trực tuyến
Sám hối chuyển hóa | Ngày 10/10/Giáp Thìn | Chùa Ba Vàng

Chủ Nhật, 24/11/2024

tức 24/10 Giáp Thìn

Kinh Tiếng Kêu Gọi Lìa Bỏ Năm Dục Trên Hư Không

Tôi nghe như vầy: Một thuở nọ, Đức Phật ngự tại tinh xá Trúc Lâm thuộc thành Vương Xá, là chỗ chim Ca-lan-đà thường ở, cùng với năm trăm chúng đại Tỳ-kheo.

16/02/2023

-
aa
+

Tôi nghe như vầy: Một thuở nọ, Đức Phật ngự tại tinh xá Trúc Lâm thuộc thành Vương Xá, là chỗ chim Ca-lan-đà thường ở, cùng với năm trăm chúng đại Tỳ-kheo. Khi ấy Đức Phật dạy bảo các Tỳ-kheo về Thiên tử Tác Bình với nhân duyên xuất gia của Ngài:
- Này các Tỳ-kheo, hãy lắng nghe và nhớ lấy, y theo lời Thế Tôn dạy. 

Các Tỳ-kheo bạch:
- Bạch Thế Tôn, chúng con hoan hỷ đem tâm kính tín phụng trì. 

...Bấy giờ, trên hư không có một Thiên tử tên Tác Bình, thấy Thái tử đã trải qua mười năm trong cung thọ hưởng thú vui ngũ dục, nên suy nghĩ: “Bồ-tát Hộ Minh đã buông thả nhiều năm trong cung điện, thọ hưởng thú vui ngũ dục, nhất định tham đắm ngũ dục, tâm tình phóng dật sa ngã hoang mê, thời gian một trăm năm mau chóng, nó chẳng đợi người, Bồ-tát Hộ Minh nay phải tỉnh giác, sớm xa lìa ngũ dục, xuất gia tầm đạo, nay ta trước chẳng chỉ các cảnh giới phải nhàm chán xa lìa, thì chắc chắn Thái tử đam mê, chưa chịu tỉnh ngộ phát tâm Bồ-đề. Ta nay phải tán trợ công đức xuất gia, để ngài thành tựu quả Bồ-đề, nên nửa đêm Thiên tử Tác Bình nói kệ:

Mình bị trói muốn mở trói người,
Như kẻ mù dẫn đám tối mắt.
Mình khỏi trói mới mở trói người,
Như kẻ sáng mắt mới dẫn đường.
Hay thay Tôn giả nay tráng kiện,
Mau phải xuất gia nguyện viên thành.
Đem lại lợi ích cõi trời, người,
Hành giả nếu chẳng lìa ngũ dục,
Lục trần chìm đắm cảnh khó qua,
Chỉ có xuất thế thành đại trí,
Mới hay lìa bỏ ngũ dục này,
Do vậy nhân giả nay nên tránh,
Phiền não chúng sinh nhiều đau khổ,
Nhân giả nên làm đại lương y,
Ban nhiều thần dược phép nhiệm mầu.
Mau đến Niết-bàn bờ giải thoát,
Bóng tối vô minh cảnh tối tăm,
Lưới tà quấn chặt lấy chúng sinh,
Mau thắp ngọn đèn đại trí tuệ,
Sớm giúp tỏ mắt được trời người. 

Thiên tử Tác Bình ở trên hư không nói kệ này rồi, do oai thần nhân duyên khuyến phát, cảm thông đến sức phước đức thiện căn đời trước của Thái tử, khiến cho tất cả tiếng ca hát và âm nhạc của thể nữ trong cung chẳng thuận với thú vui ngũ dục, lại phát ra âm thanh tín giải vi diệu diễn tả cảnh Niết-bàn, tự nhiên phổ ra lời kệ: 

Pháp thế gian vô thường
Thí như mây phát chớp.
Tôn giả nay đúng lúc,
Nên bỏ tục xuất gia.
Tất cả pháp vô thường,
Như đồ ngói bình chén,
Như đồ mượn của người,
Như đất khô đem đắp,
Chẳng bao lâu lại sập,
Như vách bùn mùa hạ,
Như cát hai bờ sông,
Duyên sinh chẳng mấy chốc,
Như lửa của ngọn đèn,
Sinh ra rồi lại diệt.
Như gió chẳng tạm dừng,
Vùn vụt chẳng đứng yên.
Luôn luôn không chân thật,
Ví như lõi cây chuối.
Huyễn thuật dối mắt người,
Tay không phỉnh con nít. 

Tất cả pháp sinh ra,
Đều do nhân duyên hiện,
Mỗi pháp do nhân duyên,
Kẻ ngu không hiểu biết.
Ví như người se dây,
Tay, cây làm nhân duyên.
Như hạt nảy mầm non,
Bỏ hạt mầm chẳng có,
Lìa nhân duyên chẳng thành,
Chẳng thường chẳng vô thường. 

