trực tuyến [TRỰC TIẾP] "4 thứ khó có được ở đời" | Thầy Thích Trúc Thái Minh, ngày 08/11 Canh Tý
Giới thiệu Tin tức Câu lạc bộ - Đạo tràng Nghi lễ Pháp âm Bài viết Thư viện kiến thức Tu học của Tăng chúng Khóa tu mùa hè Câu chuyện chuyển hóa Giải đáp thắc mắc Videos Thư viện ảnh
Dạy học từ tâm - bí quyết thành công của người thầy
Bài viết 20/11/2019

“Thầy dạy trò nhưng cũng chính là dạy bản thân mình. Thầy phải quay lại soi xét, sửa đổi chính mình thì lời dạy mới có sức mạnh. Đó chính là sức mạnh truyền tải của người thầy. Chúng ta dạy học từ tâm chứ không phải học được bao nhiêu kiến thức rồi nói lại như cái máy, người khác nghe nhưng sức truyền tải không nhiều. Tại sao lời Bác Hồ nói ra toàn dân nhất nhất làm theo lời dạy của Bác? Là do sức mạnh từ tâm truyền tải. Cho nên vai trò của người thầy đứng trên bục giảng rất quan trọng. Chúng ta truyền tải đến các em cả một tâm hồn và trái tim của mình, để cho các em cảm nhận được cái tâm của người thầy”. - Thầy Thích Trúc Thái Minh

“Ngủ thì ai cũng như lương thiện,
Tỉnh dậy phân ra kẻ dữ hiền.
Hiền dữ đâu phải là tính sẵn,
Phần nhiều do giáo dục mà nên”.

(Nửa đêm - Nhật ký trong tù - Hồ Chí Minh)

Thầy Thích Trúc Thái Minh trong buổi giảng Pháp

Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh trong buổi giảng Pháp

Con người là tinh hoa của trời đất, là yếu tố quyết định tất cả mọi thắng lợi, thành công. Thế nhưng để thành tựu được một người có phẩm chất, đạo đức tốt thì giáo dục có vai trò rất quan trọng. Vì con người không những chịu ảnh hưởng từ kiến thức, nhân cách của người thầy dạy dỗ mà còn chịu tác động bởi môi trường giáo dục từ phía gia đình và xã hội. Nhân buổi gặp gỡ giao lưu với các cán bộ phòng Giáo dục - Đào tạo và Hiệu trưởng các trường Mầm non, Tiểu học, THCS huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh đã có buổi chia sẻ ngắn với chủ đề: “Giáo dục là gốc phúc của xã hội”. Qua buổi chia sẻ, đã giúp các thầy cô giáo có thêm góc nhìn mới về phương pháp dạy trò từ Tâm của Phật giáo.

Thầy, cô luôn là tấm gương sáng cho học trò noi theo

Mở đầu buổi chia sẻ, Sư Phụ đã kể cho các thầy, cô giáo một câu chuyện nhỏ về cách giáo dục con trẻ trong nhà Phật. Chuyện kể rằng, một người mẹ có cậu con trai nghiện ăn đường, đã nhiều lần, khuyên bảo con bỏ ăn đường mà không được. Vì vậy, cô nghĩ đến việc đưa con lên chùa - nơi hai mẹ con hay đến lễ Phật. Và cũng bởi nơi đó có thầy Trụ trì mà con vô cùng kính quý để nhờ thầy khuyên bảo cháu. Hôm ấy, sau khi lễ Phật xong, cô nán lại bộc bạch với Thầy trụ trì: “Con kính bạch Thầy! Cháu nhà con rất thích ăn đường nên cháu sún hết cả răng rồi. Con biết ăn đường không tốt và con đã khuyên bảo cháu bỏ ăn đường nhưng cháu không nghe. Nên hôm nay, con dắt cháu đến xin Thầy khuyên cháu giúp con”. Thầy trụ trì cười bảo: “Thầy hẹn cô một tuần sau mang cháu quay lại đây để thầy khuyên cháu”. Người mẹ không hiểu lý do, cô đành phải đưa con về. Đến tuần sau, cả hai mẹ con lên chùa lễ Phật và cô lại thưa chuyện với Thầy: “Bạch Thầy! Như đã hẹn, hôm nay, con đưa cháu sang nhờ Thầy khuyên giúp con vì cháu vẫn thích ăn đường lắm”. Sau đó Thầy gọi cháu bé lại và khuyên bảo: “Thầy dạy con, con nghe lời Thầy ăn ít đường thôi, ăn đường nhiều vừa hại cho răng, vừa ảnh hưởng đến sức khỏe đấy. Ăn vừa phải thì được con nhé”. Cháu bé vui vẻ gật đầu vâng lời Thầy rồi chạy ra ngoài chơi. Người mẹ rất ngạc nhiên hỏi Thầy: “Thầy khuyên cháu có mỗi câu thế thôi mà sao Thầy bảo con phải một tuần sau mới đến để Thầy khuyên cháu?”. Lúc này Thầy trụ trì mới nói: “Không giấu gì cô, tuần trước, chính Thầy cũng vẫn còn thích ăn đường. Thầy chưa bỏ được. Tuần vừa rồi là Thầy cố gắng bỏ đường đấy. Bây giờ, Thầy đã thật sự bỏ được đường nên mới khuyên được cháu”.

