12 pho đại sách “Huyền thoại Việt Nam” - Nơi lưu danh hơn 10 vạn Anh hùng Liệt sĩ Việt Nam | Chùa Ba Vàng
30/01/2025
Kính mời quý Phật tử cùng tìm hiểu bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về nhân duyên và ý nghĩa của 12 pho đại sách được đặt tại đền thờ Anh hùng Liệt sĩ
30/01/2025
Với ba kỷ lục danh giá: Kỷ lục Thế giới, Kỷ lục châu Á và Kỷ lục Việt Nam, 12 pho đại sách lưu danh hơn 10 vạn Anh hùng Liệt sĩ đã trở thành điểm nhấn thiêng liêng tại chùa Ba Vàng. Những pho đại sách này không chỉ khắc ghi công lao to lớn của các anh hùng, mà còn lan tỏa giá trị nhân văn cao đẹp và tinh thần yêu nước bất diệt của dân tộc Việt Nam.
Quý vị hãy cùng khám phá câu chuyện ý nghĩa đằng sau 12 pho đại sách qua bài viết dưới đây.

Nhân duyên đặc biệt của 12 pho đại sách với chùa Ba Vàng
Nhà báo Đoàn Mạnh Phương - Tổng Biên tập Tạp chí Trí thức và Phát triển, khi có dịp đến thăm nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn vào năm 2007, ông đã khởi suy nghĩ rằng các Anh hùng Liệt sĩ xứng đáng ghi danh vào sử sách chứ không chỉ ở bia đá. Với những trăn trở đó, năm 2014, ông cùng đồng nghiệp hoàn thành bộ sách “Huyền thoại Việt Nam” để lưu danh sự hy sinh cao cả của các Anh hùng Liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam. Khi công việc cao quý ấy hoàn thành, nhà báo Đoàn Mạnh Phương cùng đồng nghiệp trăn trở tìm nơi lưu giữ và thờ phụng.

Nhà báo Đoàn Mạnh Phương (đứng phát biểu) và Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh
Trong cuộc gặp gỡ với Đại đức Thích Trúc Bảo Nghĩa năm 2014 tại chùa Ba Vàng, ông Phương cùng đồng nghiệp được Đại đức dẫn tham quan và giới thiệu chùa. Khi đến nhà thờ Tổ, quan sát cấu trúc nơi đây, ông Phương ngỏ ý thỉnh cầu gặp Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh xin phép gửi 10 pho đại sách vào nơi đây. Sau cuộc gặp gỡ đầy thiện duyên này, Sư Phụ đã đồng ý lời thỉnh cầu của ông Phương, bố trí toàn bộ khu tầng một làm nơi thờ phụng 10 pho đại sách (2 pho đại sách còn lại được bổ sung sau này).
Quay ngược dòng thời gian, có lẽ 12 pho đại sách được đặt tại nhà thờ Tổ chùa Ba Vàng như nhân duyên được sắp đặt trước. Năm 2007, Sư Phụ về nơi đây và bắt đầu xây dựng chùa. Đến năm 2014, nhà thờ Tổ được khánh thành. Thật trùng hợp vào năm 2007, nhà báo Đoàn Mạnh Phương bắt đầu xây dựng 10 pho đại sách và đến năm 2014, công trình này được hoàn thành. Không chỉ vậy, Sư Phụ và nhà báo Đoàn Mạnh Phương từng là đồng nghiệp cũ nhiều năm về trước.

Bên cạnh đó, nhà báo Đoàn Mạnh Phương cũng chia sẻ những khó khăn về tài chính khi xuất bản 10 pho đại sách. Khoảng một tuần sau khi 10 pho đại sách đặt tại chùa Ba Vàng, khi ấy doanh nhân Vũ Văn Hồng đến chiêm bái nhà thờ Tổ, ông đã phát tâm xin hỗ trợ phần tịnh tài còn thiếu với 2,7 tỷ. Rất kỳ lạ, khi Sư Phụ liên hệ với nhà báo Đoàn Mạnh Phương thì biết đây cũng chính bằng số tiền ông Phương đang thiếu.
Có thể nói, 12 pho đại sách có nhiều nhân duyên đặc biệt với Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh và với chùa Ba Vàng. Nhờ vậy mà giờ đây, Nhân dân, Phật tử khắp nơi có thể về chùa chiêm bái, dâng hương và khởi tâm tri ân Anh hùng Liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc.
Sơ lược về 12 pho đại sách lưu danh các Anh hùng Liệt sĩ Việt Nam
Bộ công trình xuất bản “Huyền thoại Việt Nam” với 12 pho sách khổ siêu đại lưu danh các Anh hùng Liệt sĩ là dự án đầy giá trị nhân văn do Tạp chí Trí thức và Phát triển thực hiện. Mỗi cuốn đại sách có kích thước 1,0m x 0,7m x (0,25 đến 0,35m), trọng lượng cuốn lớn nhất lên khoảng 500kg đến 600kg, lưu danh hơn 10 vạn Anh hùng Liệt sĩ – những người con ưu tú của dân tộc đã anh dũng hy sinh, gắn liền với những chiến công đi vào lịch sử của dân tộc như: Huyền thoại Điện Biên, Huyền thoại Trường Sơn, Huyền thoại Côn Đảo, Huyền thoại Phú Quốc, Huyền thoại Đường 9 – Khe Sanh,…
Pho đại sách Huyền thoại Điện Biên, Huyền thoại Trường Sơn, Huyền thoại Thanh Niên Xung Phong Việt Nam



