trực tuyến [TRỰC TIẾP] "4 thứ khó có được ở đời" | Thầy Thích Trúc Thái Minh, ngày 08/11 Canh Tý
Giới thiệu Tin tức Câu lạc bộ - Đạo tràng Nghi lễ Pháp âm Bài viết Thư viện kiến thức Tu học của Tăng chúng Khóa tu mùa hè Câu chuyện chuyển hóa Giải đáp thắc mắc Videos Thư viện ảnh
3 Bài học quý giá từ câu chuyện “nồi cơm của đức Khổng Tử”
Bài viết 30/11/2019

“Công cha nghĩa mẹ ơn thầy
Ngày mai khôn lớn ơn dày biển sâu”.
Đạo nghĩa Thầy - trò từ xưa tới nay luôn là giá trị thiêng liêng cao quý. Cha mẹ cho chúng ta tấm thân, Thầy là người truyền trao kiến thức, sự hiểu biết và xây dựng, tu bồi đạo đức, nhân cách cho ta.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã viết:
“Hiền dữ phải đâu là tính sẵn
Phần nhiều do giáo dục mà nên”.
Một người dù ở địa vị nào, muốn thành công cũng cần phải có những người thầy rèn giũa, chỉnh sửa cho mình. Tháng 11 là tháng tri ân đến công ơn của những người thầy. Trước khi bước vào buổi giảng Pháp thường kỳ ngày 25/11/2019, Sư Phụ đã kể lại câu chuyện “Nồi cơm của Khổng Tử” cho đại chúng cùng nghe. Sau câu chuyện Sư Phụ kể, rất nhiều bài học sâu sắc đã được rút ra để đại chúng cùng học tập và thực hành.

Thầy Thích Trúc Thái Minh - Trụ trì chùa Ba Vàng 

Thầy Thích Trúc Thái Minh - Trụ trì chùa Ba Vàng 

Câu chuyện “Nồi cơm của Khổng Tử”

Một lần Đức Khổng Tử dẫn học trò đi du thuyết từ nước Lỗ sang nước Tề. Trong những người học trò xuất sắc, có Nhan Hồi và Tử Lộ là hai học trò ưu tú nhất của Khổng Tử. Trên đường đi, gặp đúng thời gian dân chúng đói kém, mất mùa, thầy trò trải qua vô vàn khó khăn, gian khổ. Khi sang đến đất Tề, thầy trò Khổng Tử được bà lão già biếu một ít gạo mới để nấu cơm. Đức Khổng Tử phân công Tử Lộ cùng các môn sinh vào rừng kiếm rau; việc thổi cơm giao cho Nhan Hồi - một đệ tử được thầy hết mực tin tưởng. Khi đang đọc sách ở nhà trên, Đức Khổng Tử bỗng nghe một tiếng “cộp” từ bếp vọng lên. Khổng Tử ngừng đọc, liếc mắt nhìn xuống, ông thấy Nhan Hồi từ từ mở vung, lấy đũa xới cơm rồi cho vào tay và nắm lại thành nắm. Nhan Hồi đậy vung lại, nhìn trước ngó sau rồi lén đưa nắm cơm lên miệng. Thấy vậy, Khổng Tử cảm thấy thất vọng vô cùng, ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Chao ôi! Trò yêu của ta lẽ nào lại ăn vụng thầy, vụng bạn thế sao? Còn đâu lễ nghĩa, đạo lý? Bao kỳ vọng đặt vào nó thế là đổ sông, đổ biển cả rồi!”.

Khi các đệ tử đã về đông đủ và cơm canh đã chuẩn bị xong. Khổng Tử ngồi dậy và nói rằng: “Các con ơi! Chúng ta đi từ đất Lỗ sang Tề đường xa vạn dặm, thầy rất mừng vì trong hoàn cảnh loạn lạc, dãi nắng dầm mưa, đói khổ như thế mà các con vẫn giữ được tấm lòng trong sạch, vẫn một dạ theo thầy, yêu thương đùm bọc nhau. Hôm nay, ngày đầu tiên đến đất Tề, thầy chạnh lòng nhớ đến quê hương, cha mẹ. Cho nên thầy muốn xới một bát cơm để cúng cha mẹ, tiên tổ các con bảo có nên chăng? Ngoài Nhan Hồi ra, các môn sinh đều chắp tay thưa: “Dạ thưa thầy, nên ạ!”

