trực tuyến [TRỰC TIẾP] "4 thứ khó có được ở đời" | Thầy Thích Trúc Thái Minh, ngày 08/11 Canh Tý
Giới thiệu Tin tức Câu lạc bộ - Đạo tràng Nghi lễ Pháp âm Bài viết Thư viện kiến thức Tu học của Tăng chúng Khóa tu mùa hè Câu chuyện chuyển hóa Giải đáp thắc mắc Videos Thư viện ảnh
Lý giải sự thật về nơi Đức Phật thành đạo
Bài viết 12/01/2021

Cội cây Bồ đề thuộc Bồ Đề Đạo Tràng (Bodhgaya) được biết đến là một trong tứ thánh tích thiêng liêng, thu hút hàng nghìn tín đồ hành hương về miền đất Phật. Tại đây hơn 2600 năm trước, Đức Phật đã thiền định 49 ngày đêm và thành tựu đạo quả Bồ đề. Tuy nhiên, khi nói về nơi Ngài thành đạo, có ý kiến cho rằng, Đức Phật không chứng quả tại cội cây Bồ đề mà chứng đạo ở một nơi khác.
Để được giải đáp thắc mắc, kính mời quý Phật tử cùng tìm hiểu bài viết dưới đây qua lời giảng trên Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh.

Đức Phật thành đạo ở đâu?

Giải thích vấn đề này, Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh chia sẻ: “Chúng ta biết đắc đạo là đắc ở tâm. Khi tâm hoàn toàn thanh tịnh, lúc ấy nó bừng sáng. Đức Phật thấu suốt tất cả thiên sai vạn biệt, pháp giới vũ trụ này. Lúc ấy gọi là tam minh, đắc đạo; mà đắc đạo là đắc ở tâm, tâm chứng, không phải là ở gốc cây. Nói là Ngài ngồi đắc đạo ở dưới cây Bồ đề, nhưng thật chứng của Ngài là chứng ở nơi tâm, tâm chứng. Chúng ta biết, sau Đức Phật thì các đệ tử của Ngài chứng đạo ở khắp mọi nơi, chứ không phải chỉ dưới gốc cây Bồ đề”.

Cây Bồ đề - nơi Đức Phật thành đạo đã trở thành Thánh tích lịch sử thiêng liêng (ảnh tại Bồ Đề đạo tràng - Ấn Độ)

Cây Bồ đề - nơi Đức Phật thành đạo đã trở thành Thánh tích lịch sử thiêng liêng (ảnh tại Bồ Đề đạo tràng - Ấn Độ)

Để đại chúng hiểu rõ hơn, Sư Phụ kể câu chuyện đắc đạo của Ngài Trí Nhàn Thiền sư. Ngài là người học một hiểu mười, kinh thông sử sách. Ngài ở với Tổ Bá Trượng nhưng không khai ngộ được đạo lý. Cho đến một ngày Ngài tìm đến Tổ Quy Sơn và hỏi đạo lý là thế nào. Tổ Quy Sơn mới hỏi lại Ngài: Khi cha mẹ chưa đẻ ra ông thì mặt thật của ông là gì? Ngài Trí Nhàn không trả lời được câu hỏi và Tổ Quy Sơn cũng không cho Ngài câu trả lời Ngài mong muốn. Tổ Quy Sơn nói: Ta mà nói thì sau này ông sẽ chửi ta. Về đến nhà, Ngài Trí Nhàn Thiền Sư đem hết kinh sách ra xem nhưng cũng không tìm được câu trả lời. Một ngày nọ khi đang cuốc đất, nghe tiếng sỏi văng vào gốc cây tre và kêu tiếng “cạch” thì tự nhiên Ngài giác ngộ. Khi ấy Ngài chắp tay hướng về núi Quy Sơn để lễ Tổ Quy Sơn vì nếu ngày ấy Ngài có được câu trả lời thì sẽ không có được giây phút của sự giác ngộ này.

Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh chia sẻ: “Như vậy chúng ta thấy là không phải ngồi dưới gốc cây Bồ đề mới đắc đạo, mới giác ngộ, mà đắc đạo là ở nơi tâm, khi tâm đã chín muồi, các phiền não cáu bẳn đã rơi rụng. Đó là những giờ phút đắc đạo đấy”.

