trực tuyến [TRỰC TIẾP] "4 thứ khó có được ở đời" | Thầy Thích Trúc Thái Minh, ngày 08/11 Canh Tý
Giới thiệu Tin tức Câu lạc bộ - Đạo tràng Nghi lễ Pháp âm Bài viết Thư viện kiến thức Tu học của Tăng chúng Khóa tu mùa hè Câu chuyện chuyển hóa Giải đáp thắc mắc Videos Thư viện ảnh
Vị Tỳ-kheo học được gì từ chiếc kèn và cây súng?
Bài viết 22/11/2019

“Các Sa môn Thích tử thuộc giống dòng trí thức, phạm hạnh… thật không nên có hành động sai trái, tà vạy; phải biết tôn trọng, cung kính thứ tự hạ lạp, phải biết thông thuận, ngay thẳng như nòng súng của cây súng vậy.” - Trích kinh Vidhurapunnaka Jātaka.
Ngày 10/11/2019 (tức ngày 14/10/Kỷ Hợi) vừa qua, hàng ngàn Phật tử cùng vân tập về ngôi già lam Ba Vàng để lắng nghe những lời Pháp nhũ quý báu của Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh. Trong những buổi giảng trước, Sư Phụ đã giúp đại chúng học hỏi được nhiều điều bổ ích từ những đặc tính đáng quý của các con vật. Đến với buổi giảng Pháp lần này, qua câu chuyện của Đức vua Mi-lan-đà và Tỳ-kheo Na Tiên cùng với lời giảng đơn giản, dễ hiểu của Sư Phụ, đại chúng đã hiểu được những đặc tính của chiếc kèn và cây súng, qua đó rút ra những bài học sâu sắc và quý giá.

Đông đảo Phật tử đã vân tập về chùa để tham dự buổi tu học định kỳ hàng tháng

Đông đảo Phật tử đã vân tập về chùa để tham dự buổi tu học định kỳ hàng tháng

Sa môn hạnh mà rời Pháp hành thì không thể gọi là sa môn 

Trong văn kinh, ngài Na Tiên nói: “Cái kèn sở dĩ nó phát ra thành tiếng, thành âm thanh trầm bổng là tùy thuộc vào hơi gió của người thổi. Nói cách khác, cái kèn không thể tách rời hơi gió thổi, hơi gió thổi không thể tách rời cái kèn. Phàm sa-môn tu hành giải thoát cũng y như thế, hạnh sa-môn phải được dính chặt, không được buông lơi pháp hành. Nói cách khác, vị Tỳ-kheo là pháp hành, pháp hành là vị Tỳ-kheo. Cái kèn không thể rời hơi gió, rời hơi gió thì cái kèn không có âm thanh. Sa-môn hạnh mà rời pháp hành thì không thể gọi là sa-môn.”

Ngài La Hầu La cũng từng thuyết: “Là Tỳ-kheo trong hàng ngũ sa-môn phải lấy pháp hành làm y chỉ, cả ngày lẫn đêm đừng rời khỏi pháp hành, phải tinh tấn để tăng trưởng và hoàn thiện pháp hành của mình.”

Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh trong buổi giảng Pháp

Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh trong buổi giảng Pháp

Để kèn phát ra âm thanh du dương trầm bổng thì hơi và kèn phải có sự gắn bó mật thiết, không rời nhau. Nếu có kèn mà không có hơi thì cũng vô dụng; có hơi của người thổi, hơi của gió mà không có kèn thì cũng không thể thành âm thanh. Cũng như vậy, một người đệ tử xuất gia cho đến người đệ tử tại gia luôn phải ghi nhớ pháp hành và thực tập pháp hành sao cho đúng với công hạnh cao cả của người đệ tử Phật. Một vị tu sĩ đúng nghĩa không chỉ cạo tóc, đắp y mà còn phải luôn siêng năng thực hành Giới luật và lời Phật dạy.

