trực tuyến [TRỰC TIẾP] "4 thứ khó có được ở đời" | Thầy Thích Trúc Thái Minh, ngày 08/11 Canh Tý
Giới thiệu Tin tức Câu lạc bộ - Đạo tràng Nghi lễ Pháp âm Bài viết Thư viện kiến thức Tu học của Tăng chúng Khóa tu mùa hè Câu chuyện chuyển hóa Giải đáp thắc mắc Videos Thư viện ảnh
Ai cũng nên biết 4 điều này khi đến chùa để không mắc sai lầm
Bài viết 15/09/2020

Đi chùa là một trong những nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt. Với mong muốn những điều tốt đẹp, may mắn cho bản thân và gia đình, nhiều người thường truyền tai nhau những quan niệm khi đến chùa như: Không đi cửa giữa, ban Đức Ông cúng đồ mặn hay hứa đi chùa mà không đi sẽ phải tội,... Vậy những quan niệm trên có đúng chính kiến hay không, nhà Phật lý giải thế nào về điều này? Kính mời độc giả đón đọc bài viết dưới đây.

Khi vào chùa có nên đi bằng cửa trung (cửa giữa) hay không?

Người dân Việt Nam thường có quan niệm, khi đến chùa chúng ta không đi qua cửa giữa tức cửa trung, mà phải vào bằng cửa giả (bên phải), đi ra bằng cửa không (bên trái), nếu không sẽ phải tội.

Về quan niệm này, Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh khẳng định là không đúng. Quả thật như vậy, chúng ta thấy nhiều chùa mở cả 3 cửa để Phật tử, du khách tham quan, đi lại.
Theo tinh thần nhà Phật, Sư Phụ chia sẻ thêm: “Không phải chúng ta bước nhầm vào cửa này, cửa kia là chúng ta có tội. Điều đó không đúng. Cửa chỉ để đi thôi, bản chất nó là như vậy. Không có vì nó mà làm cho chúng ta có tội hay không có tội. Hay chúng ta giẫm vào bậu cửa là có tội cũng không phải”.

Tiếp nữa, đối với việc đi qua cổng chùa, dân gian xưa cho rằng cửa trung chỉ dành cho bậc Thiên tử, bậc cao Tăng, khoa bảng ra vào chùa cho nên ngày thường nhiều chùa không mở cửa giữa.
Giải thích quan điểm trên, Sư Phụ chia sẻ: “Muốn thành cao Tăng thì phải từ chú tiểu. Muốn đỗ đạt thì cũng phải là anh học sinh. Và chúng ta đều sẽ là Phật tương lai. Cho nên chuyện mà đóng cửa giữa, chỉ cho đi hai cửa bên, điều đó hoàn toàn không hợp lý và cũng không đúng với giáo lý nhà Phật. Nhiều chùa Thầy thấy mở hết cả ba cửa, chả có bỏ cửa nào. Nên việc này theo như quan điểm của cá nhân Thầy thì Thầy thấy cũng không hợp với giáo lý của Phật”.

Từ sự phân tích trên, Sư Phụ khuyến tấn: “Cho nên, các Phật tử cứ thoải mái, vào chùa đi cửa nào cũng được, nhà chùa mở cửa nào thì mình đi cửa đấy. Còn nếu một số chùa quan niệm phải đóng cửa giữa thì chúng ta đi cửa hai bên. Cũng không nhất thiết phải nhớ đi bên nào, bên trái hay bên phải. Việc này đối với Phật tử là chúng ta rất thoải mái, không có hạn cuộc trong những quan niệm này”.

Vào chùa chúng ta không đi qua cửa giữa (cửa trung) là quan niệm không đúng

Vào chùa chúng ta không đi qua cửa giữa (cửa trung) là quan niệm không đúng

Cúng đồ mặn, rượu thịt ở ban Đức Ông có đúng không?

