trực tuyến [TRỰC TIẾP] "4 thứ khó có được ở đời" | Thầy Thích Trúc Thái Minh, ngày 08/11 Canh Tý
Giới thiệu Tin tức Câu lạc bộ - Đạo tràng Nghi lễ Pháp âm Bài viết Thư viện kiến thức Tu học của Tăng chúng Khóa tu mùa hè Câu chuyện chuyển hóa Giải đáp thắc mắc Videos Thư viện ảnh
Ngày Tết thờ cúng tổ tiên thế nào là chuẩn nhất?
Bài viết 15/01/2020

“Vì thế nên những chúng sinh trong cõi Diêm Phù, sau khi cha mẹ hay người thân quyến chết, nếu có thể làm chay cúng dường, chí tâm cầu khẩn thời những người như thế, kẻ còn lẫn người mất đều đặng lợi ích cả” - trích phẩm bảy kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện.

Tết đến, xuân về là thời điểm nhà nhà sum họp, quây quần bên nhau cùng đón mừng năm mới. Theo truyền thống của người Việt Nam, mỗi khi đến Tết thì tất cả con cháu cùng thành tâm sắm lễ vật để thờ cúng tổ tiên; nguyện cầu người mất được an lành, mát mẻ; người còn sống được phúc lạc, cát tường. Thế nhưng, không phải ai cũng có thể hiểu được cách cầu cúng thế nào để kẻ còn, người mất đều được lợi ích giúp cho những ngày Tết thêm phần ý nghĩa và trọn vẹn!

Tết là thời điểm nhà nhà sum họp quây quần bên nhau và chuẩn bị sắm sửa vật thực để thờ cúng tổ tiên

Tết là thời điểm nhà nhà sum họp quây quần bên nhau và chuẩn bị sắm sửa vật thực để thờ cúng tổ tiên

Sát sinh để thờ cúng tổ tiên có phước báu không?

Từ xưa, con người hay cúng tế theo sự truyền miệng của người đi trước hoặc theo lời của thầy cúng, thầy bói. Có người suy nghĩ là phải cúng mâm cao cỗ đầy thì Phật, Thánh mới đến chứng minh nên càng sát sinh nhiều gà, lợn để dâng cúng thì càng tốt. Nhưng liệu suy nghĩ đó có đúng? Và nên cúng tế thế nào để được Phật chứng minh, các vị Thánh Nhân chứng giám?
Trong kinh Tế Đàn, Đức Phật dạy: “Những loại tế đàn nào, này Bà la môn, bò bị giết, dê cừu bị giết, gà heo bị giết, các loài sinh vật khác đi đến bị giết hại. Loại tế đàn ấy, này Bà la môn liên hệ đến sát sinh, ta không tán thán loại tế đàn ấy. Những loại tế đàn có sát sinh như vậy, này Bà la môn, các A la hán và những ai đi trên con đường hướng đến A la hán không có đi đến”. Ở đây, Đức Phật nói tất cả những đàn lễ có sát sinh bò, lợn, gà, trâu… thì Ngài đều không tán thán đàn lễ đó.

Mỗi gia đình nên sắm sửa, nấu đồ chay để thờ cúng tổ tiên ngày Tết

Mỗi gia đình nên sắm sửa, nấu đồ chay để thờ cúng tổ tiên ngày Tết

Sư Phụ nhấn mạnh: “Đức Phật khẳng định rất rõ ràng, Ngài không tán thán những đàn lễ có sự sát sinh. Những tế đàn đó thì Phật, các vị Thánh nhân không đến. Cho nên chúng ta bày rất nhiều đồ cúng sát sinh, khấn mỏi miệng Phật cũng không giáng xuống và các vị Thánh cũng không ai đến. Phật, Thánh mà không đến thì ma quỷ sẽ đến. Cho nên, qua lời khẳng định của Phật để chúng ta biết cúng đàn như thế nào cho đúng. Chúng ta làm suốt đêm mà cuối cùng Phật, Thánh không ai chứng minh thì chúng ta không có phước báu gì”.

Mâm cúng chay ngày Tết

Mâm cơm chay thờ cúng tổ tiên ngày Tết được trình bày đẹp mắt

Thờ cúng tổ tiên chay tịnh, trang nghiêm được Đức Phật tán thán

Văn kinh có đoạn: “Này Bà la môn, tại những tế đàn nào, trong ấy không có bò bị giết, không có dê cừu bị giết, không có gà heo bị giết, không có các loài sinh vật khác bị giết hại. Này Bà la môn, ta tán thán loại tế đàn không có sát sinh như vậy, tức là làm bố thí, tế đàn cầu hạnh phúc cho gia đình. Những loại tế đàn không có sát sinh như vậy, này Bà la môn, các A la hán và những ai đi trên con đường hướng đến A la hán, có đi đến”.

Bàn thờ cúng tổ tiên và thờ Phật ngày Tết

Bàn thờ cúng tổ tiên và thờ Phật ngày Tết

Chúng ta muốn lập đàn thỉnh Phật, các vị Thánh đến chứng minh thì chúng ta phải lập đàn thanh khiết, không có sự sát sinh. Sư Phụ chỉ dạy: “Đức Phật tán thán những đàn tế nào không có sự sát sinh. Chúng ta muốn cầu bình an, hạnh phúc cho gia đình thì không thể lập đàn sát sinh. Các bậc Thánh Nhân sẽ đi đến những đàn cúng thanh tịnh đó, không có sự đau thương của chúng sinh. Cho nên qua bài kinh này, quý Phật tử biết cúng như thế nào cho lợi ích. Đừng lo ông bà tiên tổ nhà mình thèm khát, không được ăn”. Trong dân gian có câu: “Trần sao âm vậy”, ý nói nếu lúc sống ăn mặn thì khi chết rồi hương linh cũng sẽ ăn mặn. Còn nếu cúng chay thì sợ hương linh nhạt miệng, ăn không quen. Về vấn đề này, Sư Phụ chia sẻ câu chuyện Ngài Mục Kiền Liên dâng cơm cho mẹ đang bị đọa trong cõi ngạ quỷ nhưng vì không có phước được ăn cơm nên bà mẹ không ăn được, cơm cháy thành than.

Ngài Mục Kiền Liên dâng cơm cho mẹ nhưng bát cơm lại hóa thành than 

Như vậy, chúng sinh trong cõi ngạ quỷ có được hưởng thức ăn hay không phụ thuộc vào nghiệp lực và phước phần của họ. Còn chúng ta cúng tế theo ý mình thì chưa chắc họ đã được thọ hưởng. Sư Phụ dẫn giải: “Chúng ta cúng bằng sát sinh thì tổn phước lành của mình, người “cõi âm” cũng bị tổn phước theo. Trong kinh Địa Tạng đã dạy, người sống cũng bị tổn phước, người mất cũng không được phước lành gì. Giống như chúng ta đang leo dốc, người thân lại gửi cho vài tảng đá để leo lên, khiến cho họ bị khổ thêm”.

Qua bài kinh Tế Đàn, chúng ta đã hiểu được giá trị nhân văn của Phật Pháp đó là tình yêu thương, kính trọng sự sống của muôn loài. Từ bài kinh chúng ta cũng biết cúng tế chay tịnh, trang nghiêm mới thực sự được Đức Phật, Thánh Nhân tán thán, chứng minh, người sống và người mất đều được lợi ích.
Là người đệ tử Phật, nếu thực hiện theo lời Phật dạy chắc chắn sẽ đem an vui đến cho mình, cho thân bằng quyến thuộc đời này và những đời quá khứ.

Tịnh Duyên