Các pháp do si sinh,
Pháp chẳng trụ vô minh.
Vô minh chẳng phải pháp,
Xưa nay tánh vắng lặng,
Pháp sinh diệt vô thể,
Như ấn in thành dấu. 

Chẳng pháp chẳng lìa pháp
Các hành cũng như vậy.
Như mắt chẳng lìa cảnh,
Nhờ mắt cảnh sinh thức,
Ba thứ chẳng lìa nhau,
Ba thứ cũng chẳng thật. 

Pháp tịnh, pháp bất tịnh,
Do thức phân biệt sinh.
Phân biệt điên đảo thành,
Tất cả do thức hiện.
Nếu có người trí tuệ,
Tìm kiếm gốc sinh thức,
Biết nó không trụ xứ,
Biết ngã như huyễn mộng,
Hai củi cọ ra lửa,
Nhân thứ ba là tay,
Nếu không ba nhân này,
Thì không thể có lửa.
Nếu người trí suy tìm,
Lửa cũng không xứ sở.
Tìm lửa khắp mọi nơi,
Chẳng thấy nơi xuất hiện. 

Tất cả ấm, giới, nhập,
Do nghiệp tham, si sinh.
Chúng sinh nhân hòa hợp,
Chân như không chúng sinh.
Nhân yết hầu, môi, lưỡi
Mà phát ra tiếng nói
Tiếng không phải yết hầu
Cũng không lìa duyên ấy. 

Do các duyên hòa hợp
Phát tiếng theo ý muốn
Tiếng không ở tại ý
Cũng không có hình sắc
Chỗ sinh và chỗ diệt
Người trí tìm chẳng được,
Sở quán đều vắng lặng
Tiếng nói như âm vang. 

Nhân gỗ, nhân các dây
Trí người, ba duyên hợp,
Đàn không hầu phát tiếng
Ba chỗ tìm không thấy.
Nếu người có trí tuệ
Tìm chỗ có tiếng đàn
Tìm khắp các phương hướng
Không thấy chỗ của tiếng.
Do nhân và các duyên
Các pháp sinh như vậy. 

Người thông hiểu đúng đắn
Nên quán Không như thế.
Ấm, nhập và các giới
Trong ngoài đều vắng lặng
Tìm Ngã khắp mọi nơi
Như hư không vô hình.
Tướng các pháp cũng vậy. 

Ngài nơi Phật Định Quang
Xưa kia đã chứng biết
Nay vì trời người dạy
Vì phân biệt điên đảo
Bị lửa dục thiêu đốt,
Nên nổi mây từ bi
Tuôn mưa pháp cam lộ. 

Nhớ xưa trải ức kiếp,
Bố thí và trì giới,
Ngài đắc đạo Vô thượng
Thánh tài ban thế gian
Ngài nhớ đời quá khứ
Thánh tài cho kẻ nghèo
Vì dùng Thánh tài nhiếp
Điều Ngự không tham tiếc. 

Ngài xưa trì tịnh giới,
Dù nghèo, không trộm cắp
Nguyện mở cửa cam lộ,
Vì chúng sinh thuyết pháp. 

Nhớ lại hạnh thuở xưa
Nên đóng cửa địa ngục,
Khéo mở đường giải thoát,
Tâm nguyện thành giới hạnh. 

Quá khứ tu nhẫn nhục
Nghe tiếng người mắng chửi,
Vì lập hạnh nhẫn nhục
Quán các pháp đều không.
Vì nhớ lại hạnh xưa
Thế gian sân hận nhiều
Dạy trụ hạnh nhẫn nhục
Đừng bỏ nguyện lực ấy. 

Ngài xưa hành tinh tấn
Chứng đắc trí vô ngã
Ở trong biển phiền não
Đưa chúng đến bờ kia. 

Nhớ chí nguyện thuở xưa
Nhổ bốn khổ cho người
Ra sức đại tinh tấn
Độ thoát các ách nạn. 

Quá khứ tu tập thiền
Vì dứt các phiền não
Người chưa điều phục căn
Dạy cho họ điều phục
Ngài nghĩ lại quá khứ,
Thương người còn phiền não.
Các tuệ đều vắng lặng,
Điều phục căn loạn động. 

Ngài xưa tu trí tuệ,
Nguyện phá bóng vô minh.
Thương kẻ bị vô minh,
Mở bày mắt chân thật.
Ngài nghĩ lại thuở xưa,
Phiền não phủ chúng sinh.
Chiếu ánh sáng thanh tịnh,
Trí tuệ ngài tối thắng.
Vì thương các chúng sinh,
Phương tiện dạy giải thoát.
Lửa sinh lão bịnh đốt ba cõi,
Đói khát bức xúc chưa từng nghỉ,
Ngài vì thế gian làm cầu lớn,
Đưa người về đến bờ giải thoát. 

