Ngài Nan-đà là con trai của đức vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Ma Ha Ba Xà Ba Đề (còn gọi là di mẫu Kiều Đàm Di - di mẫu của Đức Phật). Ngài cũng chính là em trai cùng cha, khác mẹ của Thái tử Tất Đạt Đa (Đức Phật Thích Ca Mâu Ni sau này).
Sau khi Thái tử Tất Đạt Đa xuất gia, Nan-đà được định sẵn kế vị ngai vàng và dự định sẽ thành hôn với công nương Janapada-Kalyànì; sống trong vinh hoa và quyền uy của hoàng tộc. Thế nhưng, trước lễ lên ngôi và thành hôn của mình, Ngài Nan-đà đã có một bước ngoặt lớn trong cuộc đời, đó là xuất gia theo Đức Phật.
Sau này, nhiều người cho rằng việc Tôn giả Nan-đà quyết định xuất gia là không tự nguyện mà do Đức Phật thuyết phục. Vậy để lý giải quan điểm đó và hiểu hơn về nhân duyên xuất gia của Ngài, kính mời quý vị cùng đón đọc bài viết dưới đây.
Con đường xuất gia “bất đắc dĩ” của Tôn giả Nan-đà
Sau khi chứng đắc quả vị, Đức Phật bắt đầu chuyển bánh xe Pháp, hóa độ năm anh em ông Kiều Trần Như và thành lập Tăng đoàn. Kể từ đây, Ngài bắt đầu hành trình giáo hóa, đi đến nhiều nơi để truyền dạy chánh Pháp.
Một lần, Đức Phật trở về quê hương Kapilavastu (thành Ca Tỳ La Vệ) để hóa độ cho hoàng tộc, cũng là thời điểm lễ Quán đảnh (lễ nối ngôi) và đám cưới của Nan-đà - người em cùng cha, khác mẹ của Ngài đang được tiến hành.
Từ lễ thành hôn đến con đường xuất gia
Khi ấy, chàng Nan-đà sắp thành hôn với công nương Janapada-Kalyànì - một người con gái rất xinh đẹp.
Đức Thế Tôn cũng đến để chúc phúc cho chàng. Ngài bước vào nhà khất thực, rồi đặt bình bát vào tay của hoàng tử Nan-đà. Với tâm kính trọng Đức Thế Tôn tuyệt đối, Nan-đà không dám từ chối mà lặng lẽ đón lấy bình bát.
Chàng thầm nghĩ: “Thế Tôn sẽ lấy lại bình bát ở đầu thềm”. Thế nhưng, khi đến đầu bậc thềm, Đức Phật vẫn không nhận lại.
Lúc này, Nan-đà tiếp tục bước theo và nghĩ rằng đến sân cung điện, Đức Thế Tôn sẽ nhận lại bình bát. Nhưng không, Ngài vẫn lặng lẽ bước đi. Lúc này, tuy rất muốn quay trở lại cung điện để cử hành hôn lễ, nhưng Nan-đà vẫn bước theo sau Đức Thế Tôn đến tận tịnh xá.
Tại đây, Đức Thế Tôn hỏi Nan-đà:
- Nan-đà, ông có muốn đi tu không?
Nan-đà lặng người, trong lòng đầy rối bời. Bởi một bên là người vợ chưa cưới - công nương Janapada-Kalyànì với đôi mắt đẫm lệ, ánh nhìn đầy lưu luyến. Lời nói, hình ảnh của nàng làm tim Nan-đà bị chấn động. Chàng muốn cất lời từ chối, nhưng vì lòng tôn kính Phật quá sâu đậm nên chàng đã thưa rằng, chàng muốn đi xuất gia.
Và trong khoảnh khắc đó, từ một chàng hoàng tử sắp thành hôn và nối ngôi vua, Nan-đà trở thành một vị Tỳ-kheo “bất đắc dĩ”.
Con đường tu hành để đạt hạnh phúc tối thượng
Sau khi xuất gia, Đại đức Nan-đà không ngừng vướng bận về vị hôn thê Janapada-Kalyànì xinh đẹp, hình bóng của nàng vẫn hằn sâu trong tâm trí của Ngài. Nan-đà cảm thấy buồn phiền, bất mãn với đời sống của người tu sĩ. Không thể chịu đựng hơn, một ngày nọ, Nan-đà quyết tâm bày tỏ với Đức Thế Tôn ý định sẽ trở về cuộc sống thế tục.
