trực tuyến [TRỰC TIẾP] "4 thứ khó có được ở đời" | Thầy Thích Trúc Thái Minh, ngày 08/11 Canh Tý
Giới thiệu Tin tức Câu lạc bộ - Đạo tràng Nghi lễ Pháp âm Bài viết Thư viện kiến thức Câu chuyện chuyển hóa Tu học của Tăng chúng Truyện tranh Phật giáo Giải đáp thắc mắc Videos Thư viện ảnh Thông Báo
4 con giáp tứ hành xung có thật không? 3 điều nên làm để được hòa hợp
Bài viết 18/06/2020

Tứ hành xung là một quan niệm dân gian, cho rằng: Nếu hai người kết hôn, làm ăn chung,... mà phạm phải tứ hành xung thì sẽ xảy ra mâu thuẫn, bất đồng; gặp tai họa về sức khỏe, sự nghiệp, hạnh phúc,...

Vậy điều này có đúng không? Dựa trên quan điểm đạo Phật, bài viết dưới đây sẽ làm rõ các vấn đề liên quan đến tứ hành xung và cách hóa giải xung khắc, mang lại sự hòa hợp, bình an.    

Tứ hành xung là gì?

Theo quan niệm dân gian, tứ hành xung chỉ các nhóm tuổi có quan hệ xung khắc, áp chế nhau. Trong 12 con giáp có 3 nhóm tứ hành xung như sau:

- Nhóm 1: Dần, Thân, Tỵ, Hợi

- Nhóm 2: Tý, Ngọ, Mão, Dậu

- Nhóm 3: Thìn, Tuất, Sửu, Mùi

Hiểu một cách đơn giản, tứ hành xung là những người sinh ra đã có bản mệnh tương khắc nhau. Vì vậy, họ thường xuyên khắc khẩu, bất đồng quan điểm,... 

Do đó, người xưa quan niệm: 4 con giáp tứ hành xung không nên hợp tác làm ăn, nên duyên vợ chồng; việc sinh con đẻ cái cũng cần tránh tuổi xung khắc với cha mẹ.

Bảng tính tuổi tứ hành xung theo quan niệm dân gian (Ảnh: Internet)

Tuy nhiên, theo quan điểm của đạo Phật, không có chuyện xung khắc về tuổi tác, vì 12 con giáp không đại diện cho tất cả tâm tính của chúng ta. Ngoài ra, trong thực tế, chúng ta vẫn thấy có rất nhiều con vật, mặc dù theo thuyết tứ hành xung tương khắc nhau, nhưng vẫn yêu thương và sống hòa thuận với nhau. 

Những con vật được cho là xung khắc trong tứ hành xung thực tế lại sống hòa hợp (Ảnh: Internet)

Bên cạnh đó, tâm tính con người liên tục thay đổi hàng ngày, hàng giờ, hàng phút. Có thể dễ thấy như: Có người lúc trẻ rất nóng nảy nhưng lớn lên lại nhu hòa; có người lúc trẻ rất ghê gớm nhưng lớn lên lại rất hiền thục. 

Bác Hồ từng dạy: “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn/ Phần nhiều do giáo dục mà nên”. Cổ nhân cũng có câu: “Gieo suy nghĩ gặt hành động. Gieo hành động gặt thói quen. Gieo thói quen gặt nhân cách. Gieo nhân cách gặt số phận”.

Như vậy, “số phận” con người do tâm tính và suy nghĩ quyết định, không phải do tuổi tác hay các con giáp. Cho nên, đạo Phật không đặt nặng chuyện tuổi tác vì bản chất tuổi là thời gian. Thời gian không nói lên điều xấu tốt mà vấn đề chính từ nơi con người. Như vậy, chúng ta không nên tin vào thuyết tuổi tác xung khắc. 

Hai người tuổi tứ hành xung có lấy được nhau không?

