trực tuyến [TRỰC TIẾP] "4 thứ khó có được ở đời" | Thầy Thích Trúc Thái Minh, ngày 08/11 Canh Tý
Giới thiệu Tin tức Câu lạc bộ - Đạo tràng Nghi lễ Pháp âm Bài viết Thư viện kiến thức Tu học của Tăng chúng Khóa tu mùa hè Câu chuyện chuyển hóa Giải đáp thắc mắc Videos Thư viện ảnh
Sức mạnh của định nghiệp và phương pháp chuyển hóa năng lực của nghiệp
Bài viết 18/12/2019

“Định nghiệp và bất định nghiệp tùy thuộc vào năng lực tu tập của từng người. Cùng một hành vi, với người này trở thành định nghiệp, nhưng với người khác thì không phải định nghiệp”. - Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh.

Tại buổi tu học thường kỳ, vào ngày 25/11/2019 (nhằm ngày 29/10/Kỷ hợi), trong buổi Pháp thoại “Học từ con quạ”, Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh đã giảng giải về định nghiệp và bất định nghiệp cũng như lợi ích của việc tu tập để chuyển hóa nghiệp. Từ đó, hai hàng Phật tử tại gia và xuất gia đã có thêm tri kiến, tăng niềm tin kiên cố với Tam Bảo; biết được giáo lý Phật dạy là chân lý, là thuốc chữa bệnh khổ đau, mang lại lợi ích cho tất cả chúng sinh.

Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh quang lâm Pháp tòa ban bố cho hàng đệ tử những dòng Pháp nhũ quý báu

Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh quang lâm Pháp tòa ban bố cho hàng đệ tử những dòng Pháp nhũ quý báu

Thế nào là định nghiệp và bất định nghiệp?

Để hiểu được định nghiệp và bất định nghiệp, trước tiên chúng ta cần hiểu được khái niệm nghiệp là gì? Sư Phụ giảng giải: “Nghiệp là năng lực tâm linh được sinh ra do hành vi có chủ đích, có tác ý từ thân, khẩu và ý của chúng ta”. Nếu chúng ta tạo các hành động thiện là đang tạo nghiệp thiện; ngược lại tạo các hành động ác là đang tạo nghiệp ác. Sư Phụ chỉ dạy: “Thân chúng ta là thân tổng báo, là kết quả hội tụ của rất nhiều nghiệp từ vô lượng kiếp”. Trong những loại nghiệp chúng ta đã tạo, có những nghiệp thiện giúp chúng ta được hưởng phước, được hạnh phúc an vui. Nhưng chúng ta cũng tạo vô số các nghiệp ác. Nếu chúng ta tạo nghiệp ác nhẹ, sau quá trình tu tập, nghiệp đó được chuyển hóa thì được gọi là “bất định nghiệp”. Còn những nghiệp ác rất nặng, với năng lực bản thân không thể tu tập để chuyển hóa được thì gọi là “định nghiệp”.

Sư Phụ giảng giải cho đại chúng hiểu rõ hơn về định nghiệp và bất định nghiệp

Sư Phụ giảng giải cho đại chúng hiểu rõ hơn về định nghiệp và bất định nghiệp

Đại chúng ngồi trang nghiêm lắng nghe Sư Phụ giảng Pháp 

Đại chúng ngồi trang nghiêm lắng nghe Sư Phụ giảng Pháp 

Chuyển hóa hay không phụ thuộc vào chính chúng ta

Sư Phụ cũng chỉ dạy: “Định nghiệp và bất định nghiệp tùy thuộc vào năng lực tu tập của từng người. Cùng một hành vi, với người này trở thành định nghiệp, nhưng với người khác thì không phải định nghiệp”.
Để đại chúng hiểu rõ hơn sự tương quan giữa định nghiệp và bất định nghiệp, Sư Phụ lấy ví dụ. Một chú bé 10 tuổi dùng hết sức đạp xe với tốc độ rất nhanh. Bất thình lình, chú bé nhìn thấy một cái hố sâu, chú bé sợ hãi, vội dùng hết sức xoạc chân, bóp phanh. Tuy nhiên với sức của đứa trẻ 10 tuổi, dừng xe ngay lập tức là điều không thể. Cuối cùng, cả người và xe cùng lao xuống hố. Cũng đạp xe với tốc độ ấy, nhưng người cầm lái được thay là một lực sĩ. Với sức của một lực sĩ, anh ta chỉ cần dùng sức bóp phanh, xoạc chân là chiếc xe dừng lại được. Từ ví dụ trên chúng ta hiểu rằng, với mỗi người thì định nghiệp hay bất định nghiệp là khác nhau. Với người có năng lực tu tập tốt, thì những nghiệp nặng của bản thân hoàn toàn có thể chuyển hóa. Nhưng với người không tinh tấn tu tập, thì lại trở thành định nghiệp, khó thể chuyển hóa được hoàn toàn.
Cùng một tốc độ lái xe, đối với sức vóc của chú bé 10 tuổi không thể dừng xe được, xe vẫn lao xuống hố, tai nạn vẫn xảy ra. Định nghiệp chính là nghiệp kiên cố, khó lay chuyển. Ngược lại, đối với người lực sĩ, dừng xe là việc dễ dàng, không có tai nạn xảy ra. Như vậy, nghiệp có thể chuyển hóa được hoàn toàn, quả không thể trổ ra gọi là bất định nghiệp.

