trực tuyến [TRỰC TIẾP] "4 thứ khó có được ở đời" | Thầy Thích Trúc Thái Minh, ngày 08/11 Canh Tý
Giới thiệu Tin tức Câu lạc bộ - Đạo tràng Nghi lễ Pháp âm Bài viết Thư viện kiến thức Câu chuyện chuyển hóa Tu học của Tăng chúng Truyện tranh Phật giáo Giải đáp thắc mắc Videos Thư viện ảnh Thông Báo
Bữa ăn cuối cùng của Đức Phật: Ngài biết trước có độc nhưng vẫn thọ thực để giáo hóa chúng sinh
13/03/2025

Ngày Rằm tháng Hai hơn 2500 năm trước, Bậc Đại Giác Ngộ - Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã an nhiên tịch diệt Niết bàn, vắng bóng nơi thế gian.

Trước khi nhập Niết bàn, trong bữa ăn cuối cùng của Đức Phật tại nhà người thợ sắt Cunda, Ngài đã từ bi thọ nhận vật thực cúng dường, dù biết trong đó có mộc nhĩ độc. Sau khi dùng bữa, thân Ngài đau đớn khốc liệt. Có nhiều quan niệm cho rằng, Đức Phật bị Cunda hạ độc hay nghi ngờ trí tuệ Toàn giác của Đức Phật khi Ngài thọ thực món ăn có độc và bị bệnh trước khi nhập diệt.

Tuy nhiên, đây lại là phương tiện Ngài đã thị hiện để phá bỏ quan niệm sai lầm cho chúng sinh thời sau. Hãy cùng tìm hiểu ý nghĩa thực sự của bữa ăn cuối cùng mà Đức Phật đã thị hiện qua bài viết sau đây.

Đức Phật thọ dụng món mộc nhĩ độc trước khi nhập Niết bàn

Tại trấn Pava, thành Câu Thi Na (Kushinagar), có người thợ sắt tên là Cunda (hay còn gọi là Thuần Đà). Tâm của ông tràn đầy cung kính đối với Đức Phật. Khi hay tin Đức Phật cùng các Tỳ-kheo đã đến trấn Pava và đang thuyết Pháp tại vườn xoài, ông Cunda liền đến đảnh lễ bậc Đạo Sư rồi ngồi xuống một bên nghe Ngài thuyết Pháp. 

Sau khi nghe Thế Tôn thuyết Pháp xong, Cunda tinh thần phấn khởi, tâm hoan hỷ vô cùng. Ông liền xin thỉnh Đức Phật cùng Tăng đoàn ngày hôm sau đến tại tư gia của ông để được đặt bát cúng dường. Thế Tôn im lặng nhận lời. Thợ sắt Cunda liền đảnh lễ và ra về.

Sáng sớm hôm sau, thợ sắt Cunda cho sửa soạn các món ăn thượng vị, loại cứng, loại mềm và nhiều thứ Su-ka-ra-ma-da-va (Sūkaramaddava - một loại mộc nhĩ) để dâng cúng Đức Phật cùng Tăng đoàn.

Thợ sắt Cunda dâng vật thực cúng dường Đức Phật với tâm thành kính (ảnh minh họa)

Trong bữa ăn hôm đó, sau khi Đức Phật cùng Tăng đoàn an vị chỗ ngồi, Đức Thế Tôn nói với Cunda: “Này Cunda, loại mộc nhĩ đã soạn sẵn, hãy dọn cho ta. Còn các món ăn khác đã soạn sẵn, loại cứng và loại mềm, hãy dọn cho chúng Tỷ-kheo.”

Với trí tuệ siêu việt của Đức Phật, Ngài đã biết trước Cunda đã hái nhầm mộc nhĩ có độc để cúng dường và Ngài có thể từ bỏ món ăn đó một cách dễ dàng. Tuy nhiên, Ngài vẫn nói với thợ sắt Cunda, soạn riêng món mộc nhĩ cho Ngài thọ dụng và soạn cho các Tỳ-kheo các món ăn khác.

Ngài cũng biết rằng, không một ai khắp Pháp giới có thể “tiêu hóa được” khi ăn món mộc nhĩ này. Cho nên, Ngài đã nói với Cunda rằng: “Này Cunda, món ăn mộc nhĩ còn lại. Ông hãy đem chôn vào một lỗ. Này Cunda, Ta không thấy một ai ở cõi Trời, cõi Người, ở Ma giới, ở Phạm thiên giới, không một người nào trong chúng Sa-môn và chúng Bà-la-môn, giữa những Thiên, Nhân, ăn món mộc nhĩ này mà có thể tiêu hóa được, trừ Như Lai.” 