Người thầy phải là chuẩn mực gương mẫu mới có thể truyền dạy cho trò được

Người thầy phải là chuẩn mực gương mẫu mới có thể truyền dạy cho trò được

Thầy, cô giáo chăm chú lắng nghe bài giảng của Sư Phụ về người Thầy mẫu mực trong Phật Giáo

Thầy, cô giáo chăm chú lắng nghe bài giảng của Sư Phụ về người Thầy mẫu mực trong Phật Giáo

Người làm thầy dùng nhân cách để giáo dục nhân cách

Qua câu chuyện Sư Phụ kể, chúng ta nhận thấy “Tâm Đức” của người Thầy rất quan trọng. Người Thầy là người ảnh hưởng rất nhiều đến nhân cách của trò. Sự nghiệp trồng người là vô cùng quan trọng, không đơn giản chỉ dùng lời nói để thu phục lòng người, mà người Thầy cần phải tự hoàn thiện bản thân, trau dồi đạo đức, là tấm gương sáng để học trò noi theo. Sư Phụ chia sẻ: “Thầy dạy trò nhưng cũng chính là dạy bản thân mình. Thầy phải quay lại soi xét, sửa đổi chính mình thì lời dạy mới có sức mạnh. Đó chính là sức mạnh truyền tải của người thầy. Chúng ta dạy học từ tâm chứ không phải học được bao nhiêu kiến thức rồi nói lại như cái máy, người khác nghe nhưng sức truyền tải không nhiều. Tại sao lời Bác Hồ nói ra toàn dân nhất nhất làm theo lời dạy của Bác? Là do sức mạnh từ tâm truyền tải. Cho nên vai trò của người thầy đứng trên bục giảng rất quan trọng. Chúng ta truyền tải đến các em cả một tâm hồn và trái tim của mình, để cho các em cảm nhận được cái tâm của người thầy”.
Lời nói và việc làm của người Thầy phải luôn song hành với nhau. Người thầy cần giảng dạy bằng cả tâm đức và trí tuệ của mình mới có sức truyền tải mạnh mẽ. Người xưa có câu: “Con hơn cha là nhà có phúc”; cũng vậy, tâm của một người thầy giỏi, tâm huyết với nghề sẽ không dừng là truyền tải kiến thức. Người thầy ấy phải luôn mong muốn học trò hiểu và áp dụng được kiến thức đã truyền đạt. Đặc biệt, làm sao để học trò yêu thương cha mẹ, nuôi dưỡng tình yêu quê hương đất nước; hiểu về công ơn những người ngã xuống qua các cuộc chiến tranh oanh liệt của cha ông để bảo vệ cuộc sống ấm no của dân tộc. Một người thầy giàu nhân đức luôn mong mỏi học trò được giỏi giang, trưởng thành và cũng kế thừa được dòng nhiệt huyết trồng người đó. Bởi đây mới là sự thành công chân thực của nghề nhà giáo.

Ông Trương Văn Nam - Phó chủ tịch UBND Huyện Lục Ngạn - Tỉnh Bắc Giang vô cùng hoan hỉ với những lời giảng của Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh

Ông Trương Văn Nam - Phó chủ tịch UBND Huyện Lục Ngạn - Tỉnh Bắc Giang vô cùng hoan hỉ với những lời giảng của Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh

Các thầy cô giáo trường Mầm non, Tiểu học, THCS huyện Lục Ngạn tỉnh Bắc Giang chụp ảnh lưu niệm cùng Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh

Các thầy cô giáo trường Mầm non, Tiểu học, THCS huyện Lục Ngạn tỉnh Bắc Giang chụp ảnh lưu niệm cùng Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh

Bác Hồ từng dạy: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” để nhấn mạnh rằng tầm quan trọng của sự nghiệp giáo dục, bởi giáo dục tạo ra nhân cách và hoàn thiện đạo đức của con người. Đất nước ta có trở nên giàu mạnh, có “bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu” được hay không phụ thuộc nhiều vào công sức học tập của các em - những thế hệ đang ngồi trên ghế nhà trường. Các em có thành tựu tài - đức được hay không lại nhờ vào công lao to lớn của những thầy cô giáo, những người đang mang nặng trách nhiệm cao cả với sự nghiệp “trăm năm trồng người” của nước nhà.
Liên Tú