Người ta thường thấy rằng một số chùa ở ban Phật thì cúng đồ chay. Tuy nhiên, ban của Đức Ông lại cúng đồ mặn, rượu thịt.
Vậy quan niệm trên có đúng chính kiến hay không? Đầu tiên, chúng ta cùng tìm hiểu về Đức Ông qua sự giảng giải của Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh: “Nếu mà xét theo lịch sử Phật giáo thì Đức Ông chính là ngài Cấp Cô Độc, một vị cư sĩ Hộ Pháp rất lớn thời Đức Phật còn tại thế, có công lao rất lớn. Chúng ta biết, ông Cấp Cô Độc đã hiến cả gia sản của mình, bao nhiêu tiền vàng để mua đất, mua vườn thượng uyển để cất tinh xá Kỳ Hoàn. Cho nên ngài Cấp Cô Độc xứng là một vị đại Hộ Pháp ở trong chùa”.

Để đại chúng hiểu vì sao mặt Đức Ông lại đỏ, Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh chia sẻ: “Thường người bảo vệ thì trông mặt cũng phải dữ, cũng phải đỏ; tức là thể hiện nhiệt huyết, quyết liệt. Cho nên trông mặt Ngài cũng rất dữ, nghiêm. Như vậy mới hộ trì Phật Pháp được”.

Do đó, việc nhân dân cúng đồ mặn ở ban Đức Ông, Sư Phụ khẳng định: “Chúng ta biết trong năm giới, thì có giới cấm uống rượu, Phật cấm uống rượu. Thế tại sao chúng ta lại mang rượu đến cúng cho Ngài. Ngài là Phật tử thuận thành, Ngài cũng vào Thánh quả. Thế thì chúng ta không thể đem rượu đến cúng Ngài, Ngài là Phật tử nên chúng ta cúng đồ chay tịnh cũng rất hợp lý. Việc này là do chúng ta hiểu lầm Đức Ông mặt đỏ là do rượu, cho nên cúng rượu, cúng thịt cho Ngài. Điều đó không đúng, Thầy mong tất cả các Phật tử từ này hiểu rõ điều này, chúng ta không bày những đồ cúng lên ban Đức Ông vì không hợp đạo lý, không lợi ích”.

Qua lời giảng giải trên Sư Phụ, chúng ta thấy rằng quan niệm cúng đồ mặn, rượu thịt ở ban Đức Ông là không đúng và nên cúng đồ chay tịnh theo đúng tinh thần Phật giáo.

Tại ban Đức Ông, chúng ta nên cúng đồ chay tịnh theo đúng tinh thần Phật giáo

Tại ban Đức Ông, chúng ta nên cúng đồ chay tịnh theo đúng tinh thần Phật giáo

Đã hứa đi chùa mà không đi sẽ bị tội?

Theo quan niệm của đạo Phật về lời hứa, Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh chia sẻ: “Nếu chúng ta hứa mà không làm đúng lời hứa thì gọi là thất hứa, thất hứa thì không tốt. Đã hứa thì cố gắng làm đúng lời hứa. Những lời hứa chân thiện thì chúng ta cố gắng và đặt quyết tâm làm bằng được. Thế có những người lỡ hứa việc ác thì chúng ta phải bỏ. Trước đây, mình u mê, mình không biết mà mình hứa những việc ác, việc xấu với người xấu, người ác; làm những việc ác thì nay mình giác ngộ, mình biết điều ấy là điều ác thì mình bỏ. Cái đấy không có tội mà phải bỏ”.

Cũng từ việc giữ lời hứa, có quan niệm cho rằng: “Đã nói đi chùa vào ngày nào thì đến ngày đó phải đi, không thì phải tội”. Về quan niệm này, Sư Phụ giảng giải: “Đối với lời hứa đi chùa, việc đó cũng không phải vấn đề, ở đây Thầy chỉ nói quan niệm về lời hứa. Đã hứa thì cố gắng thực hiện, không thực hiện thì mình gọi là không giữ lời hứa. Cho nên Phật tử hứa đi chùa hay việc khác, nếu có lỡ vì bận việc gì đặc biệt thì cũng không ai bắt tội mình. Không Phật, không Thánh nào bắt tội mình. Vì mình chỉ hứa là: “Ngày đấy, em đi chùa”. Nhưng lỡ ngày đấy, bố mình bệnh phải đi viện, mình không đi được. Vì việc này không phải ràng buộc, cả về mặt pháp lý cũng không có ai bắt tội mình cả. Việc đó không có tội, nhưng chúng ta cũng không nên thất hứa”.

