trực tuyến [TRỰC TIẾP] "4 thứ khó có được ở đời" | Thầy Thích Trúc Thái Minh, ngày 08/11 Canh Tý
Giới thiệu Tin tức Câu lạc bộ - Đạo tràng Nghi lễ Pháp âm Bài viết Thư viện kiến thức Tu học của Tăng chúng Khóa tu mùa hè Câu chuyện chuyển hóa Giải đáp thắc mắc Videos Thư viện ảnh
Người Thầy - "người kỹ sư tâm hồn” xứng đáng được xã hội tôn kính và tri ân
Bài viết 18/11/2019

“Có một nghề bụi phấn bám đầy tay
Người ta bảo là nghề trong sạch nhất
Có một nghề không trồng cây vào đất
Mà ươm cho đời đầy trái ngọt hoa thơm”...

(GS-VS, TSKH, Nhà giáo Ưu tú Đinh Văn Nhã)

"Tôn sư trọng đạo" là một trong những truyền thống văn hóa lâu đời của người dân Việt Nam. Hình ảnh của người thầy là hình ảnh cao quý của biết bao thế hệ học trò. Người xưa có câu: “Không thầy đố mày làm nên” để nhắc nhở chúng ta phải luôn biết ơn công lao của Thầy, Cô giáo - những người đã yêu thương, dạy dỗ chúng ta thành người có ích cho đời. Nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam, Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh đã có bài Pháp thoại mang tên “Vai trò của người Thầy” cho toàn thể đại chúng. Từng dòng Pháp nhũ vô cùng quý báu của Sư Phụ đã giúp đại chúng hiểu được tầm quan trọng của người thầy trong xã hội xưa và nay.

Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh - Trụ trì chùa Ba Vàng

Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh - Trụ trì chùa Ba Vàng

Những người thầy lỗi lạc trong lịch sử Việt Nam

Sư Phụ chỉ dạy: “Người xưa có câu: “Vạn thế sư biểu” tức người thầy làm gương cho muôn thế hệ. Ở nước ta có những người thầy giáo như thầy Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn, Cao Bá Quát,... là những người thầy đã dạy dỗ biết bao nhân tài, làm rạng danh đất nước. Cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu có câu rất nổi tiếng: “Thà đui mà giữ đạo nhà, Còn hơn có mắt ông cha không thờ”. Và người thầy gần gũi với chúng ta nhất là chủ tịch Hồ Chí Minh - vị Lãnh tụ cao quý của dân tộc, là người thầy rất vĩ đại”. Quả đúng như vậy, đó là những vị Thầy lỗi lạc, nhân cách thanh cao mà nhân dân Việt Nam luôn tôn thờ và kính trọng. Đặc biệt, Bác Hồ - người Thầy vĩ đại, người Cha già kính yêu đã đưa đất nước giành được độc lập - tự do - hạnh phúc. Người luôn sống mãi trong trái tim của nhân dân Việt Nam!

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Vị lãnh tụ vĩ đại của chúng ta

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Vị lãnh tụ vĩ đại của chúng ta

Những người thầy có tầm ảnh hưởng đến nhân loại

Trong buổi Pháp thoại, Sư Phụ cũng kể tên rất nhiều vĩ nhân đồng thời cũng là những người thầy luôn tận tâm, tận lực, để lại rất nhiều sáng kiến, phát minh cho nhân loại: Thomas Edison với phát minh bóng đèn mang ánh sáng; Py-ta-go với định lý tam giác Py-ta-go; Isaac Newton với phát hiện luật hấp dẫn, định luật bảo toàn năng lượng; Albert Einstein với thuyết tương đối đặt nền móng cho vật lý hiện đại... Đặc biệt, Khổng Tử - nhà tư tưởng triết học xã hội Trung Quốc, là người thầy vô cùng vĩ đại, có ảnh hưởng đến nền văn hóa Á Đông. Ông là người sáng lập ra Nho giáo với những tư tưởng về cách đối nhân xử thế “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Đó là những vị Thầy đáng kính của nhân loại - đóng góp cho sự phát triển của khoa học kỹ thuật cũng như củng cố nền đạo đức, phong cách sống của con người.

