trực tuyến [TRỰC TIẾP] "4 thứ khó có được ở đời" | Thầy Thích Trúc Thái Minh, ngày 08/11 Canh Tý
Giới thiệu Tin tức Câu lạc bộ - Đạo tràng Nghi lễ Pháp âm Bài viết Thư viện kiến thức Tu học của Tăng chúng Khóa tu mùa hè Câu chuyện chuyển hóa Giải đáp thắc mắc Videos Thư viện ảnh
2 quy tắc vàng rèn đức kiên nhẫn không thể bỏ qua
Bài viết 23/09/2020

Kiên nhẫn là đức tính vô cùng cần thiết, là chìa khóa đưa đến thành công của mỗi người. Nhưng để xây dựng đức tính kiên nhẫn không dễ dàng, đặc biệt là trong thời đại công nghệ 4.0.
Vậy làm sao để rèn luyện cho mình đức tính kiên nhẫn? Kính mời quý vị cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây qua lời giảng giải của Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh.

Tầm quan trọng của đức tính kiên nhẫn

Trước khi đưa ra lời khuyên, Sư Phụ chia sẻ: “Đức kiên nhẫn là đức tính rất cần thiết trong con người, gọi là kiên nhẫn và nhẫn nhịn. Nhẫn là nhất tự thiên kim, một chữ nhẫn đáng giá nghìn vàng. Trong tu đạo cũng thế, Phật gọi nhẫn nhục là đệ nhất đạo. Nhẫn nhục, kiên nhẫn là điều rất quý. Không nhẫn nhục, không kiên nhẫn thì khó thành công. Trên bước đường thành lập sự nghiệp mọi việc không suôn sẻ, đầy chông gai, chướng ngại, khó khăn, gian khổ. Nếu chúng ta không có đức kiên nhẫn thì không thể đến đích được. Cho nên ai muốn thành công, người ấy phải tu đức nhẫn”.
Để đại chúng nhận thức rõ về tầm quan trọng của đức kiên nhẫn, Sư Phụ lấy ví dụ về việc tập gym, người tập gym phải rất kiên trì, bền bỉ tập luyện, có thể mất ba đến năm năm mới có thân hình đẹp đẽ được.
Từ lời chia sẻ trên Sư Phụ, chúng ta nhận thấy kiên nhẫn là đức tính quý báu để dẫn đến thành công. Đặc biệt, đối với người tu Phật, nếu không nhẫn nhục, kiên nhẫn thì không thành tựu đạo quả được.

>>> Hạnh nhẫn nhục với người tu Phật

Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh chia sẻ về đức tính kiên nhẫn chính là chìa khóa dẫn đến thành công

Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh chia sẻ về đức tính kiên nhẫn chính là chìa khóa dẫn đến thành công

Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh chia sẻ về đức tính kiên nhẫn chính là chìa khóa dẫn đến thành công

Nhập Nội dung...

Đức tính kiên nhẫn hình thành do đâu?

Sư Phụ chỉ ra hai nhân tố hình thành nên đức kiên nhẫn. Thứ nhất là sự nỗ lực rèn sửa bản thân. Thứ hai là tác động của ngoại cảnh.
Sư Phụ lý giải: “Đức nhẫn nhục phải tu mới có. Những bạn được chiều chuộng nhiều, điều gì đến dễ dãi quá thì ít có tính kiên nhẫn. Những bạn sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn, không được thỏa mãn ngay các thứ thì thường có tâm kiên nhẫn nhiều hơn. Cho nên người ta nói rằng khó khăn nhiều khi cũng là một nguồn năng lượng rất quý báu cho mình, khó khăn là cái duyên rất tốt. Nên những bạn sinh ra ở vùng quê, vùng luôn mưa bão, lụt lội, rất gian khổ, nắng nóng thì thường có tính kiên nhẫn nhiều lắm”.

Cách có được đức tính kiên nhẫn để thành công trong mọi lĩnh vực

1. Tư duy về tầm quan trọng của đức tính kiên nhẫn

Việc tư duy, nhận thức được giá trị, lợi ích quý báu của đức tính kiên nhẫn là vô cùng quan trọng.
Đây cũng là lời khuyên đầu tiên, Sư Phụ đưa ra cho chúng ta: “Thứ nhất các con phải tư duy về sự quý báu, giá trị của đức tính kiên nhẫn. Không kiên nhẫn thì khó thành tựu, khó đi đến đích bất kì một công việc nào. Có thể nói rằng, trên đỉnh thành công không có dấu chân những người lười biếng hay không kiên nhẫn, không kiên trì. Các con phải tư duy để thấy đức kiên nhẫn, đức nhẫn nhục thật quý báu, thật quan trọng trong cuộc đời chúng ta”.

2. Thực hành là điều tối cần thiết để xây dựng tính kiên nhẫn

Sau khi đưa ra lời khuyên thứ nhất, Sư Phụ khuyên chúng ta cần bắt tay vào việc thực tập: “Các con thử thực tập, hôm nay mình xin được tu đức nhẫn nhục, kiên nhẫn. Có ai nói trái tai mình, người ta mắng oan mình, xem mình nhẫn chịu được không? Nếu con nhẫn, con vui vẻ được thì dần dần, đức nhẫn trong con sẽ có. Đức nhẫn này vô cùng quý”.
Trong dân gian có câu chuyện Tấm Cám, vì ganh ghét mà mụ dì ghẻ trộn thóc với gạo vào nhau và bắt Tấm phải ngồi nhặt thóc ra thóc, gạo ra gạo.
Sư Phụ chia sẻ rằng mình từng học cô Tấm: “Có lần Sư Phụ cũng đổ gạo với thóc vào với nhau, trộn lên và ngồi nhặt từng hạt ra một. Việc này không phải dễ, nó mỏi mệt, và chán. Vậy nên mình phải thực tập từ việc nhỏ, những khó khăn trong việc nhỏ”.

Người không kiên trì và nhẫn nại rất khó có thể đưa đến thành công

Người không kiên trì và nhẫn nại rất khó có thể đưa đến thành công

Qua câu chuyện kể trên, Sư Phụ động viên các bạn cần cố gắng, rèn luyện bản thân hàng ngày, hàng giờ, nhờ vậy dần dần sẽ thành tựu đức nhẫn. Ví như cái cây, không trải qua mưa gió thì khó có thể cứng cáp được. Cũng vậy, để có được đức tính kiên nhẫn, chúng ta nên rèn sửa, thực tập hàng ngày từ những việc nhỏ. Nhờ đó, trước những khó khăn, việc lớn, chúng ta có thể kiên trì, bền bỉ theo đuổi mục tiêu đã đặt ra, và đạt được thành công.

Mong rằng, qua bài viết này, quý vị sẽ hiểu hơn về tầm quan trọng cũng như cách thức tư duy, thực hành đức tính kiên nhẫn. Chúc quý Phật tử và bạn đọc sẽ áp dụng lời chỉ dạy trên Sư Phụ vào cuộc sống để có thể đạt được thành công, mang lại lợi ích cho mình và cho người.

Chính Phúc