Chúng sinh lưu chuyển biển phiền não,
Ví như mọt nọ trong ống tre,
Ba cõi luân hồi tợ mây thu,
Qua lại lên xuống không thôi dứt,
Cũng như ảo thuật nơi sân khấu,
Giống dòng nước chảy ngoài khe núi,
Chúng sinh lão bịnh chẳng khác nào.
Hoặc sinh trời, người, ba đường ác,
Si dục các cõi chẳng tự do,
Lăn lóc năm đường không hay biết,
Ví như thợ gốm xoay vòng lửa,
Ngũ dục nơi nơi buộc lấy mình.
Ví như chim trời sa vào lưới,
Như thú mắc bẫy người thợ săn.
Kẻ tham tiền của không biết đủ,
Như cá đớp mồi dính lưỡi câu,
Cạnh tranh phẫn nộ kết oán thù,
Tiêm nhiễm phiền não thọ các khổ. 

Tai họa ngũ dục như dao bén,
Cũng như bình đẹp chứa độc dược,
Cần nên xa tránh như phân uế,
Tham lam luyến ái mất chánh tâm,
Nguyên nhân tiếp tục sinh các cõi,
Ái dục tăng trưởng chưa từng dứt. 

Cảnh giới sáu trần phừng phực cháy,
Khác nào cỏ khô gặp đống lửa,
Chóng tỉnh xa lìa sớm xuất gia.
Người trí quán sát cảnh ngũ dục,
Đáng sợ dường như hầm lửa lớn,
Cũng như khối thịt trên dao thớt.
Người chìm đầm lầy cũng như vậy,
Như lưỡi liếm mật trên dao bén,
Như đụng đầu rắn và giặc thù,
Thánh nhân quán dục cũng như vậy.
Như tên như mác như dao kiếm,
Như thịt trúng độc chẳng dám ăn,
Tất cả oán thù, dục trên hết,
Ngũ dục giống như trăng đáy nước,
Như bóng trong gương, vang hang núi,
Như cảnh sân khấu của huyễn sư,
Như trong cảnh mộng thấy vui buồn,
Kẻ trí thấy dục cũng như vậy. 

Các pháp thế gian giả dối luôn,
Sợ sệt không thể được tự tại,
Thí như sóng nắng nào có thật,
Cũng giống bọt nước nổi trên sông.
Các việc như thế do phân biệt,
Người trí quán sát như vậy cả. 

Phàm người đời đang tuổi thanh xuân,
Thể lực dồi dào ưa ngũ dục,
Đến lúc tuổi già râu tóc bạc,
Bị chúng phụ bạc như sông khô. 

Giàu sang phú quý nhiều phóng dật,
Những người như thế đầy tham dục,
Về sau hết của khổ bần cùng.
Không được thản nhiên bỏ ngũ dục,
Như cây nặng trĩu quả cùng hoa,
Mọi người đua nhau đến tranh hái.
Người thích phung phí cũng như vậy,
Bị người đến lấy không chán nhàm. 

Đến lúc tuổi già của hết sạch,
Khất cầu người khác chẳng ai cho,
Giàu sang sắc đẹp thân tráng kiện,
Người thích kết giao cùng chơi bời
Của hết đi xin người chẳng đoái,
Tuổi già lưng gù tay chống gậy.
Như cây bị ngã không ai thích,
Đáng sợ như vậy cảnh già nua. 

Ngài mau xuất gia cầu Chánh giác,
Sau khi thành đạo vì người nói,
Già bịnh ốm gầy hại chúng sinh.
Như dây sắn bám quanh đại thọ,
Thân già sức yếu hết siêng năng,
Khô gầy bại hoại như cây mục,
Cảnh già đoạt mất vẻ đẹp xinh,
Nhan sắc tươi hồng hóa nhăn nheo,
Già biến hoa tươi thành hoa héo.
Dục lạc cướp vui khiến mất vui,
Già chiếm sức lực đưa đến chết,
Các bệnh hiện như nai sa hầm,
Ngài thấy thế gian trăm thứ bệnh,
Mau dùng phương tiện pháp giải thoát.
Giống như trời đông mưa bão tuyết,
Cây nhào cành gãy thân tả tơi,
Người đời già bịnh nhiều thứ hiện,
Các căn suy thoái cũng thế thôi,
Già đến khiến người kho lẫm hết,
Người đời sợ già hơn các khổ,
Mạng chung thần thức quỷ dẫn đi. 

