trực tuyến [TRỰC TIẾP] "4 thứ khó có được ở đời" | Thầy Thích Trúc Thái Minh, ngày 08/11 Canh Tý
Giới thiệu Tin tức Câu lạc bộ - Đạo tràng Nghi lễ Pháp âm Bài viết Thư viện kiến thức Tu học của Tăng chúng Khóa tu mùa hè Câu chuyện chuyển hóa Giải đáp thắc mắc Videos Thư viện ảnh
Đôi bạn trẻ vượt 700km từ Tây Bắc về chùa Ba Vàng làm lễ Hằng Thuận
Bài viết 16/12/2019

"Được tổ chức lễ Hằng thuận tại chùa là mong ước từ lâu của chúng tôi. Nên dù quãng đường từ Lai Châu về chùa gần 700km nhưng chúng tôi vẫn quyết định đăng ký. Trong buổi lễ, tôi được nghe Thầy giảng những điều đạo đức về hiếu đạo, tình nghĩa vợ chồng rất hay và bổ ích. Tôi sẽ cố gắng trở thành người chồng tốt, biết yêu thương và chăm sóc vợ." Tân lang Chìu Đức Quang chia sẻ.

Ngày 15/12/2019 (nhằm ngày 20/11/Kỷ Hợi), hội đủ duyên lành, 6 đôi tân lang, tân nương được cha mẹ hai bên đăng ký làm lễ Hằng thuận tại chùa Ba Vàng. Buổi lễ có sự chứng minh của Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh, đại diện chư Tăng, Ni bổn tự và người thân, họ hàng, bạn bè của các tân lang tân nương. Đặc biệt hơn, buổi lễ hôm nay có cặp đôi tân lang Chìu Đức Quang và tân nương Hoàng Thị Thảo Nguyên đến từ tỉnh Lai Châu - nơi địa đầu của Tổ quốc đăng ký làm lễ Hằng thuận tại chùa.

Các cặp đôi cô dâu - chú rể chụp ảnh kỷ niệm cùng Sư Phụ và đại Tăng

Các cặp đôi và gia đình chụp ảnh lưu niệm cùng Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh và chư Tăng, Ni chùa Ba Vàng

Mang theo trang phục truyền thống về chùa dự lễ Hằng thuận

Ngay từ sáng sớm, sân chùa Ba Vàng đã rộn ràng những tiếng nói cười hân hoan. Những cặp đôi tân lang, tân nương cùng với cha mẹ, bạn bè nổi bật trong những tà áo dài truyền thống. Trong lễ Hằng thuận hôm nay, đến chung vui cùng cặp đôi bạn trẻ Chìu Đức Quang - Hoàng Thị Thảo Nguyên có bạn bè, thân hữu đến từ tỉnh Lai Châu - một tỉnh biên giới thuộc vùng núi Tây Bắc.

Gia đình và bạn bè gửi tặng tới cô dâu chú rể tiết mục múa dân tộc

Gia đình và bạn bè cùng tân lang, tân nương trong tiết mục múa dân tộc 

Trong trang phục truyền thống của nhiều dân tộc khác nhau, cả đoàn đã cùng nhảy những điệu múa truyền thống tại sân chính điện của chùa để cúng dường lên Tam Bảo, cúng dường lên Sư Phụ và chư Tăng. Đây cũng là một trong những điểm nhấn đặc biệt của buổi lễ Hằng thuận ngày hôm nay.

Cô dâu, chú rể đến từ miền núi Tây Bắc chụp ảnh lưu niệm cùng gia đình và người thân

Tân lang, tân nương chụp ảnh lưu niệm cùng gia đình và người thân

Lễ Hằng thuận tôn vinh những giá trị đạo đức tốt đẹp

Bắt đầu buổi lễ, Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh cùng chư Tăng, Ni bổn tự niêm hương bạch Phật, tác lễ Hằng thuận cho 6 đôi bạn trẻ. Sư Phụ cũng chúc phúc cho các đôi bạn trẻ chung sống thuận hòa, hạnh phúc bền lâu. Sư Phụ đã chỉ dạy cho các đôi tân lang tân nương những điều đạo đức, giá trị căn bản dựa trên những lời Phật dạy để trở thành những người chồng, người vợ tốt, có đạo đức, yêu thương nhau.

Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh chỉ dạy cho các tân lang và tân nương những điều giá trị đạo đức căn bản

Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh chỉ dạy cho các tân lang, tân nương những điều giá trị đạo đức căn bản

Các cặp đôi tân lang và tân nương thực hiện nghi lễ giao bái

Các cặp đôi tân lang, tân nương thực hiện nghi lễ giao bái

Tiếp đó, Sư Phụ đã hướng dẫn cho các tân lang, tân nương thực hiện nghi lễ tạ ơn cha mẹ. Đây là một nghi lễ rất thiêng liêng, là dịp để những người con nhớ về công ơn của cha mẹ. Cha đã cho ta nghị lực, niềm tin và sức mạnh để đi vào cuộc sống, người đã vất vả cuộc đời để lo lắng tất cả cho chúng ta. Mẹ sinh ra ta trong cực khổ, ba năm nhũ bộ, chín tháng cưu mang, ngậm đắng nuốt cay, tảo tần vì con. Ngày chúng ta khôn lớn, cha mẹ lo cho công danh sự nghiệp, dựng vợ, gả chồng. Vì vậy, là người con, bổn phận của chúng ta phải yêu thương và đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ.

Sư Phụ tuyên hiếu ngôn để sáu cặp tân lang tân nương lễ tạ ơn cha mẹ:

Lễ thứ nhất: Con xin đảnh lễ tạ ơn cha - cha đã cho con mầm sống hình hài – tạ ơn mẹ đã chín tháng cưu mang, nhọc nhằn khó khổ.
Lễ thứ hai: Con xin đảnh lễ tạ ơn cha, cha đã vượt qua biết bao gian lao khổ nhọc, lặn lội khắp nơi khắp chốn kiếm miếng cơm manh áo nuôi con – tạ ơn mẹ, mẹ đã đau đớn xé ruột sinh nở con ra, ba năm bú mớm, nuốt đắng nhả ngọt, ẵm bồng nâng niu, chỗ ướt mẹ nằm chỗ ráo xê con.
Lễ thứ ba: Cha mẹ sinh ra chúng con, vượt bao gian khổ để nuôi nấng, lo lắng, yêu thương chúng con suốt một đời. Hôm nay, chúng con đã trưởng thành cha mẹ lại tìm nơi kén chỗ gửi gắm cho chúng con nên đôi nên lứa, ân đức ấy chúng con không bao giờ quên.
Nghi thức tạ ơn cha mẹ có giá trị nhân văn sâu sắc, thể hiện rõ nét tâm hiếu đạo của mỗi người. Mong rằng các cặp đôi tân lang tân nương nói riêng cùng tất cả những người tham dự buổi lễ Hằng thuận nói chung hiểu được sự vất vả và tình yêu thương của cha mẹ dành cho mình. Từ đó biết quan tâm, săn sóc, báo hiếu, phụng dưỡng cha mẹ trong hiện tại cũng như lúc về già, lúc mạnh khỏe cũng như lúc đau yếu.

Tân lang và tân nương đảnh lễ 2 đấng sinh thành của mình

Tân lang, tân nương đảnh lễ hai đấng sinh thành của mình

Cảm nhận khi được tham gia lễ Hằng thuận tại chùa

Tân lang Chìu Đức Quang chia sẻ: “Được tổ chức lễ Hằng thuận tại chùa là mong ước từ lâu của chúng tôi. Nên dù quãng đường từ Lai Châu về chùa gần 700km nhưng chúng tôi vẫn quyết định đăng ký. Trong buổi lễ, tôi được nghe Thầy giảng những điều đạo đức về hiếu đạo, tình nghĩa vợ chồng rất hay và bổ ích. Tôi sẽ cố gắng trở thành người chồng tốt, biết yêu thương và chăm sóc vợ. Qua buổi lễ tôi cũng hiểu được tình thương của cha mẹ dành cho chúng tôi. Tôi mong sao bố mẹ có nhiều sức khỏe, mạnh khỏe, cố gắng tu tập theo chính Pháp của Phật. Bản thân tôi cũng sẽ cố gắng sống hạnh phúc để bố mẹ không phải phiền lòng”.

