trực tuyến [TRỰC TIẾP] "4 thứ khó có được ở đời" | Thầy Thích Trúc Thái Minh, ngày 08/11 Canh Tý
Giới thiệu Tin tức Câu lạc bộ - Đạo tràng Nghi lễ Pháp âm Bài viết Thư viện kiến thức Tu học của Tăng chúng Khóa tu mùa hè Câu chuyện chuyển hóa Giải đáp thắc mắc Videos Thư viện ảnh
Lời khẳng định của bậc Thánh A-la-hán Na Tiên về năng lực bảo hộ cho người trì tụng kinh Paritta
Bài viết 25/04/2020

Với lòng bi mẫn, đồng cảm trước đại dịch Covid-19 đang ảnh hưởng đến nhân loại và mong muốn đem ánh sáng mầu nhiệm của Phật Pháp làm lợi ích chúng sinh, ngay từ đầu mùa dịch, Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh đã khuyến thỉnh chư Tăng Ni, Phật tử chùa Ba Vàng tụng kinh Paritta, lễ Phật, làm phước hồi hướng, cầu nguyện mong cho nạn dịch sớm được tiêu trừ.
Vậy kinh Paritta có công năng diệu dụng thế nào trong việc hóa giải dịch bệnh? Và tụng kinh Paritta sao cho được lợi ích? Chúng ta sẽ tìm hiểu qua lời giảng giải của Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh với bài viết sau đây.

>>> Cầu nguyện, tụng kinh Tam Bảo với đầy đủ đức tin – Chư Tăng Ni, Phật tử chùa Ba Vàng hồi hướng cho nạn dịch COVID-19 sớm được tiêu trừ

Sơ lược về kinh Paritta

Kinh Paritta thuộc tạng kinh Nguyên Thủy, là hệ thống các bài kinh có tính chất hộ trì an lành cho những người trì tụng. Hệ thống có khoảng gần 30 bài và thường dùng nhất là khoảng 11 bài kinh. Điển hình như: kinh Hạnh Phúc, kinh Tam Bảo (kinh Châu Báu), kinh Tâm Từ Bi, kinh Ngũ Uẩn, kinh Khổng Tước, kinh Luân Hồi, kinh Tràng Đảng Minh Hộ, kinh A-sá-nang-chi, kinh Ương-quật-ma-la…
Trong thời gian dịch bệnh Covid-19 lan tràn, Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh cùng chư Tăng chùa Ba Vàng đã khuyến thỉnh các Phật tử tụng kinh Tam Bảo để cầu nguyện sự hộ trì an lành và hóa giải dịch bệnh. Trong buổi giảng Pháp, Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh đã chia sẻ về nhân duyên khuyến phát tứ chúng tụng kinh Tam Bảo: “Nhân duyên tại sao Thầy cho đại chúng tụng trì bài kinh Tam Bảo trong đại dịch Covid-19? Là vì bài kinh này được tụng đọc trong một đại dịch của thành Vesali. Thành Vesali bị một đại dịch, chết vô số người, lại hạn hán, đói khổ và sau đó thì các vị tướng lĩnh, vua quan đã thỉnh Phật và Tăng đoàn đến để cứu độ. Khi đến nơi Đức Phật đã chỉ dạy A Nan và 500 Tỳ-kheo đi xung quanh thành Tỳ-xá-ly tụng kinh Tam Bảo ba vòng. Nhờ năng lực của kinh, sau đó trời đã đổ mưa dứt trừ nạn hạn hán, tẩy sạch môi trường ở đó nên rất thanh tịnh, trong sạch. Sau đó một tuần là đại dịch dứt trừ. Chính vì thế, đây là một sự trùng hợp, cũng trong đại dịch này Thầy cho toàn thể đại chúng Tăng, Ni, Phật tử của chùa cùng tụng kinh Châu Báu (kinh Tam Bảo) để chúng ta cầu nguyện cho đại dịch sớm được tiêu trừ, hóa giải”.

