi đều tan biến hết. Thông thường chúng ta đều quyết định trở về quê đoàn tụ trong dịp Tết, nhưng có những người lựa chọn đi du lịch, có người lại chấp nhận ở lại công ty để tiếp tục công việc. Và đặc biệt có những người lựa chọn về chùa đón Tết. Trong những năm gần đây, số lượng Phật tử, du khách quan niệm “Về chùa Ba Vàng đón Tết, ngỡ về nhà!” ngày càng đông. Vậy đâu là lý do chùa Ba Vàng trở thành một nơi mà nhiều người cảm thấy thân thương đến thế?
1. Có một nơi gọi là “ngôi nhà chung” Ba Vàng
Con người thân thiện, hiếu khách là một điểm nhấn không thể thiếu khi bạn đến với chùa Ba Vàng. Những con người đến từ khắp mọi miền Tổ quốc cùng hội tụ và tu tập tại đây, coi nhau như anh chị em trong gia đình, cùng chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau. Đặc biệt, Sư Phụ cùng chư Tăng rất quan tâm, giúp đỡ và luôn đồng hành cùng đại chúng. Một du khách chia sẻ: “Tôi thấy các Thầy rất niềm nở, chân tình, hiếu khách. Tôi không có nhiều cơ hội tiếp xúc với các Thầy nhưng khi nói chuyện với các Thầy, tôi thấy rất thoải mái và chưa trải qua cảm giác này bao giờ”. Có thể thấy, chùa không chỉ là nơi tu tập mong muốn giác ngộ mà còn là nơi gắn kết, san sẻ yêu thương.
2. Niềm hân hoan khi được chung tay “chuẩn bị Tết”
Thông thường tại các gia đình, để Tết ấm cúng, vui vẻ, năm mới luôn bình an may mắn thì việc trang hoàng lại nhà cửa là không thể thiếu. Hưởng ứng tinh thần ấy, ở chùa những tiêu chí cần triển khai hoàn thiện để phục vụ đại chúng lễ Phật và đón Tết đã được họp bàn và đưa ra một cách kỹ lưỡng với hy vọng Phật tử và các du khách về chùa đều hoan hỷ, có thêm nhiều thiện duyên với Phật. Tại chùa Ba Vàng được tự tay chuẩn bị, khoác áo mới cho “ngôi nhà chung”, trên gương mặt mỗi người đều ánh lên niềm hoan hỷ và hạnh phúc. Các Phật tử có thể được cùng nhau gói bánh chưng, các loại bánh Tết, làm các đồ chay; tự tay chuẩn bị những món quà cho khách thập phương; cắm hoa, thiết kế bài trí tạo nên khung cảnh trang nghiêm nhưng cũng không kém phần rực rỡ,... Có thể thấy để có được những thành quả như thế, chư Tăng, Ni và các Phật tử Ba Vàng đã dành rất nhiều tâm huyết và tinh thần cống hiến.
3. Bữa cơm ngon đượm tình thương
Đến chùa Ba Vàng không thể không thưởng thức những món ăn chay - những món ăn đã để lại dấu ấn sâu đậm đối với nhân dân, Phật tử và du khách thập phương trong những năm qua.
Phật tử về chùa ăn Tết sẽ được thưởng thức những món cơm chay rất đặc biệt. Nhờ vào niềm hân hoan hứng khởi của những người chế biến mà chúng ta có thể dễ dàng cảm nhận được vị thơm ngon của từng món và tinh thần của người làm ra đã gửi gắm vào trong đó. Bên cạnh những món chay được chế biến rất tỉ mỉ thì “bánh chưng chay” là một món không thể thiếu trong mâm cỗ tại Ba Vàng ngày Tết.
Sư Phụ từng chia sẻ: “Phật tử và du khách đến chùa mỗi người sẽ được tặng một suất chay miễn phí. Tất cả chư Tăng, chư Ni và Phật tử sau này cũng phải giữ chắc tinh thần này”. Qua đó, không chỉ Phật tử ở chùa đón Tết mà du khách thập phương tới chùa chiêm bái cũng có thể được thưởng thức những suất cơm chay thơm ngon dinh dưỡng để đảm bảo sức khỏe đi du xuân. Với những Phật tử đón Tết ở chùa thì bữa cỗ chay ấm cúng và gần gũi như thế chắc hẳn là những kỷ niệm vui vẻ và khó phai mờ trong lòng mỗi người.
