trực tuyến [TRỰC TIẾP] "4 thứ khó có được ở đời" | Thầy Thích Trúc Thái Minh, ngày 08/11 Canh Tý
Giới thiệu Tin tức Câu lạc bộ - Đạo tràng Nghi lễ Pháp âm Bài viết Thư viện kiến thức Tu học của Tăng chúng Khóa tu mùa hè Câu chuyện chuyển hóa Giải đáp thắc mắc Videos Thư viện ảnh
Như bông hoa sen - vị Tỳ-kheo gặp “tội lỗi chút ít cũng phải biết sợ hãi nhiều”
Bài viết 17/01/2020

“Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng
Nhị vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.
Khi nhắc đến ý nghĩa hoa sen, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến sự thanh cao, thuần khiết và nghị lực kiên cường. Bên cạnh đó, loài hoa này cũng có rất nhiều tập tính vô cùng đặc biệt. Ngày 08/01/2020 (nhằm ngày 14/12/Kỷ Hợi), trong buổi học Pháp cuối cùng của năm Kỷ Hợi, chư Tăng, Ni và hàng ngàn Phật tử được Sư Phụ từ bi giảng giải bài Pháp rất ý nghĩa với tựa đề: “Học từ hoa sen”. Qua đây, toàn thể đại chúng được biết rõ hơn về những đức tính tốt đẹp của hoa sen mà người đệ tử Phật cần phải học đó là từ trong bùn sinh trưởng, lớn lên mà không hôi mùi bùn; lên khỏi nước mới nở hoa, và khi gió thổi thì lay động nhẹ.

Hoa Sen - “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”

Đại đức Na Tiên nói với vua Mi Lan Đà: “Bùn hàm chỉ tất cả những gì thuộc về thế gian. Ví dụ như gia đình, chủng tộc, dòng họ, giai cấp, danh vọng, lợi lộc, tứ sự cúng dường hoặc tất cả những gì, tất cả những Pháp dễ phát sinh đắm lụy, cấu uế như sắc đẹp, âm thanh quyến rũ, hương thơm, vị ngon, xúc chạm êm ái…”. Người xuất gia là từ bỏ gia đình, cắt ái tình thân riêng tư ra đi cầu Thánh đạo. Người xuất gia phải hiểu rằng, chúng ta không chỉ có một kiếp sống, có một cha mẹ ở kiếp này mà chúng ta có rất nhiều cha mẹ trong các kiếp quá khứ. Sư Phụ chỉ dạy: “Người xuất gia khi từ bỏ cha mẹ đi tu phải thấy tất cả mọi người đều là thân quyến của mình, đều đã từng là cha mẹ của mình trong nhiều kiếp. Đức Phật dạy: Tất cả chúng sinh, những người nam đã từng là cha của ta; những người nữ đã từng là mẹ của ta”. Cho nên, người đệ tử Phật khi xuất gia phải dần bỏ tư tưởng chấp thủ về gia đình, quyến thuộc. Việc biết ơn và đền ơn thì vẫn phải làm nhưng ái luyến, chấp thủ thì phải bỏ”. Theo lời Sư Phụ giảng, người xuất gia phải hướng đến dần dần là vô ngã, không còn cái gì là của ta nữa, nếu còn chấp ngã thì không đi đến giải thoát được.

Vẻ đẹp thuần khiết của loài hoa sen

Vẻ đẹp thuần khiết của loài hoa sen

Người xuất gia phải giác ngộ được: cái thân này không phải của ta thì còn có cái gì thật là của ta? Đức Phật là tấm gương cao quý về sự từ bỏ để người đệ tử noi theo. Ngài xuất thân từ dòng dõi cao quý, là Thái tử của một nước; nhưng Ngài không dính nhiễm vào địa vị, giai cấp. Ngài xuất gia, ôm bình đi khất thực xin ăn, như truyền thống của mười phương chư Phật. Đây là một cuộc cách mạng vĩ đại, từ một Thái tử cao quý trở thành người khất sĩ, xin ăn; từ giai cấp cao quý trở thành người ở đáy tầng xã hội.