Hai người có tuổi thuộc bộ tứ hành xung vẫn lấy nhau được nếu họ biết tu dưỡng, lắng nghe, nhẫn nhịn nhau. Thành ngữ có câu: “Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”, tức là vợ chồng thuận nhau do tâm tính. Tâm tính lại phải do tu dưỡng mới được tốt đẹp. Chúng ta có thể học Phật Pháp để tu dưỡng tâm tính đó. 

Trên thực tế, rất nhiều cặp đôi, gia đình có tứ hành xung vẫn sống với nhau rất hạnh phúc vì họ biết nhẫn nhịn, lắng nghe,... Ngược lại, nếu có tham, sân, si lại không biết lắng nghe thì sống với ai cũng không hợp. 

Bên cạnh đó, để sống hạnh phúc, chúng ta cũng nên xét đến duyên phước của gia đình.

Hai người tuổi tứ hành xung vẫn có thể lấy nhau nếu biết tu dưỡng tâm tính, lắng nghe nhau (Ảnh minh họa)

Gia đình có tứ hành xung phải làm sao?

Qua những phân tích trên, chúng ta biết rằng, giữa các thành viên trong gia đình (vợ chồng, con cái,...) không có chuyện xung khắc nhau về tuổi tác. Thực tế, “bát đũa còn có lúc xô” nên chuyện xích mích giữa các thành viên trong gia đình ít nhiều sẽ có. Chúng ta có thể thực hiện các việc sau để giải quyết những xích mích này, giúp cuộc sống gia đình thuận hòa hơn:

1. Biết lắng nghe, thấu hiểu

Nếu các thành viên trong gia đình đều được giáo dục, rèn luyện, biết lắng nghe, nhường nhịn, thông cảm, chia sẻ với nhau thì mọi chuyện sẽ được giải quyết dễ dàng. Đó là hiểu và thương. 

Ví dụ, với ông bà đã lớn tuổi, răng đã yếu; con cháu hiểu được thì tự nhiên thương ông bà hơn, chuẩn bị cơm mềm cho ông bà,... Gia đình sẽ hòa thuận hơn.

Các thành viên biết lắng nghe, yêu thương, thấu hiểu nhau thì gia đình sẽ hạnh phúc (Ảnh minh họa)

2. Quy y Tam Bảo

Quy y Tam Bảo là một cách giúp các thành viên trong gia đình sống chan hòa, dễ nói chuyện với nhau hơn. Bởi khi quy y, cả gia đình đều nghe và có kiến thức Phật Pháp, cùng áp dụng vào các mối quan hệ; nên có thể hiểu, lắng nghe, thông cảm cho nhau và sống an ổn hơn. 

3. Ứng dụng thực hành lời Phật dạy

Những người học Phật, ứng dụng lời Phật dạy sẽ biết rèn sửa thân tâm, hy sinh, nhường nhịn; bào mòn cái tôi ích kỷ, cá nhân. Còn người nào chỉ sống vì cá nhân, không biết xoay lại sửa mình thì sống với ai cũng đều sinh ra mâu thuẫn; bởi mỗi người, mỗi thế hệ đều có ưu, nhược điểm riêng. 

Ngoài ra, nếu cả gia đình chưa đủ duyên theo Phật Pháp thì cá nhân chúng ta cần phải ứng dụng lời Phật dạy. Tức là chúng ta tập nói lời ái ngữ, chia sẻ những giá trị của đạo Phật cho các thành viên để mọi người dần dần thâm nhập. Đồng thời, chính bản thân mình phải trở thành tấm gương, chỗ dựa cho mọi người. 

>>> Xem thêm: Đạo nghĩa vợ chồng - 10 điều cần ghi nhớ để gia đình hạnh phúc

Trên đây là những chia sẻ của Thầy Thích Trúc Thái Minh về tứ hành xung. Qua đó, chúng ta hiểu được rằng: Tứ hành xung không đáng lo ngại mà tâm tính và cách ứng xử của mỗi người mới là điều quyết định đời sống an vui, hòa hợp, hạnh phúc.

Bài liên quan