Pho đại sách Huyền thoại Phú Quốc, Huyền thoại Côn Đảo, Huyền thoại Đường 9 Khe Sanh Anh Hùng



Pho đại sách Huyền thoại Thành Cổ Quảng Trị, Huyền thoại Đường Hồ Chí Minh Trên Biển, Huyền thoại Hà Nội - Điện Biên Phủ Trên Không



Pho đại sách Huyền thoại Người Chiến Sĩ Tình Nguyện, Huyền thoại Thống Nhất Non Sông, Huyền thoại Mang Màu Cờ Tổ Quốc.



Mỗi pho đại sách gồm hai phần: Phần một là những dữ liệu sự kiện lịch sử và những câu chuyện ghi chép từ các nhân chứng chiến tranh; phần hai là danh sách các Anh hùng Liệt sĩ đã chiến đấu hy sinh tại các địa danh trên cả nước.
12 pho đại sách còn là sự kết tinh công sức không quản ngày đêm, đường sá xa xôi,... của Ban Biên tập tạp chí Tri thức và Phát triển khi phải tìm đến những địa danh thờ phụng các Anh hùng Liệt sĩ để tra cứu, đối chiếu các dòng tên của hàng vạn chiến sĩ, từ đó kết tập vào những trang sách thiêng liêng.
Ý nghĩa đặc biệt của 12 pho đại sách
Bộ công trình xuất bản 12 pho đại sách “Huyền thoại Việt Nam” không chỉ có giá trị về mặt văn hóa, lịch sử truyền thống sâu sắc mà còn có giá trị thực tiễn, là kho tàng lịch sử cách mạng của dân tộc Việt Nam, góp phần giáo dục các thế hệ người Việt Nam đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” đối với những người có công với đất nước. Bên cạnh đó, 12 pho đại sách như minh chứng thể hiện ý chí sắt đá, tinh thần kiên cường, đoàn kết anh dũng của quân và dân ta.
Như Nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Trương Tấn Sang từng viết trong thư gửi Chương trình Lưu danh và thờ phụng Anh hùng Liệt sĩ Việt Nam: “Trong thời điểm này, việc xuất bản, lưu danh các Anh hùng Liệt sĩ và được đưa về phụng thờ trang trọng tại ngôi chùa có chính điện trên núi lớn nhất Đông Dương thật vô cùng ý nghĩa. Cùng với những giá trị xuất bản có được ở 10 pho đại sách, ý nghĩa tâm linh thờ phụng người có công với dân tộc lại càng làm lay động lòng người, càng khơi gợi nêu cao truyền thống yêu nước vĩ đại của dân tộc ta. Tôi đánh giá cao việc làm đầy tính nhân văn sâu sắc, thiết thực và giàu ý nghĩa này…”.

Giấy phép xuất bản của Nhà xuất bản Thông tấn cho 12 pho đại sách

Bức thư của chủ tịch nước Trương Tấn Sang
Từ nhiều nhân duyên đặc biệt mà 12 pho đại sách “Huyền thoại Việt Nam” lưu danh tên tuổi của các Anh hùng Liệt sĩ được thờ phụng trang trọng trên núi thiêng Ba Vàng. Qua đó, đạo Pháp và dân tộc càng thêm bền chặt, tình người thêm lớn, đạo lý tri ân, báo ân cũng được nhân rộng lên trong trái tim mỗi người Việt Nam đối với những người đã hy sinh cuộc đời mình cho Tổ quốc, cho dân tộc.
Tại nơi đây, vào các ngày lễ như: Sinh nhật Bác Hồ (19/5), ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7),... Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh, chư Tăng Ni, Phật tử chùa Ba Vàng cũng như CLB Tuổi trẻ Ba Vàng sẽ tổ chức các chương trình tri ân Chủ tịch Hồ Chí Minh, các Anh hùng Liệt sĩ và những người có công với đất nước.
Điều này cho thấy, Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh và chư Tăng chùa Ba Vàng luôn chú trọng đạo lý “uống nước nhớ nguồn” và giáo dưỡng hàng đệ tử tại gia khắc ghi đạo lý này. Đó không chỉ là truyền thống của dân tộc mà còn là một trong tứ trọng ân - ân quốc gia, xã tắc mà đệ tử Phật cần ghi nhớ.