Cặp đôi bạn trẻ Chìu Đức Quang và Hoàng Thị Thảo Nguyên trong buổi lễ Hằng thuận

Cặp đôi bạn trẻ Chìu Đức Quang và Hoàng Thị Thảo Nguyên trong buổi lễ Hằng thuận

Bà Bùi Thị Hòa đang sinh sống tại Tân Uyên - Lai Châu chia sẻ: “Trong buổi lễ Hằng thuận tại chùa, quý Thầy đã giảng rất kỹ về những điều đạo đức. Thầy giảng về đạo làm con, tình nghĩa vợ chồng và hành trang làm cha mẹ. Nếu các bạn trẻ hiểu được những điều này và áp dụng trong cuộc sống thì sẽ hạnh phúc hơn, biết yêu thương cha mẹ và quý trọng nhau hơn”.

Cô Bùi Thị Hòa (bên phải) rạng rỡ trong trang phục quần áo dân tộc tại chùa

Bà Bùi Thị Hòa (bên phải) rạng rỡ trong trang phục truyền thống dân tộc Thái 

Chia sẻ về cảm xúc khi được tham dự lễ Hằng thuận tại chùa, bà Nguyễn Thị Hoan hiện là Phó Hiệu trưởng trường mầm non Đông Ngàn 1, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh chia sẻ: “Hôm nay, tôi được về chùa tham dự lễ Hằng thuận của một người em. Tôi thấy buổi lễ rất tuyệt vời, ngoài sức tưởng tượng ban đầu của tôi. Trong buổi lễ Thầy có giảng về 5 điều làm vợ và 5 điều làm chồng. Tôi nghĩ rằng nếu áp dụng 5 điều này vào cuộc sống thì chắc chắn các bạn trẻ sẽ có cuộc sống hôn nhân hạnh phúc. Tôi cũng rất cảm động khi được nghe thầy Thái Minh giảng về cha và mẹ. Rất tiếc là tôi không còn mẹ. Nếu còn mẹ thì chắc chắn tôi sẽ sống tốt hơn để đền đáp công ơn của cha mẹ đã cho tôi cuộc sống ngày nay. Trong lễ Hằng thuận của chùa Ba Vàng tôi thấy có một điểm đặc biệt đó là tính giáo dục cao. Con người phải được giáo dục. Có giáo dục thì mới sống tốt, trưởng thành và có đạo đức được”. Có lẽ đây cũng là cảm nhận và suy nghĩ của nhiều người khi được tham gia lễ Hằng thuận. Một buổi lễ rất trang nghiêm, ý nghĩa, có tính giáo dục cao và đem lại nhiều cung bậc cảm xúc cho người tham gia.

Bà Nguyễn Thị Hoan - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Đông Ngàn 1 - Huyện Từ Sơn - Tỉnh Bắc Ninh

Bà Nguyễn Thị Hoan - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Đông Ngàn 1 - huyện Từ Sơn - tỉnh Bắc Ninh

Buổi lễ Hằng thuận đã kết thúc trong niềm vui, hạnh phúc của các cặp đôi tân lang tân nương cùng họ hàng thân hữu, bạn bè đến tham dự. Sau buổi lễ hy vọng các bạn trẻ sẽ có đời sống hôn nhân được an vui, hạnh phúc, kết duyên lành với Tam Bảo, là người đệ tử Phật mẫu mực cho cuộc đời.

Đức Tín