trực tuyến [TRỰC TIẾP] "4 thứ khó có được ở đời" | Thầy Thích Trúc Thái Minh, ngày 08/11 Canh Tý
Giới thiệu Tin tức Câu lạc bộ - Đạo tràng Nghi lễ Pháp âm Bài viết Thư viện kiến thức Tu học của Tăng chúng Khóa tu mùa hè Câu chuyện chuyển hóa Giải đáp thắc mắc Videos Thư viện ảnh
Tìm hiểu nghệ thuật thiền trà theo góc nhìn đạo Phật trong Lễ hội Hoa Cúc chùa Ba Vàng
Bài viết 23/10/2020

Từ lâu, uống trà đã trở thành thói quen không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của người dân Việt Nam. Đặc biệt, ở chốn thiền môn ta lại cảm nhận rõ ràng và sâu sắc hơn về thiền trà - một nét văn hoá ấn tượng của nhà Phật.
Vậy thiền trà đối với góc nhìn đạo Phật thế nào? Kính mời quý độc giả cùng đón đọc bài viết dưới đây!

Thiền trà là gì?

Trà là một thảo dược độc đáo mà thiên nhiên đã ban tặng cho con người. Từ xa xưa con người đã biết đến trà và dần hình thành thói quen thưởng trà (hay gọi dân dã hơn là uống trà). Và qua thời gian, hình thức uống trà đã được các Thiền sư đưa vào nếp sống ở một số ngôi chùa với những buổi tọa đàm vừa uống trà, vừa luận đạo, chia sẻ Phật Pháp; từ đó dần hình thành khái niệm thiền trà. Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh chia sẻ: “Uống trà với tâm thái của người thiền, đang tu thiền gọi là thiền trà”.

Thiền trà là thưởng thức trà với tâm thái của người tu thiền

Thiền trà là thưởng thức trà với tâm thái của người tu thiền

Tại sao trong nhà Phật có thiền trà?

Dân gian có câu: “Chén trà là đầu câu chuyện”. Khi khách đến chơi nhà, chúng ta mời nhau chén trà. Trong nhà thiền cũng thế, các Thiền sư bàn đạo cũng mời nhau chén trà khi gặp mặt.
Ở Trung Quốc nổi tiếng về câu chuyện trà Triệu Châu. Chuyện kể rằng, ai đến với Ngài Thiền sư Triệu Châu, Ngài cũng mời uống trà. Từ đó, tên gọi “trà Triệu Châu” dần được hình thành.

Vậy thì từ bao giờ trong nhà Thiền, các bậc Thiền sư, các Sư Thầy có nếp sống uống trà?
Về vấn đề này, Sư Phụ lý giải: “Vì các Thầy tu thiền và người tu cần phải tỉnh táo. Đại chúng ngồi thiền một lúc là gục thì không thiền được. Gọi là hôn trầm thụy miên thì không thể ngồi thiền được. Cho nên phải tỉnh táo. Từ đó là trong nhà thiền thì thường có thói quen uống trà”.

Thiền trà là một nét văn hóa đẹp trong đạo Phật

Thiền trà là một nét văn hóa đẹp trong đạo Phật

Dần dần, theo thời gian uống trà trở thành như Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh chia sẻ: “Và ẩm thủy trà (uống nước trà) thành nghệ thuật khi du nhập vào Phật giáo, nhất là trong Phật giáo Nhật Bản, trà được đẩy lên thành trà đạo. Và trà đạo trở nên phổ biến ở các nước có Phật giáo”.

Ý nghĩa của thiền trà trong đạo Phật

Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh chia sẻ: “Thiền là nghệ thuật đưa tâm trở lại với chính mình, các Thiền sư mượn chén trà để đưa tâm trở lại với chính mình. Tâm chúng ta hàng ngày sôi động quên đi giây phút thực tại thì chính nhờ những giây phút lắng đọng này, chúng ta được trở về với thực tại và thực tại thì bao giờ cũng rất đẹp, rất an lạc và rất nhiệm màu”.

