trực tuyến [TRỰC TIẾP] "4 thứ khó có được ở đời" | Thầy Thích Trúc Thái Minh, ngày 08/11 Canh Tý
Giới thiệu Tin tức Câu lạc bộ - Đạo tràng Nghi lễ Pháp âm Bài viết Thư viện kiến thức Tu học của Tăng chúng Khóa tu mùa hè Câu chuyện chuyển hóa Giải đáp thắc mắc Videos Thư viện ảnh
Hiểu đúng ngày ông Công ông Táo để được nhiều may mắn
Bài viết 11/01/2024

Cúng ông Công ông Táo là phong tục lâu đời và được lưu truyền qua nhiều thế hệ người Việt. Bài viết sẽ cung cấp thông tin về nguồn gốc của ngày ông Công ông Táo, ý nghĩa và cách cúng trong ngày này để có phước, gặp được may mắn. 

Ông Công ông Táo là ai?

1. Sự tích ông Công ông Táo

Khi đề cập đến sự tích ông Công ông Táo, có nhiều người cho rằng đây là truyền thuyết xuất phát từ đạo Lão ở Trung Quốc, du nhập và trở thành văn hóa của người Việt.

Theo truyền thuyết kể rằng, Trọng Cao và Thị Nhi là đôi vợ chồng sống rất yêu thương nhau, tuy đã cưới nhau lâu nhưng mãi không có con. Có lần Trọng Cao vì giận vợ mà đánh mắng và đuổi Thị Nhi ra khỏi nhà. Thị Nhi liền bỏ đi. Sau khi đi lang thang, cô gặp được chàng trai tên Phạm Lang. Hai người quý mến nhau rồi kết thành vợ chồng.

Sau khi vợ bỏ đi, Trọng Cao thấy thương, hối hận và lên đường tìm vợ. Khi đã đi tìm vợ một thời gian, hết cả tiền và gạo mang theo, Trọng Cao đành đi xin cơm và vào đúng nhà của Thị Nhi. 

Hôm ấy, Phạm Lang đi vắng, Thị Nhi nhận ra chồng cũ bèn dẫn Trọng Cao vào nhà và mời cơm nước, trò chuyện. Đúng lúc đó, Phạm Lang trở về, Thị Nhi bèn giấu Trọng Cao vào đống rơm để Phạm Lang không nhìn thấy, tránh điều thị phi.

Chẳng ngờ sau đó, Phạm Lang đốt rơm đó để lấy tro đi bón ruộng. Đống rơm cháy đùng đùng lan sang nhà cửa, vì thương Trọng Cao nên Thị Nhi lao vào đống lửa để cứu chồng cũ. Thấy vậy, Phạm Lang cũng vì thương xót vợ nên nhảy vào cứu vợ. Cuối cùng, cả ba đều chết trong đám lửa.

Sau khi ba người chết, thần hồn của ba người bay lên trời. Ngọc Hoàng Thượng Đế biết được họ sống có tình nghĩa nên phong ba vị làm thần Định Phúc Táo Quân; nghĩa là vua bếp, cai quản việc đất đai, nhà cửa, bếp núc, làm ăn buôn bán,... của các gia đình.

Hình ảnh minh họa 3 vị thần Táo theo quan điểm dân gian (nguồn Internet)

Hình ảnh minh họa 3 vị thần Táo theo quan điểm dân gian (nguồn Internet)

2. Quan điểm đạo Phật về ông Công ông Táo 

Đối với đạo Phật, ông Công ông Táo là cái tên mà dân gian đặt. Còn bản chất đó là những vị chư Thiên, chư Thần hộ trì.

Trong lục đạo luân hồi, Đức Phật nói rõ là có thế giới vô hình, cảnh giới của quỷ thần. Cảnh giới của quỷ thần là Atula (gọi là thần). Ở cảnh giới này, khi học kinh Phật thì thấy có những câu chuyện về thần linh, thần cây, thần đất, sơn thần thổ địa,... 

Cho nên, chúng ta có thể tin được ở nơi đất nhà ở (làng mạc, thành phố, địa phương) đều có những vị thần ấy chịu trách nhiệm cai quản. 