Nhà tư tưởng triết học xã hội nổi tiếng tại Trung Quốc - Khổng Tử

Nhà tư tưởng triết học xã hội nổi tiếng tại Trung Quốc - Khổng Tử

Những bậc thầy đáng kính trong Phật Pháp

Việt Nam là đất nước đa dân tộc, đa tôn giáo. Nhưng hiếm có tôn giáo nào lại chung thủy, sắc son, đồng hành với dân tộc trong suốt quá trình bảo vệ và dựng xây Tổ quốc như Phật giáo. Ở nước ta có rất nhiều vị Thiền Sư, Cao Tăng lỗi lạc như Ngài Khuông Việt Thiền Sư - người có công lớn trong sự nghiệp hoằng dương Phật Pháp thời Đinh - Tiền Lê. Thiền Sư Vạn Hạnh - nhà cố vấn của vua Lê Đại Hành đồng thời là thầy giúp Lý Công Uẩn lên ngôi, xây dựng đất nước thịnh trị. Tuệ Trung Thượng Sỹ Thiền Sư cũng là nhà quân sự và bậc Thầy lỗi lạc, người dẫn dắt vua Trần Nhân Tông theo con đường thiền định, xuất gia học đạo. Đặc biệt hơn cả là đức vua Trần Nhân Tông - người đã từ bỏ địa vị cao quý và mọi dục lạc tầm thường của thế gian để xuất gia học đạo, sáng lập ra thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và là người có công lớn trong việc trùng tuyên Phật giáo tại Việt nam, đưa Phật giáo trở thành quốc giáo của dân tộc thời bấy giờ. Công lao của những vị Thiền Sư ấy rất lớn, các Ngài không chỉ nhập thế gánh vác vận mệnh đất nước, mà còn hoằng Pháp độ sinh, đem lại lợi lạc cho nhân dân bá tánh. Đặc biệt, khi nhắc đến một người Thầy vĩ đại nhất của nhân loại, Sư Phụ rất xúc động chia sẻ: “Người Thầy vĩ đại nhất của pháp giới này là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Ngài là bậc Thầy của trời, người và muôn loài chúng sinh; là tấm gương sáng nhất, sáng như mặt trời, mặt trăng, không chỉ là “vạn thế sư biểu” mà mãi mãi không ai hơn được. Chúng ta có duyên phước được làm học trò, đệ tử, làm con của bậc Thầy vĩ đại là một điều may mắn và hạnh phúc vô cùng". Đức Phật ra đời là một đại sự nhân duyên. Ngài mang giáo Pháp đến cho chúng ta thực hành thoát khỏi những khổ đau nơi trần thế. Nếu không có Pháp của Phật, thì chúng ta cứ mãi khổ đau vô tận trong luân hồi sinh tử. Sự xuất hiện của Ngài giữa cõi Ta bà uế trược mà chẳng nhuốm bụi trần như hoa sen trong bùn vẫn vươn lên khỏi nước mà tỏa hương thơm ngát, làm đẹp cho đời.

Để nhớ ơn đến Phật Hoàng Trần Nhân Tông - Thầy Trụ trì chùa Ba Vàng đã thờ tự Ngài tại nhà thờ Tổ chùa Ba Vàng

Để nhớ ơn đến Phật Hoàng Trần Nhân Tông - Thầy Trụ trì chùa Ba Vàng đã thờ tự Ngài tại nhà thờ Tổ chùa Ba Vàng

Vai trò của người thầy trong xã hội 4.0

Trong thời kỳ hội nhập toàn cầu hóa, bùng nổ công nghệ thông tin, chúng ta có thể dễ dàng tìm kiếm, tiếp cận thông tin qua mạng internet. Nhưng không vì vậy mà giá trị của người thầy bị lãng quên. Những người thầy có tâm, có tầm vẫn luôn được kính trọng. Người thầy không chỉ có vai trò truyền đạt kiến thức mà còn có trách nhiệm xây dựng, định hướng nhân cách cho thế hệ trẻ. Thật vậy, để hình thành nhân cách của một con người không thể dựa vào những cỗ máy, công cụ khoa học mà cần phải có trái tim, tình yêu thương của những người thầy giáo, cô giáo. Sư Phụ chỉ dạy rằng: “Trong xã hội ngày nay, vị trí vai trò của người thầy trong ngành giáo dục cần phải được coi trọng, đề cao. Đặc biệt nhất là cần chăm lo về đời sống để các thầy, các cô có điều kiện tập trung vào giảng dạy, nghiên cứu để dạy trò nên người. Và nhân cách của người thầy cũng vô cùng quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến người trò. Chúng ta muốn con mình tốt phải gửi con vào những trường có những người thầy có nhân cách tốt”.

Tại chùa Ba Vàng, hàng năm quý Thầy tổ chức Khóa tu mùa hè để các em có môi trường học tập và rèn luyện nhân cách

Tại chùa Ba Vàng, hàng năm quý Thầy tổ chức Khóa tu mùa hè để các em có môi trường học tập và rèn luyện nhân cách

Qua bài giảng của Sư Phụ, có thể khẳng định rằng vai trò, vị trí của người Thầy và ngành giáo dục là đặc biệt quan trọng. Từ đó chúng ta cũng phần nào hiểu rằng để giáo dục rèn luyện cho con trẻ trở thành một người tốt; cần đòi hỏi có những người thầy đầy đủ tài năng và phẩm chất tốt. Vì vậy, việc đầu tư cho giáo dục, tạo điều kiện thuận lợi cho những người thầy giữ vững được vai trò của họ, tập trung vào giảng dạy, nghiên cứu để rèn luyện, dạy học cho những thế hệ đi sau là rất cần thiết. Như lời vị Lãnh tụ vĩ đại của dân tộc chúng ta đã nói: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”.

Hạnh Từ