trực tuyến [TRỰC TIẾP] "4 thứ khó có được ở đời" | Thầy Thích Trúc Thái Minh, ngày 08/11 Canh Tý
Giới thiệu Tin tức Câu lạc bộ - Đạo tràng Nghi lễ Pháp âm Bài viết Thư viện kiến thức Tu học của Tăng chúng Khóa tu mùa hè Câu chuyện chuyển hóa Giải đáp thắc mắc Videos Thư viện ảnh
Vu Lan - nét đẹp trong văn hóa người Việt
Bài viết 13/08/2022

Dân tộc Việt Nam từ ngàn xưa đã coi trọng chữ hiếu và đặt chữ hiếu trở thành nền tảng đạo đức của mỗi người. Đặc biệt, Khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam thì tinh thần hiếu đạo của dân tộc Việt với giáo lý đạo Phật đã hòa quyện với nhau. Bởi Đức Phật cũng lấy hiếu làm căn bản của đạo đức: “Muôn hạnh hiếu vi tiên” - trong tất cả các hạnh, hiếu là đứng đầu.

Trong kinh Đức Phật dạy: “Được thân người là vô cùng khó” bởi trải qua bao kiếp trôi lăn trong nẻo luân hồi, phải đầy đủ duyên phước thì chúng ta mới có mặt trên đời. Và chính cha mẹ là người đã sinh thành, cho chúng ta mầm sống hình hài; cho nên ân đức sinh thành cha mẹ là vô cùng to lớn.

Chẳng những thế, bao năm suốt tháng, cha mẹ dưỡng dục, bươn chải, nhọc nhằn kiếm miếng cơm manh áo, dầu dãi nắng mưa, chịu đựng bao cơ cực của cuộc đời để lo cho con khôn lớn, trưởng thành, tương lai sự nghiệp.

Chính vì thế, tháng 7 Vu Lan là dịp để những người con nhớ nghĩ đến tâm tri ân để báo đáp công ơn trời biển ấy, mà từ đó bày tỏ tấm lòng hiếu kính đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ bao năm sinh thành dưỡng dục. 

Đạo hiếu từ lâu trở thành nền tảng đạo đức của mỗi con người

Đạo hiếu từ lâu trở thành nền tảng đạo đức của mỗi con người

Ngày lễ Vu Lan xuất phát từ câu chuyện trong Phật giáo, đó là câu chuyện Ngài Mục Kiều Liên - vị đệ tử thần thông bậc nhất của Đức Phật Thích Ca, cứu mẹ là bà Thanh Đề thoát khỏi kiếp ngạ quỷ bằng cách sắm sửa vật thực cúng dường tứ sự (thuốc men, ăn uống, y phục, chỗ nằm) đến chúng Tăng nhân mùa chư Tăng tự tứ. Và lấy phước báu đó cùng sự chú nguyện của chư Tăng hồi hướng công đức phúc báu cho mẹ. Nhờ đó, bà Thanh Đề cùng rất nhiều ngạ quỷ và tội nhân trong địa ngục đã được sinh thiên.

Từ đó, Đức Phật dạy rằng: “Chúng sinh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng nên làm theo cách này”. Lễ Vu Lan bồn cũng từ đó mà ra đời.

Trang báo điện tử Trung tâm Tin tức VTV24 đưa tin về ý nghĩa, nguồn gốc lễ Vu Lan (nguồn internet)

Trang báo điện tử Trung tâm Tin tức VTV24 đưa tin về ý nghĩa, nguồn gốc lễ Vu Lan (nguồn internet)

Tiếp tục lưu giữ và lan tỏa, cho đến nay, Vu Lan báo hiếu - 15/7/Âm lịch hằng năm đã trở thành nét văn hóa truyền thống của người dân Việt. Dù đi đâu, làm gì, người Việt vẫn luôn nhớ về tiết tháng 7 Vu Lan với ân đức của hai đấng sinh thành. 

Vu Lan là dịp để những người con bày tỏ tâm tri ân tới cha mẹ

Vu Lan là dịp để những người con bày tỏ tâm tri ân tới cha mẹ

Đặc biệt, nếu trong một dân tộc, một đất nước mà mỗi người dân đều sống có hiếu, đều có đức hiếu thì dân tộc ấy, đất nước ấy mới vững mạnh được, vì hiếu là nền tảng của đạo đức. Trong bài kinh Pháp Cú “Phật dạy bảy pháp khiến đất nước không bị diệt vong”, Đức Phật cũng chỉ dạy: “Nhân dân nước đó hiếu dưỡng cha mẹ, kính yêu sư trưởng, nghe lời răn bảo dạy dỗ, coi đó như là pháp tắc quốc gia”

Bởi thế, một lần nữa, chúng ta có thể nhấn mạnh rằng Phật Pháp luôn đồng hành cùng dân tộc trong mùa Vu Lan trên khắp mọi miền Tổ quốc, lan tỏa tinh thần hiếu nghĩa, đền ơn, biết ơn cũng là điều giúp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày một đi lên.

Vu Lan đã thấm sâu vào tâm thức của mỗi người con Việt, mong rằng ngày lễ này sẽ tiếp tục được lan tỏa trong văn hóa người Việt, để mỗi người con luôn cố gắng trở thành những bông hoa hiếu hạnh.

Bài liên quan