Bên cạnh những người thành công vượt ngoài mong đợi lại có người vận đen liên tục kéo đến dẫn tới thất bại. Điều này có do luật nhân quả chi phối hay không? Và cách khắc phục, chuyển hóa vận đen ấy thế nào? Kính mời quý độc giả cùng đón đọc bài viết dưới đây qua lời chia sẻ của Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh.
Trong kinh doanh, gặp vận đen nguyên nhân do đâu?
Trong chương trình tuổi trẻ khám phá vườn tâm kỳ 10, Sư Phụ từng chia sẻ: “Điều gì xảy đến với mình đều có nguyên nhân từ mình. Đây là điều hết sức quan trọng để các con xử lý công việc trong cuộc đời này. Nếu không quay lại mà đổ lỗi cho bên ngoài, cho hoàn cảnh thì các con không xử lý chính xác được. Phải quay lại hoàn cảnh của chính mình mà hỏi và tìm nguyên nhân ở nơi mình”. Thứ nữa, nhà Phật đánh giá, nhận định vấn đề một cách toàn diện, từ quá khứ cho đến hiện tại và nhìn về nhiều mặt của vấn đề đó. Vậy nên, lý giải về nguyên nhân khiến kinh doanh gặp vận đen, Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh đưa ra hai nguyên nhân chính.
1. Do nhân thất hứa
Nguyên nhân đầu tiên, Sư Phụ chia sẻ: “Người ta phát nguyện cúng dường Tam Bảo, cúng dường Sa-môn, các vị xuất gia. Phát nguyện thế nào, hứa thế nào thì cúng dường đúng như thế, hoặc cúng dường hơn. Còn nếu mình hứa cúng dường 10 nhưng đến lúc cúng dường thật thì chỉ cúng dường một, có khi không cúng dường. Mình đi với bạn bè, đến chùa gặp các Thầy, thấy các bạn ấy cúng dường thì mình bảo: “Ôi trời! Tới đây, con sẽ cúng dường Thầy cái này, cái kia”. Nghe có vẻ mình hào phóng nhưng là để làm mẽ với các bạn; nhất là đi với cấp trên, thủ trưởng của mình thì nhiều khi tỏ ra rất hào phóng, rất rộng rãi. Hứa với Thầy, con sẽ cúng thế này thế kia nhưng sau đó là mất tăm mất dạng”.
Trong kinh Tăng Chi Bộ I, Chương IV, Phẩm không hý luận, phần Buôn bán, Đức Phật dạy: “Này Sàriputta, có hạng người đi đến vị Sa môn, hứa hẹn giúp đỡ nhưng không cho như đã hứa. Người ấy, sau khi mạng chung đi đến chỗ này, dẫu có buôn bán gì cũng đi đến thất bại, không thành tựu như ý muốn”. Qua lời giảng trên Sư Phụ ta hiểu hơn về nhân quả của việc thất hứa; nhất là nhân quả của việc không giữ lời với Tam Bảo, các bậc xuất gia.
2. Do lừa dối người, chiếm đoạt tài sản của người trong tiền kiếp
Nguyên nhân thứ hai, Sư Phụ chia sẻ: “Một trong những nhân khiến mình mất tài sản, đó là có thể trong tiền kiếp, mình cũng từng lừa dối, từng chiếm đoạt tài sản, trộm cắp của người. Trộm cắp cũng là nhân để kiếp sau mình không có tài sản, mất mát tài sản. Mình rủ người ta đầu tư xong mình chiếm đoạt tài sản, lừa dối người ta. Nhân mất tài sản là như thế”. Như vậy, nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc gặp khó khăn trong kinh doanh là do chúng ta từng thất hứa khi phát tâm cúng dường Tam Bảo, lừa dối, trộm cắp, chiếm đoạt tài sản của người.
>>> Kinh doanh lừa đảo sẽ không bao giờ bền được
Cách chuyển hóa vận đen trong kinh doanh theo góc nhìn đạo Phật
Nhà Phật có câu: “Có tu là có chuyển” và qua lời chỉ dạy trên Sư Phụ chúng ta biết gặp vận đen khi kinh doanh cũng nằm trong vòng nhân quả, nghiệp báo. Vậy nên, lời khuyên thứ nhất, Sư Phụ chia sẻ: “Thầy khuyên bạn nên nói với bố mẹ biết đây là nhân và quả của mình. Khuyên bố mẹ nên về sám hối, phát tâm Bồ đề, quy y Tam Bảo, thực hành giới của Phật, tu tập theo Phật Pháp”.
Tiếp đó, Sư Phụ chia sẻ: “Thứ hai là phát tâm bố thí cúng dường, làm phước; nghèo cũng bố thí, cúng dường. Chính lúc mình nghèo mà mình biết bố thí, cúng dường với tâm chân thành thì phước báu mình rất lớn”.
Là người đệ tử Phật, chúng ta hiểu phước báu là nhân tố quan trọng, trợ duyên rất nhiều cho việc kinh doanh. Trong kinh Thập thiện, Đức Phật cũng dạy bố thí là một trong 10 nghiệp thiện phát sinh phước báu. Tuy nhiên, bố thí cần có sự chân thật, Sư Phụ giảng giải: “Phật Pháp và nhân quả rất chú trọng thiện tâm của chúng ta, không phải chỉ hành vi của chúng ta đâu. Hành vi là từ tâm mà ra, nhưng phải là thiện tâm trong sáng. Chúng ta muốn cúng bao nhiêu, chúng ta đến bạch các Thầy như thế. Nếu hôm sau ta có, ta cúng hơn nữa, đấy là tâm mình tăng thượng, thiện tâm tăng thượng. Tâm xả tham, xả thí tăng thượng thì phước báu của mình sinh ra sẽ tăng thượng và mình làm ăn kinh doanh sẽ được”.
Mong rằng qua bài viết trên, quý Phật tử nói riêng và quý độc giả nói chung có được hiểu biết đúng đắn về quan niệm vận đen trong kinh doanh. Từ đó, áp dụng lời Phật dạy thông qua lời giảng giải trên Sư Phụ để đạt được những thành tựu trong kinh doanh, giúp cuộc sống được an lạc, hạnh phúc.
Hạnh Thuần
Phước báu xa lìa lời nói lưỡi hai chiều - Kinh Thập Thiện bài 8 | Thầy Thích Trúc Thái Minh
29/11/2024 78
Xem thêm
“Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn” là gì? Lý giải Đức Phật không kiêu mạn
Vua Trần Nhân Tông: Cuộc đời và sự nghiệp có một không hai trong lịch sử
Cách sám hối khẩu nghiệp giúp tiêu trừ tội lỗi, sống đời an vui
Nhận biết về những giấc mơ điềm báo - Cách để có giấc ngủ an lành
Cách nhớ về kiếp trước: Giải mã chuyển kiếp luân hồi theo lời Phật dạy