trực tuyến [TRỰC TIẾP] "4 thứ khó có được ở đời" | Thầy Thích Trúc Thái Minh, ngày 08/11 Canh Tý
Giới thiệu Tin tức Câu lạc bộ - Đạo tràng Nghi lễ Pháp âm Đăng ký khóa tu Khóa tu mùa hè Bài viết Thư viện kiến thức Tu học của Tăng chúng Truyện tranh Phật giáo Giải đáp thắc mắc Videos Thư viện ảnh
Quan điểm tích lũy tài sản của người đệ tử Phật
Bài viết 07/10/2024

Nhiều người lầm tưởng tu theo đạo Phật là từ bỏ tất cả, không làm việc, làm giàu nữa. Đây là quan niệm chưa đúng với tinh thần của Phật giáo.

Người đệ tử Phật tại gia không chỉ có trách nhiệm tu học Phật Pháp mà còn phải lao động, sản xuất để có tài sản. Mục đích của việc này là nuôi sống gia đình, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn, đồng thời ủng hộ cho sự phát triển của Phật Pháp.

Trong bài kinh Làm giàu thuộc Đại Tạng kinh Việt Nam, Tăng Chi Bộ II, chương 5, phẩm Vua Munda, phần Trở thành giàu [lược], Đức Phật khuyến khích người đệ tử tại gia phải bằng sự nỗ lực tinh tấn, sử dụng trí tuệ và sức lực của bản thân để làm ra tài sản một cách hợp pháp.

Và cách gieo nhân thế nào, để có được sự thành công về tài sản, Đức Phật cũng dạy cần đầy đủ năm hướng tâm sau.

Trú tâm trong năm nhân duyên dẫn đến có tài sản, thành công về tài sản

1. Để được an lạc

Trước hết, chúng ta có được tài sản chân chính thì bản thân được an lạc và có điều kiện để phụng dưỡng cha mẹ, nuôi dưỡng gia đình, trả lương cho người làm công, để mọi người được an vui.

2. Giúp đỡ

Thứ nữa, khi có tài sản, chúng ta mới có khả năng chia sẻ, giúp đỡ người thân, bạn bè khi họ gặp khó khăn, giúp họ có được niềm vui.

3. Phòng ngừa các tai họa

Thứ ba, chúng ta tích lũy tài sản để đề phòng hiểm họa, tai nạn, cũng như rủi ro đến với bản thân, gia đình.

Ví dụ: Đột nhiên mình bị bệnh, bị tai nạn nếu không có tiền thì rất khổ. Nhưng nếu có tài sản tích lũy mình sẽ dùng nó để chữa trị.

4. Ứng xử với các cõi tâm linh

Thứ tư, có tiền của, chúng ta có thể bố thí cho mọi người, hiến cúng cho các hương linh, mà họ có thể là quyến thuộc của chúng ta. Nhờ sự hiến cúng đó, hương linh có thể bớt khổ, tiến tu và thoát nghiệp ngạ quỷ. Đồng thời, mình bố thí cho họ, họ lại ủng hộ cho mình.

Ngoài ra, chúng ta hiến cúng cho chư Thiên thì cũng được họ hộ trì.

5. Cúng dường

Sau cùng, người Phật tử sử dụng tài sản của mình, cúng dường cho các vị Sa môn xuất gia tu hành. Sự cúng dường này rất cao quý đưa đến phước báu vô lượng ở cõi người và cõi trời.

Vì vậy, người đệ Phật phải sống chính đáng, lao động, sản xuất chân chính để có tài sản đúng pháp, xây dựng được gia đình - xã hội tốt đẹp và làm các việc thiện, các việc Phật sự.

Bài kinh “Làm giàu”

Mời quý Phật tử và các bạn cùng đón đọc nguyên văn bài kinh Làm giàu tại đây!

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại khu vườn ông Anàthapindika. Rồi gia chủ Anàthapindika đi đến, sau khi đảnh lễ và ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với gia chủ Anàthapindika.

Này Gia chủ, có năm lý do để gầy dựng tài sản. Thế nào là năm?

Ở đây, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn, thâu góp với sức mạnh của bàn tay, kiếm được do đổ mồ hôi, thâu được một cách hợp pháp. Tự mình làm an lạc, hoan hỷ. Làm cho cha mẹ, vợ con, người phục vụ, người làm công được an lạc, hoan hỷ. Đây là lý do thứ nhất để gầy dựng tài sản.

Lại nữa, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử kiếm được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn... Vị này làm cho bạn bè, thân hữu an lạc, hoan hỷ. Đây là lý do thứ hai để gầy dựng tài sản.

Này Gia chủ, vị Thánh đệ tử kiếm được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn... Các tai họa để trở thành trắng tay bị chặn đứng và vị ấy giữ tài sản được an toàn cho vị ấy. Đây là lý do thứ ba để gầy dựng tài sản.

Lại nữa, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử kiếm được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn... Vị ấy có thể hiến cúng cho bà con, cho khách, cho hương linh đã chết; hiến cúng cho vua và chư thiên. Đây là lý do thứ tư để gầy dựng tài sản.

Này Gia chủ, vị Thánh đệ tử kiếm được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn… Vị ấy tổ chức cúng dường các vị Sa môn, Bà la môn. Sự cúng dường tối thượng này đưa đến phước báo vô lượng ở cõi người, cõi trời. Đây là lý do thứ năm để gầy dựng tài sản.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 5, phẩm Vua Munda, phần Trở thành giàu [lược], VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.374)