Như mặt trời lặn không còn thấy
Mạng chung làm người rời ân ái,
Khiến người ghét sợ chẳng muốn nhìn,
Chỉ muốn cùng người ân ái hiệp,
Bỗng như lá rụng vào dòng nước,
Chết đến khiến người không tự chủ.
Thần thức như cỏ bị nước trôi,
Thác sinh cõi khác không bạn hữu,
Theo nhân tác nghiệp thọ báo thân,
Quỷ bắt nuốt hồn vô lượng chúng.
Như cá Ma-kiệt nuốt tàu buôn,
Như chim cánh vàng nuốt rồng lớn,
Như lửa hồng đốt đầm cỏ khô,
Khổ não như vậy bức xúc người. 

Đại sĩ thuở trước phát nguyện lớn,
Nhớ lại bản nguyện nay đã đến,
Nên phải xả dục kíp xuất gia.
Nhớ xưa tu bố thí,
Giới nhẫn và tinh tấn,
Thiền định cùng trí tuệ,
Vì người chẳng vì mình.
Đến kiếp này nguyện mãn,
Xuất gia gấp cứu người. 

Ngài xưa thí của quý,
Vàng bạc và anh lạc,
Thường lập hội Vô già,
Tùy theo nhu cầu thế.
Xin con ngài cho con,
Muốn cháu ngài cho cháu,
Xin vợ ngài cho vợ,
Xin vua ngài nhường ngôi,
Xin của không trái ý. 

Khi xưa ngài làm vua,
Tên là Đại Văn Đức.
Lại vua đầy phước đức,
Tên Ni-dân-đà-la.
Lại vua A-tư-đà,
Lại vua tên Sư Tử,
Tất cả hàng vua này,
Bố thí ngàn của quý. 

Xưa lại có Đại vương,
Tên Thường Tư Chư Pháp
Lại vua đầy phước đức,
Tên là Chân Thật Hạnh,
Các vua tư duy pháp. 

Thuở xưa có Đại vương,
Siêng năng tên Văn Nguyệt,
Lại sinh một vương tử,
Quý danh Phước Nghiệp Quang
Bao nhiêu ân đức lớn,
Cho đến biết ân nghĩa. 

Ngài xưa làm Đại vương,
Quý danh Nguyệt Sắc Tiên
Lại tên Kiện Mãnh Tướng,
Rồi tên Thật Tăng Trưởng,
Lại tên Cầu Thiện Ngôn,
Rồi tên Hữu Thiện Ý,
Lại tên Điều Phục Căn,
Tất cả vua như vậy,
Đức hạnh rất tinh tấn,
Xưa nay ngài thực hiện. 

Ngài xưa làm Đại vương,
Quý danh là Nguyệt Quang.
Kế đến tên Thắng Hạnh
Rồi đến tên Liên Thố,
Kế đến tên Phương Chủ
Rồi đến tên Kiện Thí,
Kế đến Ca-thi vương,
Rồi đến Bảo Kế vương.
Hàng Đại vương như vậy,
Tức ngài không ai khác.
Bao nhiêu của quý giá,
Đến xin đều tùy thuận. 

Thuở nọ ngài thí của,
Nay xin ban pháp tài.
Ngài xưa ở quá khứ,
Gặp Phật như Hằng sa.
Chư Phật Thế Tôn đó
Ngài đã từng cúng dường
Vô lượng đồ cúng dường,
Hiến dâng không lẫn tiếc.
Chí cầu đạo không ngừng,
Mong chúng sinh giải thoát.
Nay chính thật đúng lúc,
Xuất gia chớ ở nhà. 

Phật ngài gặp đầu tiên,
Tôn hiệu Bất Không Kiến.
Đem hoa Tỳ-xa-ca,
Hoan hỷ cúng dường Phật.
Quá khứ có Đức Phật,
Hiệu Tỳ-lô-giá-na,
Một đời vui chiêm bái. 

Quá khứ có Đức Phật,
Danh hiệu Vi Diệu Âm,
Đem một A-lê-lặc,
Cúng dường Đức Thế Tôn.
Quá khứ có Đức Phật,
Danh hiệu Bạch Chiên-đàn,
Ngài đứng trước Đức Phật,
Lặng yên cúng cọng cỏ. 

Quá khứ có Đức Phật,
Danh hiệu là Liên Thố,
Khi sắp vào đại thành,
Ngài rải nắm bột hương.
Kế Phật hiệu Pháp Chủ,
Khen Đức Phật thuyết pháp,
Nghe pháp ưa thảo luận.
Ngài khen vô lượng lời,
Tôn trọng thường cúng dường. 

