trực tuyến [TRỰC TIẾP] "4 thứ khó có được ở đời" | Thầy Thích Trúc Thái Minh, ngày 08/11 Canh Tý
Giới thiệu Tin tức Câu lạc bộ - Đạo tràng Nghi lễ Pháp âm Bài viết Thư viện kiến thức Tu học của Tăng chúng Khóa tu mùa hè Câu chuyện chuyển hóa Giải đáp thắc mắc Videos Thư viện ảnh
Những tập tính tốt của con rùa nước mà Tỳ-kheo cần phải học
Bài viết 25/10/2019

Tinh tấn tu học, rèn luyện bản thân để đạt đến quả chứng đắc Niết Bàn là điều mà người đệ tử Phật luôn phải ghi nhớ và thực hành. Nếu là người biết tu thì ở bất cứ đâu, từ bất cứ thứ gì; thậm chí là từ những loài vật xung quanh cũng giúp ta học hỏi được nhiều điều. Tiếp nối chương trình giảng Pháp thường kỳ tại chùa Ba Vàng, ngày 12/10/2019 (tức ngày 14/9/ Kỷ Hợi), Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh tiếp tục giảng giải cho toàn thể đại chúng những câu chuyện giữa Đại Đức Na Tiên và vua Mi Lan Đà. Chủ đề của buổi giảng Pháp lần này là về tập tính tốt của con rùa nước, con cọp cái, con cọp đực. Hãy cùng xem 5 điều mà người Tỳ-kheo cần học ở con rùa nước qua lời giảng trí tuệ của Sư Phụ.

Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh trong buổi giảng pháp thường kỳ

Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh trong buổi giảng pháp thường kỳ

1. Rùa nước thường an trú những nơi mát mẻ

“Thế giới của con rùa ở trong nước, là nơi mát mẻ. Bậc hành giả cũng thế, nên ở trong cõi từ bi trú, là cõi mát mẻ an lành; và nên rải tâm từ ấy đến tất cả chúng sinh, không được thù hại ai, không gây oan trái, oán độc với ai”. Cũng như vậy, một vị Tỳ-kheo nên trú tại nơi mát mẻ; nơi trú đó không phải là ở trong mái nhà mà từ chính tâm từ bi của mình phát khởi lên. Từ bi không chỉ làm tâm mình mát mẻ mà còn lan tỏa sự hạnh phúc ấy cho tất cả mọi người xung quanh; phải làm sao mà người đệ tử Phật tu được tâm từ bi cho biến mãn khắp mười phương. Từ bi trong nhà Phật chính là tình thương yêu, tình thương ấy mà đi cùng với trí tuệ Bát Nhã soi sáng, dẫn dắt thì trở thành từ bi rộng lớn. Còn nếu tình thương yêu đó không có trí thì đó lại là ái chấp. Mỗi hành giả, chư Tăng, Phật tử đều nên xây dựng cho mình ngôi nhà từ bi trong tâm. Tu tập làm sao để càng tu thì tâm từ ấy càng phải tăng trưởng lên, rộng lớn hơn để đem an lành đến cho thế gian. Trong nhà Phật, nếu người tu sĩ có giận hờn thì cũng chỉ giận đúng một đêm, đến hôm sau là lại vui vẻ, hòa hợp. Đặc biệt, năng lực của yêu thương có trí tuệ rất lớn. Khi có tâm từ, không ai có thể làm hại được dù là quỷ thần, ác thần, phi nhân; cho đến cung tên mũi đạn cũng không hại được. Thấy được lợi ích của việc tu tâm từ bi thì mỗi người con Phật càng đều phải tu tập. Càng tu tập Phật Pháp, tâm mình càng mát mẻ, càng an lành, càng nhiều yêu thương thì đó mới là đúng cách.

Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh thực tập hạnh sống ở trong rừng

Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh thực tập hạnh sống ở trong rừng

2. Khi gặp nguy hiểm rùa liền ẩn trốn

“Rùa ở trong nước, chìm trong nước, thỉnh thoảng mới ló đầu lên khỏi mặt nước; nếu thấy có gì nguy hiểm thì rùa cảnh giác, lặn xuống ngay. Vị Tỳ-kheo tu tập cũng hằng như thế, khi thấy phiền não đến thì phải tức khắc lặn vào trong thiền cảnh của mình”. Trên bước đường tu tập của người hành giả, khi bị phiền não “tấn công” thì phải quán thiền định và Tứ niệm xứ để dứt bỏ những tham ái, dục lạc ở đời. Sư Phụ cũng chia sẻ: “Ngay từ hồi còn là cư sĩ, Thầy đã được tiếp cận với giáo lý của Phật. Thầy cũng một thời tuổi trẻ như ai, cũng có những ham muốn. Nhưng khi biết Phật Pháp thì Thầy quán, tu tập. Thầy quán tại những trận tai nạn, rồi Thầy xin vào bệnh viện để quán xác chết, ra cả nghĩa địa để quán. Chính nhờ những niệm quán mà tâm Thầy được nhẹ đi những phiền não và đây cũng chính là thuốc trị bệnh của người tu sĩ. Nếu như không ẩn nấp vào trong phép thiền quán để bảo vệ “tính mạng” của mình thì sẽ rất dễ mất “mạng” - là giới, thân, huệ, mạng quý báu." Quả thật vậy, khi gặp những đối duyên, xúc cảnh bên ngoài thì người Tỳ-kheo phải dùng Giới luật, quán Tứ niệm xứ để bảo vệ huệ mạng của mình.

Chư Tăng Chùa Ba Vàng Thiền Hành Tại Sông Hằng Ấn Độ

Chư Tăng Chùa Ba Vàng Thiền Hành Tại Sông Hằng Ấn Độ

3. Rùa chỉ thả mình khi ở nơi an toàn

“Khi con rùa lên khỏi mặt nước, nếu thấy không có người hoặc thú thì rùa nằm phơi mình trên bãi một cách an toàn. Tương tự thế, vị Tỳ-kheo tu tập chính niệm ở chỗ yên tịnh, thanh vắng; khi cảm thấy an toàn, không sợ ngoại trần quấy nhiễu thì có thể đem tâm ra khỏi các oai nghi, nghỉ ngơi chút ít nhưng mà cũng phải thường trực tỉnh giác”. Một vị hành giả khi tu thiền quán ở một chỗ vắng lặng, an toàn thì có thể thả lỏng, xả nghỉ nhưng phải luôn trong sự tỉnh giác. Lúc tu hành, những người con Phật cũng không thể để tâm thức quá căng thẳng. Như vậy thì không thể sáng suốt, không thể tiến đạo được. Đó là phương thức điều hòa, giải tỏa rất hữu hiệu mà người xuất gia cầu đạo có thể học được ở con rùa nước.

Chư Tăng chùa Ba Vàng tu tập trong rừng, chiến đấu với mưa gió, bão bùng và đặt biệt là chiến đấu với tâm của mình

Chư Tăng chùa Ba Vàng tu tập trong rừng, chiến đấu với mưa gió, bão bùng và đặt biệt là chiến đấu với tâm của mình

#4 Rùa thường an trú những nơi thanh vắng

“Rùa thường đào lỗ ở trong bùn, trong đất, hoặc trong các kẹt đá để ở; là vì chỗ ấy không có ai quấy nhiễu, xâm hại. Bậc Sa môn hành Tứ niệm xứ cũng y như thế, phải trốn khỏi lợi lộc, tiếng khen của thế gian... và ẩn trong hang sâu động vắng thì khỏi sợ nguy hiểm”. Học đức tính tốt này của con rùa nước, bậc xuất gia phạm hạnh phải biết xa lìa nơi ồn ào, náo nhiệt và đi tìm nơi ẩn cư thanh vắng như chốn rừng sâu. Đặc biệt là trốn khỏi những danh lợi, khen chê của trần tục; không được mắc vào danh văn lợi dưỡng - thứ rất nguy hiểm đối với những bậc xuất gia tu hành. Có nhiều người xả bỏ được danh văn lợi dưỡng đi tu; nhưng trên con đường tu đạo lại đắm nhiễm, thích thú chức sắc không hằng trường tồn ấy. Như Đức Phật hay Phật Hoàng Trần Nhân Tông là vua, là chính danh thái tử nhưng các Ngài cũng vứt bỏ ngôi vua nhẹ nhàng mà không chút tơ hào, luyến tiếc. Ví như nhà cửa, tiền của hay chính thân mạng mình cũng không giữ được thì đâu có gì là của mình mãi. Danh tước, địa vị chỉ là gánh nặng khiến con người thêm khổ đau. Nhưng nếu vì lợi ích của chúng sinh, mà gánh thì đó lại đem đến lợi lạc hạnh phúc. Những người Phật tử làm việc, sống hết mình, cống hiến hết sức nhưng không tham đắm, không chìm trong danh lợi, chìm trong cái “của tôi” thì khi đó mỗi người sẽ sống thanh cao, nhẹ nhàng và đi đến con đường giải thoát.

