trực tuyến [TRỰC TIẾP] "4 thứ khó có được ở đời" | Thầy Thích Trúc Thái Minh, ngày 08/11 Canh Tý
Giới thiệu Tin tức Câu lạc bộ - Đạo tràng Nghi lễ Pháp âm Bài viết Thư viện kiến thức Tu học của Tăng chúng Khóa tu mùa hè Câu chuyện chuyển hóa Giải đáp thắc mắc Videos Thư viện ảnh
Tiền thân Bồ tát Địa Tạng: Thánh Nữ Bà La Môn cứu mẹ thoát khỏi địa ngục Vô Gián và lời thệ nguyện cứu độ chúng sinh

“Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật” và Đức Bồ Tát Địa Tạng chính là hiện thân của tấm gương hiếu hạnh. Bởi trong vô lượng kiếp trước, Ngài là người con rất hiếu thảo, phước đức sâu dày, luôn tìm cách để cha mẹ an vui trong chính Pháp. Câu chuyện về Thánh Nữ Bà La Môn - tiền thân của Bồ Tát Địa Tạng là một trong những câu chuyện thể hiện tâm đại hiếu của Ngài.

Trong một kiếp Ngài vì thương mẹ, nghĩ đến quả báo khổ đau mẹ phải gánh chịu mà mở rộng tâm từ bi thương tưởng đến tất cả chúng sinh, phát lời đại nguyện rộng lớn cứu độ chúng sinh.

Để hiểu sâu về câu chuyện trên, kính mời quý Phật tử cùng theo dõi bài viết dưới đây qua lời chia sẻ của Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh dựa theo bài kinh “Bà La Môn cứu mẹ” trong kinh Địa Tạng Bổn Nguyện.

Tâm đại hiếu của Thánh Nữ cảm ứng tới Đức Phật Giác Hoa Định Tự Tại Vương

Trong vô lượng kiếp về trước, có Đức Phật Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai, tuổi thọ đến bốn trăm nghìn muôn ức vô số kiếp. Trong thời tượng Pháp, có người con gái dòng Bà La Môn, phước đức sâu dày nhiều đời, mọi người đều kính nể, thường được chư Thiên theo hộ vệ.

Tuy nhiên, mẹ cô không tin nhân quả, mê tín tà đạo, thường khinh khi Tam Bảo. Thấy vậy, Thánh Nữ bằng nhiều lời phương tiện khuyên nhủ, mong sao mẹ tin nhân quả, có được chính kiến nhưng bà chưa tin hẳn. Thế rồi, chẳng bao lâu, mẹ Thánh Nữ chết đọa vào địa ngục Vô Gián. Khi ấy, Thánh Nữ biết mẹ mình khi sống tạo ác nghiệp thì chết rồi chắc chắn sẽ đọa vào đường ác. Không muốn mẹ chịu khổ nên Thánh Nữ bèn bán nhà, đất, sắm nhiều hương hoa cùng những đồ lễ cúng, rồi đem cúng dường tại các chùa tháp thờ đức Phật Giác Hoa Định Tự Tại Vương.

Khi chiêm bái hình tượng Đức Phật Giác Hoa Định Tự Tại Vương, cô liền sinh lòng kính ngưỡng, tự nghĩ thầm rằng: “Đức Phật là đấng Đại Giác đủ tất cả trí huệ, nếu Đức Phật còn trụ ở đời, thì khi mẹ tôi khuất, tôi đến bạch hỏi Phật, chắc thế nào cũng rõ mẹ tôi sanh vào chốn nào”. Rồi Thánh Nữ buồn tủi rơi lệ, lòng sầu bi quyến luyến mẹ.

Thánh nữ Bà La Môn chiêm bái hình tượng Đức Phật Giác Hoa Định Tự Tại Vương

Thánh nữ Bà La Môn chiêm bái hình tượng Đức Phật Giác Hoa Định Tự Tại Vương

Thấy cô thương nhớ mẹ trội hơn lòng thương thường tình của chúng sinh nên Đức Giác Hoa Định Tự Tại Vương cất tiếng vọng trong hư không chỉ bảo cho cô chỗ mẹ cô thác sinh về.

Thánh Nữ bạch rằng:
- Cúi xin Đức Phật xót thương bảo ngay cho rõ chỗ thác sanh của mẹ con, nay thân tâm của con sắp chết mất!