Kế đến gặp Đức Phật,
Tôn hiệu Phổ Thị Hiện,
Thấy Phật ngài ca ngợi.
Kế đến có Đức Phật,
Tôn hiệu Xí Thạnh Phần,
Do vì ngài hoan hỷ,
Chiêm ngưỡng thân Đức Phật,
Lại đem tràng hoa vàng,
Cúng dường Đức Phật này.
Nay nên nhớ lại Phật
Chớ để tâm lãng quên. 

Kế đến có Đức Phật,
Tôn hiệu Quang Tướng Tràng,
Cầm một nắm đậu xanh.
Cúng dường Đức Phật này.
Quá khứ có Đức Phật,
Tôn hiệu là Trí Tràng,
Ngài cầm hoa Thâu-ca
Hiến dâng cúng dường Phật. 

Kế đến có Đức Phật,
Tôn hiệu Điều Phục Xa,
Ngài thấy Đức Phật rồi,
Đứng trước Phật khen ngợi.
Tiếp Phật hiệu Bảo Thắng.
Trước Phật thắp nhiều đèn
Cúng vô lượng diệu dược.
Phật hiệu Nhất Thế Thắng
Thường cúng chuỗi trân châu. 

Kế gặp Phật Đại Hải,
Cúng dường các hoa sen.
Đến Phật Liên Hoa Tạng,
Cúng dường tàng lọng lớn.
Hầu hạ Phật Sư Tử,
Từng cúng tòa cỏ mềm.
Nơi Phật Sa La vương,
Cúng dường các đồ dùng.
Đến trước Phật Phu Hoa,
Cúng dường sữa hảo hạng.
Nơi Phật Da-du-đà,
Cúng hoa Câu-đà-la.
Thấy Phật Thật Kiến rồi,
Hoan hỷ cúng ẩm thực. 

Xưa Phật hiệu Trí Sơn,
Cúi thân lễ Đức Phật.
Có Phật hiệu Long Đức,
Dâng con mình cho Phật.
Phật Cao Phi Không Hành,
Thường cúng bột chiên-đàn.
Kế Phật hiệu Đế-sa,
Ngọc quý cùng hoa đỏ. 

Từng cúng dường Phật này,
Gặp Phật Đại Trang Nghiêm.
Đem hoa hương Chiêm-bặc,
Cúng dường Đức Phật này.
Từng gặp Phật Quang Vương,
Đem ngọc quý cúng dường,
Xưa gặp Phật Thích-ca,
Đem nhiều hoa bạc tốt.
Cúng dường Đức Phật này,
Kế thấy tướng Đế Thích,
Thấy rồi ca ngợi khen. 

Xưa Đức Phật tên là,
Quảng Đại Nhật Thiên Diện,
Cầm nhiều hoa tốt đẹp,
Cúng dường Thế Tôn này.
Kế tiếp lại có Phật,
Danh hiệu là Thắng Tôn,
Đem nhiều hoa bạc tốt,
Trang nghiêm trên thân Phật. 

Thuở xưa có Như Lai,
Tôn hiệu là Long Thắng,
Thắp đèn cúng dường Phật.
Nơi Như Lai Phú-sa,
Từng cúng dường nỉ trắng,
Nơi Phật Dược Sư Vương,
Đem bảo cái cúng dường.
Phật hiệu Đại Mâu-ni,
Lại có tướng Sư Tử,
Thế Tôn công đức lớn,
Đem lưới ngọc cúng dường.
Có Phật hiệu Ca-diếp,
Cúng dường nhiều âm nhạc. 

Xưa Phật hiệu Giải Thoát,
Cúng dường nhiều bột hương,
Phật Thế Tôn Bảo Tướng,
Cúng dường bằng hoa trời.
Chư Phật A-sô-bà,
Cung thỉnh ngồi kiệu voi.
Vua thế gian kính Phật,
Đem tràng hoa cúng dường,
Phật Thế Tôn Thi-khí,
Đem vương vị cúng dường.
Có Phật hiệu Nan Hàng,
Đem nhiều hoa cúng dường,
Nơi Phật Đại Nhiên Tôn,
Đem thân mình cúng dường. 

Trước Phật Liên Hoa Thượng,
Cúng dường chuỗi anh lạc,
Trên mình Phật Pháp Tràng,
Rải các hương hoa tốt.
Nơi Thế Tôn Nhiên Đăng,
Cúng năm hoa sen xanh.
Các Đức Phật như vậy,
Ngoài ra còn vô lượng,
Khó nói, khó nghĩ bàn,
Trong các kiếp quá khứ,
Ngài đã từng cúng dường,
Lại đem vô lượng thứ,
Đồ cúng dường tối diệu,
Cúng chư Phật quá khứ,
Không sinh tâm mỏi mệt. 