>>> Đức Phật cứu thành Tỳ Xá Ly (Vesali) khỏi đại dịch

Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh trong buổi giảng Pháp trực tuyến với chủ đề:

Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh trong buổi giảng Pháp trực tuyến với chủ đề: "Cầu nguyện, tụng kinh Tam Bảo (kinh Paritta) với đầy đủ đức tin để vượt qua đại dịch COVID-19"

Bậc Thánh Na-tiên khẳng định năng lực của kinh Paritta (kinh Hộ trì an lành)

Như chúng ta đã biết, Tỳ-kheo Na-tiên là bậc thánh A-la-hán trong Phật giáo. Trước khi Đức Phật nhập Niết bàn, Ngài đã huyền ký về sự ra đời của Tỳ-kheo Na-tiên, sẽ giúp cho giáo Pháp của Phật được tuyên dương, sáng tỏ bằng những cuộc tranh biện với vua Mi-lan-đà. Một lần, vua Mi-lan-đà đã đặt nghi vấn với Tỳ-kheo Na-tiên về năng lực hộ trì, bảo hộ của kinh Paritta. Sau khi làm sáng tỏ, phá vỡ các nghi hoặc của vua Mi-lan-đà, cả hai đều đi đến một thống nhất với lời khẳng định của Tỳ-kheo Na-tiên: “...Những người có đức tin nơi Tam Bảo, có đức tin vào năng lực kinh Paritta, tin về những đức lành của kinh Paritta; dốc lòng trì tụng kinh Paritta thì có thể tiêu trừ các bệnh tật, tai ương, hoạn nạn; lại có công năng hộ trì an lành, ngăn ngừa được lưỡi hái của tử thần là điều chắc thật!”.

>>> Lòng tin là mẹ của công đức đưa chúng sinh tiến đạo

Đức Phật cùng 500 vị Tỳ-kheo đã cứu thành Vesali thoát khỏi đại dịch bằng việc tụng kinh Tam bảo


Tuy nhiên, trong cuộc tranh luận, Tỳ-kheo Na-tiên cũng chỉ ra những trường hợp tụng kinh phát huy năng lực và trường hợp tụng kinh Paritta mà không thể phát huy năng lực. Vậy những trường hợp nào thì phát huy năng lực, trường hợp nào thì không?

Kinh Paritta phát huy năng lực với người còn thọ mạng và có đức tin

Đại đức Na-tiên khẳng định: “...Cho nên kinh Paritta có nghĩa là “kinh Hộ trì an lành”! Hộ trì nghĩa là bảo vệ, che chở! Bảo vệ và che chở những người có đức tin, những người còn thọ mạng, nên ngăn chặn được tử thần không cho đến sớm! Chứ không phải kinh Paritta có năng lực bảo vệ và che chở những người không có đức tin, những người thọ mạng đã chấm dứt, tâu Đại vương!”.

Người tụng kinh Paritta phải còn thọ mạng

Trong bài giảng, Sư Phụ đã giải thích danh từ thọ mạng để đại chúng được hiểu: “Thọ mạng tức là tuổi thọ mạng sống của chúng ta”. Để đại chúng hiểu hơn về trường hợp chết khi còn thọ mạng, Sư phụ đã lấy ví dụ: Ví như tuổi thọ của con người hiện tại khoảng 75 tuổi. Thế nhưng, chàng thanh niên này có sức khỏe cường tráng, chẳng may qua đời vì một lý do gì đó như ngộ độc, tai nạn, bị giết hại.... Thì cái chết của chàng thanh niên được xem là chết khi vẫn còn thọ mạng.
Từ lời khẳng định của bậc A-la-hán, Sư Phụ chia sẻ: “Kinh Paritta có thể hộ trì cho những người còn thọ mạng nhưng phải có đức tin và hành trì thì mới có thể hộ trì được. Chứ kinh không thể hộ trì cho những người thọ mạng hết rồi, thọ mạng đã hết thì phải chịu thôi. Cuộc đời chúng ta ai cũng mong sinh thuận, tử an, sống hạnh phúc, chết bình an nhưng làm thế nào để được như vậy? Thì kinh Paritta này Na-tiên nói rằng có khả năng hộ trì”.
Sư Phụ cũng chia sẻ: “Ví dụ ông cụ già 99 tuổi hấp hối sắp chết mà bảo tụng kinh này để khỏi, để khỏe, sống lại thì không có. Người ung thư đến giai đoạn cuối, chỉ còn thở hắt ra, bảo tụng kinh này để sống trở lại không thể có. Người ấy phải còn thọ mạng. Ví dụ các thanh niên đang khỏe mạnh mắc dịch, mắc bệnh mà biết tu tập thì chúng ta thoát được”.