Khổng Tử lại nói: “Nhưng không biết nồi cơm này có sạch hay không?” Tất cả học trò không rõ ý thầy muốn nói gì nên ngơ ngác nhìn nhau. Lúc bấy giờ Nhan Hồi liền chắp tay thưa: “Dạ thưa thầy, nồi cơm này không được sạch.”

Khổng Tử hỏi: “Tại sao?"

Nhan Hồi thưa: “Dạ, khi mở vung ra để ghế cơm, chẳng may một cơn gió thổi vào, bồ hóng và bụi trên nhà rơi xuống làm bẩn cả nồi cơm. Con đã nhanh tay đậy vung lại nhưng không kịp. Sau đó con liền xới lớp cơm bẩn ra, định vứt đi. Nhưng lại nghĩ: cơm thì ít, nếu vứt đi thì anh em sẽ phải ăn ít lại. Vì thế cho nên con đã mạn phép thầy và các anh em, ăn trước phần cơm bẩn ấy, còn phần cơm sạch để dâng thầy và các anh em. Thưa thầy, như vậy là hôm nay con đã ăn cơm rồi, con xin phép không ăn cơm nữa, con chỉ ăn phần rau. Thưa thầy, nồi cơm đã ăn trước thì không nên cúng nữa ạ!”

Nghe Nhan Hồi nói xong, Khổng Tử giật mình than rằng: “Trên đời này có những việc chính mắt mình trông thấy rành rành mà vẫn không hiểu được đúng sự thật! Suýt chút nữa Khổng Tử này đã trở thành kẻ hồ đồ!”

Câu chuyện nồi cơm của Đức Khổng Tử

Câu chuyện nồi cơm của Đức Khổng Tử

1. Bài học đừng vội phán xét

Qua câu chuyện “Nồi cơm của Khổng Tử”, chúng ta nhận ra rằng có những việc tận mắt thấy, chính tai nghe, nhưng chưa chắc đã là sự thật. Khổng Tử được xem là bậc Thánh Nhân, có trí tuệ và cái nhìn thấu đáo, tuy vậy cũng có những lần sai lầm. Câu chuyện đã dạy chúng ta một bài học thấm thía về cách nhìn người, nhìn sự việc. Đừng vội vàng đánh giá người khác chỉ qua hành động bề ngoài, đừng nhìn nhận, đánh giá sự việc bằng con mắt tầm thường, phiến diện của kẻ phàm phu. Muốn thấu hiểu một việc, hãy nhìn bằng cái tâm, bằng sự chánh niệm tìm hiểu thấu đáo, suy xét vấn đề một cách toàn diện với tâm từ bi, bao dung và bình đẳng.

Đạo Phật là đạo trí tuệ - Trích lời Thầy Thích Trúc Thái Minh

Đạo Phật là đạo trí tuệ - Trích lời Thầy Thích Trúc Thái Minh

2. Bài học về cách dạy trò của tiền nhân

Khổng Tử khi nhìn thấy người học trò mình hết mực thương yêu, tin tưởng lén ăn vụng cơm trước thầy và các huynh đệ; trong lòng vô cùng thất vọng, buồn khổ và đau xót. Tuy vậy, với đạo đức của một người thầy, Khổng Tử không lập tức trách phạt, cũng không kết tội học trò trước các môn đệ. Ông khéo léo dùng phương tiện, mở lối để học trò có thể tự nói ra hành động của mình. Vai trò của người thầy rất quan trọng, người thầy cần phải nhìn ra được lỗi của học trò và khéo léo chỉ lỗi để học trò biết biết sai và rèn sửa. Có như vậy người học trò mới sớm được tiến bộ. Tuy nhiên, việc chỉ lỗi phải được thực hiện với tâm từ bi, tâm yêu thương chứ không phải vì muốn soi mói, bới móc, quy chụp, luận tội. Người thầy có trí tuệ, có từ bi sẽ giúp cho đệ tử tự nhìn ra lỗi lầm của mình và biết tự sửa đổi. Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh với tâm từ bi rộng lớn, thường chỉ dạy đại chúng phải biết tự xoay lại tâm mình để nhận ra tâm bất thiện, nhận ra các lỗi lầm để tu sửa, rèn giũa thân tâm trở nên tốt đẹp và hoàn thiện hơn.

