trực tuyến [TRỰC TIẾP] "4 thứ khó có được ở đời" | Thầy Thích Trúc Thái Minh, ngày 08/11 Canh Tý
Giới thiệu Tin tức Câu lạc bộ - Đạo tràng Nghi lễ Pháp âm Bài viết Thư viện kiến thức Tu học của Tăng chúng Khóa tu mùa hè Câu chuyện chuyển hóa Giải đáp thắc mắc Videos Thư viện ảnh
Có nên bình luận bằng câu "A Di Đà Phật"? Và cách bình luận để sinh nhiều phước báu?
Bài viết 03/09/2020

Khi vào trang mạng Facebook Phật giáo hiện nay, chúng ta thấy có nhiều bình luận với nội dung khác nhau, trong đó nổi bật là bình luận: Nam mô A Di Đà Phật, A Di Đà Phật... Tuy nhiên, trên thực tế việc bình luận những câu như vậy không có ý nghĩa gì và không góp phần cho việc lan tỏa giá trị Phật Pháp đến với cộng đồng.
Vậy khi làm những việc không có ý nghĩa như thế thì có nhân quả gì không? Bình luận và chia sẻ Phật Pháp như thế nào để được nhiều phước báu? Câu trả lời sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây qua lời giảng giải của Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh. Kính mời quý Phật tử cùng đón đọc!

Tại sao việc bình luận A Di Đà Phật là vô nghĩa?

Hiện nay, nhiều Phật tử sử dụng mạng xã hội: Facebook, Zalo... để cập nhật thông tin hoặc lan tỏa chính Pháp đến với đông đảo quần chúng. Tuy nhiên, trên các bài đăng về Phật giáo, chúng ta thấy có rất nhiều người chỉ bình luận: Nam mô A Di Đà Phật, A Di Đà Phật, Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Về vấn đề này, Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh nhận định: “Thầy thấy nhiều người vào bình luận câu: A Di Đà Phật, Nam mô A Di Đà Phật... Quả thật Thầy thấy vô nghĩa lắm! Chữ Nam mô A Di Đà Phật không thể hiện là tán thưởng hay phê bình. Ở ngoài đời chúng ta mà dùng chữ Nam Mô A Di Đà Phật nhiều khi bịt hết tất cả. Ví dụ, mình bị ai mắng cũng A Di Đà Phật, bị người ta chửi cũng A Di Đà Phật, bị người ta trách cũng A Di Đà Phật, không biết mình giận hay mình thích hay là mình ghét, không biết là cái gì cả”.

Bên cạnh đó, Sư Phụ cũng chia sẻ về hậu quả khi sử dụng câu Nam mô A Di Đà Phật trong khi bình luận sẽ khiến người tôn giáo khác có cái nhìn phản cảm, không hiểu được thông điệp mà chúng ta muốn truyền tải. Sư Phụ giải thích: “Các tôn giáo khác xem, người ta bảo cũng không hiểu là Phật tử bình luận kiểu gì, không hiểu thế nào. Cho nên câu bình luận như thế này vô nghĩa, không có ích lợi gì cả, mất công chúng ta đánh máy, đánh chữ lên”. Như vậy, qua lời chia sẻ của Sư Phụ chúng ta thấy rằng, việc bình luận Nam mô A Di Đà Phật là vô nghĩa, không mang lại giá trị hay thể hiện quan điểm của người bình luận cũng như không mang lại lợi ích gì cho việc lan tỏa Phật Pháp.

Những câu bình luận Nam mô A Di Đà Phật vô nghĩa, không mang lại ích (ảnh minh họa)

Những câu bình luận Nam mô A Di Đà Phật vô nghĩa, không mang lại ích (ảnh minh họa)

Nhân quả của việc bình luận câu vô nghĩa

Là người học Phật, chúng ta hiểu rằng, không có gì nằm ngoài nhân quả, một hành động tưởng chừng nhỏ nhưng cũng sẽ có quả báo về sau. Vậy việc bình luận những câu vô nghĩa sẽ đưa đến quả báo gì?
Để đại chúng hiểu tường tận vấn đề này, Sư Phụ giảng giải: “Việc làm này là việc làm không có trí tuệ, mình không bày tỏ một cái gì cả, không nói là tán thành hay phản đối, chúng ta tán thán hay chúng ta không tán thán. Nhân như vậy thì quả sau này không có trí tuệ, quả sau này là không có lập trường, người này không có một sự rõ ràng và rất dễ đi vào tà kiến vì người này không có trí tuệ”.

Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh đã chia sẻ về nhân quả của việc bình luận Phật Pháp với những câu vô nghĩa

Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh đã chia sẻ về nhân quả của việc bình luận Phật Pháp với những câu vô nghĩa

Từ lời Sư Phụ giảng, chúng ta hiểu rằng, việc bình luận chia sẻ Phật Pháp bằng cách lên tiếng bày tỏ ý kiến của mình rất quan trọng. Trước khi bình luận, chúng ta có thể đọc bài viết, tư duy kĩ về vấn đề người viết truyền tải và sau đó đưa ra ý kiến của mình. Bởi với mỗi bình luận chúng ta viết ra có thể mang lại lợi ích cho nhiều người và giúp lan tỏa Phật Pháp rộng rãi.