Bạn trẻ trong CLB Tuổi trẻ Ba Vàng tụng kinh Tam Bảo (kinh Paritta) để hồi hướng mong cầu hóa giải nạn dịch Covid-19 và khô hạn, hạn hán

Bạn trẻ trong CLB Tuổi trẻ Ba Vàng tụng kinh Tam Bảo (kinh Paritta) để hồi hướng mong cầu hóa giải nạn dịch Covid-19 và khô hạn, hạn hán

Từ lời dạy của Tỳ-kheo Na-tiên, cũng như qua sự giảng giải của Sư Phụ, chúng ta thấy rằng kinh Paritta có thể hộ trì được cho những người còn thọ mạng, thoát khỏi những cái chết gọi là bất đắc kỳ tử, chết không đúng thời như: chết do bệnh tật, tai nạn… mà không thể hộ trì cho người đã hết thọ mạng.

Người trì tụng kinh Paritta phải có đức tin trong sáng

Nói về đức tin, Sư Phụ giảng giải: “Đức Phật dạy: “Lòng tin là mẹ sinh ra các công đức”. Ở đây phải là chính tín, không được tà tín, bởi tà tín thì lại mất phước. Chính tín trong Phật giáo là tin Phật, tin Pháp, tin Tăng, tin nhân tin quả, tin nghiệp báo luân hồi, tin sinh tử, tin được Tứ Diệu Đế, Bát Chính Đạo mà Đức Phật dạy. Tạm gọi đó là chúng ta có đức tin chân chính hay gọi là chính tín”.

Người có lòng tin trong sáng nơi Tam Bảo, tin vào nhân quả trì tụng kinh Paritta sẽ được gia hộ

Người có lòng tin trong sáng nơi Tam Bảo, tin vào nhân quả trì tụng kinh Paritta sẽ được gia hộ

Là người đệ tử Phật, khi bước chân vào con đường đạo, điều đầu tiên cần có là niềm tin chân chính vào Đức Phật. Chúng ta cần tin rằng Ngài là một nhân vật có thật trong lịch sử, không phải do con người dựng lên. Và Ngài đã chứng được quả vị Phật Toàn Giác, trở thành bậc vĩ nhân tối thượng trên thế gian. Tiếp đó là tin Pháp, tin những lời dạy của Đức Phật là chân lý, là con đường đúng đắn đưa chúng ta đi đến chỗ hết đau khổ, đạt được sự giải thoát tối hậu. Cuối cùng là tin Tăng, bản thể của Tăng là thanh tịnh, cao quý. Tăng đoàn thanh tịnh là ruộng phước điền cao quý trong nhân gian để cho chúng sinh gieo trồng phước báu. Tiếp đó, người đệ tử Phật cũng cần có niềm tin kiên cố vào nhân quả, lục đạo luân hồi, tin chắc vào Tứ Diệu Đế, Bát Chính Đạo là con đường giải thoát giúp chúng sinh ra khỏi luân hồi sinh tử, dứt trừ mọi khổ đau.

>>> Tam Bảo, quy y Tam Bảo là gì? Tại sao Phật Pháp Tăng lại cao quý?