Nay nghĩ cúng dường kia,
Suy tưởng Phật quá khứ,
Vì thương các chúng sinh,
Phát lòng từ giải thoát,
Tỉnh ngộ chớ mê đời.
Ngài ở trong quá khứ,
Nơi Đức Phật Nhiên Đăng,
Cúng dường Đức Phật rồi.
Sớm chứng Vô thượng sinh,
Và chứng năm thần thông,
Lại chứng Thuận pháp nhẫn. 

Rồi Tôn giả sau đó,
Cúng nhiều Phật hơn trước.
Vô số a-tăng-kỳ,
Các kiếp số như vậy,
Các kiếp đó qua rồi,
Chư Phật cũng diệt độ.
Số thân Ngài thuở xưa,
Thọ trong các kiếp ấy,
Dòng họ và tên tuổi,
Tất cả đều diệt hết.
Các pháp biến chẳng thường,
Tướng thế gian thay đổi,
Mau bỏ cảnh giả dối,
Nên mau sớm vượt thành.
Sinh lão bệnh tử theo,
Nạn ấy thật đáng sợ. 

Cũng như kiếp lửa đến,
Đốt cháy sạch thế gian,
Lửa vô thường cũng vậy,
Đốt sạch tất cả kiếp.
Các khổ não như thế,
Làm sao được tạm dừng,
Nên quán các chúng sinh,
Chìm trong tối phiền não,
Ngu si không mắt tuệ,
Không thể tự biết được,
Phát tâm đại tinh tấn,
Công đức được viên mãn,
Vì tất cả chúng sinh,
Nên xuất gia kẻo trễ. 

Khi ấy, tất cả thể nữ trong cung ca hát trổi nhạc, trong các tiếng ca nhạc này lại diễn các pháp âm, muốn cho Thái tử nhàm chán dục lạc thế gian, tâm sinh giác ngộ. 

Sau đó Thái tử đã từ bỏ thế tục xuất gia tầm đạo chứng đắc Phật quả chính đẳng giác. 

Các thầy Tỳ-kheo nghe Đức Thế Tôn chỉ dạy, tâm được hoan hỷ, đảnh lễ phụng hành.

(Trích soạn từ kinh Phật Bản Hạnh Tập - Quyển 14 - phẩm 15. Hán dịch: Đời Tùy, Tam tạng Pháp sư Xà-na-quật-đa, người xứ Thiên trúc)

Xem thêm

Kinh Tám Pháp Vi Diệu Của Cư Sĩ Ugga

Thư viện kiến thức🞄 12/11/2024

Này Tỷ-kheo, hãy thọ trì rằng gia chủ U-ga, người Tỳ-xá-ly, được thành tựu tám pháp vi diệu chưa từng có này. Kinh Tăng Chi Bộ Kinh - Tập 4

Thư viện kiến thức 🞄 12/11/2024

Này Tỷ-kheo, hãy thọ trì rằng gia chủ U-ga, người Tỳ-xá-ly, được thành tựu tám pháp vi diệu chưa từng có này. Kinh Tăng Chi Bộ Kinh - Tập 4

Kinh Chuyện Pháp Tối Thượng

Văn kinh🞄 25/8/2024

Ðức Thế Tôn, khi ở Tinh xá Kỳ Viên, gần Xá-vệ, đã thuyết pháp thoại này. Vì ai, pháp thoại này được đề cập? Vì năm trăm người bạn của vị triệu phú Cấp Cô Ðộc...

Văn kinh 🞄 25/8/2024

Ðức Thế Tôn, khi ở Tinh xá Kỳ Viên, gần Xá-vệ, đã thuyết pháp thoại này. Vì ai, pháp thoại này được đề cập? Vì năm trăm người bạn của vị triệu phú Cấp Cô Ðộc...

Kinh Ma-ha-nam

Văn kinh🞄 12/8/2024

Ai quy y Phật, này Ma-ha-nam, quy y Pháp, quy y chúng Tăng. Cho đến như vậy, này Ma-ha-nam, là người cư sĩ.

Văn kinh 🞄 12/8/2024

Ai quy y Phật, này Ma-ha-nam, quy y Pháp, quy y chúng Tăng. Cho đến như vậy, này Ma-ha-nam, là người cư sĩ.

Kinh 10 Niệm Đưa Đến Giác Ngộ Giải Thoát

Văn kinh🞄 09/8/2024

Đức Phật dạy về mười niệm đưa đến giác ngộ giải thoát tại các bộ kinh: Kinh Tăng Chi Bộ, Kinh Tăng Nhất A-Hàm, Kinh Tương Ưng Bộ:...

Văn kinh 🞄 09/8/2024

Đức Phật dạy về mười niệm đưa đến giác ngộ giải thoát tại các bộ kinh: Kinh Tăng Chi Bộ, Kinh Tăng Nhất A-Hàm, Kinh Tương Ưng Bộ:...

