trực tuyến [TRỰC TIẾP] "4 thứ khó có được ở đời" | Thầy Thích Trúc Thái Minh, ngày 08/11 Canh Tý
Giới thiệu Tin tức Câu lạc bộ - Đạo tràng Nghi lễ Pháp âm Bài viết Thư viện kiến thức Tu học của Tăng chúng Khóa tu mùa hè Câu chuyện chuyển hóa Giải đáp thắc mắc Videos Thư viện ảnh
Rằm tháng 7 là ngày gì và nên cúng gì để lợi ích nhất?
Bài viết 12/07/2022

Cúng Rằm tháng 7 thế nào để được lợi ích, may mắn cả năm luôn là câu hỏi băn khoăn với nhiều người bởi Rằm tháng 7 từ lâu đã trở thành truyền thống văn hóa không thể thiếu đối với mỗi gia đình người Việt. Theo quan điểm của Phật giáo, Rằm tháng 7 nên cúng gì và cúng vào ngày nào để được lợi ích? Cùng đi tìm câu trả lời tại bài viết dưới đây!

Rằm tháng 7 là ngày gì?

1. Ngày kết thúc ba tháng an cư kiết hạ

Nghi lễ cúng Rằm tháng 7 xuất phát từ truyền thống của Phật giáo, đầu tiên là truyền thống an cư kiết hạ của chúng Tăng từ thời Đức Phật còn tại thế. Ngài chế ra một năm chư Tăng có ba tháng an cư vào mùa mưa.

Trong 3 tháng này, mưa nhiều nên côn trùng, giun, nhái, ốc, ếch,... bò ra đường cũng rất nhiều. Nếu chư Tăng đi lại khất thực thì có thể giẫm đạp chết mất côn trùng, tổn mất lòng từ bi. Cho nên, chư Tăng tập trung một nơi để tu tập, cùng nhau học tập kinh luận, giới luật, trau dồi giới đức để thúc liễm thân tâm, thêm lớn đạo hạnh trong 3 tháng.

Kết thúc thời gian này, đến ngày Rằm tháng 7, chư Tăng làm lễ tự tứ để giải hạ. Ngày tự tứ là ngày chư Phật hoan hỷ. Bởi sau 3 tháng tu học, rèn luyện, thúc liễm thân tâm, chư Tăng kiểm điểm giới đức của nhau, ai cũng tinh tiến tu hành, đến ngày cuối cùng, mọi người phát lộ hết các lỗi lầm, chỉ lỗi cho nhau. Từ đó, ai cũng tiến bộ hơn, được soi sáng, được sửa lỗi. Và cũng ngày này, nếu ai cúng dường Tăng chúng sẽ được nhiều phước báu.

2. Ngày Vu Lan báo hiếu

Ngày Rằm tháng 7 còn thường được biết đến là ngày Vu Lan báo hiếu, bắt nguồn từ câu chuyện tôn giả Mục Kiều Liên - đệ tử thần thông bậc nhất của Đức Phật Thích Ca cứu mẹ là Thanh Đề khỏi kiếp ngạ quỷ.

Nhân duyên Rằm tháng 7 gọi là ngày lễ Vu Lan là xuất phát từ câu chuyện Ngài Mục Kiền Liên cứu mẹ (ảnh minh họa)

Nhân duyên Rằm tháng 7 gọi là ngày lễ Vu Lan là xuất phát từ câu chuyện Ngài Mục Kiền Liên cứu mẹ (ảnh minh họa)

Trong câu chuyện này, Đức Phật có nói Ngài Mục Kiều Liên dầu thần lực nhiệm màu nhưng một mình không thể cứu được mẹ, phải nhờ công đức của đại chúng chư Tăng, nhất là công đức của chúng Tăng vào ngày Tự tứ. Với Phật giáo Bắc Tông thì thường tự tứ vào ngày Rằm tháng 7. Cho nên, Đức Phật dạy Ngài trong ngày Rằm tháng 7, khi mười phương Tăng đều tụ hội về, hãy làm đàn lễ trai tăng cúng dường. Phước báu ấy rất lớn, hồi hướng phước báu ấy cho mẹ là bà Thanh Đề, bà sẽ thoát được kiếp ngạ quỷ.

Sau ngày lễ tự tứ, Ngài Mục Kiều Liên làm lễ cúng dường đến chúng Tăng. Chư Tăng hồi hướng cho mẹ của Ngài và hồi hướng cho rất nhiều hương linh ngạ quỷ hôm ấy khiến họ cũng đồng thời được thoát kiếp ngạ quỷ, sinh về thiên cung.

Nhờ tâm đại hiếu của Ngài Mục Kiền Liên mà hằng năm, mỗi mùa Vu Lan, chúng ta có cơ hội được thực hành hạnh hiếu với cha mẹ, ông bà, tổ tiên - những người có công sinh thành, dưỡng dục với mình.

3. Ngày xá tội vong nhân

Ngày 15/7 âm lịch còn được gọi là ngày xá tội vong nhân. “Xá” tức là giải cho, tha cho tội của những người đã mất, “vong nhân” là người đã mất.

Theo như trong kinh Vu Lan, vào ngày ấy, nhờ tôn giả Mục Kiều Liên cúng dường lên Phật và chúng Tăng mà rất nhiều tội nhân ở trong địa ngục, ngạ quỷ được siêu sinh, tái sinh lên Thiên cung. Cho nên ngày đó cũng gọi là ngày Xá tội vong nhân.

Một lý giải khác xuất phát từ sự kiện chư Tăng tự tứ vào ngày Rằm tháng 7. Đây là ngày chư Phật hoan hỷ, vì chư Phật hoan hỷ, cho nên chư Thiên hoan hỷ, chư Thần hoan hỷ, Pháp giới hoan hỷ, Diêm Vương cũng hoan hỷ. Cho nên, giảm tội, tha tội, ân xá cho các tội nhân ở trong địa ngục.

