trực tuyến [TRỰC TIẾP] "4 thứ khó có được ở đời" | Thầy Thích Trúc Thái Minh, ngày 08/11 Canh Tý
Giới thiệu Tin tức Câu lạc bộ - Đạo tràng Nghi lễ Pháp âm Bài viết Thư viện kiến thức Câu chuyện chuyển hóa Tu học của Tăng chúng Truyện tranh Phật giáo Giải đáp thắc mắc Videos Thư viện ảnh Thông Báo
Niết bàn: Đích đến tối thượng giúp thoát khổ, được an lạc tuyệt đối
Bài viết 13/03/2025

Trong cuộc sống, ai cũng phải đối diện với những nỗi khổ, sự buồn phiền như: bệnh tật, áp lực công việc, gia đình rạn nứt, con cái bất hiếu hay sinh tử vô thường,… 

Thế nhưng, có một cảnh giới không còn khổ đau, nơi mọi phiền não đều bị tiêu diệt - đó chính là Niết bàn - trạng thái an lạc tuyệt đối mà Đức Phật cùng các vị Thánh đệ tử của Ngài đã chứng đạt.

Vậy Niết bàn là gì? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về bản chất thực sự của trạng thái Niết bàn. 

Niết bàn nghĩa là gì?

Niết bàn không phải một cõi giới hay trú xứ, không phải đến Niết bàn là đến một nơi nào khác; mà Niết bàn chính là trạng thái tâm của chúng ta khi đã diệt hết các phiền não - trạng thái tâm trong sạch. Vì vậy, bất kỳ ai cũng có thể đạt được Niết bàn, khi chăm chuyên tu hành thanh lọc tâm mình.

Niết bàn cũng có nghĩa là diệt độ, tịch diệt. Như trong kinh Mi Tiên Vấn Đáp, có đoạn: “...Niết bàn chính là diệt, là tịch diệt, một trạng thái ngưng nghỉ và vắng lặng…”. Đó là trạng thái diệt tận mọi phiền não, ái dục; cũng là đạt đến giải thoát, trạng thái dừng nghỉ. 

Như vậy, Niết bàn là thực tại tối hậu, hạnh phúc tuyệt đối; là cảnh giới dứt trừ mọi khổ đau; cũng là mục đích tối thượng của những người học Phật. 

Niết bàn không phải một cõi giới, mà là trạng thái tâm khi đã diệt hết các phiền não (nguồn ảnh: Internet)

Niết bàn có phải là chết không?

Trạng thái Niết bàn không phải là chết; mà là một Pháp đặc biệt, gọi là bất tử, bất sinh, bất diệt (không bị tiêu hoại bởi già chết).  

Trong cuộc sống, chúng ta thường mong cầu được trường thọ; nhưng đó chỉ là sống lâu; không phải bất tử. Một ngày nào đó, chúng ta cũng sẽ phải chết. Muốn bất tử thì phải bất sinh. Cho nên, Niết bàn cũng gọi là vô sinh - không còn sinh ra.

Tuy nhiên, nhiều người chưa hiểu thì lo lắng rằng, chứng đạt Niết bàn sẽ không được sinh ra nữa. Nhưng thực tế, vô sinh nhưng không ngại phải sinh ra. Giống như tất cả các vị Bồ tát, dù đã chứng đắc vô sinh (Niết bàn), nhưng các Ngài vẫn hiện sinh trong cuộc đời, tiếp tục vào lục đạo luân hồi để cứu độ chúng sinh.

Niết bàn có mấy loại?

Trong kinh Đại Bát Niết Bàn (tập 1, phẩm thứ sáu: Danh Tự Công Đức), Đức Phật dạy Niết bàn có bốn loại: Tự tính thanh tịnh Niết bàn, Hữu dư y Niết bàn, Vô dư y Niết bàn, Vô trụ xứ Niết bàn.

1. Tự tính thanh tịnh Niết bàn: Tất cả chúng sinh đều có trạng thái Niết bàn - là trạng thái vốn có từ trong thể tính của chúng sinh; nhưng do vô minh, ái dục che lấp nên chưa nhận ra. Cũng giống như một cốc nước bị bùn đất làm vẩn đục; nếu để bùn đất lắng xuống thì nước trong sẽ hiện ra. Như vậy, chúng ta cần tu tập giúp tâm trong sạch thì sẽ nhận biết được Niết bàn. 

2. Niết bàn hữu dư y (hay còn gọi Hữu dư y Niết bàn): Đây là trạng thái Niết bàn của bậc Thánh khi vẫn còn thân xác ngũ uẩn (tức là khi còn hiện hữu nơi đời). 