Chư Tăng chùa Ba Vàng xa lìa nơi ồn ào náo nhiệt, ẩn cư trong rừng thiền bên Tăng tu tập

Chư Tăng chùa Ba Vàng xa lìa nơi ồn ào náo nhiệt, ẩn cư trong rừng thiền bên Tăng tu tập

Chư Ni chùa Ba Vàng nhập thất tu tập trong rừng thiền bên Ni, tránh xa dục lạc của thế gian

Chư Ni chùa Ba Vàng nhập thất tu tập trong rừng thiền bên Ni, tránh xa dục lạc của thế gian

5. Khi thấy hiểm nguy rùa liền ẩn lấp để bảo vệ thân mạng

“Phàm khi thấy người, thú hoặc cái gì có vẻ nguy hiểm, rùa thường thu gọn đầu và bốn chân vào trong chiếc vỏ bọc của mình, nằm yên lặng như thể để tự bảo vệ sự an toàn. Hành giả tu tập chỉ tịnh quán minh cũng nên bắt chước như rùa. Lúc nào thấy lục trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) - có vẻ nguy hại, liền thu rút lục căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) vào trong đề mục thiền định hoặc thiền quán để bảo vệ cho Sa môn hạnh của mình”. Xã hội ngày càng phát triển, ngũ dục trở lên xung mãn, hấp dẫn và đẹp đẽ cho nên người tu cũng bị dễ dàng bị dính mắc, ham thích. Đây chính là sự nguy hiểm đối với bậc xuất gia tu hành. Khi vị Tỳ-kheo thấy mình bị sáu trần cảnh quấy nhiễu thì phải lập tức rút về cái “mai thiền quán” của mình để an trú trong đó. Giống như rùa nước thu mình vào cái mai chắc khỏe để tự vệ, tránh đi nguy hiểm thì người con Phật cũng liền lui vào Tứ niệm xứ để bảo vệ Sa môn hạnh cao quý. Người hành giả khi có tâm niệm khởi thì ngay lập tức quán niệm về thân, về cảm thọ, về tâm thức và về Pháp; không để lục căn đắm nhiễm vào cái vui thú, cái đẹp, cái mới mẻ của đời thường mà xa rời giới, định, tuệ của mình. Đúng như lời đức Phật dạy: “Tỳ-kheo là bậc tiến tu thoát khổ, nếu có khởi tâm thì đừng nên để cho dục tư duy, sân tư duy, hại tư duy xâm chiếm; đừng nên để rơi vào cái bẫy tà kiến, khinh bỉ hoặc châm biếm kẻ khác. Không như vậy thì hoàn toàn thu rút lục căn, như con rùa nằm trốn cái đầu và bốn chân trong mu của nó”.

Chư Tăng chùa Ba Vàng thực hành thiền định tu tập trong rừng

Chư Tăng chùa Ba Vàng thực hành thiền định tu tập trong rừng

Qua lời Sư Phụ giảng giải, hai hàng đệ tử xuất gia và tại gia đã có được những bài học quý báu phải luôn hằng ghi nhớ để tu tập. Mỗi người con Phật muốn giữ phẩm hạnh của mình toàn vẹn, lý tưởng của mình vững chắc thì phải học con rùa nước, biết bảo vệ mình, chọn cho mình trú xứ an toàn thì chắc chắn sẽ được an lành và tiến tu.

Hạnh Liên