Bên cạnh đó, Sư Phụ cũng chia sẻ: “Trong kinh Paritta nói chúng ta phải có đức tin đầy đủ. Tin đầy đủ nghĩa là tin chắc trong lòng, đinh ninh, kiên cố, thanh tịnh. Trong kinh Phật thường nói cụm từ “tín tâm thanh tịnh”. Tức là một đức tin mà trong sáng. Mình tin mà trong lòng mình sáng rực lên, tin chắc và đinh ninh. Khi nào tâm chúng ta nó u u, tối tối chúng ta thấy chúng ta mê mờ thì đó là không có lòng tin đâu. Khi tâm chúng ta trong sáng thì tự nhiên chúng ta rất vững vàng và có khi chính lòng tin lại giúp cho chúng ta trong sáng được tâm hồn mình ra”. Qua đây chúng ta biết rằng, một người còn thọ mạng, lại có lòng tin kiên cố mà kiên tâm trì tụng kinh Paritta có thể tiêu trừ các bệnh tật, tai ương, hoạn nạn và giúp chúng ta thoát khỏi cái chết bất đắc kỳ tử.

Ba lý do khiến kinh Paritta không phát huy được năng lực

Kinh Paritta có năng lực bảo hộ là thế, nhưng trong những trường hợp cụ thể, dù đọc kinh Paritta trăm biến, ngàn biến cũng không phát huy năng lực. Tỳ-kheo Na-tiên khẳng định: “Những người đọc kinh Paritta không thể hộ trì được có ba lý do sau: Một là do năng lực nghiệp ác cản trở. Hai là, do nhiều phiền não phát sinh ở trong tâm. Ba là, do người đọc tụng mà không có đức tin, không trì chí, không quyết tâm, chỉ tụng đọc vẹt ở nơi miệng!”.

>>> Tụng kinh sám hối, lễ Phật như thế nào để được lợi ích nhất?

Người bị năng lực của ác nghiệp cản trở thì kinh Paritta không thể hộ trì

Sư Phụ giảng giải: “Đức Phật nói định nghiệp của chúng sinh Ngài cũng không chuyển được. Thế thì những người mà ác nghiệp nặng, kinh Paritta không hộ trì được. Cho nên chúng ta phải tu làm sao để tránh ác nghiệp. Kiếp trước không biết mình có tạo ác nghiệp gì không nhưng kiếp này phải gắng tu thôi”. Để đại chúng hiểu hơn về năng lực của định nghiệp, Sư Phụ đã lấy ví dụ về sự trả quả của Tôn giả Mục Kiền Liên. Mặc dù, Ngài là đệ tử thần thông bậc nhất của Đức Phật, nhưng khi Ngài bị bọn cướp giết thì Đức Phật cũng không cứu được vì đó là định nghiệp của Tôn giả.

Mặc dù Ngài Mục Kiền Liên là đệ tử bậc nhất thần thông của Đức Phật nhưng Ngài vẫn bị bọn cướp giết do dư báo của đời trước

Người có nhiều phiền não phát sinh trong tâm thì kinh Paritta không phát huy được năng lực

Sư Phụ chỉ dạy: “Những người trong tâm quá nhiều phiền não, rối loạn thân tâm thì tụng kinh Paritta không phát huy năng lực được. Đương nhiên người quá nhiều phiền não cũng không tụng kinh được. Trong tâm quá nhiều phiền não, rối loạn, tâm náo động, người ấy kinh cũng không hộ trì được. Tụng kinh nhưng tâm nghĩ lung tung đủ thứ chuyện, phiền não đầy rẫy, không hộ trì được”.

Thực hành thiền định để loại bỏ các phiền não trong tâm, nếu tâm còn phiền não tụng kinh Paritta sẽ không được lợi ích

Thực hành thiền định để loại bỏ các phiền não trong tâm, nếu tâm còn phiền não tụng kinh Paritta sẽ không được lợi ích

Từ lời dạy của Sư Phụ, chúng ta thấy rằng, những người bị phiền não, khi tụng kinh không tập trung, nghĩ ngợi các chuyện thì kinh Paritta không phát huy được năng lực.