Kinh Phật Nói Kinh Quả Báo Bố Thí Của Trưởng Giả

Văn kinh🞄 09/8/2024

Đức Phật bảo Trưởng giả:- Nếu như có người dùng các đồ ăn uống thượng diệu đúng như pháp bố thí, hoặc tự tay mình thí, hoặc thường xuyên thí, nhưng không đạt...

Văn kinh 🞄 09/8/2024

Đức Phật bảo Trưởng giả:- Nếu như có người dùng các đồ ăn uống thượng diệu đúng như pháp bố thí, hoặc tự tay mình thí, hoặc thường xuyên thí, nhưng không đạt...

Kinh Bát Đại Linh Tháp Danh Hiệu

Văn kinh🞄 09/8/2024

Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: Ta nay ngợi khen danh hiệu tám linh tháp lớn, các ông hãy lắng nghe, Ta sẽ vì các ông mà nói. Tám linh tháp đó là gì?

Văn kinh 🞄 09/8/2024

Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: Ta nay ngợi khen danh hiệu tám linh tháp lớn, các ông hãy lắng nghe, Ta sẽ vì các ông mà nói. Tám linh tháp đó là gì?

Kinh Danh Hiệu Năm Mươi Ba Đức Phật Đời Quá Khứ

Văn kinh🞄 09/8/2024

"…Đức Phật nói:…Sau khi Đức Như Lai vừa nhập diệt, trong khoảng hai mươi tám vạn dặm ở cõi Diêm-phù-đề, đã tạo lập mười ngôi tháp để thờ."

Văn kinh 🞄 09/8/2024

"…Đức Phật nói:…Sau khi Đức Như Lai vừa nhập diệt, trong khoảng hai mươi tám vạn dặm ở cõi Diêm-phù-đề, đã tạo lập mười ngôi tháp để thờ."

Kinh Ngang Bằng Với Phạm Thiên

Văn kinh🞄 30/7/2024

...Những gia đình nào, này các Tỷ-kheo, trong ấy, các con cái kính lễ mẹ cha ở trong nhà, những gia đình ấy được chấp nhận ngang bằng với Phạm Thiên.

Văn kinh 🞄 30/7/2024

...Những gia đình nào, này các Tỷ-kheo, trong ấy, các con cái kính lễ mẹ cha ở trong nhà, những gia đình ấy được chấp nhận ngang bằng với Phạm Thiên.

Kinh Đức Phật Độ Cho Mẹ - Duyên Thù Thắng Cúng Dường Hội Ngộ

Văn kinh🞄 30/7/2024

"...Phật bảo Đồng tử Văn-thù-sư-lợi: - Ông nên đến gặp mẹ Ta và nói rằng Ta đang ở đây, mong bà hãy cung kính đảnh lễ Tam Bảo. Dùng bài kệ này nói cho bà..."

Văn kinh 🞄 30/7/2024

"...Phật bảo Đồng tử Văn-thù-sư-lợi: - Ông nên đến gặp mẹ Ta và nói rằng Ta đang ở đây, mong bà hãy cung kính đảnh lễ Tam Bảo. Dùng bài kệ này nói cho bà..."

Kinh Quy Y Tam Bảo - Đệ Nhất Đức

Văn kinh🞄 23/7/2024

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: - Có ba đức tự quy y. Thế nào là ba? Nghĩa là quy y Phật, đức thứ nhất; quy y Pháp, đức thứ hai; quy y Tăng, đức thứ ba.

Văn kinh 🞄 23/7/2024

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: - Có ba đức tự quy y. Thế nào là ba? Nghĩa là quy y Phật, đức thứ nhất; quy y Pháp, đức thứ hai; quy y Tăng, đức thứ ba.

Kinh Ba Hạng Con Trai

Văn kinh🞄 23/7/2024

Này các Tỷ-kheo, có ba hạng con trai này xuất hiện, có mặt ở đời. Thế nào là ba? Ưu sanh, tùy sanh, liệt sanh. Và này các Tỷ-kheo.Thế nào là ưu sanh?

Văn kinh 🞄 23/7/2024

Này các Tỷ-kheo, có ba hạng con trai này xuất hiện, có mặt ở đời. Thế nào là ba? Ưu sanh, tùy sanh, liệt sanh. Và này các Tỷ-kheo.Thế nào là ưu sanh?

Bài kinh: Lòng Tin

Thư viện kiến thức🞄 23/7/2024

Khi nào, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có lòng tin, có giới, có nghe nhiều, có thuyết pháp, có sống với hội chúng, có vô úy thuyết pháp cho hội chúng, với bốn Thiền thuộc tăng thượng tâm, hiện tại lạc trú, chứng được không khó khăn, chứng được không mệt nhọc, chứng được không phí sức, do diệt tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, với thắng trí tự mình chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát; như vậy, vị ấy được đầy đủ chi phần ấy.