Đức Khổng tử không trách phạt Nhan Hồi mà khéo léo dùng phương tiện để Nhan Hồi có thể nói ra hành động của mình

Đức Khổng tử không trách phạt Nhan Hồi mà khéo léo dùng phương tiện để Nhan Hồi có thể nói ra hành động của mình

3. Bài học về việc biết ơn, đền ơn của học trò đối với người thầy

Nhan Hồi là người đệ tử xuất sắc của Khổng Tử, là người hết mực kính quý, yêu thương thầy và các huynh đệ. Với đức nhẫn nhịn, hy sinh cao cả, Nhan Hồi đã nhận phần thiệt thòi về mình, chấp nhận ăn phần cơm bẩn để phần cơm sạch dâng lên thầy và các anh em. Một việc làm thiện nhưng lại phải lén làm vì không muốn để thầy và anh em nhìn thấy lại buồn lòng lo lắng. Trong xã hội thời nay, mấy ai có được đức hy sinh cao cả vì thầy và huynh đệ đến vậy. Nếu làm được chút việc thiện lành lại thường khởi tâm muốn mọi người nhìn thấy và ghi nhận.
Sư Phụ chia sẻ: “Qua ngày 20/11, Sư Phụ mong đạo nghĩa thầy trò trong chùa chúng ta được giữ vững và phát huy. Chúng ta ai cũng có những người thầy phải mang ơn suốt đời. Chúng ta lên được thân, thành được người là do cha mẹ cho tấm thân, do ơn thầy dạy dỗ. Nguyện sẽ là những người trò hiếu thảo, biết ơn và đền ơn”. Tăng Ni và Phật tử chùa Ba Vàng được Sư Phụ giáo dưỡng thực hành pháp tu lục hòa, tu tập ba tâm: Cung kính, Vâng lời và Biết ơn. Đối với Sư trưởng phải kính quý, tôn trọng với tâm tri ân và đền ơn. Đối với huynh đệ, đạo hữu phải biết yêu thương, nhường nhịn, nhận phần thiệt thòi về mình. Đó chính là thực hành giữ gìn và phát huy đạo nghĩa thầy trò - gốc rễ của tu tập.

Chư Tăng Ni và Phật tử chùa Ba Vàng thực hành pháp tu lục hòa và ba tâm cung kính, vâng lời và biết ơn

Chư Tăng Ni và Phật tử chùa Ba Vàng thực hành pháp tu lục hòa và ba tâm cung kính, vâng lời và biết ơn

Sư Phụ cùng đại Tăng chùa Ba Vàng đi kiểm tra công tác chuẩn bị Đại lễ giỗ Tổ

Sư Phụ cùng đại Tăng chùa Ba Vàng đi kiểm tra công tác chuẩn bị Đại lễ giỗ Tổ

Phật tử chùa Ba Vàng hân hoan khi được làm việc cùng nhau

Phật tử chùa Ba Vàng hân hoan khi được làm việc cùng nhau

Qua câu chuyện rất xúc động về tình nghĩa thầy trò giữa Đức Khổng Tử và Nhan Hồi. Đại chúng đã được hiểu sâu sắc hơn về đạo lý thầy trò, cũng như rút ra được bài học thấm thía về cách nhìn người. Mong rằng, qua câu chuyện Sư Phụ kể, các Phật tử sẽ tăng lên tâm tri ân và đền ơn. Cũng như bình tĩnh trước mọi tình huống, sự vật, sự việc để có cách giải quyết đúng đắn thấu tình đạt lý.

Minh Tâm