Chư Tăng chùa Ba Vàng chăm chú ghi chép những dòng Pháp nhũ của Sư Phụ

Chư Tăng chùa Ba Vàng chăm chú ghi chép những dòng Pháp nhũ của Sư Phụ

Phật tử ngồi trang nghiêm để lắng nghe những dòng Pháp nhũ của Sư Phụ

Phật tử ngồi trang nghiêm để lắng nghe những dòng Pháp nhũ của Sư Phụ

Sư Phụ cũng từ bi chia sẻ: “Tỳ-kheo chùa Ba Vàng lấy pháp hành căn bản là thực hành Tứ Niệm Xứ. Trong kinh Đức Phật dạy: Tứ Niệm Xứ là con đường độc nhất đưa chúng sinh đến thanh tịnh, thoát khỏi những phiền não, sầu bi, trói buộc, đạt được đến chánh trí, Niết Bàn.” Vị Tỳ-kheo không được rời pháp hành căn bản này, phải thường quán niệm thân và dõi theo từng hơi thở. Sự sống của con người chính là nương theo hơi thở. Hơi thở luôn có mối quan hệ vô cùng mật thiết với từng hành động, suy nghĩ của chúng ta. Nếu tu niệm hơi thở tốt cũng có thể đạt đạo. Đặc biệt, quán niệm về thân bất tịnh rất cần thiết không chỉ đối với người xuất gia mà còn đối với cả những người Phật tử. Bởi xã hội càng phát triển thì càng có nhiều duyên khiến con người bị tâm tưởng về dục lạc chi phối dẫn đến những hành vi xấu ác. Một người đệ tử Phật thường biết quán tâm bất tịnh sẽ trừ bỏ được tham dục, giúp cho tâm được mát mẻ và sinh trưởng nhiều trí tuệ, thiện căn. Việc quán tưởng này phải luôn hiện hữu, tâm không rời pháp hành giống như chiếc kèn và hơi gió luôn gắn kết với nhau. Con người vốn mang trong mình rất nhiều phiền não, tâm bệnh. Vì vậy phải dùng Pháp của Phật để trị những tâm bệnh thì mới dứt được những ái chấp, khổ đau tiến tới Niết bàn.

Sa Môn Thích Tử phải biết cung kính thứ tự hạ lạp

Tỳ-kheo Na Tiên thuyết giảng: “Cây súng tùy thuộc nòng súng, nòng súng phải thông suốt từ đầu này đến đầu kia, cây súng mới sử dụng được. Cũng vậy, vị Tỳ-kheo trong giáo hội của Đức Thế Tôn phải biết thích ứng, tôn trọng phẩm vị, thứ tự hạ lạp từ dưới lên trên, từ thấp lên cao y như thế. Nòng súng thông suốt không bị vướng mắc, trở ngại, đạn mới được ra khỏi nòng. Thứ tự hạ lạp thông thuận từ dưới lên trên, không có lộn xộn, vướng mắc, mới đem đến hữu ích cho chính mình và cho đại dụng cho cuộc đời.”
Đúng như Đức Thế Tôn đã thuyết trong kinh rằng: “Các Sa môn Thích tử thuộc giống dòng trí thức, phạm hạnh… thật không nên có hành động sai trái, tà vạy; phải biết tôn trọng, cung kính thứ tự hạ lạp, phải biết thông thuận, ngay thẳng như nòng súng của cây súng vậy.”

Cây súng muốn sử dụng được thì nòng súng phải thông suốt, không được có vật cản gây tắc bên trong. Cũng vậy, trong Tăng chúng thì phải hòa hợp, có tổ chức thông suốt; Tỳ-kheo thì phải biết lớn nhỏ, biết kính trên nhường dưới. Người đệ tử xuất gia luôn phải an ổn, hòa thuận cho dù sống nơi trú xứ nào; vậy mới đúng nghĩa của một vị đệ tử Phật.
Trong bài giảng, Sư Phụ cũng chia sẻ với đại chúng câu chuyện về Tôn giả Ưu Ba Ly. Khi chưa xuất gia, Ngài thuộc giai cấp thấp nhất trong tầng lớp xã hội của nước Ấn Độ cổ thời bấy giờ, nhưng khi Ngài trở thành một Tỳ-kheo, những người chủ trước đây cũng phải đảnh lễ Ngài. Bởi trong đạo, người xuất gia lấy tuổi hạ lạp làm tuổi của mình mà không coi trọng bằng cấp, địa vị. Đối với người Phật tử tại gia, trong gia đình thì con cái phải biết kính trọng ông bà, cha mẹ; anh lớn thì nhường em nhỏ và em nhỏ thì phải biết quý trọng anh. Một gia đình mà biết kính trên, nhường dưới, yêu thương hòa thuận thì sẽ ấm êm, hạnh phúc. Trong đạo tràng, các đạo hữu phải biết tu tập lục hòa, trên kính dưới nhường, thực hiện theo đúng tôn ti, thứ lớp thì chắc chắn đạo tràng sẽ phát triển vững mạnh, mọi việc sẽ tốt đẹp.

Chư Tăng Ni chùa Ba Vàng thực hành Pháp khất thực theo thứ lớp 

Chư Tăng Ni chùa Ba Vàng thực hành Pháp khất thực theo thứ lớp 

Qua lời giảng của Sư Phụ về đặc điểm của chiếc kèn và cây súng mà một vị Tỳ-kheo cần học; không chỉ người đệ tử xuất gia mà ngay cả người Phật tử tại gia cũng phải tự rút ra những bài học cho riêng mình. “Tu” là phải đi đôi với “hành”, một người học Phật, cho dù làu thông Tam tạng Kinh điển, mà không thực hành thì không được lợi ích gì cả. Người đệ tử Phật phải luôn thực hành Pháp tu Lục hòa, mỗi người, biết tôn ti trật tự, thứ lớp trên dưới thì tập thể đó sẽ vững mạnh, phát triển. Một tập thể không có thứ lớp, không có Lục hòa thì sẽ không thể phát triển, vững bền.
Mong rằng, sau buổi giảng Pháp của Sư Phụ, các Phật tử sẽ thực hành được những lời Tỳ-kheo Na Tiên căn dặn để có được những lợi ích thiết thực trong cuộc sống và lợi ích trên con đường tu học Phật Pháp.

Hạnh Liên