Nên cúng Rằm tháng 7 vào ngày nào thì tốt?

Theo quan điểm Phật giáo, từ nguồn gốc Rằm tháng 7 chúng ta biết, Đức Phật dạy Ngài Mục Kiều Liên để cứu mẹ là hương linh đọa làm ngạ quỷ thì hãy cúng đường đến chúng Tăng. Chúng Tăng trong ba tháng an cư tu hành tinh tấn và thanh tịnh. Cho nên, đối với lễ tháng 7 nói chung, Rằm tháng 7 nói riêng, chúng ta nên cúng dường đến chúng Tăng tu hành thanh tịnh để sinh ra phước báu lớn hồi hướng cho các hương linh để sinh được phước báu lớn hồi hướng cho hương linh.

Theo truyền thống Phật giáo Bắc Tông hay Phật giáo Nam Tông thì tháng 7 đều là tháng chư Tăng an cư kiết hạ. Cho nên, việc cúng lễ, cầu siêu cho gia tiên trong tháng 7, chúng ta có thể làm vào ngày nào cũng được. Nhưng điều rất quan trọng là chúng ta phải cúng dường đến chúng Tăng tu hành thanh tịnh.

Phật tử trang nghiêm dâng cúng vật thực Rằm tháng 7. (Ảnh minh họa)

Phật tử trang nghiêm dâng cúng vật thực Rằm tháng 7. (Ảnh minh họa)

Cách cúng Rằm tháng 7 để cả năm may mắn

Để việc cúng Rằm tháng 7 được nhiều lợi ích, chúng ta cần chú ý đến ba yếu tố: người cúng, vật cúng và người nhận. Trong bài kinh “Thí vật sáu phần”, Đức Phật có dạy: “Này các Tỷ kheo, có ba phần thuộc về người bố thí và có ba phần thuộc về người nhận vật phẩm bố thí. Thế nào là ba phần thuộc về người bố thí? Này các Tỷ kheo, người bố thí, trước khi bố thí, ý được vui lòng; trong khi bố thí, tâm được tịnh tín; sau khi bố thí, cảm thấy hoan hỷ. Đây là ba phần của người bố thí. Thế nào là ba phần của người nhận phẩm vật bố thí? Ở đây này các Tỷ kheo, những người nhận phẩm vật bố thí, đã được ly tham hay đang thực hành hạnh ly tham; đã được ly sân hay đang thực hành hạnh ly sân; đã được ly si hay đang thực hành hạnh ly si. Đây là ba phần của người nhận phẩm vật bố thí. Như vậy, này các Tỷ kheo, đây là thí vật có sáu phần”.

Như vậy chúng ta thấy, khi cúng dường thí vật, có sáu phần sinh ra phúc như thế. Phúc lớn hay nhỏ tùy thuộc vào mỗi phần này. Nếu người cúng dường mà tâm trước khi cúng rất vui vẻ, trong khi cúng tịnh tín, cúng xong rồi lại rất hoan hỷ, thì phước người ấy rất lớn. Còn người nhận là Tăng chúng. Tăng chúng đã ly tham hay đang ly tham, đã ly sân hay đang ly sân, đã ly si hay đang ly si thì cũng đem đến phước báu lớn.

Cúng dường đến chúng Tăng tu hành thanh tịnh được phước báu rất lớn

Cúng dường đến chúng Tăng tu hành thanh tịnh được phước báu rất lớn

Bên cạnh đó, đối với vật cúng thì tốt nhất chúng ta nên cúng vật thực không sát mạnh chúng sinh. Còn về địa điểm cúng lễ thì chúng ta cúng ở đâu cũng được nhưng phải chọn chỗ sạch sẽ, trang nghiêm, phù hợp.

Tựu chung lại, để cúng dường vào Rằm tháng 7 có phúc lớn hồi hướng cho thân quyến đã quá vãng thì chúng ta cúng dường vật thực đến chúng Tăng tu hành thanh tịnh, hòa hợp. Và như thế, chúng ta cúng vào ngày nào cũng tốt, không nhất thiết cúng đúng ngày Rằm tháng 7.

Tổng hợp văn khấn Rằm tháng 7

Để việc cúng lễ đem lại lợi ích cho bản thân, gia đình, chùa Ba Vàng xin gửi đến quý Phật tử và nhân dân tổng hợp các bài văn khấn cúng lễ Rằm tháng 7 đầy đủ nhất trong năm Nhâm Dần (2022).

Bài cúng Rằm tháng 7 tại nhà hoặc nhà thờ tổ

https://chuabavang.com/bai-cung-ram-thang-7-d2485.html

Bài cúng Rằm tháng 7 tại mộ

https://chuabavang.com/bai-cung-ram-thang-7-tai-mo-d2484.html

Bài cúng Rằm tháng 7 tại công ty (cơ quan, cửa hàng,...)

https://chuabavang.com/bai-cung-ram-thang-7-tai-cong-ty-co-quan-cua-hang-d2487.html

Từ bài viết trên, hy vọng rằng quý vị sẽ có những tư lương đúng đắn về việc cúng Rằm tháng 7 sao cho lợi ích nhất. Từ đó, chúng ta có thể ứng dụng thực hành vào việc cúng lễ tại gia đình mình theo đúng lời Phật dạy. Mùa Vu Lan tháng 7 đang đến gần, kính chúc quý bạn đọc cùng gia đình tinh tấn làm các việc thiện lành để luôn được an vui, hạnh phúc. Cùng chia sẻ những cảm nhận của mình tại phần bình luận của bài viết nhé!

Bài liên quan