trực tuyến [TRỰC TIẾP] "4 thứ khó có được ở đời" | Thầy Thích Trúc Thái Minh, ngày 08/11 Canh Tý
Giới thiệu Tin tức Câu lạc bộ - Đạo tràng Nghi lễ Pháp âm Bài viết Thư viện kiến thức Tu học của Tăng chúng Khóa tu mùa hè Câu chuyện chuyển hóa Giải đáp thắc mắc Videos Thư viện ảnh
Những ấn tượng và cảm xúc đặc biệt trong lễ Hằng thuận
Bài viết 02/11/2019

Tháng chín mùa thu - thời điểm đẹp nhất trong năm, cũng là lúc các cặp đôi rộn ràng tổ chức lễ thành hôn về chung một nhà. Những năm gần đây, nhiều đôi bạn trẻ cùng gia đình đã tổ chức lễ Hằng thuận tại chùa thay vì làm đám cưới tại nhà hàng, khách sạn sang trọng. Tại miền Bắc, chùa Ba Vàng cũng là một trong những ngôi chùa tiên phong tổ chức lễ Hằng thuận và thu hút ngày càng nhiều cặp đôi tham gia. Không chỉ Phật tử, mà những người không theo đạo Phật cũng gửi gắm sự kiện quan trọng nhất đời mình tại chốn già lam linh thiêng này.

Mùa thu trên nong thiêng Ba Vàng là thời điểm đẹp để mọi người tổ chức lễ thành hôn trên chùa

Mùa thu trên nong thiêng Ba Vàng là thời điểm đẹp để mọi người tổ chức "lễ cưới" trên chùa

Những điều ấn tượng trong buổi lễ Hằng thuận

1. Không khí trang nghiêm, thanh tịnh trong buổi lễ Hằng thuận

Nếu có duyên được tham dự buổi lễ Hằng thuận tổ chức tại chùa Ba Vàng, có lẽ ai cũng lưu giữ những ấn tượng và cảm xúc khó phai. Dấu ấn đầu tiên là sự trang nghiêm, thanh tịnh của buổi lễ. Giữa chính điện uy nghi, tân lang, tân nương cùng quan viên hai họ chắp tay cung thỉnh chư Tăng quang lâm Đại Hùng Bảo Điện chứng minh cho buổi lễ. Trong màu huỳnh y giải thoát, Sư Phụ cùng chư Tăng dâng hương bạch Phật về duyên sự buổi lễ và thực hiện nghi thức lễ Phật cùng đại chúng. Tiếp đến, tân lang, tân nương cùng nhau dâng lẵng hoa tươi thắm cúng dường Tam Bảo và được Sư Phụ cùng Chư Tăng tưới nước cam lồ chú nguyện cho hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ. Buổi lễ với những nghi thức Phật giáo trang nghiêm, trang trọng mà vẫn thật gần gũi, ấm áp, thắm đượm nghĩa tình.

Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh thực hiện nghi lễ sái tịnh trong buổi lễ Hằng Thuận

Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh thực hiện nghi lễ sái tịnh trong buổi lễ Hằng Thuận 

2. Lời dạy của Sư Phụ trong buổi lễ Hằng thuận là hành trang quý giá khi xây dựng hạnh phúc gia đình

Cuộc sống hôn nhân không đơn thuần là những cảm xúc ngọt ngào như lúc mới yêu, thêm vào đó là những lúc giận hờn, cãi vã, có những lúc tưởng chừng như phải chia ly. Nhưng trách nhiệm, đạo đức và nghĩa tình là nhân tố để hai người có thể kiên nhẫn, bao dung đi cùng nhau đến trọn đời. Sư Phụ chỉ dạy: “Vợ chồng thủy chung, yêu thương tôn trọng nhau. Chồng yêu thương vợ, vợ yêu thương chồng. Trong cuộc sống gia đình, vợ chồng phải bàn bạc với nhau rất nhiều việc, sẽ có những lúc vợ chồng khác ý nhau, nhưng phải biết lắng nghe để thấu hiểu và thông cảm cho nhau. Chồng nói thì vợ nghe, vợ nói thì chồng nghe, gia đình như thế thì được hòa thuận êm ấm”.

Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh ban lời giáo huấn cho tân lang và tân nương trong buổi lễ cưới tại chùa

Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh ban lời giáo huấn cho tân lang và tân nương trong buổi "lễ cưới" tại chùa

Những lời giáo dưỡng quý báu về đạo hiếu, về tình nghĩa vợ chồng, cách đối nhân xử thế, cách cư xử với nhau sao cho “trong ấm ngoài êm” với bố mẹ hai bên,… là hành trang vô giá cho cuộc sống hôn nhân sau này. Đó là tất cả những điều cần thiết để có một cuộc sống gia đình hạnh phúc, đúng với tinh thần đạo Pháp. Không chỉ đôi bạn trẻ được nhiều lợi ích mà có lẽ ai ai cũng hoan hỷ khi được nghe những điều Phật dạy để hoàn thiện bản thân, từ đó hướng đến một gia đình hạnh phúc trọn vẹn.

