trực tuyến [TRỰC TIẾP] "4 thứ khó có được ở đời" | Thầy Thích Trúc Thái Minh, ngày 08/11 Canh Tý
Giới thiệu Tin tức Câu lạc bộ - Đạo tràng Nghi lễ Pháp âm Bài viết Thư viện kiến thức Tu học của Tăng chúng Khóa tu mùa hè Câu chuyện chuyển hóa Giải đáp thắc mắc Videos Thư viện ảnh
Câu chuyện về vị Tỳ-kheo được Đức Phật thọ ký là Phật Di Lặc trong tương lai

“Nếu tôi xuất gia theo giáo Pháp của Đức Thế Tôn – mà vì lý do kiếm tìm hỷ mãn tứ sự, tham cầu hỷ đắc danh vọng, lợi dưỡng – thì xin cho cái bát đừng trở lại tay tôi! Nhược bằng, tôi xuất gia có tâm thành tín, trong sạch, cần cầu nỗ lực tấn tu phạm hạnh, mục đích diệt trừ tham sân phiền não, chứng đắc đạo quả vô thượng, độ mình, độ người – thì xin cho cái bát hãy rơi xuống tay tôi!” - Tỳ-kheo Ajita phát lời nguyện.

Trong kinh Trường A Hàm VI - Chuyển Luân Vương Tu Hành, Đức Phật huyền ký sau khi giáo Pháp của Ngài diệt tận thì Đức Phật vị lai có hiệu là Metteyya (Phật Di Lặc) sẽ ra đời. Vậy Đức Phật Di Lặc là ai? Mời quý Phật tử đọc bài viết dưới đây để cùng tìm hiểu về vị Phật trong tương lai sẽ ra đời cứu độ chúng sinh nhé!

Từ câu chuyện di mẫu Kiều Đàm Di dâng cúng dường Đức Phật ba tấm y quý báu...

Di mẫu Kiều Đàm Di là người phụ nữ có lòng nhân từ, đức độ. Bà vừa là mẹ kế và cũng là dì ruột của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Một lần, Đức Phật về thăm lại kinh thành cố hương, với lòng tôn kính thiết tha, bà đã chuẩn bị một vật phẩm vô cùng đặc biệt dâng cúng lên Ngài.

Đó là ba tấm y được làm từ những sợi bông do chính tay bà chuẩn bị. Việc trồng bông bà làm rất tỉ mỉ. Đất trồng được ủ từ những loại hoa, cỏ, rễ cây thơm. Chậu được đúc bằng vàng; phân bón được ủ từ chất thơm mà thành. Nước tưới được bà chuẩn bị rất kỹ từ sữa tươi, hương thơm. Không những thế, bà còn tỉ mỉ đi hứng những giọt sương buổi ban sớm để đem về tưới bông.

Sau khi bông được thu hoạch bà thuê thợ dệt thành y. Điều kiện tuyển thợ dệt là mỗi người đều phải thọ trì Bát quan trai cho đến khi hoàn thành. Khi công việc hoàn thành, di mẫu vô cùng phấn khởi, hào hứng mang đến cúng dường Đức Phật.

Tại đại viên Nigrodhārāma (rừng cây đa), di mẫu đội mâm vàng dâng ba tấm y tác bạch cúng dường lên Đức Phật.

Đợi cho di mẫu tác bạch ba lần, Đức Phật nói:

“Bộ tam y ấy quý báu lắm vì nó hội đủ ba yếu tố thanh tịnh: Tự tay làm và hoan hỷ trước khi ươm trồng, tự tay làm và hoan hỷ trong khi thu hái, kéo sợi, tự tay làm và hoan hỷ mang đến cúng dường! Vậy này di mẫu! Di mẫu hãy dâng bộ tam y ấy lên Tăng – vì dâng cúng dường lên Tăng - phước báu còn cao thượng hơn là dâng cúng đến Như Lai nữa!”

Tiếp đó, Đức Phật giảng cho di mẫu và hội chúng về phước báu khi cúng dường. Cúng dường đến cá nhân một người thì phước báu sẽ như thế nào, cúng dường đến một đoàn thể Tăng thì phước báu như thế nào? Bên cạnh đó, Ngài cũng giảng về tâm tịnh tín, tâm không tịnh tín, tâm tà kiến, tâm chính kiến thì phước báu ra sao.

Sau khi Đức Phật thuyết giảng, bà đã rất hoan hỉ. Lệnh bà không còn tâm chỉ muốn cúng dường Đức Phật nữa. Bà dâng vật phẩm lên cúng dường lần lượt từ Tôn giả Xá Lợi Phất (Sāriputta), Tôn giả Mục Kiền Liên (Mahā Moggallāna), Tôn giả Đại Ca Diếp (Mahā Kassapa) rồi đến mấy chục vị trưởng lão, lướt qua mấy trăm vị tân Tỳ-kheo đều từ chối vì đã có y rồi; cuối cùng dừng lại ở một vị Tỳ-kheo mới thọ giới tên là Ajita. Thấy vậy, di mẫu u buồn, tủi thân.

Lời phát nguyện của Tỳ-kheo Ajita và lời thọ ký về sự ra đời của Đức Phật Di Lặc

Thấu rõ tâm tư của di mẫu, Đức Thế Tôn sẵn có chiếc bát bên cạnh, Ngài cầm lên chú nguyện, rồi thảy cái bát ra giữa quãng không, cái bát biến mất.

Ngài nói: “Ở nơi này, vị Tỳ-khưu nào có thần thông lực, có đại thần thông lực, hãy đi tìm kiếm giúp cái bát ấy rồi mang về đây cho Như Lai!”.

Hai tôn giả Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên xin phép Phật dùng thần thông đi tìm nhưng không thấy. Lần lượt các vị khác tìm nhưng cũng không thể tìm ra.