Chẳng hạn, những bậc Thánh A-la-hán vẫn chưa nhập diệt (viên tịch) đã đạt được Niết bàn.

3. Vô dư y Niết bàn: Đây là trạng thái Niết bàn khi các bậc Thánh A-la-hán viên tịch và bỏ thân xác của họ.

4. Vô trụ xứ Niết Bàn: Đây là cảnh giới của các vị Bồ tát. Các Ngài đã đạt đến Niết bàn nhưng không trụ hay dính mắc vào cảnh giới nào, mà vẫn tiếp tục đi vào luân hồi để độ chúng sinh.

Người có thể đạt được trạng thái Niết bàn

Trong kinh Mi Tiên Vấn Đáp, có đoạn: “...Người nào thực hành đúng chánh Pháp, giác ngộ những Pháp mà bậc trí tuệ đã giác ngộ, biết chắc những Pháp mà bậc trí tuệ đã biết chắc, dứt bỏ những Pháp mà bậc trí tuệ dứt bỏ, tiến hành những Pháp mà bậc trí tuệ tiến hành, thấy rõ những Pháp mà những bậc trí tuệ đã thấy rõ; người ấy mới đắc được Niết bàn…”

Ở đây, Đức Phật không phân biệt nam - nữ; giàu - nghèo; sang - hèn; đẳng cấp cao hay thấp; mà nếu ai tu tập, thực hành đúng chính Pháp thì sẽ chứng đắc Niết bàn. Cũng giống như việc nấu cơm, bất kỳ ai cũng có thể nấu được, chỉ cần làm đúng quy trình, không phân biệt quốc tịch, dân tộc,...

Nếu chúng ta thanh lọc, rửa sạch hết bụi bặm, phiền não trong tâm thì Niết bàn sẽ hiện ra. Tuy nhiên, đó là cách diễn giải để mọi người dễ dàng hình dung về Niết bàn. Còn để thực sự đạt được Niết bàn là điều vô cùng khó khăn, cần có nhiều sự rèn luyện, tu hành gian khổ.

Bởi Niết bàn không thể nhìn thấy bằng mắt, không nghe được bằng lỗ tai, không ngửi được bằng mũi, không nếm được hương vị, không xúc chạm được bằng thân. Và đặc biệt là không thể dùng ý (suy nghĩ) để tư duy đạt được Niết bàn. Để đạt đến trạng thái Niết bàn, chúng ta phải thực hành đúng Bát chính đạo, giữ gìn giới đức tinh nghiêm, đoạn trừ nhiễm ô, cấu uế, chấp trước.

Bên cạnh đó, trong lịch sử Phật giáo, nữ giới cũng có thể trì giới, chứng đắc đạo quả và đạt được Niết bàn. Điển hình là Tỳ kheo Ma Ha Ba Xà Ba Đề (di mẫu Kiều Đàm Di) - dì ruột của Đức Phật. Bà đã cùng 500 cung phi xin Đức Phật hứa khả cho xuất gia, vào rừng thiền định và chứng quả A-la-hán. Điều này được lưu lại trong kinh Tăng Nhất A-hàm (tập III, phẩm Đại Ái Đạo Nhập Niết Bàn, trang 573).

Di mẫu Kiều Đàm Di xin Đức Phật hứa khả cho xuất gia và tu hành chứng quả A-la-hán (ảnh minh họa)

Lịch sử Phật giáo cũng ghi nhận tấm gương của Ngài Ưu Ba Ly - vị Thánh Tăng xuất thân từ một người hầu, làm nghề hót phân, cắt tóc. Dù ở địa vị thấp hèn (theo quan niệm của Ấn Độ thời bấy giờ), nhưng Ngài vẫn xuất gia và chứng quả A-la-hán. Đây cũng chính là tính bình đẳng của đạo Phật, của quy luật nhân quả.

---

Như vậy, mỗi chúng ta cần chăm chỉ tu hành, thanh lọc thân tâm mình; để một ngày thành tựu được Niết bàn. 

Nội dung trên được tóm tắt từ lời giảng của Thầy Thích Trúc Thái Minh về những điều cần biết của trạng thái Niết bàn. Qua đó, chúng ta hiểu được Niết bàn thực sự có thật, là trạng thái tâm của mình khi đã tận diệt phiền não. Mong rằng, từ đây, quý vị sẽ thực hành lời Đức Phật dạy, làm những việc thiện lành, hướng đến con đường tu hành để đạt đến Niết bàn giải thoát - niềm hạnh phúc tối thượng.

Bài liên quan