trực tuyến [TRỰC TIẾP] "4 thứ khó có được ở đời" | Thầy Thích Trúc Thái Minh, ngày 08/11 Canh Tý
Giới thiệu Tin tức Câu lạc bộ - Đạo tràng Nghi lễ Pháp âm Bài viết Thư viện kiến thức Tu học của Tăng chúng Khóa tu mùa hè Câu chuyện chuyển hóa Giải đáp thắc mắc Videos Thư viện ảnh
Tác hại của việc suy nghĩ mơ mộng, xa thực tế và phương pháp thay đổi
Bài viết 23/04/2020

Cuộc sống xung quanh chúng ta, có rất nhiều người thường hay suy nghĩ mộng tưởng, xa rời thực tế về công việc, tình yêu, bạn bè,... Có người khi làm nhân viên, nhưng lại mơ tưởng mình là giám đốc; có người đi cạnh người yêu nhưng lại nghĩ đến người khác, khiến bản thân sinh ra tâm lý chán nản với công việc; không còn thiết tha trong các mối quan hệ nữa. Tất cả những suy nghĩ này đều khiến cho họ không được an ổn, hạnh phúc trong hiện tại.
Vậy nhân duyên gì khiến nhiều người thường có suy nghĩ mơ mộng và cách giải quyết vấn đề này ra sao? Chùa Ba Vàng xin gửi tới quý Phật tử, quý bạn đọc bài viết “Nhân duyên của người hay mộng tưởng và cách giải quyết” qua lời chỉ dạy vô cùng quý báu của Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh cho một bạn trẻ đã đặt câu hỏi đến chương trình Tâm sự cùng CLB Tuổi Trẻ Ba Vàng.

Câu hỏi từ một người sống hay mơ tưởng, không thực tế

Trong số thứ 02 của chương trình Tâm sự với CLB Tuổi Trẻ Ba Vàng, một bạn trẻ đã đặt câu hỏi để thỉnh Sư Phụ trả lời như sau: “Con kính bạch Thầy! Năm nay con đã ngoài 30 tuổi mà công việc và tình duyên của con chưa đâu vào với đâu cả. Công việc của con thay đổi liên tục, lúc nào con cũng mơ mộng, sinh ra chán nản và làm không được việc. Ví dụ con xin vào làm công ty thì khi đang làm việc, con lại mơ mộng con là người quản lý và con xử lý công việc thế này, thế kia, thế là con không làm được việc. Con lại còn mơ mộng con là giám đốc, và con điều hành thế này, thế kia. Những lúc như thế con bị đơ ra và không làm được việc, làm cho con chán nản, bỏ hết chỗ này đến chỗ khác. Trong tình yêu khi con ở cạnh người yêu thì con mơ mộng ra người yêu con là người này, người kia. Con còn nói nhầm cả người yêu, cứ như con đang nói chuyện với người con đang mơ mộng. Vì thế mà con chán người yêu và cũng bỏ. Con xin hỏi Thầy bây giờ con phải làm thế nào để dứt trừ được tâm mơ mộng này ạ? Con xin Thầy giúp cho con ạ. Con xin tri ân công đức của Thầy”.

Nguyên nhân dẫn đến mộng tưởng theo quan điểm của Đạo Phật

Trước khi đưa ra nguyên nhân của hiện tượng mộng tưởng Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh chia sẻ: “Thưa với tất cả các bạn, nhà Phật đánh giá, nhận định một vấn đề toàn diện, từ quá khứ cho đến hiện tại và nhìn về nhiều mặt của vấn đề. Trước hết chúng ta phải biết rằng, thân chúng ta sinh ra trong đời này là tổng báo của tất cả những nghiệp trong các kiếp quá khứ. Cho nên gọi thân này là tổng báo. Thân tướng chúng ta như thế nào, cấu trúc bộ não, toàn bộ mọi cái của chúng ta đều có nghiệp trong quá khứ tác động, định hình. Thế nên chúng ta bị ảnh hưởng của nghiệp quá khứ rất nhiều”. Đúng như lời Sư Phụ chỉ dạy, đạo Phật có góc nhìn rất toàn diện, đa chiều trước một vấn đề; liên hệ từ quá khứ đến hiện tại và vị lai. Do đó, khi đánh giá một vấn đề thì đạo Phật không chỉ nhìn vào hiện tại, mà còn quan sát các nguyên nhân trong quá khứ mà chúng sinh gây ra.