Thấy vậy, Đức Phật nói: “Này Ajita - vị tân Tỳ-khưu bất đắc dĩ nhận bộ tam y quý báu – Ông có thể cầu may hoặc do phước của ông, đi tìm cái bát của Như Lai xem thử thế nào!”.

Khi ấy, Tỳ-kheo Ajita vô cùng bất ngờ, ông tự nghĩ rằng, tất cả các Ngài đều là những bậc Thánh nhân vô lậu, đại lực thần thông đều không thể tìm ra cái bát. Còn mình chỉ là kẻ phàm phu, vô năng, nhiều tham sân thì sao tìm ra được; thế nhưng Đức Thế Tôn đã nói như vậy thì hẳn có nhân duyên.

Nghĩ vậy, Tỳ-kheo Ajita liền sinh tâm hỷ lạc chưa từng có, ông phát lên lời đại nguyện: “Nếu tôi xuất gia theo giáo pháp của đức Thế Tôn – mà vì lý do kiếm tìm hỷ mãn tứ sự, tham cầu hỷ đắc danh vọng, lợi dưỡng – thì xin cho cái bát đừng trở lại tay tôi! Nhược bằng, tôi xuất gia có tâm thành tín, trong sạch, cần cầu nỗ lực tấn tu phạm hạnh, mục đích diệt trừ tham sân phiền não, chứng đắc đạo quả vô thượng, độ mình, độ người – thì xin cho cái bát hãy rơi xuống tay tôi!”.

Sau lời nguyện, thật bất ngờ khi chiếc bát từ đâu đã nằm trong tay của vị Tỳ-kheo Ajita. Chứng kiến điều vi diệu, bao nhiêu tủi hờn trong lòng di mẫu đều tiêu tan.

Khi ấy, Đức Phật thọ ký:

“Vị tân Tỳ-khưu Ajita trẻ tuổi này – mai sau sẽ là một vị Phật, một đức Chánh Đẳng Giác oai lực vô song, có ngoại hiệu là Metteyya (Đức Phật Di Lặc)! Như vậy là di mẫu không những vừa cúng dường bộ tam y quý giá lên Tăng – mà còn cúng dường lên một vị Phật hậu lai nữa!”.

Đức Phật Di Lặc là vị Phật tương lai trong cõi Ta Bà này (Nguồn: Internet)

Đức Phật Di Lặc là vị Phật tương lai trong cõi Ta Bà này (Nguồn: Internet)

Khi nào thì Đức Phật Phật Di Lặc ra đời?

Nhân buổi hôm ấy, Đức Tôn Sư cũng thuyết giảng về sự suy vong và phát triển của Phật Pháp sau khi Ngài nhập diệt; và sự ra đời của Phật Di Lặc trong đời hậu lai.

>>> Những lời dạy cuối cùng của Đức Phật trước khi nhập Niết Bàn

Sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn, giáo Pháp mà Ngài thuyết giảng sẽ được lan rộng đến nhiều quốc gia trên thế giới. Nhưng giáo Pháp cũng chỉ tồn tại một thời gian nhất định rồi sẽ đến thời kỳ tiêu hoại. Trải qua nhiều sự đổi thay của trái đất, về tuổi thọ và tâm tính con người. Đến một lúc nào đó, khi tuổi thọ con người là tám vạn tuổi thì lúc ấy Đức Phật Di Lặc sẽ ra đời.

Thuở ấy, tại một quốc độ mang tên Ketumatī giàu có, thịnh trị, mọi thứ đều tiện nghi, tinh sạch, xa hoa tráng lệ. Từ cung trời Đao Lợi có vị thiên tử giáng sinh xuống làm con của vua nước Ketumatī được đặt tên là Sankha. Sau khi Sankha nối ngôi, ông có cuộc sống nghiêm minh, thường dạy dân bằng thiện Pháp và chính ông cũng thường thọ trì Bát quan trai giới. Nhà vua có một vị quốc sư tên là Subrāhm - người hay dạy phụ đạo và cố vấn cho vua.

Đại Bồ-tát khi ấy từ cung trời Đâu Suất giáng sinh xuống nhân gian làm con trong gia đình vị quốc sư. Khi sinh ra, Bồ-tát được đặt tên là Vaṭṭhana. Lớn lên Vaṭṭhana đi xuất gia tầm đạo. Sau khi ngồi dưới gốc cây Nāgarukkha (Long hoa - chính là cây mù u) bảy ngày, Đại Bồ-tát đắc quả vị Chánh Đẳng Giác, là vị Phật thứ 26 sau Đức Phật Thích Ca Mâu Ni có danh hiệu là Metteyya (Đức Phật Di Lặc).

Thời Pháp của Đức Phật đã vén mở bức màn bí mật về vị Phật tương lai. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã xác định nhân, duyên và quả rất rõ ràng nên chẳng còn ai thắc mắc gì nữa. Còn di mẫu Kiều Đàm Di nghe đến đây thì tâm tư đã hỷ mãn trọn vẹn.

Tượng Đức Phật Di Lặc được thờ tự tại chùa Ba Vàng

Tượng Đức Phật Di Lặc được thờ tự tại chùa Ba Vàng

Qua câu chuyện Đức Phật huyền ký về vị Phật trong tương lai, mong rằng các Phật tử được tăng thêm tri kiến về phúc báu khi cúng dường và tri kiến về sự ra đời của Đức Phật Di Lặc, để từ đó tinh tấn trên con đường tu học.

Nội dung tham khảo từ cuốn "Một cuộc đời một vầng nhật nguyệt" - tác giả Minh Đức Triều Tâm Ảnh

Hạnh Liên

Bài liên quan