trực tuyến [TRỰC TIẾP] "4 thứ khó có được ở đời" | Thầy Thích Trúc Thái Minh, ngày 08/11 Canh Tý
Giới thiệu Tin tức Câu lạc bộ - Đạo tràng Nghi lễ Pháp âm Bài viết Thư viện kiến thức Tu học của Tăng chúng Khóa tu mùa hè Câu chuyện chuyển hóa Giải đáp thắc mắc Videos Thư viện ảnh
Vị Tỳ kheo tu tập để chấm dứt tái sinh
Bài viết 24/10/2019

“Người mà biết học, biết tu thì ở đâu cũng có thể học, có thể tu được. Người như vậy, khi nhìn những con vật cũng có thể học được phẩm tính tốt đẹp từ chúng.” - Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh.

Đức Phật dạy: “Cái khổ thiêu đốt dưới địa ngục chưa gọi là khổ, cái khổ của con lạc đà, con lừa cũng chưa phải là thật khổ, mà chỉ có cái khổ vô minh khiến chúng sinh trôi lăn trong luân hồi sinh tử mới thật là đau khổ”. Cái khổ nơi địa ngục, súc sinh chưa phải đau khổ vì hết nghiệp địa ngục, súc sinh lại sẽ tái sinh sang kiếp khác. Nhưng cái khổ do vô minh được xem như cái khổ vĩnh kiếp, mãi mãi trôi lăn.

Chúng sinh trôi lăn trong vòng luân hồi sinh tử

Chúng sinh trôi lăn trong vòng luân hồi sinh tử

Chí nguyện không sinh ra bởi nghiệp của người đệ tử Phật xuất gia

Sư Phụ nhấn mạnh: “Lý tưởng của người xuất gia là quyết cầu giác ngộ, giải thoát khỏi luân hồi sinh tử. Phải làm sao gắng tu tập để đời này độ được thân này. Tốt nhất là dứt hẳn nghiệp, không bị vào bào thai nữa; nếu có thì chỉ là do nguyện. Các vị Tỳ kheo đã đủ duyên xuất gia tu hành, đây là thiện duyên rất lớn để cất bước lên phương trời cao rộng của giác ngộ, giải thoát. Trong thân tướng của một vị Tỳ kheo có đủ điều kiện để chứng đạt giải thoát nên phải tận lực cố gắng, tận dụng triệt để cơ hội tu tập này, không để bị nghiệp dẫn dắt trong luân hồi. Cắt đứt được vòng luân hồi quả thực là một chiến thắng vĩ đại”.

Qua lời dạy của Sư Phụ, chư Tăng Ni được tích lũy thêm những kiến thức vô cùng quý giá, làm hành trang trên con đường tu tập cầu đạo Pháp. Người xuất gia phải lập chí nguyện tu tập vững bền, kiên cố cho đến ngày giác ngộ thành Phật - đó là chí nguyện không sinh ra bởi nghiệp. Trong kiếp này có thể chưa thành tựu được chí nguyện, nhưng nhất định phải phát nguyện để nhiều kiếp sau được gặp bậc Minh Sư tu hành thành tựu đạo quả. Như vậy mới xứng là người xuất gia tu học để xiển dương giáo Pháp bất tử của Đức Như Lai.

Tư duy mà người đệ tử tại gia học được từ bài Pháp

Là người đệ tử tại gia, đã biết đến chính Pháp của Phật thì đừng để mất cơ hội mà xa rời, buông bỏ duyên lành tối thượng ấy. Muốn làm được điều đó, người Phật tử phải siêng năng, chăm chỉ tu tập; để khi bỏ thân này, với phước lành đã tạo mà có thể được tái sinh làm người hoặc các cảnh giới an lành. Bên cạnh đó, người Phật tử phải luôn tư duy, quán sát để tìm được các bậc Minh Sư, được gặp chính Pháp mà nương tựa tu hành cho đến ngày giải thoát giác ngộ. Sư Phụ chỉ dạy: “Ai cũng sợ chết và sợ mất thân này. Khi thần thức rời thân thì đau khổ, chạy lang thang tứ phía. Lúc ấy, gió nghiệp nổi lên, chúng ta cuống quýt tìm một cái nhà trú ngụ”. Căn nhà ấy có thể là thân trâu, thân bò,... chịu khổ vô cùng. Tuy nhiên, chúng sinh do vô minh, cứ tạo tác thêm nghiệp ác để mãi trôi lăn trong địa ngục, súc sinh,... Chính vì vậy, người Phật tử phải biết tu tập bỏ những điều xấu ác, năng làm những điều thiện lành, kiểm thúc, giữ gìn tâm ý trong sạch, luôn bền bỉ, tinh tấn cầu đạo hướng đến những thành tựu tốt đẹp nhất.

Lời Thầy dạy - Thầy Thích Trúc Thái Minh

Lời Thầy dạy - Thầy Thích Trúc Thái Minh

Qua lời giảng của Sư Phụ, đại chúng đã phần nào hiểu được cách tư duy và thực hành Pháp để tăng trưởng trí tuệ giải thoát trên con đường tìm cầu chân lý. Với mỗi người đệ tử Phật, dù là người xuất gia hay tại gia, đều phải quyết chí tu hành mới có thể thành tựu cho mình bản nguyện cao cả “Hoằng Pháp, độ sinh”. Cũng từ đây, ánh sáng Phật pháp được lan tỏa, giúp cho chúng sinh muôn loài được thấm nhuần lời Phật dạy mà tỉnh giác phát nguyện tu hành cầu giác ngộ, giải thoát, an vui. Như vậy, qua bài giảng kinh, đại chúng học được rằng: Đã là người đệ tử Phật, phải lập được chí nguyện kiên cố - chí nguyện không sinh ra bởi nghiệp nữa. Mong rằng sau khi được Sư Phụ giảng giải, đại chúng có thêm tư duy và lập được chí nguyện kiên cố để từ đó tu tập mà thoát khỏi sinh tử luân hồi.

Hạnh Duyên