Để đại chúng hiểu rõ ràng, tường tận về nguyên nhân gây ra lối tư duy mộng tưởng, Sư Phụ chia sẻ: “Trước hết là nhìn về nghiệp tiền kiếp, những bạn như thế này là có ảnh hưởng rất nhiều từ nghiệp tiền kiếp. Có thể trong tiền kiếp bạn này cũng đã từng là những người hay hứa hẹn viển vông với người khác. Hoặc trong tình yêu, hoặc trong việc làm, bạn cũng thường cho người ta nghĩ về bạn rất cao xa, quý báu, thành đạt nhưng thực tế là bạn không có. Rồi bạn lợi dụng hoặc lừa gạt người ta. Trong tình yêu cũng thế, bạn đến với ai có thể bạn rất màu mè, rất hình thức, bạn che giấu những cái không tốt của bạn. Thực sự bạn không được như thế, hoàn cảnh của bạn không tốt như thế nhưng mà bạn lợi dụng người yêu nhẹ dạ cả tin để cho người ta tin tưởng mình. Tức là có những cái không trung thực về mình, khiến cho những người khác bị mộng tưởng về mình. Người ta nghĩ mình là cao tốt lắm. Đấy là một cái nghiệp khiến cho đến khi bạn sang kiếp này bị nghiệp đấy chi phối”.

Hay hứa hẹn, viển vông với người khác là một trong những nguyên nhân dẫn đến mộng tưởng

Hay hứa hẹn, viển vông với người khác là một trong những nguyên nhân dẫn đến mộng tưởng

Những tư duy mộng tưởng, xa rời thực tế có tác hại gì?

Một người mộng tưởng, sống không thực tế có khả năng cao phải đối diện với rất nhiều thất bại trong cuộc sống. Trong chương trình Tâm sự cùng CLB Tuổi trẻ Ba Vàng, Sư Phụ đã chỉ ra hai tác hại cơ bản đối với người hay mộng tưởng. Sư Phụ chia sẻ: “Sang kiếp này, nghiệp đấy chi phối bạn khiến cho các bạn bị đổ vỡ trong các công việc vì trước đây từng lừa gạt, nói dối”. Công việc ở đây có thể hiểu là trong làm ăn, chuyện tình cảm, chuyện bạn bè,... Đối trước công việc nào cũng mộng tưởng sinh ra chán nản, nhàm chán dẫn đến mọi việc đổ vỡ, thất bại. Bên cạnh đó, Sư Phụ còn chia sẻ: “Thứ hai là bạn tự huyễn hoặc chính mình”. Tức là bạn luôn có suy nghĩ mơ hồ, viển vông, nghĩ những điều không có thật về bản thân cũng như thực tại và rồi chính bạn là người nhận lấy hậu quả đau khổ.

>>> Hạnh phúc chân thật của con người đến từ đâu?

Tư duy xa rời thực tế sẽ sinh ra chán nản, nhàm chán dẫn đến mọi việc dễ bị đổ vỡ, thất bại

Phân định rõ giữa mộng tưởng và ước mơ

Trong buổi chia sẻ, Sư Phụ cũng phân tích rõ về mộng tưởng và ước mơ là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Sư Phụ khẳng định ước mơ là những gì tốt đẹp mà mỗi người chúng ta mong muốn, có khát vọng đạt được. Chúng ta đều có quyền mơ ước, để rồi lấy ước mơ làm động lực khiến chúng ta rèn luyện, cố gắng để hoàn thiện mình và cống hiến cho cuộc đời. Trong chương trình “Khám phá vườn tâm”, Sư Phụ nhấn mạnh rằng: “Ham học, ham làm, ham tiến bộ, có ước mơ, có hoài bão, có lý tưởng sống, đó là điều các con phải ham, phải nuôi, mà còn phải thổi bùng nó lên”.
Tuy nhiên, mộng tưởng khác hoàn toàn với ước mơ, Sư Phụ chia sẻ: “Thầy đã gặp trường hợp này rồi, đó là bệnh cũng gần giống như một người hoang tưởng. Khiến cho bạn ấy không chú ý vào công việc được, không bám sát được việc và không thích thú trong công việc được tức là quên mất thực tại. Cho nên nhà Phật cũng gọi là mộng tưởng”.

Chúng ta cần phân định rõ ràng về mộng tưởng và ước mơ

Chúng ta cần phân định rõ ràng về mộng tưởng và ước mơ

Cách giải quyết những tư duy mộng tưởng để cân bằng cuộc sống?

Theo góc nhìn đạo Phật, mộng tưởng được coi là một bệnh về “tâm”. Tâm bệnh này sẽ khiến chúng ta phải đối diện với nhiều sự khó khăn, đau khổ trong cuộc sống. Nếu kéo dài tình trạng mộng tưởng, xa rời thực tế sẽ ảnh hưởng rất lớn đến bản thân, gia đình, bạn bè,... Vậy nên, Sư Phụ đưa ra hai phương pháp theo quan điểm của nhà Phật để giúp những người có triệu chứng mộng tưởng thoát khỏi trạng thái này.