4. Phút giao thừa đậm nét Ba Vàng
Một chương trình đặc biệt được hàng ngàn Phật tử và du khách xa gần về hưởng ứng tham gia rất sôi nổi vào đêm giao thừa hằng năm tại Ba Vàng đó là “Chào Xuân Ba Vàng”. Nhằm tạo môi trường để các Phật tử có thể giao lưu, củng cố kiến thức Phật Pháp, quý Thầy đã tổ chức ra cuộc thi Rung Chuông Ba Vàng. Bên cạnh đó còn có các hoạt động khác như múa lân, liên hoan văn nghệ và ngắm pháo hoa ở cổng tam quan giúp các chư Tăng, Phật tử hòa chung trong niềm vui lớn, gắn kết tình đồng đạo. Tiếp đó, các Phật tử còn được nhận túi lộc đầu năm và được nghe Sư Phụ chúc Tết. Vừa được tham gia các hoạt động bổ ích lại vừa có quà mang về nên ai cũng hoan hỷ và cùng chúc nhau một năm mới tốt lành.
5. Sạch - Đẹp - Tâm linh là một điểm nhấn để Phật tử, du khách về chùa Ba Vàng đón Tết
Ba Vàng luôn được biết đến như một chốn bồng lai tiên cảnh nơi trần thế, diễm lệ nhưng cũng không kém phần giản dị, trang nghiêm. Chính vì thế, rất nhiều Phật tử, du khách lựa chọn chốn già lam Ba Vàng là địa điểm đón Tết mỗi dịp Tết đến xuân về. Sáng mùng Một Tết, Phật tử du khách ở chùa có cơ hội được cùng Sư Phụ và chư Tăng đi du xuân trong khuôn viên chùa. Bên cạnh đó, du khách còn có thể đến “Vườn Xuân Tâm Linh” lễ Phật, xin cho mình những lời Phật dạy vô cùng ý nghĩa để có thể áp dụng vào cuộc sống. Được hòa mình trong cảnh sắc tươi vui, âm thanh rộn ràng cùng “hương vị Tết” ngập tràn khắp mọi nơi khiến Phật tử về chùa đón Tết cũng như du khách cảm thấy vô cùng gần gũi và hoan hỷ.
6. Được tham dự Lễ Khánh tuế Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh
Trong dân gian có câu:
“Mùng một Tết cha
Mùng hai Tết mẹ
Mùng ba Tết thầy”.
Điều đó cho thấy người xưa rất coi trọng lễ nghĩa. Đó chính là đạo đức tri ân và đền ân. Giữ trọn và phát huy truyền thống tốt đẹp ấy, sáng ngày mùng 1 Tết, chư Tăng, Ni và Phật tử chùa Ba Vàng được tham gia chương trình Khánh tuế Sư Phụ trong dịp đầu năm mới. Toàn thể tứ chúng một lòng cầu chúc trên Sư Phụ được trường trường thọ, pháp thể khinh an, tuệ đăng thường chiếu, mãi là bóng cây đại thụ cho chúng đệ tử được nương tựa tu hành. Quý Phật tử về chùa đón Tết sẽ được tham dự trong không khí thiêng liêng và thấm đượm tình thầy trò ấy. Trong buổi lễ, Sư Phụ có những lời Pháp nhũ chia sẻ với đại chúng, giúp đại chúng vững niềm tin hơn vào Phật Pháp, biết yêu thương và lan tỏa những giá trị tốt đẹp đến mọi người. Ai nấy đều cảm thấy hạnh phúc và may mắn khi được Sư Phụ chỉ dạy trên con đường tu tập của mình.
Trên đây là một số lý do mà các Phật tử và du khách chọn Ba Vàng là nơi đón Tết. Quãng thời gian vui vẻ, ấm cúng để lại rất nhiều cảm xúc trong lòng mỗi người. Được chia sẻ niềm hạnh phúc, quan tâm, giúp đỡ và cùng trao cho nhau những lời chúc năm mới đầy sức khỏe, thuận lợi khiến nhiều người cảm thấy “Chùa chính là nhà của mình”.
Nguyễn Dung
Nhà có tang có được đi chùa không? | Thầy Thích Trúc Thái Minh
Bố mẹ con nói nhà có tang sự thì không được đi lễ chùa, nên không cho con đi. Vậy con thưa Thầy có phải như thế không ạ?...
04/01/2025 1113
Xem thêm
Ngày Phật đản: Cơ hội để tích lũy phúc báu, đón nhận phúc lành và may mắn
Hướng dẫn đăng ký quy y Tam Bảo chùa Ba Vàng trực tiếp và trực tuyến
Lời chúc mùa Phật Đản: Lan tỏa yêu thương và an lạc đến mọi người
Danh sách những bài hát về Phật đản ý nghĩa mà bạn không thể bỏ qua
Lâm Tỳ Ni: Thánh tích linh thiêng ghi dấu sự đản sinh của Đức Phật