Xem thêm: Tìm hiểu về các kiếp trong lục đạo luân hồi

Ngày ông Công ông Táo vào ngày nào?

Theo truyền thống, ngày ông Công ông Táo vào 23 tháng Chạp hàng năm - tức là trước Tết Âm lịch một tuần.

Trong năm Giáp Thìn, ngày 23 tháng Chạp sẽ vào 02/02/2024.

Ý nghĩa ngày ông Công ông Táo

1. Ngày thể hiện lòng tri ân tới các vị thần

Chúng ta làm lễ cúng các vị thần đều thể hiện sự cung kính, tâm rộng mở, biết ơn của mình. Đây là một việc làm tốt, là thực hành bố thí, tâm tưởng nhớ và biết ơn. 

Trong kinh Tăng Chi Bộ, Đức Phật cũng dạy người đệ tử tại gia rằng, khi có được tài sản; trong đó cần biết hiến cúng một phần tài sản cho tiên tổ, những người đã mất, cho các vị thần linh vô hình. 

Vậy nên, việc dân ta cúng thần Thổ Công và ông Công ông Táo là việc tốt, nhưng ta cần hiểu được bản chất. Chúng ta luôn nhớ ơn, cung kính, bố thí cho họ là với mong muốn được kết duyên thiện lành với họ, để họ trở thành những người tốt hộ trì cho mình.

Cúng ông Công ông Táo là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc cần được gìn giữ. Việc này mang tính chất sum họp gia đình, biết ơn đến các vị chư Thiên, chư Thần.  

Chúng ta không vì thế mà hiểu sai ý nghĩa của việc cúng lễ các vị thần là hối lộ, để các vị báo cáo Ngọc Hoàng các việc tốt của gia đình mình. Bởi, việc cúng lễ mang tính chất tri ân với tâm rộng mở, cầu mong cho họ được thêm phước lành, chứ không phải mang tính chất hối lộ. 

2. Ngày gia đình sum vầy, chuẩn bị Tết nguyên đán

Ngày ông Công ông Táo hàng năm còn là bước đệm chuẩn bị cho ngày Tết Nguyên đán. Vào ngày này, những người con xa quê cũng đều cố gắng về nhà trước Tết ít nhất một tuần, chính là ngày ông Công ông Táo để dọn dẹp, sắm sửa, trang trí cho ngày Tết cổ truyền. 

Và nhân dịp con cháu đi xa về, nhà nhà cũng cùng nhau làm mâm cơm cúng; trò chuyện, liên hoan, quây quần bên nhau.  

Ngày ông Công ông Táo là dịp cả gia đình sum vầy và chia sẻ với nhau các câu chuyện trong cuộc sống (ảnh minh họa)

Ngày ông Công ông Táo là dịp cả gia đình sum vầy và chia sẻ với nhau các câu chuyện trong cuộc sống (ảnh minh họa)

Cúng ông Công ông Táo như thế nào?

Cách cúng ông Công ông Táo đơn giản, đúng chuẩn và lợi ích cho gia chủ xem tại: Hướng dẫn cách cúng ông Công ông Táo đúng và đơn giản nhất

Để lễ cúng ông Công ông Táo mang nhiều lợi ích nhất, chúng ta cần chuẩn bị mâm cúng với phẩm vật thanh tịnh và trang nghiêm (ảnh minh họa)

Để lễ cúng ông Công ông Táo mang nhiều lợi ích nhất, chúng ta cần chuẩn bị mâm cúng với phẩm vật thanh tịnh và trang nghiêm (ảnh minh họa)

Trên đây là những điều cần biết về ngày ông Công ông Táo. Hy vọng qua những chia sẻ của Thầy Thích Trúc Thái Minh, quý bà con nhân dân sẽ hiểu rõ hơn về nguồn gốc và ý nghĩa ngày này, biết cách sắm sửa lễ cúng đúng và lợi ích nhất. 

Chúc quý vị sẽ gieo trồng được nhiều hạt giống thiện để gặt hái được nhiều quả thành công, an vui trong năm mới. Hãy chia sẻ, bình luận những suy nghĩ của mình sau khi đọc bài viết dưới đây nhé.

Bài liên quan