Chân thật sám hối, tu học Phật Pháp để hạn chế những tư duy mộng tưởng

Sư Phụ đưa ra lời khuyên: “Thầy khuyên bạn phải chân thật sám hối, nhà Phật gọi là sám hối, còn ngoài đời gọi là xin lỗi. Và bạn phải có sự tu tập, rèn luyện thật sự. Thầy đã gặp những trường hợp các bạn như thế. Sau khi Thầy khuyên các bạn ấy về quy y Tam Bảo và tu học Phật Pháp thì sau đó các bạn đều hết những trạng thái này và trở nên rất tốt. Tức là thần trí cũng trở lại bình thường, đó là lợi ích của Phật Pháp. Phật Pháp thật sự rất đặc biệt, Phật Pháp chữa được những bệnh về tâm cho chúng ta. Vì vậy, Thầy khuyên bạn nên quy y Tam Bảo, sau đó ứng dụng Phật Pháp. Bạn vẫn làm việc, vẫn sống nhưng bạn vẫn dành thời gian tu học Phật Pháp. Thầy tin rằng nếu bạn chân thật tu tập, ứng dụng Phật Pháp vào cuộc sống thì bạn sẽ có những chuyển hóa và dần dần nó sẽ hết những nghiệp này”.

>>> Tam Bảo, quy y Tam Bảo là gì? Tại sao Phật Pháp Tăng lại cao quý?

Chân thật sám hối, tu học Phật Pháp để hạn chế và điều phục những tư duy mộng tưởng (ảnh minh họa)

Chân thật sám hối, tu học Phật Pháp để hạn chế và điều phục những tư duy mộng tưởng (ảnh minh họa)

Trong một bài giảng hướng dẫn Phật tử tu tập Phật Pháp để chuyển hóa nghiệp, Sư Phụ giảng giải: “Tất cả những lời Phật dạy đều có tác dụng rất lợi ích với tâm của chúng sinh. Lời Phật dạy gọi là Pháp mà tâm chúng sinh là tâm rất bậy hay gọi là tâm điên đảo. Pháp của Phật giống như thuốc chữa bệnh. Khi chúng ta uống Pháp Phật cũng giống như uống thuốc vậy, nghe lời Phật dạy thâm nhập vào trong tâm, rồi thực hành lời Phật dạy thì đấy là chúng ta đang uống thuốc và tiêu hoá thuốc. Chắc chắn là bệnh tâm sẽ lành, sẽ khỏi”.
Từ lời Sư Phụ giảng dạy, chúng ta biết rằng, người bị mộng tưởng, sống không thực tế nếu biết tu tập Phật Pháp, thực hành lời Phật dạy sẽ chuyển hóa được tâm bệnh của mình.

Sống trong hiện tại, lên lịch trình cho từng ngày để sống thực tế hơn

Bên cạnh đó, Sư Phụ còn chia sẻ thêm phương pháp thứ hai: “Bạn cũng phải bắt đầu sống một cách rất là thực. Tức là mình phải tập, hằng ngày mình có những kế hoạch cho mình; đây gọi là hiện đời bạn rèn luyện để chuyển cái nghiệp này. Hằng ngày, bạn đều phải lập kế hoạch cho mình. Có thể ngày hôm trước lập kế hoạch của ngày hôm sau và kiên quyết ngày hôm sau bám sát kế hoạch mình đã lập; mình thực hiện bằng được, để làm sao bạn bớt mộng tưởng ấy đi. Vì bệnh mộng tưởng cũng do nghiệp chi phối. Nhưng bạn không lập những kế hoạch quá xa vời, quá xa xôi. Mình lập kế hoạch ngay ngày hôm sau mình phải làm gì phải hoàn thành việc gì. Bạn làm luôn vào ngày hôm sau, bắt đầu triển khai những việc đó thì dần dần bạn sẽ chuyển được nghiệp này”.

Lên lịch trình và kế hoạch cho mình hàng ngày và sống với thực tế hơn 

Qua những lời chia sẻ quý báu, thiết thực của Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh, chúng ta đã hiểu hơn về nhân duyên của người hay mộng tưởng và cách giải quyết vấn đề đó. Bên cạnh đó, chúng ta biết được lợi ích của việc tu học, ứng dụng Phật Pháp vào cuộc sống sẽ giúp chúng ta chuyển hóa được nghiệp xấu, đem lại bình an, an lạc cho mình cũng như mọi người xung quanh. Kính chúc quý Phật tử, quý bạn đọc luôn tinh tấn, tư duy, thực hành lời Phật dạy làm lợi ích cho mình và cho người.

Chính Phúc

Bài liên quan