Hình ảnh Tăng đoàn trì bình khất thực như thời Đức Phật còn tại thế

Hình ảnh Tăng đoàn trì bình khất thực như thời Đức Phật còn tại thế - (Bài học từ hoa sen)

Người xuất gia nếu vì miếng cơm, manh áo, vì chỗ ở thì Ngài Na Tiên gọi đó là đang dính bùn. Sư Phụ chỉ dạy: “Người xuất gia phải hiểu rõ lý tưởng của mình. Xuất gia là để ra khỏi tam giới, để cứu độ chúng sinh. Tất cả chúng sinh đang ở trong ngôi nhà lửa. Chúng ta phải thấy cái khổ của mình và của chúng sinh, mình phải quyết ra khỏi và dẫn dắt mọi người ra khỏi nhà lửa này”. Người đệ tử phát nguyện tu học theo lời Phật dạy, mình phải có xu hướng đi ra khỏi ngũ dục, như Sư Phụ dạy “Đắm say với ngũ dục thì mãi khổ mà thôi”.

Sen lên khỏi nước mới nở hoa và khi gió thổi thì hoa sen lay động nhẹ

Về đức tính thứ 2 của hoa sen, Ngài Na Tiên nói: “Sau khi nở hoa trên mặt nước, không bao giờ hoa sen rơi trở vào nước, chìm lại trong nước. Cũng y như thế, vị Tỳ-kheo đã sống đời phạm hạnh không nên rơi trở vào cuộc đời, bị những ưu sầu, sợ hãi từ cuộc đời làm chìm đắm, chi phối nữa”. Hoa sen khi đã lên khỏi mặt nước, cánh hoa có thể rụng, có thể rơi, nhưng cọng hoa thì không bao giờ gục vào trong nước nữa. Người xuất gia cũng vậy, đã sống đời phạm hạnh thì không nên rơi trở vào cuộc đời nữa.

Hình ảnh thật giản dị và gần gũi của Sư Phụ tại khu rừng thiền

Hình ảnh thật giản dị và gần gũi của Sư Phụ tại khu rừng thiền

Tiếp theo Ngài Na Tiên cũng nói về đức tính thứ 3 của hoa sen: “Khi có gió thổi, những hoa sen lay động nhẹ. Có nghĩa là bậc hành giả, khi bị các phiền não thế gian, tám ngọn gió thế gian lay động phải biết ngay, tỉnh thức ngay. Nói cách khác, phải biết sợ hãi chút ít đối với các Pháp trần làm cho lay động tâm, đúng như đức Chính Đẳng Giác đã thuyết: “Các Thầy Tỳ-kheo nên thọ trì điều học, dù có giới phạm, tội lỗi chút ít cũng phải biết sợ hãi nhiều”. Trên thế gian có 8 loại gió gọi là bát phong mà ai cũng sẽ gặp: Lợi - lợi lộc, Suy - hao tổn, Hủy - làm nhục, Dự - danh dự, Xưng - tán dương, Cơ - chê bai, Khổ, Lạc khiến chúng ta động tâm. Người tu phải đối diện với 8 loại gió này, khi gió đến phải tỉnh ngay, không để cho 8 loại gió này xâm nhập vào tâm trí.

Sư Phụ sách tấn đại chúng tu tập trong rừng

Như bông hoa sen - Tỳ-kheo nên thọ trì điều học, dù có giới phạm, tội lỗi chút ít cũng phải biết sợ hãi nhiều

Sư Phụ chỉ dạy: “Chúng ta là người đệ tử Phật giữa đời này, chúng ta cũng quán tưởng mình như một bông hoa sen. Khi quán tưởng về hoa sen lúc tâm hồn mình bị phiền não, bị nóng bức thì tâm mình sẽ dịu mát đi. Hoa sen là loài hoa có sức sống mãnh liệt, chúng ta cũng thế, tin được Diệu Pháp, tin được chư Phật, tin mình có Phật ở trong tâm; chúng ta có đủ sức để chuyển hóa những phiền não ấy. Nhờ có phiền não, chúng ta có thêm sức mạnh để chuyển hóa”.

Qua bài giảng “Học từ hoa sen” Sư Phụ rất mong mỏi toàn thể đại chúng thường quán tưởng về bông hoa sen để tâm mình thường được dịu mát, thanh lương. Là người đệ tử Phật, sống trong cuộc đời đầy ô trược và bùn hôi, chúng ta cần phải chắt lọc những phiền não, bùn hôi và để lại những gì thanh cao và thuần khiết nhất để tỏa hương, dâng hiến cho cuộc đời.

Tịnh Duyên