Với lời chỉ dạy trên Sư Phụ, chúng ta hiểu được khi đã hứa đi nơi này, nơi kia; làm việc này, việc kia, cụ thể là đi chùa mà bận việc không đi được thì không có tội lỗi. Tuy nhiên, là người đệ tử Phật khi chúng ta đã hứa hẹn điều gì thì nên cố gắng thực hiện, không nên thất hứa.

Khi hứa đi chùa nhưng có việc bận không đi được thì không có tội lỗi (ảnh minh họa)

Khi hứa đi chùa nhưng có việc bận không đi được thì không có tội lỗi (ảnh minh họa)

Đầu năm đi đền, chùa vay lộc Thánh sẽ giúp làm ăn thuận lợi, may mắn?

Trong dân gian có lưu truyền quan niệm: “Đầu năm đi vay, cuối năm đi trả”, người dân thường đến các đền, phủ, hay đi chùa để xin lộc dịp đầu xuân, năm mới và cầu mong kinh doanh phát đạt, buôn bán thành công. Rồi đến cuối năm, những người đã đi xin lộc sẽ đến để làm lễ tạ chư Phật, các vị thần linh đã phù hộ trong suốt năm qua.

Quan niệm đầu năm đi lễ Phật, lễ Thánh để vay vốn rồi cuối năm đi trả là mê tín, không đúng tinh thần đạo Phật

Quan niệm đầu năm đi lễ Phật, lễ Thánh để vay vốn rồi cuối năm đi trả là mê tín, không đúng tinh thần đạo Phật

Theo quan điểm của đạo Phật, Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh khẳng định: “Điều này trong Phật Pháp thì hoàn toàn mê tín. Các Ngài không có tiền cho mình vay. Tượng Phật, tượng các vị Thánh Hiền cũng thế, các Ngài là tượng. Mình có thấy Phật hiện ra để cho mình tiền vay đâu. Thế thì không cần đến ngân hàng nữa. Cho nên việc này không hợp lý, đi vay bằng tiền âm phủ, mang về đặt lên ban thờ. Đấy cũng không gọi là vay. Điều này là một quan niệm sai lầm, rất mê tín”.

>>> Đầu năm “đi vay” và “hái lộc” thế nào để kinh doanh thành công?

Vậy bí quyết để kinh doanh thành công là gì? Để giúp quý Phật tử hiểu rõ hơn, Sư Phụ chia sẻ một số yếu tố quyết định kinh doanh thành công.

Yếu tố đầu tiên, chính là phúc báu. Sư Phụ chia sẻ: “Việc làm ăn kinh doanh thăng tiến hay thất bại còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Yếu tố thứ nhất là phước đức, phước báu của mình. Người phước báu đến kỳ trổ quả thì mọi việc may mắn, hanh thông thuận lợi. Cho nên gọi là phước trí tâm linh. Phước trí tức là khi phước báu đến thì tâm linh thông, tính toán mọi việc đâu ra đấy; tính cái gì trúng cái đó, làm cái gì được cái đó. Thế còn họa lai thần ám, khi họa đến thì thần trí hôn ám, không tính ra được việc. Đối với nhà Phật rất rõ nên trong kinh doanh phụ thuộc vào phước báu của mình rất nhiều. Người mà bạc phước thì làm việc khó được, khó thành”.

Yếu tố thứ hai, Sư Phụ chia sẻ đó là trí tuệ và các mối quan hệ: “Còn phụ thuộc vào trí tuệ, rồi các mối quan hệ nữa. Nó phải vận động rất nhiều thứ. Nếu mà mình không có trí tuệ, không biết tính toán, cứ ì ra đấy thì làm ăn không được”.

Yếu tố thứ ba, Sư Phụ chỉ dạy: “Trong tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh, chúng ta phải tổ chức thật tốt, một bộ máy thật tốt. Rèn luyện anh em cán bộ, công nhân viên được đạo đức kinh doanh thật tốt”.

Qua bài viết trên, mong rằng quý vị sẽ có tri kiến đúng đắn về những điều cần biết khi đến chùa. Chúc quý Phật tử luôn tinh tấn, thực hành lời Phật dạy để đem lợi ích cho bản thân, gia đình.

Hạnh Ngân

Bài liên quan