Lúc này, Đức Phật biết Đại đức Nan-đà vẫn còn đam mê sắc dục nên đã dùng thần lực đưa chàng đến cõi trời Ba mươi ba. Khi đến nơi, Đức Phật chỉ cho Đại đức Nan-đà thấy 500 thiên nữ xinh đẹp, yêu kiều, duyên dáng đang hầu cận vua trời Đế Thích (Sakka). Đức Phật bảo Ngài hãy so sánh vẻ đẹp của họ với nàng Janapada Kalyànì.
Lúc này, Nan-đà không chần chừ mà thừa nhận rằng, vẻ đẹp của vị hôn thê xưa chẳng thể sánh bằng một phần nhỏ của các thiên nữ.
Thế rồi, Đức Thế Tôn động viên Nan-đà tiếp tục đời sống xuất gia; nếu tinh tấn tu hành thì sẽ được phước báu có 500 thiên nữ xinh đẹp. Nghe vậy, Đại đức Nan-đà sung sướng, tiếp tục ở lại đời sống tu sĩ.
Khi biết được chuyện đó, các huynh đệ Tỳ-kheo chê cười Nan-đà, cho rằng chàng đi tu là để sở hữu 500 nàng thiên nữ. Đại đức Nan-đà cảm thấy hổ thẹn, tỉnh ngộ và nhận thức được sự thấp kém của bản thân. Ngài từ bỏ việc ham thích lên cung trời với 500 thiên nữ và quyết tâm tu tập.
Từ đó, Ngài sống độc cư, giữ chánh niệm, tinh tấn thực hành lời Đức Thế Tôn chỉ dạy. Không bao lâu, Đại đức Nan-đà vĩnh viễn từ bỏ đời sống thế tục, sống đời xuất gia, chứng quả A-la-hán - quả vị tối thượng của đời sống tu hành.
Lý giải việc Ngài Nan-đà xuất gia do Đức Phật thuyết phục
Người mới tìm hiểu Phật giáo có thể nghĩ rằng Tôn giả Nan-đà bị Đức Phật thuyết phục xuất gia. Nhưng thực tế không phải, mà chính nhờ oai lực, tâm từ bi của Ngài đã cảm hóa Nan-đà, giúp những người có duyên với Ngài đạt được những điều tốt đẹp.
Bên cạnh đó, để trợ duyên cho Nan-đà trên con đường tu tập, Đức Phật đã dùng phương tiện độ sinh, đưa Ngài lên cung trời để thấy 500 thiên nữ. Điều này giúp Nan-đà có thêm động lực tiếp tục con đường xuất gia, chăm chỉ tu hành để chứng quả A-la-hán, đạt được hạnh phúc tối thượng. Chư Phật, chư Bồ tát luôn dùng mọi phương tiện để độ sinh; dù có đau đớn như thế nào, miễn điều đó giúp chúng sinh được tu tập, hướng đến những điều thiện lành.
---
Câu chuyện trên đây được tóm tắt từ lời giảng của Thầy Thích Trúc Thái Minh trong Pháp thoại: “Nan-đà trở thành Tỳ Kheo bất đắc dĩ” - Tích truyện Pháp Cú. Mong rằng, từ đây, quý vị sẽ hiểu hơn về con đường xuất gia của vị Thánh đệ tử - Tôn giả Nan-đà với hành trình chuyển hóa nội tâm, đưa đến giác ngộ và giải thoát.
Nhà có tang có được đi chùa không? | Thầy Thích Trúc Thái Minh
Bố mẹ con nói nhà có tang sự thì không được đi lễ chùa, nên không cho con đi. Vậy con thưa Thầy có phải như thế không ạ?...
04/01/2025 1113
Xem thêm
Ngài Đại Ca Diếp khất thực độ bà lão nghèo – Phước báu vô lượng từ bát cháo thiu
Tôn giả Ma Ha Ca Diếp: Từ bỏ phú quý - Tu hành thành bậc đầu đà đệ nhất
Niêm hoa vi tiếu: Hiểu đúng về Pháp hội truyền thừa và bổn phận của Ngài Ca Diếp
Bữa ăn cuối cùng của Đức Phật: Ngài biết trước có độc nhưng vẫn thọ thực để giáo hóa chúng sinh
Tôn giả A Nan bạch Phật độ người nữ xuất gia, đặt nền móng cho Ni đoàn