3. Những món chay đặc biệt ấn tượng trong lễ Hằng thuận

Những bữa tiệc sơn hào hải vị, những màn cụng ly, chúc tụng, nói cười râm ran trong đám cưới hẳn đã quá quen thuộc với mỗi người. Nhưng khi về chùa tham dự lễ Hằng thuận, được thưởng thức một mâm cơm chay nhẹ nhàng, đầy đủ dinh dưỡng trong không khí thanh bình, nhẹ nhàng tại chùa sẽ là trải nghiệm khó quên của mỗi người.

Phật tử chuẩn bị những suất cơm chay trong buổi lễ hằng Thuận

Phật tử chuẩn bị những suất cơm chay trong buổi Lễ Hằng thuận

Những suất cơm chay tại buổi Lễ Hằng Thuận tại chùa Ba Vàng

Những suất cơm chay tại buổi lễ Hằng thuận tại chùa Ba Vàng

Cỗ chay tại chùa cũng không kém phần hấp dẫn với những món ăn thuần chay có nguồn gốc thực vật, được các cô, bác Phật tử chuẩn bị, trang trí đẹp mắt, tinh tế. Mâm cỗ với màu sắc tươi xanh của rau, củ, quả; màu của những nguyên liệu tự nhiên thật bắt mắt. Nhìn mâm cơm chay giản dị, được nhà chùa chuẩn bị rất chu đáo có lẽ quan viên hai họ cũng khởi được tâm hoan hỉ.
Thay vì ăn uống trong không khí náo nhiệt, chúc tụng ồn ào, trong nghi thức thọ trai, gia đình sẽ có những phút giây tĩnh lặng khi cùng với chư Tăng thọ thực bữa ăn trong chính niệm, cảm nhận trọn vẹn bữa ăn ấm cúng chốn thiền môn.

Những cung bậc cảm xúc trong buổi lễ Hằng thuận

1. Khoảnh khắc xúc động của tình cảm gia đình 

Cảm động nhất trong lễ Hằng thuận có lẽ là khoảnh khắc tân lang, tân nương đối trước song thân của mình, lắng nghe lời dạy của Sư Phụ về mười công ơn của cha mẹ và đảnh lễ tạ ơn hai đấng sinh thành. Cha mẹ đôi bên, cô dâu, chú rể ai cũng nghẹn ngào, xúc động trong phút giây này bởi trong cuộc đời mỗi người rất hiếm có dịp để mỗi người chúng ta đối trước mẹ cha bày tỏ sự biết ơn. Trong nghi lễ tạ ơn cha mẹ, Sư Phụ đã ban bố cho đôi tân lang, tân nương những lời dạy vô cùng thấm thía về công lao trời biển của đấng sinh thành: “Đây là cha và mẹ - người đã cho các con tấm thân, hình hài này, sinh các con, chín tháng mang thai, ba năm bú mớm, nuốt đắng nhả ngọt, chỗ ướt mẹ nằm, chỗ ráo nhường con, suốt một đời lo lắng vì con, thương các con hơn ngọc hơn vàng. Dù mai kia cha mẹ có về nơi chín suối thì lòng vẫn thương các con vô cùng. Trên đời này cha mẹ là người yêu thương các con nhất, cha mẹ chỉ có một mà thôi”. Khi được nghe những lời hiếu ngôn của Sư Phụ, rất nhiều cặp đôi tân lang, tân nương không kìm được sự xúc động trong lòng. Những giọt nước mắt đã lăn dài khi nhớ về công lao trời biển của cha mẹ mà bấy lâu nay mình đã lãng quên.

Các Tân lang - Tân nương đảnh lễ hai đấng sinh thành của mình trong buổi

Các Tân lang - Tân nương đảnh lễ hai đấng sinh thành của mình trong buổi "lễ cưới" tại chùa

2. Giây phút thiêng liêng của đôi Tân lang, Tân nương 

Mỗi cặp đôi tổ chức lễ Hằng thuận tại chùa chắc hẳn sẽ không thể quên được giây phút thực hiện nghi lễ tân lang, tân nương giao bái, kính lễ nhau. Sư Phụ có dạy: “Vợ chồng phải kính quý nhau như khách”. Quả thật, tôn trọng nhau là nguyên tắc hàng đầu để có một mối quan hệ bền vững, đặc biệt là trong hôn nhân. Nhiều gia đình cơm không lành, canh chẳng ngọt cũng vì vợ chồng đánh mất sự tôn trọng với nhau. Nghi lễ giao bái của đôi tân lang, tân nương diễn ra dưới sự chứng minh của Sư Phụ, đại Tăng và toàn thể quan viên hai họ. Nghi lễ thể hiện cho sự quý kính, tôn trọng giữa hai vợ chồng, mỗi lễ như hứa nguyện của cặp đôi, đó là: “Nguyện trọn đời sống thủy chung, yêu thương nhau; nguyện hiếu thảo phụng dưỡng cha mẹ hai bên; nguyện trọn đời sống yêu thương, chăm sóc, dạy dỗ con cái nên người; nguyện sống chân thành, sẵn sàng giúp đỡ mọi người; nguyện sống tôn kính và hộ trì ngôi Tam Bảo trọn đời”. Luôn nhớ nghĩ và thực hành những lời nguyện tốt đẹp này, nghĩa là mỗi người sẽ làm tròn bổn phận làm chồng, làm vợ; vẹn tròn nghĩa vụ làm con, làm dâu, làm rể với cha mẹ đôi bên; trở thành người cha, người mẹ tốt của những đứa con trong tương lai. Không chỉ vậy, đó còn là bổn phận làm người công dân tốt trong xã hội và là người Phật tử luôn ghi nhớ trì giới, bố thí, cúng dường, tu tập những công đức lành, hộ trì ngôi Tam Bảo quý báu. Làm được những điều này thì mỗi người sẽ gặt hái thật nhiều quả ngọt trong hôn nhân và trong cuộc sống.

Nghi lễ giao bái của tân lang và tân nương trong buổi lễ Hằng Thuận

Nghi lễ giao bái của tân lang và tân nương trong buổi lễ Hằng thuận

Giờ khắc quan trọng nhất mà mỗi cặp đôi đều mong chờ chính là nghi thức “trao nhẫn cưới thủy chung”. Chiếc nhẫn là vật đính ước mà mỗi người luôn phải mang theo bên mình, để khi nhìn thấy sẽ luôn nghĩ về nhau, để khắc ghi lời nguyện sống thủy chung với nhau. Chiếc nhẫn cũng tượng trưng cho sự gắn kết, gắn bó giữa hai người, như một lời nhắc nhở, có “nhẫn” thì mới có thể bao dung, dìu dắt nhau đi đến cuối đời.

Cô dâu chú rể trao nhẫn cưới cho nhau trong buổi lễ Hằng Thuận

Cô dâu chú rể trao nhẫn cưới cho nhau trong buổi lễ Hằng thuận

“Nhẫn này trao để cho nhau,
Một lòng chung thuỷ, trước sau không sờn.
Nhẫn này ví tựa cao sơn,
Nhẫn này là đức quý hơn muôn vàng.
Nhẫn này nhẫn vẻ nhẫn vang,
Nhẫn này chính thực lòng vàng trao nhau."

Tăng trưởng phước báu từ lễ Hằng thuận

Để cuộc sống được hạnh phúc, mỗi người chúng ta đều phải có phước báu. Việc tổ chức lễ Hằng thuận sẽ mang lại phước báu không nhỏ cho các cặp đôi. Dưới sự chứng minh của Chư Tăng, đối trước ngôi Tam Bảo cao quý; tân lang, tân nương sẽ có được phước báu từ tâm quý kính ngôi Tam Bảo và cung kính các bậc chân tu. Những người có mặt tại buổi lễ Hằng thuận khởi tâm hoan hỷ khi được nghe lời Phật dạy cũng sẽ được kết duyên với Phật Pháp. Không những vậy, thay vì giết hại chúng sinh để đãi khách, chúc tụng rượu bia như một đám cưới tại gia, tổ chức cỗ chay tại chùa giúp các cặp đôi và gia đình mình tránh tạo nghiệp sát sinh, tránh tổn hao phước báo. Những gia đình phát tâm cúng dường trai viên cũng có được phước báu rất lớn từ việc cúng dường các bậc tu hành thanh tịnh. Ngoài ra, Phước báu cũng đến từ việc dâng trà cúng dường cha mẹ, nghĩ tưởng về công đức sinh thành dưỡng dục của cha mẹ và ăn năn hối lỗi về những việc làm khiến cha mẹ phiền lòng. Tin chắc rằng những cặp đôi nên duyên vợ chồng dưới sự chứng minh của Sư Phụ và chư Tăng sẽ đồng lòng vững bước vượt qua khó khăn, thử thách phía trước.

Lễ Hằng Thuận - Cây cầu kết nối giữa đạo và đời

Lễ Hằng thuận - Cây cầu kết nối giữa đạo và đời

Lễ Hằng thuận là cầu nối giữa Đạo và đời để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng những người tham dự. Những nghi thức Phật giáo trang nghiêm, những lời giáo huấn sâu sắc về đạo hiếu, về tình nghĩa vợ chồng, phút giây đôi bạn trẻ xúc động đối trước đấng sinh thành, khoảnh khắc thiêng liêng của tân lang, tân nương,... tất cả tạo nên một dấu ấn khó phai. Để rồi, khi mỗi buổi lễ qua đi, vẫn đọng lại trong lòng người những bài học quý giá, những cảm xúc ngọt ngào.

Hạnh An