Lợi ích khi chia sẻ, bình luận Phật Pháp

Trong video “Bình luận thế nào để có phúc báu?”, Sư Phụ chia sẻ: “Những video clip nào nói được giá trị Phật Pháp, đạo lý mà chúng ta tán dương, ca ngợi thì chúng ta được phước. Trong kinh Đức Phật dạy, tán thán những điều đáng tán thán, ta được phước báu và tán thán những điều không đáng tán thán thì mình bị mất phước”. Bên cạnh đó, Sư Phụ nhấn mạnh rằng: “Một bài Pháp được nhiều bình luận tốt thì càng lan tỏa, giúp nhiều người sẽ được nghe Phật Pháp. Và như vậy, khi người ta thấy số lượng vào xem nhiều thì ai cũng muốn vào xem và từ đó mọi người được kết duyên với Phật Pháp. Cho nên mỗi một bình luận của các Phật tử cũng góp phần lan tỏa Phật Pháp và mình được thêm phước báu”.

Qua những lời chia sẻ trên Sư Phụ có thể thấy rằng, nếu Phật tử chúng ta bày tỏ cảm xúc hay bình luận một cách ý nghĩa thì cũng góp phần lan tỏa Phật Pháp đến với cộng đồng, xã hội. Bởi nếu nhiều người tiếp cận được những lời Phật dạy thì họ có thể thay đổi suy nghĩ của mình, biết sống có hiếu đạo, thủy chung, nhân nghĩa và khiến cuộc đời họ trở nên tốt đẹp hơn. Đó là cách mà chúng ta tự mang lại phước báu cho chính mình.

Việc bình luận tốt đẹp mang lại lợi ích phúc báu cho người bình luận và góp phần lan tỏa Phật Pháp đến với cộng đồng (ảnh minh họa)

Việc bình luận tốt đẹp mang lại lợi ích phúc báu cho người bình luận và góp phần lan tỏa Phật Pháp đến với cộng đồng (ảnh minh họa)

Nên bình luận tán dương Phật Pháp như thế nào cho đúng?

Như vậy, chúng ta biết rằng, một bình luận tốt cũng góp phần lan tỏa Phật Pháp. Vậy bình luận tốt thể hiện như thế nào?

Thứ nhất, đối với cái sai, cái xấu thì chúng ta phải lên tiếng phê bình, Sư Phụ chia sẻ: “Những người đang hủy hoại chánh Pháp, chúng ta phải có lời bình luận. Điều đó không đúng lời Phật dạy, điều này làm là không đúng chúng tôi không tán thành, chúng tôi là Phật tử, chúng tôi không đồng ý các vị nói đạo Phật như thế”.

Thứ hai, đối với những điều hay, tốt, có ý nghĩa thì chúng ta phải tán dương, tư duy và bày tỏ quan điểm của mình về bài viết như Sư Phụ hướng dẫn: “Còn những điều nào tuyên dương được Phật Pháp, chúng ta có thể tán thán: rất hay, rất tuyệt vời, chúng ta có thể cảm ơn và có thể chia sẻ bằng những lời cảm xúc của mình. Các Phật tử chúng ta mạnh dạn lên, đừng dùng mỗi câu A Di Đà Phật".

Tư duy, bình luận và chia sẻ Phật Pháp và tri ân vị Giảng sư giúp ta giác ngộ lời Phật dạy là tán thán những điều đáng tán thán

Tư duy, bình luận và chia sẻ Phật Pháp và tri ân vị Giảng sư giúp ta giác ngộ lời Phật dạy là tán thán những điều đáng tán thán

Trong buổi Pháp thoại, Sư Phụ gửi lời mong mỏi đến các Phật tử: “Thầy cũng rất mong các Phật tử của chùa chúng ta, khi xem khi nghe các clip về Phật Pháp, chúng ta nên có bình luận. Đã viết được sáu chữ Nam mô A Di Đà Phật, thì không khó gì viết được rằng: Hay quá, tán dương, tuyệt vời, nên chia sẻ clip này, chúng con rất cảm ơn quý Thầy.

Mong rằng, với những lời chia sẻ của Sư Phụ, quý Phật tử biết cách dùng lời hay ý đẹp để bình luận, góp phần lan tỏa Phật Pháp.

Qua những chỉ dạy quý báu trên Sư Phụ, hy vọng, các quý Phật tử và bạn đọc hiểu được lợi ích của việc bình luận, chia sẻ Phật Pháp, và tư duy sâu về nhân quả khi bình luận để tránh quả báo xấu cho mình. Chúc cho mọi người sẽ lan tỏa Phật Pháp đúng cách, đúng chính kiến để được nhiều lợi ích và phước báu.

Chính Phúc

Bài liên quan