Nửa canh giờ sau khi thọ thực món ăn đó, Thế Tôn có triệu chứng lỵ huyết, đau đớn khốc liệt, và Thế Tôn chánh niệm tỉnh giác, nhẫn nại, chịu đựng cơn bệnh.

Đức Phật bị nhiễm bệnh nặng trước khi nhập Niết bàn (ảnh minh họa)

Lý giải Đức Phật biết rõ món mộc nhĩ có độc nhưng Ngài vẫn thọ dụng

Giải tỏa “mối oan” cho Cunda và mối nghi cho tứ chúng

Khi Cunda day dứt, khổ tâm vì nghĩ mình đã dâng cúng món mộc nhĩ độc khiến Thế Tôn lâm bệnh nặng, Đức Phật đã làm tiêu tan sự hối hận của ông: Không phải tội do ông đâu. Đây là bữa ăn cuối cùng của Như Lai và sẽ không còn một bữa ăn nào khác nữa. Ông phải phát tâm hoan hỷ khi biết rằng: Hiện thân của một Đức Phật trên đời này, có hai sự cúng dường rất cao quý, tối thượng. Một là sự cúng dường trước khi Như Lai thành đạo và hai là sự cúng dường trước khi Như Lai nhập Niết bàn. Cả hai bữa ăn ấy, phước báo giống nhau, quả báo thù thắng giống hệt nhau, bằng nhau (Kinh Trường Bộ I – Kinh Ðại Bát-Niết-Bàn). 

Rồi Thế Tôn nói với Tôn giả A Nan (vị thị giả của Đức Phật): Này Ānanda! Sau này, có ai thắc mắc về bữa ăn “có vấn đề” này của Cunda, ông phải cặn kẽ giải thích giống như Như Lai vừa nói ở trên để giải tỏa “mối oan” cho Cunda và mối nghi cho tứ chúng!

Giúp chúng sinh thoát khỏi tư duy sai lệch về việc người tu bị bệnh

Đức Phật có thể nhập diệt bằng mọi nhân duyên như: thiền định nhập diệt, bay lên hư không nhập diệt,... Nhưng vì lòng từ bi, Ngài đã lựa chọn nhập diệt bằng nhân duyên chịu bạo bệnh khi ăn món mộc nhĩ để chỉ dạy, bảo hộ cho những chúng sinh đời sau và để độ cho thợ sắt Cunda, dù biết trước món ăn này có độc. 

Cho nên, bữa ăn cuối cùng của Ngài đã khẳng định: Người bị bệnh không phải là không đắc đạo, người đắc đạo không phải là không bị bệnh, mà mỗi người tu hành đắc đạo sẽ xả báo thân cuối cùng bằng những nhân duyên của riêng mình. Đó chính là sự thị hiện về lòng từ bi của Đức Phật đối với tất cả chúng sinh, để tránh cho chúng sinh sau này có nhận xét sai lầm về những bậc chân tu.

Giúp người cúng dường được an tâm

Khi chúng ta cúng dường chư Phật, chư Thánh, cúng dường bậc vô tham với tâm thành kính, cung kính, thì dù vật thực đó vô tình mà có độc, thì người cúng dường cũng được phước báu vô lượng. Vì vậy, khi cúng dường bậc tu hành với tâm thành kính (không xuất phát bởi tâm cấu uế), cho dù việc gì xảy ra, chúng ta không nên lo lắng. Cho nên, sự nhập diệt của Đức Phật là thông điệp về sự từ bi vô cùng to lớn của Ngài đối với tất cả chúng sinh. Như món ăn ông Cunda chuẩn bị cúng dường cho Đức Phật, sau khi Đức Phật nhập diệt, ông Cunda vẫn được thọ hưởng phước báu vô cùng lớn.

>> Xem thêm: Cúng dường là gì? Cách cúng dường để sinh ra nhiều phước báu nhất

Cúng dường bậc tu hành với tâm thành kính sẽ giúp người cúng dường nhận được phước báu vô lượng (ảnh minh họa)

---

Sự kiện bữa ăn cuối cùng của Đức Phật trước khi nhập Niết bàn giúp chúng ta thấy được lòng từ bi bao la rộng lớn của Đức Thế Tôn đối với chúng sinh. Ngài đã chọn nhập diệt bằng cách thị hiện thân bệnh để tránh cho chúng sinh sau này có nhận xét sai lầm về những bậc chân tu.

Bài liên quan