Đức Phật chỉ bảo cho Thánh Nữ:
- Cúng dường xong, ngươi mau mau trở về nhà, rồi ngồi ngay thẳng nghĩ tưởng danh hiệu của Ta, thời ngươi sẽ biết chỗ thác sanh của mẹ ngươi.

Thánh nữ buồn tủi, rơi lệ khi bạch Đức Phật Giác Hoa Định Tự Tại Vương

Thánh nữ buồn tủi, rơi lệ khi bạch Đức Phật Giác Hoa Định Tự Tại Vương

Đức Phật dạy Thánh Nữ bố thí, cúng dường để buông xả tâm tham chấp, không dính mắc. Tiếp đó là đưa tâm về an định; tức là nghĩ tưởng đến danh hiệu của Đức Phật Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai. Quán chiếu về danh hiệu của Ngài: “Giác Hoa” tức là bông hoa giác ngộ, “Định” tức là tâm an định, “Tự Tại” là không dao động, không bị trói buộc, lệ thuộc.

Hiểu một cách đầy đủ là khi nghĩ tưởng đến danh hiệu của Ngài, cô phải đưa tâm trở về trong an định, tự tại, lúc đó sự giác ngộ sẽ khai mở và biết được nơi mẹ cô thác sinh. Tức là tự tâm cô giác ngộ mà chứng biết điều đó, không phải do Phật chỉ cho.

Thánh Nữ nhiếp tâm thấy cảnh giới địa ngục và sự khổ của chúng sinh

Nghe lời Phật dạy, Thánh Nữ liền trở về nhà. Vì thương nhớ mẹ nên cô ngồi ngay thẳng trải suốt một ngày một đêm. Vào trong định, cô thấy thân mình đến một bờ biển rất lạ kỳ: nước trong biển sôi sùng sục, có nhiều thú dữ thân thể toàn bằng sắt bay nhảy trên mặt biển. Trai cùng gái nhiều đến muôn nghìn chìm nổi ở trong biển, bị thú dữ giành nhau ăn thịt.

Lại thấy quỷ Dạ Xoa hình thù lạ lùng, hoặc nhiều tay, nhiều chân, nhiều mắt, nhiều đầu, răng nanh chìa ra ngoài, miệng bén nhọn dường gươm bắt những người có tội, hình trạng muôn thứ chẳng dám nhìn lâu. Khi ấy, nhờ nương sức niệm Phật nên Thánh Nữ không kinh sợ.

Lúc đó, có vị Quỷ Vương tên Vô Độc đến cúi đầu đón tiếp Thánh Nữ. Quỷ Vương cho cô biết nơi đây là tầng biển thứ nhất ở phía Tây núi đại Thiết Vi. Trong kinh Phật nói bốn phía của núi Thiết Vi đều là biển, gọi là địa ngục. Và địa ngục này nếu không phải người có sức oai thần hay do nghiệp lực thì không bao giờ có thể đến được.

Thánh nữ nhiếp tâm nghĩ tưởng danh hiệu của Đức Phật Giác Hoa Định Tự Tại Vương

Thánh nữ nhiếp tâm nghĩ tưởng danh hiệu của Đức Phật Giác Hoa Định Tự Tại Vương

Quỷ Vô Độc bảo rằng: “Những người tội trong biển này là những kẻ tạo ác ở cõi Diêm Phù Đề mới chết, trong khoảng bốn mươi chín ngày không người kế tự để làm công đức hầu cứu vớt khổ nạn cho; lúc sống, kẻ đó lại không làm được nhân lành nào cả. Vì thế nên cứ theo nghiệp ác của họ đã gây tạo mà cảm lấy báo khổ ở địa ngục, tự nhiên họ phải lội qua biển này”.

Cách biển này, mười muôn do tuần về phía Đông lại có một biển; về phía Đông của biển đó lại có biển khác nữa. Sự thống khổ của tội nhân trong biển sau gấp bội lần hơn biển trước: “Đó đều là do những nghiệp nhân xấu xa của ba nghiệp mà cảm vời ra, đồng gọi là biển nghiệp, chính là ba cái biển này vậy”.

Ba nghiệp này chính là thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp. Thân tạo ba ác nghiệp: sát sinh, trộm cắp, tà dâm. Miệng tạo bốn ác nghiệp: nói dối, nói hai lưỡi, nói thêu dệt, nói lời hung ác. Ý nghĩ tạo ra ba ác nghiệp: tham lam, ích kỷ, sân giận oán hờn, si mê tà kiến. Từ thân, khẩu, ý tạo ác nghiệp chiêu cảm thành ba biển nghiệp và gọi là địa ngục. Ngoài ra, ở địa ngục còn có trăm nghìn ngục khác, không thể kể hết được sự thống khổ của chúng sinh phải chịu.

Thánh Nữ xót thương chúng sinh mà phát lời thệ nguyện rộng lớn độ khắp chúng sinh

Không biết mẹ sinh về nơi nào, Thánh Nữ hỏi Quỷ Vương và cô cũng cho biết:
- Thân mẫu của tôi mê tín tà đạo, khinh chê ngôi Tam Bảo, hoặc có lúc tạm thời tin chánh pháp, xong rồi chẳng kính. Dầu khuất không bao lâu, mà chưa rõ đọa lạc vào đâu?

Khi biết mẹ Thánh Nữ là dòng dõi Bà La Môn, tên là Duyệt Đế Lợi. Quỷ Vô Độc chắp tay thưa Thánh Nữ rằng:
- Xin Thánh Nữ hãy trở về, chớ đem lòng thương nhớ buồn rầu quá lắm nữa. Tội nữ Duyệt Đế Lợi được sanh lên cõi Trời đến nay đã ba ngày rồi. Nghe nói nhờ con gái của người có lòng hiếu thuận, vì mẹ mà sắm sửa lễ vật, tu tạo cội phước lành, cúng dường chùa tháp, thờ đức Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai. Chẳng phải chỉ riêng thân mẫu của Bồ Tát đặng thoát khỏi địa ngục, mà ngày đó những tội nhân Vô Gián cũng đều được vui vẻ, đồng đặng thác sinh cả”. Nói xong, Quỷ Vương chắp tay chào Thánh Nữ mà cáo lui.

Bấy giờ, Thánh Nữ như chiêm bao chợt tỉnh, liền đối trước tượng Đức Phật Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai mà phát nguyện rộng lớn: “Tôi nguyện từ nay nhẫn đến đời vị lai, những chúng sanh mắc phải tội khổ, thì tôi lập ra nhiều phương chước làm cho chúng đó được giải thoát”.

Lời nguyện của Thánh Nữ cũng là hạnh nguyện rộng lớn của chư Phật, Bồ Tát bởi tất cả chư Phật, Bồ Tát ra đời đều có mục đích duy nhất là cứu khổ chúng sinh. “Nguyện từ nay nhẫn đến đời vị lai” là không kể thời gian bao lâu, vì muốn chúng sinh được giác ngộ, các Ngài sẽ lập nhiều phương cách để cứu giúp chúng sinh.

Bấy giờ, Đức Phật bảo: Quỷ Vương Vô Độc chính là ông Tài Thủ Bồ Tát. Còn Thánh Nữ Bà La Môn nay là Địa Tạng Bồ Tát.

Qua câu chuyện trên, chúng ta thấy được tâm hiếu hạnh cao cả của tiền thân Bồ Tát Địa Tạng, tức Thánh Nữ Bà La Môn. Tâm hiếu vượt trên cả thường tình chúng sinh, với mong mỏi làm sao cho mẹ được an vui, không phải chịu khổ đau. Ngài vì thương chúng sinh phải chịu khổ mà dũng mãnh phát lời đại nguyện cứu độ khắp tất cả chúng sinh.

Từ đó, chúng ta thấy được ân đức sâu dày của chư Phật, Bồ Tát; trong đó có Ngài Bồ Tát Địa Tạng mà chúng ta hằng nên tri ân, tán thán. Bởi chúng ta được kết duyên với Phật Pháp, được sinh vào cảnh giới an lành, có lẽ chính là từ nơi hạnh nguyện của các Ngài, nguyện vào sinh tử luân hồi để cứu khổ chúng sinh.

Nhân mùa Vu Lan báo hiếu, mong sao, mỗi người con Phật có thể noi gương Bồ Tát Địa Tạng mà thực hành tâm hiếu hạnh để cha mẹ hiện đời hay cha mẹ quá vãng đều được an lạc, hạnh phúc.

Tịnh Duyên

Bài liên quan