Các Phật tử chăm chú ghi chép lại những lời giảng của Sư Phụ

Các Phật tử chăm chú ghi chép lại những lời giảng của Sư Phụ

Phật tử chuyên chú ghi chép những lời dạy của Sư Phụ

Phật tử chuyên chú ghi chép những lời dạy của Sư Phụ

Trong Pháp thoại, Sư Phụ cũng khẳng định: “Định nghiệp rất khó chuyển, nhưng nếu biết tu tập thì có thể chuyển được một phần. Ví dụ chú bé nói trên, nếu không cố hết sức bóp phanh để dừng xe, thì với tốc độ xe đang chạy chiếc xe sẽ lao xuống hố mạnh hơn, hậu quả sẽ nặng nề hơn. Thế nhưng, nhờ sự nỗ lực hết sức, chiếc xe đã rơi nhẹ hơn, cơ thể bớt đau đớn hơn”.

Phật tử hoan hỷ khi được lắng nghe những lời giảng quý báu của Sư Phụ

Phật tử hoan hỷ khi được lắng nghe những lời giảng quý báu của Sư Phụ

Phương pháp tu tập chuyển hóa nghiệp theo sự hướng dẫn của chư Tăng

Trong bài kinh Hạt Muối, Đức Phật dạy, cùng một nắm muối, nếu cho vào chén, thì nước trong chén sẽ mặn và không uống được. Nhưng cho nắm muối xuống sông thì nước đó vẫn uống được. Cũng vậy, cùng làm nghiệp ác như nhau; nhưng người biết tu tập, biết giữ giới, nghe, tư duy và thực hành Pháp thì nghiệp ấy sẽ được chuyển hóa. Còn người lỡ tạo ác nghiệp, không biết tu tập, không thực hành giới Pháp thì nghiệp ấy không thể chuyển hóa được.

Trong kinh Pháp Cú, Đức Phật dạy:

“Ai trước lỡ làm ác
Sau ngừng không tái phạm
Là chiếu sáng thế gian
Như trăng lìa mây che”.

Những ai đã từng làm việc ác nhưng sau đó nhận ra và biết hối cải, biết làm các việc lành, lấy phước lành hồi hướng, xin sám hối các nghiệp ác đã gây tạo và nguyện từ nay không tái phạm nữa thì xứng đáng được tán thán, sáng chói giữa đời này như trăng thoát mây che. Muốn làm được việc đó, chính mình phải nỗ lực hết sức để tu thân, giới và tâm tuệ. Một người biết tu sửa thân tâm, cố gắng đoạn trừ tham - sân - si; lại biết bố thí, cúng dường thì sẽ tiêu trừ được phần nào những nghiệp đã tạo. Sư Phụ giảng giải thêm: “Các Phật tử phải tin tưởng lời Phật dạy và tinh tấn tu tập. Nghiệp thì không biết sẽ trổ vào lúc nào. Nên chúng ta phải phòng xa, lo tu tập, tu thân - giới - tâm - tuệ, làm các việc phước thiện thì nghiệp sẽ chuyển hóa”. Nương đức Tam Bảo và dựa trên những bài kinh Phật dạy, Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh đã có những bài hướng dẫn tu tập chuyển hóa nghiệp để các Phật tử có thể tự tu tập tại gia. Nhiều Phật tử nhờ nương đức chư Tăng, tu tập theo sự hướng dẫn đã chuyển hóa được nghiệp xấu của chính mình và gia đình.

Vào ngày tu học thường kỳ, Phật tử về chùa tham dự thời khóa sám hối chuyển hóa

Vào ngày tu học thường kỳ, Phật tử về chùa tham dự thời khóa sám hối chuyển hóa

Quả thật, luật nhân quả không chừa một ai. Chính vì thế, người Phật tử chân chính phải tin sâu nhân quả, tránh xa các việc ác để không chiêu cảm quả báo xấu; đồng thời phải siêng làm các việc thiện, quyết tâm tu tập, không làm điều gì tổn hại đến chúng sinh.

Khi chúng ta gieo nhân ắt sẽ gặt được quả

Khi chúng ta gieo nhân ắt sẽ gặt được quả

Mong rằng qua lời chỉ dạy của Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh, mỗi người sẽ tự thiết lập được cho mình quyết tâm tu tập. Từ đó phần nào chuyển hóa được những định nghiệp mà mình đã gieo tạo từ các kiếp quá khứ và dần gây tạo được cuộc sống an lành, hạnh phúc.

Hạnh Duyên