Sau những thăng trầm, xao động của cuộc sống, buổi thiền trà chính là giây phút để con người mượn chén trà đưa tâm trở lại với chính mình. Trong giây phút này, con người hoàn toàn sống trong hiện tại, hưởng trọn vẹn cảm giác thoải mái, an lạc và hạnh phúc.

Hình ảnh thiền trà trong Lễ hội Hoa Cúc tại chùa Ba Vàng

Trong Lễ hội Hoa Cúc 2016, Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh chia sẻ: “Thiền trà đã trở thành một nét văn hóa đẹp trong nhà đạo, đặc biệt là trong đạo Phật. Hôm nay trong Lễ hội Hoa Cúc này, chùa Ba Vàng tổ chức một buổi thiền trà để chúng ta cùng nhau ngồi lại, tĩnh tâm lại, được sống với chính mình”.

>>> Ý nghĩa Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh muốn gửi gắm nhân ngày Tết Trùng Cửu thông qua Lễ hội Hoa Cúc 2013 & 2016!

Trong tiếng du dương của tiếng đàn tranh, các trà khách sẽ được thưởng thức hương vị trà và bánh, ngẫm nghĩ những đạo lý sâu xa trong từng chén trà hoa cúc để giác ngộ chân lý cho bản thân mình.

Trong buổi thiền trà, trà giả là người pha trà để du khách được thưởng lãm

Trong buổi thiền trà, trà giả là người pha trà để du khách được thưởng lãm

Hy vọng từ những chia sẻ trên Sư Phụ, quý vị hiểu hơn về nguồn gốc cũng như ý nghĩa của buổi thiền trà theo nghi thức Phật giáo.

Tiếp nối thành công của Lễ hội Hoa Cúc năm 2013, 2016, Lễ hội Hoa Cúc chùa Ba Vàng 2020 sẽ được tổ chức từ ngày 09/9 - 11/9/Canh Tý (tức 25/10 - 27/10/2020) với các chương trình ấn tượng: rước nước giếng Thần; pha trà cúng Phật; tụng kinh cầu quốc thái dân an; quyên góp từ thiện ủng hộ đồng bào miền Trung; nghệ thuật thiền trà; đêm hội Trùng Dương… cùng nhiều hoạt động mang đậm nét văn hóa truyền thống dân gian.

Đến với buổi thiền trà tại Lễ hội Hoa Cúc chùa Ba Vàng, du khách sẽ được thưởng lãm hương vị của trà hoa cúc

Đến với buổi thiền trà tại Lễ hội Hoa Cúc chùa Ba Vàng, du khách sẽ được thưởng lãm hương vị của trà hoa cúc

Qua đó, phát huy giá trị tích cực của Lễ hội, kết hợp với truyền thống tương thân tương ái, gắn bó, keo sơn của dân tộc Việt Nam và tinh thần từ bi bác ái của đạo Phật thông qua hình ảnh cánh hoa cúc cùng gắn kết chung trên một đài hoa tạo nên một đóa hoa cúc bình dị mà thanh tao, hoa dù có héo cánh hoa cũng không rời nhụy, lá không rời cành; Tình tương thân tương ái cũng vậy, trước thiên tai dịch họa, hay khi gặp sóng gió bão táp phong ba thì người với người vẫn đoàn kết, thương yêu, tương trợ lẫn nhau.

Do vậy, khi về tham dự Lễ hội Hoa Cúc 2020, quý Phật tử cùng bà con nhân dân không chỉ được tham dự hoạt động thưởng trà ý nghĩa trên mà còn có thể chung tay chia sớt những khó khăn và mất mát với đồng bào miền Trung yêu thương của chúng ta.
Hẹn gặp lại quý vị tại Lễ hội Hoa Cúc chùa Ba vàng 2020 với nhiều trải nghiệm thú vị!

Hạnh Thuần