Thư viện kiến thức 🞄 23/7/2024

Khi nào, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có lòng tin, có giới, có nghe nhiều, có thuyết pháp, có sống với hội chúng, có vô úy thuyết pháp cho hội chúng, với bốn Thiền thuộc tăng thượng tâm, hiện tại lạc trú, chứng được không khó khăn, chứng được không mệt nhọc, chứng được không phí sức, do diệt tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, với thắng trí tự mình chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát; như vậy, vị ấy được đầy đủ chi phần ấy.

Kinh Pháp Tăng Thượng Tâm Thứ Ba - Nhớ Nghĩ Đến Tăng

Văn kinh🞄 16/7/2024

…Này Xá-lợi-phất, bạch y Thánh đệ tử niệm Chúng Tăng, Thánh Chúng của Như Lai là những bậc thiện thú hướng, chánh thú hướng, như lý hành, pháp tùy pháp hành,...

Văn kinh 🞄 16/7/2024

…Này Xá-lợi-phất, bạch y Thánh đệ tử niệm Chúng Tăng, Thánh Chúng của Như Lai là những bậc thiện thú hướng, chánh thú hướng, như lý hành, pháp tùy pháp hành,...

Kinh Nhiều Lợi Ích

Văn kinh🞄 13/7/2024

Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn, Thế Tôn nói như sau: Có ba hạng người này, này các Tỷ-kheo, làm nhiều lợi ích cho người khác. Thế nào là ba?

Văn kinh 🞄 13/7/2024

Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn, Thế Tôn nói như sau: Có ba hạng người này, này các Tỷ-kheo, làm nhiều lợi ích cho người khác. Thế nào là ba?

Kinh Pháp Tăng Thượng Tâm Thứ Hai - Nhớ Nghĩ Đến Pháp

Văn kinh🞄 13/7/2024

…Này Xá-lợi-phất, bạch y Thánh đệ tử nhớ nghĩ Pháp Thế Tôn khéo nói, pháp chắc chắn đưa đến cứu cánh, không phiền, không nhiệt, hằng hữu, không di động.

Văn kinh 🞄 13/7/2024

…Này Xá-lợi-phất, bạch y Thánh đệ tử nhớ nghĩ Pháp Thế Tôn khéo nói, pháp chắc chắn đưa đến cứu cánh, không phiền, không nhiệt, hằng hữu, không di động.

Bài kinh: Lợi Ích Của Lòng Tin Và Quy Y Tam Bảo

Thư viện kiến thức🞄 08/6/2024

Lòng tin đối với người, là tài sản tối thượng. Chánh pháp khéo hành trì, đem lại chơn an lạc. Chân lý giữa các vị, là vị ngọt tối thượng. Phải sống với trí tuệ, được gọi là sống tối thượng

Thư viện kiến thức 🞄 08/6/2024

Lòng tin đối với người, là tài sản tối thượng. Chánh pháp khéo hành trì, đem lại chơn an lạc. Chân lý giữa các vị, là vị ngọt tối thượng. Phải sống với trí tuệ, được gọi là sống tối thượng

Kinh Đế Thích (Sakka)

Văn kinh🞄 04/6/2024

Tôn giả Đại Mục Kiều Liên nói với Thiên chủ Đế Thích đang đứng một bên: - Lành thay, này Thiên chủ, là đầy đủ lòng tin bất động đối với đức Phật...

Văn kinh 🞄 04/6/2024

Tôn giả Đại Mục Kiều Liên nói với Thiên chủ Đế Thích đang đứng một bên: - Lành thay, này Thiên chủ, là đầy đủ lòng tin bất động đối với đức Phật...

Kinh Đức Tin Nơi Tam Bảo Và Quả Báu

Văn kinh🞄 04/6/2024

Những ai đặt lòng tin vào Đức Phật, họ đặt lòng tin vào tối thượng. Với những ai đặt lòng tin vào tối thượng, họ được quả dị thục tối thượng.

Văn kinh 🞄 04/6/2024

Những ai đặt lòng tin vào Đức Phật, họ đặt lòng tin vào tối thượng. Với những ai đặt lòng tin vào tối thượng, họ được quả dị thục tối thượng.

Kinh Người Nghèo

Văn kinh🞄 02/6/2024

Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, một người ở tại thành Vương Xá này; người ấy nghèo khó, bần cùng, khốn khổ. Người ấy chấp trì lòng tin trong pháp luật do Như Lai tuyên thuyết

Văn kinh 🞄 02/6/2024

Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, một người ở tại thành Vương Xá này; người ấy nghèo khó, bần cùng, khốn khổ. Người ấy chấp trì lòng tin trong pháp luật do Như Lai tuyên thuyết