Từ lời giảng giải trên Sư Phụ, chúng ta hiểu rằng sự thành đạo của Thái tử Tất Đạt Đa là điều vô cùng hy hữu! Về vị trí lịch sử thì Đức Phật thành đạo ở cội cây Bồ đề, nhưng thực chất Đức Phật thành đạo ngay tại tâm.

Ý nghĩa ngày Đức Phật thành đạo đối với tất cả chúng ta

Đức Phật là Đấng Cha Lành khắp ba cõi, là bậc Thầy được cả trời người tôn kính. Đức Phật thành đạo đã mở ra con đường cứu khổ cho chúng sinh, mang giáo Pháp giải thoát hoằng truyền khắp muôn nơi. Ngài đã chỉ ra bốn sự thật trong kiếp nhân sinh: sự thật về khổ, nguyên nhân của khổ, cách diệt khổ và con đường chấm dứt đau khổ. Đó chính là Tứ diệu đế - giáo lý căn bản và rất quan trọng của Phật Pháp.
Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh chia sẻ: “Ngày Đức Phật thành đạo là ngày ý nghĩa bậc nhất đối với đạo Phật chúng ta. Nếu Thái tử Tất Đạt Đa đản sinh mà thành vua Chuyển luân Thánh vương thì không có đạo Phật. Nhưng có đêm thứ 49 dưới gốc cây Bồ đề, Ngài đắc đạo thì mới có đạo Phật. Cho nên ý nghĩa ngày Phật thành đạo là quan trọng bậc nhất”.

Đức Phật thành đạo và Ngài đã tìm ra con đường chân lý giúp chúng sinh thoát khổ

Đức Phật thành đạo và Ngài đã tìm ra con đường chân lý giúp chúng sinh thoát khổ

Giây phút Thái Tử thành đạo là bước ngoặt vĩ đại trong cuộc đời tu hành của Ngài, là ngày có ý nghĩa với tất cả muôn loài chúng sinh. Nếu Thái Tử Tất Đạt Đa không thành đạo thì có lẽ chúng ta vẫn còn chìm đắm trong đêm đen mộng trường, bị trói buộc bởi những tham lam, sân hận, si mê cứ trôi lăn và ngụp lặn mãi trong biển khổ luân hồi mà không có lối thoát.

“Đối với chúng ta, giáo Pháp từ đây được mở ra. Đức Phật lúc ấy gọi là “mắt của thế gian” mới xuất hiện. Phải có đêm thành đạo ấy, phải có sự giác ngộ của Ngài. Nó cực kỳ quan trọng” - Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh giảng giải.

Từ lời Sư Phụ chia sẻ, chúng ta hiểu rằng, đến với Phật Pháp là đến với nguồn ánh sáng vô biên. Nguồn sáng ấy giúp chúng ta có thể thấu rõ đến cùng tận chân lý. Vì thế, chúng ta rất hạnh phúc khi được làm đệ tử của Đức Thế Tôn. Đây là một phúc báu vô cùng lớn!

Qua đó, Sư Phụ mong mỏi đại chúng: “Nhân kỷ niệm ngày Đức Thế Tôn thành đạo, Sư Phụ mong tất cả chư Tăng Ni và các Phật tử chăm chỉ học Pháp của Phật, khai mở trí tuệ của mình, nhận được sự chân thật của cuộc đời, thấy được đời thật sự là khổ, luân hồi là khổ và chỉ có con đường chính Pháp của Phật mới có thể cứu khổ và mang lại an lạc cho chúng sinh”.

Thực hành Pháp, tu tập tri ân trong ngày Đức Phật thành đạo chính là sự tri ân và báo ân thiết thực của mỗi người con Phật. Hy vọng, qua bài viết trên, quý Phật tử sẽ hiểu hơn về ý nghĩa của nơi Đức Phật thành đạo để có thêm tri kiến đúng đắn cho bản thân. Từ tinh tấn thực hành Pháp, làm các việc thiện lành, tích lũy các công đức cũng chính là để tri ân, đền ân Đức Thế Tôn.

Hạnh An

Bài liên quan