Người không có đức tin, không trì chí thực hành thì không được cảm ứng từ kinh Paritta

Sư Phụ giảng giải: “Thứ ba là do người không có đức tin, không trì chí, không quyết tâm trì tụng, chỉ đọc vẹt ở cái miệng thôi. Chỗ này là chỗ rất quan trọng. Người tụng kinh Paritta mà không có đức tin, tụng thì tụng thôi. Giống như mình bắt con mình vào tụng thì nó tụng, tụng khoán thôi, bố mẹ bắt tụng thì tụng chứ không tin gì. Nó còn phỉ báng nữa: “Ôi trời, tụng mất công mỏi miệng, tốn hơi!” thì làm sao cảm ứng được năng lực hộ trì. Cho nên người tụng kinh là phải có đức tin. Rồi người ấy không có trì chí, không thực hành. Tức là người đấy không tin, đã không tin thì cũng không thực hành những lời trong kinh dạy, không phát sinh được những thiện Pháp nào mà chỉ tụng như con vẹt, đọc như con vẹt, không cảm ứng được, không được hộ trì”.
Qua đây, chúng ta thấy rằng, người không có đức tin, không trì chí, không thực hành những lời dạy trong kinh, cũng không làm được các việc thiện lành mà chỉ đọc kinh không thôi sẽ không có lợi ích, không thể được hộ trì. Bên cạnh đó, những người có ác nghiệp hoặc trong tâm có quá nhiều phiền não, bất an, bồn chồn, đứng ngồi không yên thì tụng kinh cũng không thể phát huy tác dụng bảo hộ cho mình.

Qua bài giảng của Sư Phụ, chúng ta hiểu rằng để được sự hộ trì từ kinh Paritta, người ấy cần hội đủ hai điều kiện là còn thọ mạng và có lòng tin kiên cố, tinh tấn hành trì theo lời Đức Phật dạy. Với tâm bi mẫn mong muốn nhân loại sớm vượt qua được thảm nạn này, Sư Phụ đã từ bi chỉ dạy và khuyến thỉnh toàn thể Tăng Ni, Phật tử chùa Ba Vàng phát tâm tu tập để cầu nguyện cho nạn dịch sớm được tiêu trừ.

Chư Tăng chùa Ba Vàng tụng kinh Tam Bảo (kinh Paritta) để cầu nguyện hóa giải nạn dịch Covid-19 và nạn khô hạn, hạn hán

Chư Tăng chùa Ba Vàng tụng kinh Tam Bảo (kinh Paritta) để cầu nguyện hóa giải nạn dịch Covid-19 và nạn khô hạn, hạn hán

Sư Phụ chỉ dạy: “Thầy mong muốn tất cả Tăng Ni và Phật tử chúng ta, với cái tâm của người con Phật, trước tình hình thế giới đang trong đại dịch hết sức nguy hiểm, đau khổ này, chúng ta hãy phát khởi tâm Bồ Đề, tâm thương yêu đến tất cả nhân loại không phân biệt đó là dân tộc nào, là tôn giáo nào; chúng ta đều gửi tâm yêu thương đến với tất cả. Và chúng ta hãy chính mình nỗ lực tu tập, nỗ lực nguyện cầu, trì tụng kinh Tam Bảo với đức tin kiên cố để hồi hướng phước báu đến với mọi người, sớm được thoát qua nạn dịch này. Đó là điều Thầy mong mỏi và nhắn gửi đến tất cả Tăng Ni và các Phật tử chúng ta”.
Mong rằng, những ai đầy đủ nhân duyên đọc được bài viết này, phát khởi tín tâm, nương theo Tam Bảo, phát nguyện tu tập, tụng kinh Paritta với lòng tin kiên cố để nạn dịch sớm qua đi, nhân dân khắp nơi được an vui, ổn định.

Minh Tâm

Các bài nên xem: