trực tuyến
Chương trình số 4: Ngày 4 - Tụng kinh kỷ niệm Thái tử Tất Đạt Đa xuất gia

Thứ Ba, 19/3/2024

tức 10/2 Giáp Thìn

Thanh quy Chùa Ba Vàng

Trong thời mạt pháp, ngũ dục sung mãn khiến hành giả khó thực hành được chính pháp, nên phải có những quy định cụ thể...

-
aa
+

LỜI MỞ ĐẦU

Tăng, Ni ở chùa lấy giác ngộ và giải thoát của Phật làm mục đích tối hậu, lấy giới luật của Phật làm Thầy để thực hành giáo pháp đưa đến sự chứng đắc Niết Bàn. Ðức Phật dạy: “Sau khi Ta diệt độ, các ngươi phải coi Giới luật là bậc Thầy sáng suốt, cũng như Ta còn tại thế không khác”. Đức Phật với tuệ giác siêu việt, Ngài đã thấy biết rõ ràng: có những hành nghiệp từ thân khẩu ý của chúng sinh tạo tác khiến chúng sinh bị luân chuyển trong 6 cõi là Trời, Atula, Người, Súc sinh, Ngã quỷ, Địa ngục. Lại có những hành nghiệp khiến chúng sinh đạt đến những cảnh giới an vui như Tây phương Cực lạc và Niết bàn. Từ sự thấy biết chân thật này, Đức Phật đã chế ra Giới luật cho chúng sinh thực hành, đoạn trừ nhân đau khổ thành tựu quả vị an vui, giải thoát. Đây là sự cứu độ của chư Phật đối với tất cả chúng sinh. Giới luật là mạng mạch của Phật Pháp. Giới luật còn thì Phật Pháp còn. Giới luật diệt thì Phật Pháp diệt.

Ý thức được sự tối quan trọng của Giới luật và để giúp cho toàn chúng có cương lĩnh trong việc tu hành, chùa Ba Vàng đã cho biên soạn THANH QUY – đây là cuốn sách nói về những quy định cụ thể trong việc tu học của tứ chúng tại chùa.

THANH QUY gồm 5 chương:

Chương 1: Những quy định chung

Chương 2: Nội quy tu học của bốn chúng tại chùa

Chương 3: Nội quy dành cho khách

Chương 4: Chức năng nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức

Chương 5: Thời khóa tu học

Kết luận.

Toàn thể Tăng, Ni, Phật tử chùa Ba Vàng phải nghiêm chỉnh thực hành Thanh quy này để đạt được lợi ích giải thoát.

Tỷ kheo Thích Trúc Thái Minh

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1Giải thích khái niệm

1. Thanh quy nghĩa là: Thanh là thanh tịnh; Quy là nội quy, quy tắc, phép tắc hành xử.

2. Thanh quy là những nội quy khiến hành giả khi thực hiện sẽ đạt được sự thanh tịnh, thành tựu trí tuệ sáng suốt của Như Lai.

Điều 2. Phạm vi áp dụng

1. Thanh quy được thiết lập cho: người xuất gia, cư sĩ công quả xuất gia, công quả tập tu; Phật tử đến tu học tại chùa và du khách hành hương.

2. Thanh quy được các Tăng, Ni, Phật tử tự nguyện phát tâm thực hiện không bắt buộc ai.

Điều 3Căn cứ, mục đích

1. Thanh quy được xây dựng dựa trên: Giới luật của Phật chế và hoàn cảnh thực tế của chùa.

2. Toàn chúng đều lấy Lục hoà theo lời Phật dạy làm nền tảng trong đời sống tu tập.

3. Những nội dung của Thanh Quy đủ để một người công dân thực hiện nghiêm túc, tốt đẹp Pháp luật của mỗi quốc gia và xứng đáng là một người Phật tử chân chính.

Điều 4. Tông chỉ tu học

Tông chỉ tu tập là Phát Tâm Bồ Đề, tu tập các công đức, hồi hướng cầu Vô Thượng Bồ Đề, chứng đắc Niết Bàn (nguyện thứ 19 trong 48 lời nguyện của đức Phật A Di Đà).

Điều 5. Phương pháp tu hành

Tăng, Ni, Phật tử tại Chùa Ba vàng tu tập theo phương pháp: Thiền - Tịnh song tu.

- Đây là sự kết hợp giữa các pháp tu Thiền và tu Tịnh Ðộ khiến hành giả linh hoạt ứng dụng pháp tu theo từng hoàn cảnh cụ thể để điều phục và thanh tịnh tâm. Trong thiền có tịnh trong tịnh có thiền.

- Đức Phật dạy “tâm” là gốc, Thiền hay Tịnh thì cũng đều là phương pháp quay về tu sửa tâm, khiến cho tâm ác trở nên thiện, tâm ô nhiễm trở thành thanh tịnh, tâm trói buộc được giải thoát. Tất cả Pháp tu của Phật chỉ là pháp phương tiện để đạt được cứu kính giác ngộ, giải thoát.

- Trong việc học Pháp, phải y cứ vào Tứ diệu đế, Bát chính đạo và Giới luật của Phật làm căn bản.

- Thiền định: Thiền Tứ niệm xứ, thiền đối trị.

- Tịnh độ: Căn bản của Tịnh độ là tịnh tam nghiệp.

+ Tín: Tin Phật là bậc toàn giác, đã giải thoát viên mãn và để lại giáo Pháp cho chúng ta thực hành; tin giáo Pháp của Phật nếu thực hành sẽ được kết quả hết khổ, an vui; tin chư Tăng là những người chân thật thực hành giáo Pháp và truyền giảng lại giáo Pháp cho chúng ta thực hành; tin chính mình có thể thực hành được giáo Pháp và thành tựu được kết quả như nguyện.

+ Hạnh: Thực hành Giới luật, lấy chánh kiến để thanh tịnh nghiệp, lấy sáu pháp hòa kính để thanh tịnh nghiệp, lấy công hạnh Bồ Đề để thanh tịnh nghiệp.

+ Nguyện: Hồi hướng về Vô thượng Bồ Đề.

Chương II

NỘI QUY TU HỌC CỦA BỐN CHÚNG TẠI CHÙA

I – ĐỐI VỚI CHÚNG XUẤT GIA

    Để hoàn thành mục đích xuất gia của chính mình, tăng ni cần phải hiểu được ý nghĩa của việc xuất gia. Nếu ai không làm được đúng ý nghĩa này thì phải trở lại đời sống tại gia để không phải chịu quả báo do thọ nhận sự cung kính cúng dường của thí chủ khiến thí chủ tổn mất phúc báo ( đây là sự bảo hộ ).

A/ QUY ĐỊNH CHUNG

1. Chư Tăng chùa Ba Vàng phải thật lòng cung kính và gìn giữ giới luật, lấy việc hành trì 10 giới xuất gia sau đây làm căn bản.

Điều 8. Giữ giới

    Giới thứ nhất không sát sinh: Tăng ni không sát sinh và không ăn thịt chúng sinh.

    Giới thứ hai không trộm cắp: Không tự mình trộm cắp và không sai bảo và không tùy hỷ với việc trộm cắp.

    Giới thứ ba không dâm dục: Không làm việc dâm dục và không dùng các phương tiện hướng tới sự dâm dục (ngồi nói chuyện bàn tán, xem tranh ảnh, phim, sách có nội dung xấu…).

    Giới thứ tư không nói dối: Không nói sai sự thật, không nói lời ác độc, hung dữ, không nói lời gây chia rẽ thù hằn nhau, không nói lời phù phiếm vô nghĩa.

    Giới thứ năm không nghiện ngập: Không được sử dụng những chất gây say, nghiện như rượu, bia, á phiện, xì ke, ma tuý, thuốc lá, thuốc lào, bài bạc, lô đề, các môn thể thao có tính đối kháng thắng thua, không được đòi hỏi uống trà, cà phê …

    Giới thứ sáu không đeo tràng hoa và ướp nước hoa: Không dùng mọi thứ trang sức làm cho thân này sang đẹp.

    Giới thứ bảy không ca múa hát xướng: Những trò vui có tính cách đùa cợt loạn tâm đều không được tự làm, nghe, xem người khác làm.

    Giới thứ tám không nằm ngồi giường toà cao to và sang trọng: Người tu không được nằm ngồi giường, ghế cao lớn, sang trọng (trừ khi đi phận sự ra ngoài Phật tử thỉnh không còn chỗ nào khác và khi thăng toà thuyết pháp).

    Giới thứ chín không ăn phi thời: Người tu chấp nhận đời sống ít muốn biết đủ để tinh tấn tu hành nên phải giữ giới không ăn phi thời.

   Giới thứ mười không giữ tiền bạc, vàng ngọc, vật báu: Chùa đảm bảo mọi sinh hoạt cần thiết cho việc tu học của tăng ni. Với bổn phận người xuất gia phải thực hành đời sống thiểu dục tri túc, vì vậy tăng ni không giữ gìn và tích chứa làm của riêng tiền bạc, vàng ngọc, vật báu…

* Lưu ý: Tất cả Tăng chúng của chùa nếu vi phạm giới ăn thịt (giới thứ 03 trong 48 giới Bồ tát ), không uống rượu (giới thứ 51, thiên Đơn đọa, giới bổn Tỳ kheo và giới thứ 02 trong 48 giới khinh của giới Bồ tát), không giữ tiền bạc (giới thứ 18, thiên Xả đọa, Tỳ kheo giới Bổn, và giới thứ 81, thiên đơn đọa, Tỳ kheo giới bổn), không dùng điện thoại riêng và không tự ý ra ngoài chùa (như tự ý về thăm gia đình, đi chơi, đi làm lễ riêng, giảng pháp, cờ bạc…) dù chỉ một lần cũng bị tẩn xuất khỏi chùa.

2. Tăng ni chùa Ba Vàng lấy pháp tu LỤC HÒA của Phật dạy làm nền tảng áp dụng trong đời sống sinh hoạt để xây dựng đại chúng.

Điều 9. Lục hòa:

    1. Thân hoà đồng trụ: Chùa Ba Vàng đầy đủ điều kiện khiến cho người xuất gia thực hành pháp viễn ly ái dục và các pháp ác bất thiện. Thân phải thực hành các pháp ăn, mặc, ở, ngủ nghỉ, lao tác như chính pháp để tránh xa tâm lười biếng thì gọi là thân hoà đồng trụ trong pháp viễn ly các dục và ác pháp

    2. Khẩu hoà vô tranh: Phải học và thực hành chính ngữ, nói, giao tiếp, bàn luận với nhau bằng chính ngữ để đưa đến lợi mình, lợi người, lợi cả hai.

    3. Ý hoà đồng duyệt: Phải học và thực hành các pháp như lý tác ý của chư Phật.

    4. Kiến hoà đồng giải: Phải học và dùng chính tri kiến để giải quyết tất cả mọi việc trong Tăng đoàn.

    5. Giới hoà đồng tu: Cùng nhau giữ gìn, tôn kính giới luật của Phật, kính giới như kính Phật.

    6. Lợi hoà đồng quân: Lấy chính pháp là lợi ích, là tài sản của người xuất gia, mọi người thực hành chính pháp, bình đẳng trong chính pháp, trong chúng ai có chính pháp, có trí tuệ giải thoát thì đều được bình đẳng chia sẻ.

            VD: Trong chúng có một vị Thánh nhân vừa mới xuất gia thì vẫn được thỉnh lên toà chia sẻ pháp mà không kể lớn hạ hay nhỏ hạ, tuổi trẻ hay tuổi già.

    Tất cả phẩm vật cúng dường đúng pháp thì được chia đều và đủ để thực hành đời sống thiểu dục tri túc. Nếu còn dư thì sẽ cúng dường cho những chùa có đại chúng tu hành thanh tịnh đúng chính pháp (giới thứ 25 trong 48 giới khinh của giới Bồ tát).

3. Ngoài ra tăng chúng còn phải thực hành các quy định sau để giữ gìn sự hoà hợp, thanh tịnh và trang nghiêm trong chúng:

Điều 10. Quy định việc chúng:

    1. Tất cả các việc muốn bạch thỉnh lên Thầy trụ trì đều phải theo thứ lớp, việc cá nhân thì thông qua ban Quản chúng, việc của các ban thì thông qua ban Tri sự. Sau đó, ban Quản chúng và ban Tri sự thông báo họp Yết ma như pháp rồi báo cho Ban thị giả sắp xếp thời gian bạch thỉnh Thầy giải quyết (giới thứ 26 trong 48 giới khinh của Bồ tát giới (trang 39), và thuộc giới 18, thiên Xả đọa, Tỳ kheo giới bổn).

    2. Các công việc có tầm quan trọng ảnh hưởng đến đường lối tu tập của chùa, kiến trúc, cảnh quan, an toàn về người và tài sản, môi trường, có giá trị từ 2.000.000 VNĐ trở lên đều phải bạch lên ban Chức sự tiếp nhận. Sau đó ban Chức sự kiểm tra, xem xét họp bàn thống nhất ý kiến trình lên Thầy Trụ trì quyết định rồi mới được triển khai (giới thứ 26 trong 48 giới khinh của giới Bồ tát (trang 39), và giới 18, thiên Xả đọa, Tỳ kheo giới bổn).

    3. Không được liên lạc với gia đình, người thân, bạn bè trong các việc của tại gia như giỗ, tết, cưới hỏi, họp lớp, cải táng, liên hoan, sinh nhật … (trừ trường hợp cha mẹ ốm nặng hoặc chết thì được về). Khi bố (mẹ) không có nơi nương tựa thì được đón về chùa nuôi, nhưng tự mình phải chăm sóc cha mẹ, nếu bận thì được nhờ huynh đệ chăm sóc giúp, việc này Tri sự không được cắt cử chư Tăng chăm sóc thay mình. Nếu ông bà, anh em ruột chết thì được về. Khi trong họ hàng có người chết, nếu gia đình cầu thỉnh chư Tăng thì được về cùng, nếu gia đình không thỉnh chư Tăng thì không được tự ý về nhà.

    4. Có việc Tăng cử, Tăng sai mới được ra khỏi chùa (khi ốm đau thì bạch xin chư Tăng cho người cùng đi). Nếu có việc riêng cần đi thì phải bạch Tăng đúng pháp, Tăng cho phép mới được đi. Không được đi quá thời hạn cho phép. Nếu có việc đặc biệt xảy ra cần ở quá hạn thì phải điện thoại xin phép với lý do rõ ràng.

    5. Không được nhận tiền cúng dường riêng, tiền mừng tuổi, vật phẩm cúng dường riêng. Không được tự mình gợi ý thí chủ cúng dường cho riêng mình. Nếu không được sự cho phép của Tăng thì không được tự mình gợi ý thí chủ cúng dường Tam Bảo.

    6. Tài sản của Tam Bảo là công sức, mồ hôi nước mắt của thập phương tín thí, người sử dụng phải trân quý, bảo vệ, giữ gìn và sử dụng tiết kiệm tối đa. Nếu làm được như vậy thì đó là sự tùy hỷ với người cúng dường sinh ra phúc báo cho chính mình (giới thứ 25 trong 48 giới khinh của giới Bồ tát).

    7. Tất cả công việc được Tri sự phân công là duyên phước của chính mình nên hoan hỷ làm cho hoàn thiện thì sẽ được phước báo viên mãn. Nếu lỡ có duyên sự mà phải đi muộn, về sớm thì nên sám hối trước chúng Tăng ngay để bảo toàn phước báo cho chính mình (giới thứ 25 trong 48 giới khinh của giới Bồ tát.)

  8. Tăng ni làm việc ở các Ban, nếu không được phân công và không có nhiệm vụ thì không nên lui tới các Ban khác (để cho những nhân trộm cắp, đơm đặt, vu báng từ quá khứ không có cơ hội trổ ra, đây là sự bảo hộ cho chính mình). Trừ trường hợp khẩn cấp như cấp cứu, chập điện, cháy nổ, … (giới thứ 08, 09, thiên Tăng tàn, Tỳ kheo giới kinh).

    9. Không được sử dụng các thiết bị điện tử nghe nhìn nếu không phải trong công việc của Tăng và được sự cho phép (nếu khởi ý cố tình sử dụng thì biết rằng do nghiệp tham dục từ quá khứ trổ ra sai khiến, nên phải tự trách tâm và từ bỏ ý nghĩ đó ngay).

    10. Thân nhân đến thăm thì được tiếp tối đa 60 phút tại nhà khách, nếu thân nhân ở lại thì đều do ban Tri khách sắp xếp mọi việc. Tuyệt đối nghiêm cấm tự ý dẫn người thân về tiếp tại Nội viện và Tăng đường.

    11. Chư Tăng, chư Ni không được tự ý qua lại nội viện hai bên. Nếu được Tăng cử, Tăng sai thì phải đi hai người trở lên (giới thứ 03 trong 10 giới Ba La Di của giới Bồ tát và được trích giới thứ 01, thiên Ba la di, Tỳ kheo giới kinh).

    12. Các thời giảng dạy và các thời học pháp vào những ngày 08, 14, 30 âm lịch (29 tháng thiếu) phải tham gia đầy đủ. Nếu nghỉ hoặc bỏ về giữa chừng không lý do thì phải sám hối (vì phạm vào lỗi coi thường, không trân quý giáo pháp của Phật). Trừ những người có phận sự Tăng cử, Tăng sai hoặc ốm nặng (giới thứ 07 trong 48 giới khinh của giới Bồ tát.).

    13. Các thời khoá công phu, nếu nửa tháng mà nghỉ từ ba buổi trở lên thì phải sám hối đại chúng Tăng.

    14. Khi được chỉ lỗi nên hoan hỷ nhận lỗi (đúng như vậy thì tiêu được nghiệp nhân trong quá khứ). Khi thấy người khác mắc lỗi thì nên dùng lòng thương tưởng, nhẫn nhục để chỉ lỗi và sách tấn. Nếu không được sự cho phép của Tăng thì tuyệt đối nghiêm cấm tụ tập, hội họp khiến dẫn đến tăng trưởng tham dục và ác pháp (như tụ họp để uống trà, liên hoan, ăn uống, bàn tán chuyện đời, kể lỗi người, kết bè phái chia rẽ Tăng chúng…). (giới thứ 10, 11, 13 thiên Tăng tàn, Tỳ kheo giới kinh).

    15. Nếu trong chúng có những ai vì nghiệp lực mà xảy ra đánh nhau, cãi nhau thì sau khi được Tăng hòa giải một lần vẫn không tu tập để chuyển hóa mà tái phạm lại thì đều phải tẩn xuất. Nghiêm cấm Tăng, Ni lập lời thề nguyền ác đối với nhau và với Tam Bảo (vì nhiều kiếp sau sẽ phải làm ác ma). (giới thứ 09 trong 10 giới Ba La Di của giới Bồ tát.)

    16. Tăng, Ni tại chùa là người xuất gia nên không được học pháp của người thế gian như bói toán, đồng bóng, tướng số, phong thuỷ, đàn hát, kỹ nghệ, võ thuật, thể thao, nghề thầy thuốc… (giới thứ 33 trong 48 giới khinh của giới Bồ tát. Và trong phần Quy y Tam Bảo của tất cả người con Phật).

B/ QUY ĐỊNH RIÊNG

Điều 11. Y  phục và bình bát

    1. Tỳ kheoY cà sa, 01 bộ quần áo vàng, 01 bình bát, 01 cốc uống nước và 1 số đồ dùng để tu hạnh độc cư (có quy định riêng).

    2. Sa Di: Y cà sa, 03 bộ quần áo nâu, 01 bình bát, 01 cốc uống nước.

    3. Hình đồng: 03 bộ quần áo nâu, 01 áo nâu đi đường, 01 bình bát, 01 cốc uống nước.

    4. Tỳ kheo ni: Y cà sa, 03 bộ quần áo lam, 01 bình bát, 01 cốc uống nước.

    5. Thức xoa, Sa di ni: Y cà sa, 03 bộ quần áo màu lam, 01 bình bát, 01 cốc uống nước.

    6. Hình đồng ni: 03 bộ quần áo nâu, 01 áo nâu đi đường, 01 bình bát, 01 cốc uống nước (khi đi đường phải thắt đai lưng).

Điều 12. Cách thức sử dụng y phục và đồ dùng

    1. Tỳ Kheo, Tỳ kheo Ni phải đắp y cả ngày. Thức xoa, Sa di, Sa di ni cũng phải đắp y cả ngày (trừ khi lao động nặng và làm công việc bẩn). (giới thứ 02, Thiên Xả đọa, Tỳ kheo giới bổn).

    2. Tăng, Ni khi thọ trai chỉ được ăn bằng bình bát của mình đã thọ. Đi qua đêm bắt buộc phải mang bình bát theo thân (Nếu không mang đi dù thí chủ có cúng cơm thì cũng không được ăn). Nếu mất bình bát (trừ gặp các nạn) thì phải ra chúng sám hối, mà phải thọ lại bát bị vá bảy miếng. Khi uống nước nên dùng cốc của mình đã thọ (thuộc giới thứ 22, Thiên Xả đọa, Tỳ kheo giới bổn).

    3. Tăng đi cùng một mẫu dép riêng, Ni đi cùng một mẫu dép riêng.

* Những quy định trên đây Tăng, Ni nào không thực hiện được thì bắt buộc phải rời khỏi chùa.  Trước khi đi nếu còn tâm biết ơn thì nên chào Thầy và đại chúng rồi đi. Nếu đi rồi mà sau đó muốn quay trở lại chùa tu tiếp thì phải thử thách từ 6 tháng đến 01 năm tại Ngoại viện rồi mới được nhập chúng ( chỉ được một lần duy nhất ).

Điều 13. Đối với Tỳ Kheo

Ngoài 250 giới đã lãnh thọ và những điều quy định trên, Tỳ Kheo phải thực hiện tất cả Nội quy sau đây:

– 03 y tuyệt đối không được rời thân (trừ nạn duyên và khi tắm, phơi y, may vá).

– Ngày ăn 01 bữa vào buổi trưa (trừ khi đi làm Phật sự thì được ăn quá giờ quy định), nếu bệnh thì có thể được uống nước cháo, nước cơm hoặc những loại nước hoa quả ở chùa có sẵn (nước mía, táo, nho, lê, cam, bưởi, nước quả thị, nước ngó sen) mà Phật cho phép. Nếu bệnh nặng phải uống thuốc thì được phép ăn cháo. (giới 31, 37, thiên Đơn đọa, giới 26, thiên Xả đọa, Tỳ kheo giới kinh).

– Tỳ Kheo phải luân phiên vào tu tập trong rừng thực hành hạnh độc cư và bắt buộc phải ngủ đêm ở trong rừng để thực hành pháp nhẫn (nhẫn được nóng, lạnh, mưa bão, gió rét, muỗi mòng, rắn rết, bệnh tật…) trừ khi có Phật sự hoặc bệnh nặng (13 pháp tu hạnh Đầu đà).

– Khi đang thực hành Pháp tu trong rừng thì không được mang pháp tu này ra bàn luận hay nói ra cho chúng không đồng tu nghe vì sẽ làm mất thiện căn của người nghe và mắc vào tội phá lục hoà tăng. (giới thứ 08, thiên xả đọa, Tỳ kheo giới kinh).

– Ngoài thời khoá tu trong rừng thì phải tham gia đầy đủ thời khóa của chúng ở chùa.

– Trưởng tất cả các ban phải là Tỳ Kheo.

– Chúng Tỳ kheo phải sách tấn, bảo hộ cho Sa di và Hình đồng bằng lòng thương tưởng đúng với chính giới và chính Pháp. (Ví dụ: Hình đồng 5 giới mắc lỗi thì Tỳ kheo từ nơi 5 giới mà giải trình cho họ). (giới 05, trong 48 giới khinh, giới Bồ tát).

– Tất cả các Tỳ kheo chùa Ba Vàng phải tu thuần thục được các pháp độc cư, thực hành vững vàng giới luật thì mới được đi học tại các trường Phật học. Khi đi học mà phạm giới luật và thanh quy của chùa thì phải về chùa thực tập lại mới được đi học tiếp.

– Nếu Tỳ kheo nào không thực hành được những quy định trên thì bắt buộc phải rời khỏi chùa, còn muốn ở lại chùa thì phải xuống làm chúng dưới.

– Nếu Tỳ Kheo mà cố tình che giấu lỗi lầm quá 3 lần không phát lộ sám hối thì không còn là chúng của Chùa nữa.

Điều 14. Đối với Tỳ Kheo ni:

Ngoài 348 giới đã lãnh thọ và những điều quy định giống như quy định của Tỳ Kheo, tất cả các ban của Ni chúng đều phải làm theo sự chỉ đạo của chư Tăng. (Bát kinh Pháp, Tỳ kheo ni giới bổn).

Điều 15. Đối với thức xoa, sa di, sa di ni, hình đồng.

Ngoài việc giữ gìn các giới pháp đã lãnh thọ và thanh quy của chùa thì cần phải thực hiện nghiêm túc các điều sau:

    – Phải thực hành tu tâm nhẫn nhục, cung kính, vâng lời và biết ơn. Chăm chỉ học hỏi theo sự hướng dẫn của Chùa để phá nghi trong các tri kiến về tu tập, chịu khó hoàn thành phận sự để tích luỹ phúc báo và tham gia đầy đủ tất cả thời khoá tu tập.

    – Luôn luôn xoay lại mình, không nên nhìn lỗi người.

    – Được ăn ngày 02 bữa sáng và trưa, không được ăn vặt.

    – Nếu thấy các Tỳ Kheo đi qua thì phải khởi tâm cung kính và đứng dậy chắp tay xá chào (trừ 5 việc trong luật đã cho phép là khi ăn cơm, thế phát, làm việc chúng, toạ thiền – tụng kinh và bệnh nặng). (trong 24 uy nghi của người tập tu xuất gia, sa di luật giải).

II – ĐỐI VỚI NGƯỜI  TẬP TU XUẤT GIA

Điều 16. Yêu cầu tiếp nhận:

Phật tử muốn đến tập tu để xuất gia tại chùa phải đáp ứng các tiêu chí sau:

    1. Chùa không nhận xuất gia cho người dưới 18 tuổi. Đã vào chùa rồi thì không được đi học các trường ở ngoài đời.

    2. Không có những bệnh truyền nhiễm, nan y (tim, phổi, lao, gan B, khớp, Tiểu đường, HIV, AIDS…) thần kinh, tật nguyền, tâm lý không ổn định.

    3. Không nghiện ngập, nợ nần và vi phạm pháp luật.

    4. Phải có tâm cầu đạo chân chính, không vì việc ăn – mặc – ở mà xuất gia.

    5. Phải thực tập đầy đủ Thanh quy của chùa dành cho mình (khi một người hoan hỷ với thanh quy này thì biết người đó có duyên lành với chính Giới và chính Pháp ).

    6. Phải vâng kính tất cả những lời chỉ dạy của chư Tăng trong quá trình tập tu xuất gia. Nếu điều nào chưa hiểu thì được bạch hỏi ở nơi chư Tăng.

    7. Từ lúc viết đơn xuất gia, đủ 01 năm tu tập mới được xét duyệt xuất gia (trừ trường hợp đặc biệt). Trong một năm đó sẽ có sổ theo dõi sự rèn luyện và chuyển hoá thân tâm.

    8. Chấp thuận thực hiện giờ giấc sinh hoạt của chùa, được ăn ngày 02 bữa, ngoài ra không ăn vặt.

    9. Những ai đã lập gia đình mà muốn xuất gia thì phải có đơn xác nhận đồng ý của vợ, chồng, con…

    10. Không nhận bố (mẹ) đi xuất gia mà có con còn nhỏ mang theo vào chùa.

    11. Phải làm tờ cam kết không phạm nội quy của chùa.

    12. Sau khi xuất gia, phải có 06 tháng thử thách mới được chính thức nhập chúng. Nếu vi phạm Thanh quy và giới luật thì phải trở lại làm cư sỹ.

III – ĐỐI VỚI NGƯỜI CÔNG QUẢ TẬP TU

    Để giúp cho người Phật tử tập tu có được nhiều lợi ích, đồng thời tạo thuận lợi cho việc quản lý của nhà Chùa, yêu cầu quý Phật tử đến chùa thực hiện tốt các quy định sau đây:

Điều 17. Quy định chung:

    1. Phật tử đến chùa xin công quả, tập tu phải thực lòng tha thiết học đạo, biết quý trọng và sử dụng hữu ích thời gian mà mình được sống và tu tập tại chùa để phúc tuệ ngày càng tăng trưởng.

    2. Phật tử phải thể hiện được là một người có tư cách đạo đức tốt, có lối sống lành mạnh, có nề nếp và kỷ cương.

    3. Có lòng tôn kính đối với Tam Bảo, biết lễ phép và vâng lời dạy bảo của chư Tăng.

    4. Có tinh thần cầu tiến bộ, vui vẻ khi được chỉ lỗi và cố gắng sửa đổi cho mình ngày càng tốt hơn.

    5. Có lối sống hoà hợp, thân ái, biết thông cảm và giúp đỡ lẫn nhau khi gặp khó khăn.

    6. Biết giữ gìn, quý trọng và sử dụng tiết kiệm tài sản của Tam Bảo.

Điều 18. Quy định cụ thể:

    1. Phật tử đến xin công quả, tập tu phải được sự đồng ý của Ban Tri Khách.

    2. Phật tử phải xuất trình giấy tờ tuỳ thân và tuân theo sự hướng dẫn của Thầy tri khách các việc: ăn, ngủ, sinh hoạt tại chùa.

    3. Công việc hàng ngày phải chấp hành theo sự phân công của Thầy Tri sự. Phải vui vẻ với công việc được giao và cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ.

    4. Nghiêm cấm việc dùng điện thoại di động và các hành vi sau: uống bia, rượu, hút thuốc lá, thuốc lào, á phiện, xì ke ma tuý, cờ bạc…; xem, nghe, đọc và tuyên truyền các văn hoá phẩm đồi truỵ.

    5. Không được tự ý đi chơi khỏi chùa hoặc đi tắm suối. Không tự ý vào Nội viện của chư Tăng (Ni). Không tự ý vào các kho tàng của nhà chùa. Không được vô cớ vào nhà Tổ hoặc Chính điện. Không tự tiện sử dụng tài vật của Tam Bảo khi chưa được sự cho phép của Chư Tăng.

    6. Phải tham gia đầy đủ các thời khoá tu tập của nhà chùa. Trong quá trình tu tập có điều gì vướng mắc hoặc bức xúc thì được phép tham vấn các quý Thầy để được hướng dẫn giải quyết.

    7. Phải giữ gìn sạch sẽ nơi ăn, chốn ở. Đi vệ sinh, tắm giặt, phơi đồ đúng nơi dành riêng cho Phật tử.

    8. Bữa cơm trưa phải mặc áo tràng dài và nghiêm trang cúng Phật. Trong khi ăn phải giữ trật tự và chính niệm.

– Không được nói chuyện ồn ào;

– Không được ăn uống nhồm nhoàm, thô tháo;

– Khi ăn phải nhẹ nhàng, tránh gây ra tiếng động, nhất là tiếng đặt bát, đặt vung nồi xuống bàn ăn, tiếng muôi thìa khua vào bát, …

– Không được ăn ngoài Trai đường và ăn ngoài giờ quy định.

    9. Nhà chùa cần sự yên lặng và thanh tịnh. Nghiêm cấm các Phật tử to lời lớn tiếng và gây lộn, mất trật tự trong chùa.

    10. Trước khi ra về phải xin phép Thầy tri khách.

    11. Cách xử phạt khi Phật tử vi phạm nội quy:

– Lần thứ nhất: chư Tăng nhắc nhở để rút kinh nghiệm, sửa chữa.

– Lần thứ hai: khiển trách trước Đại chúng.

– Lần thứ ba: cho ra khỏi chùa.

Quý Phật tử cần chấp hành nghiêm túc các quy định trên đây để tích lũy được nhiều công đức trong thời gian tu tập tại chùa.

Chương III

NỘI QUY DÀNH CHO KHÁCH

Điều 22. Đối với khách Tăng

    – Trình báo giấy tờ tuỳ thân với  Ban Tri khách.

    – Nếu ở lại thì không được quá 07 ngày, ăn uống tại Nội viện Tăng (Ni).

    – Nghiêm cấm truyền bá đường lối tu tập riêng khác.

    – Không phát băng đĩa, kinh sách, tài liệu ngoài quy định của chùa.

    – Phải thực hiện Thanh quy của chùa.

    – Muốn nhập chúng thì phải thử thách ít nhất 06 tháng.

Điều 23. Đối với khách hành hương và tham quan

    – Chùa Ba Vàng chia làm 02 khu vực là Nội viện và Ngoại viện, khách hành hương và tham quan chỉ được ở phần Ngoại viện, không được tự ý vào Nội viện Tăng hoặc Ni. Trừ khi khách muốn nghiên cứu về đường lối tu hành của chùa, phải nhờ Thầy tri khách xin phép, sau đó mới được dẫn vào Nội Viện.

Điều 24. Đối với khách ở lại ngắn hạn

    – Nếu khách đến thăm thân nhân hoặc đến tìm hiểu, nghiên cứu thì chỉ được ở lại không quá 07 ngày.

Điều 25. Đối với khách ở lại dài hạn:

    – Ở cùng với Phật tử công quả tập tu.

    – Gia đình, người thân của chư Tăng ăn uống cùng cư sỹ Phật tử công quả tập tu của chùa.

Chương IV

CHỨC NĂNG NHIỆM VỤ CƠ CẤU TỔ CHỨC

    Cơ cấu tổ chức của chùa tạo nên sự thống nhất lãnh đạo, quản lý và giáo dục đối với toàn chúng. Đây là nhân duyên để cho toàn chúng thành tựu được tâm cung kính là một trong những tâm cao quý (cung kính những bậc có Giới đức).

Điều 26. Ban lãnh đạo:

    1. Thầy trụ trì chịu trách nhiệm hướng dẫn tu hành và quyết định xem xét tổng quát toàn bộ các công việc của chùa và các chùa thuộc hệ thống chùa Ba Vàng.

    2. Ban quản chúng: Có trách nhiệm sắp đặt việc tu hành của toàn chúng, giám sát sự tu tập và đạo đức của chúng Tăng. Khi quản chúng vắng mặt, phó quản chúng thay thế và nhận trách nhiệm do quản chúng giao phó.

    3. Ban giáo thọ: Là các chúng lớn, có đạo hạnh được Thầy trụ trì chỉ định giảng dạy.

    4. Ban thư ký: Giữ gìn những văn kiện, thư từ quan trọng của chùa. Soạn thảo văn thư và liên lạc qua lại với Giáo Hội, Chính quyền.

    5. Ban tài chính: Gồm có kế toán và thủ bổn, chịu trách nhiệm quản lý về mặt tài chính của chùa theo quy định. Mỗi nửa tháng phải báo cáo thu chi lên Thầy trụ trì và Ban Chức sự.

Điều 27. Ban Chức sự:

    1. Ban tri sự: Chịu trách nhiệm phân công lao tác, chỉ đạo, giám sát …và tổ chức thực hiện các công việc của chùa.

    2. Ban tri khách: Tiếp đón khách, sắp đặt nơi ăn ở cho khách, nếu khách xin ở lại thì hướng dẫn xin trình giấy với chính quyền. Quản lý cư sĩ tập tu, công quả tại chùa. Tiếp nhận việc đăng ký các khóa lễ của tín đồ Phật tử.

    3. Ban tri Khố: Chịu trách nhiệm về ẩm thực của toàn chúng và các đại lễ, lo cho đại chúng ăn đủ năng lượng và dinh dưỡng đảm bảo sức khỏe tu tập. Quản lý kho thực phẩm, phương tiện của ban, đi chợ mua sắm vật thực…

    4. Ban hương đăng: Chịu trách nhiệm quản lý giám sát Chính Điện, Nhà Tổ, Chính Pháp đường, Thiền đường, các ban thờ khác. Thu tiền giọt dầu, giữ vệ sinh trong ngoài điện thờ luôn sạch sẽ, bao sái tượng pháp, tưới hoa, chưng cúng hoa quả và hướng dẫn Phật tử hành hương lễ Phật.

    5. Ban đời sống: Quản lý, mua sắm và phân phát các đồ dùng sinh hoạt ( áo quần, chăn nệm, xà bông, giấy bút….) cho đại chúng.

    6. Ban thị giả: Chăm sóc sức khoẻ, phụ giúp việc Thầy trụ trì. Sắp xếp thời gian các cuộc hẹn gặp của Tăng chúng và khách với Thầy Trụ trì. Thị giả chư Tôn đức đến thăm viếng chùa.

    7. Ban văn hoá: Chịu trách nhiệm quản lý trang WEB, đăng tin, bài, chuyển tải Pháp đã được giảng lên thông tin đại chúng, quay phim, chụp ảnh, và ấn tống kinh sách, băng đĩa.

    8. Ban nghi lễ: Chịu trách nhiệm về nghi lễ tại chùa và làm lễ cho các gia đình Phật tử.

    9. Ban cây cảnh: Trang trí sắp đặt, ươm, trồng và chăm sóc toàn bộ hoa cảnh trong chùa.

    10. Ban vườn: Trồng hoa màu và chăm sóc vườn cây trái cho tươi tốt, đồng thời biết thu hoạch hoa, quả đúng lúc dâng cúng Phật và Tăng.

    11. Ban xây dựng: Chịu trách nhiệm quản lý xây dựng, kiến trúc, tu bổ, giám sát tất cả các công trình của chùa và các chùa thuộc hệ thống chùa Ba Vàng.

    12. Ban cơ điện và ánh sáng: Chịu trách nhiệm về cơ khí, điện máy và chiếu sáng toàn chùa.

     13. Ban âm thanh: Chịu trách nhiệm quản lý về loa đài và hệ thống âm thanh của toàn chùa

    14. Ban nước: Chịu trách nhiệm cấp và thoát nước cho toàn chùa, đảm bảo đầy đủ nước uống, nước sinh hoạt, tưới cây, nước vệ sinh và các nhu cầu dùng nước khác của chùa.

    15. Ban y tế: Chăm sóc sức khỏe cho toàn chúng, khám chữa những bệnh thông thường, mua sắm dụng cụ y tế, thuốc men cho chúng. Bệnh nặng phải cho đi Viện kịp thời và xin người đi chăm sóc. Phật tử và du khách thập phương đến chùa bị bệnh thì phải nhiệt tình giúp đỡ.

    16. Ban may: May, vá tất cả y phục cho Tăng, ni và cư sỹ tập tu xuất gia, và các công việc chư Tăng cắt cử.

    17. Ban hộ thất: Trông coi chăm sóc khu thiền thất và hộ thất cho chư tăng nhập thất.

    18. Ban vệ sinh: Đảm bảo vệ sinh sạch sẽ cho toàn chùa. Mua sắm, quản lý các dụng cụ của ban.

    19. Ban vận tải và san lấp mặt bằng: Quản lý, điều khiển các phương tiện vận tải, san lấp an toàn hiệu quả. Đưa đón chư tăng, Phật tử an toàn và đúng giờ. Lái xe phải điềm đạm, lễ phép và lịch sự.

    20. Ban an ninh: Chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh của toàn chùa và coi giữ xe miễn phí cho khách thập phương.

Chương V

THỜI KHOÁ TU HỌC

Điều 19.  Lịch tu hàng ngày

BUỔI

THỜI GIAN

NỘI DUNG

SÁNG

3h30

3h45

5h30

6h15

7h15

10h30

Thức chúng, vệ sinh cá nhân.

Công phu khuya.

Xả công phu, quét chùa.

Tiểu thực.

Lao tác.

Xả lao tác.

TRƯA

11h00

12h30

Thọ trai.

Chỉ tĩnh.

CHIỀU

13h45

14h00

16h30

17h00

17h45

Khai tĩnh.

Học pháp (hoặc công phu, lao tác)

Xả lao tác.

Cảnh sách, thí thực, vệ sinh cá nhân.

Hô chuông trống.

TỐI

18h15

19h15

20h15

21h30

22h00

Sám Hối, tụng kinh.

Toạ Thiền.

Chúng tự học.

Kiểm tâm, lâm thuỵ.

Chỉ tĩnh.

 

* Riêng tối thứ 7 sám hối xong thì xem nghe băng giảng Pháp.

* Ngày chủ nhật chúng tự tu, tự học.

Điều 20. Lịch tu hàng tháng

Mỗi tháng nhà chùa tổ chức cho Phật tử tu tập vào 03 ngày sau đây:

1. Thọ bát quan trai giới (mùng 08 âm lịch):

    – Sáng: Truyền Tam quy; Ngũ giới; Bát quan trai giới; Khất thực.

    – Chiều: Toạ Thiền; Giảng Pháp; Kinh hành.

    – Tối: Sám Hối.

2. Ngày 14 và 30 (29 tháng thiếu)

    – Sáng: Lễ Cầu siêu.

    – Chiều: Lễ Sơ quy cho các cháu nhỏ (Bán Khoán).

    – Tối: Sám hối và giảng pháp.

3. Ngày 15 và 30 (29 tháng thiếu )

    – Khuya: chư Tăng thỉnh nguyện và Bố tát

Điều 21. Lịch các ngày lễ trong năm

NGÀY THÁNG

NỘI DUNG

08/01 AL

Khai hội Xuân và khai Pháp đầu năm

08/02 AL

Vía Thái tử Tất Đạt đa xuất gia

và tu Bát quan trai

08/04 AL

Vía Phật đản và Khoá tu Bát quan trai

19/06 AL

Phát Bồ đề tâm nguyện và Cầu siêu Thai nhi

08/07 AL

Đại lễ Vu Lan, cầu siêu phổ độ gia tiên và tu Bát Quan trai

27/7  DL

Lễ cầu siêu Anh hùng Liệt sỹ

23/08 AL

Giỗ Tổ Tuệ Bích

08/11 AL

Lễ  Phật A Di Đà và tu Bát Quan trai

08/12 AL

Lễ Phật  Thành đạo và tu Bát quan trai

Đêm Giao thừa

Tạ pháp, hái hoa giác ngộ và đón Giao thừa

     

* Nhân dân, Phật tử có trách nhiệm giúp nhà chùa phát hiện những việc phát tán, tuyên truyền kinh sách, băng đĩa không phải của chùa và những tài liệu xấu ảnh hưởng đến an ninh, chính trị của quốc gia để nhà chùa kịp thời xử lý. Trong chùa chỉ tổ chức phát hành băng đĩa, kinh sách tại phòng phát hành.

KẾT LUẬN

          Trong thời mạt pháp, ngũ dục sung mãn khiến hành giả khó thực hành được chính pháp, nên phải có những quy định cụ thể trong mỗi công việc liên quan đến đời sống hằng ngày, Thanh quy này là một nhu cầu thiết yếu để bảo hộ sự an ổn tu hành cho bốn chúng ở chùa Ba Vàng.

    Thanh quy giúp cho Tăng, ni sống được đời sống Lục hoà, tâm được mát mẻ, thực hành được phạm hạnh, tinh tấn thực tập giới pháp trên lộ trình Giải thoát. Thanh quy chùa Ba Vàng ra đời khuyến tấn, tuyển chọn những ai có tâm xuất gia chí thiết cầu đạo (cầu chính giới và chính pháp của Phật để thực hành trên lộ trình đi đến giải thoát).

    Đối với hàng cư sỹ Phật tử thì tăng thêm được phúc báo, chuyển hoá được khổ đau trong cuộc sống hiện tại, tin sâu nhân quả, thành tựu được Tín đối với Chính Pháp khiến nhiều đời nhiều kiếp gieo được nhân giác ngộ giải thoát.

    Thanh quy này đã được duyệt lần thứ nhất, sau này nếu có thay đổi hoặc cần bổ sung, chỉnh sửa thì phải dựa trên chính Giới và chính Pháp dưới sự họp bàn của tăng chúng Chùa Ba Vàng.

Chùa Ba Vàng, ngày 24 tháng 5 năm Ất Mùi

THANH QUY CHÙA BA VÀNG

Chủ nhiệm: Đại đức Thích Trúc Thái Minh

Biên soạn: Chư Tăng chùa Ba Vàng

Sửa bản in: Ban Văn hóa chùa Ba Vàng

Trình bày và Bìa: Ban Thư ký chùa Ba Vàng

(LƯU HÀNH NỘI BỘ)

Xem thêm

Lịch tu học - Giảng Pháp

Nội quy hoạt động🞄 14/12/2020

Lịch tu học - Giảng Pháp

Nội quy hoạt động 🞄 14/12/2020

Lịch tu học - Giảng Pháp

Hướng dẫn tham quan 15 địa điểm hấp dẫn tại chùa Ba Vàng

Nội quy hoạt động🞄 14/12/2020

Chùa Ba Vàng - vùng đất Phật linh thiêng, huyền bí được xây dựng nơi địa thế tọa sơn, tràn đầy vẻ đẹp hùng vĩ, trang nghiêm. Hãy cùng khám phá 15 địa điểm...

Nội quy hoạt động 🞄 14/12/2020

Chùa Ba Vàng - vùng đất Phật linh thiêng, huyền bí được xây dựng nơi địa thế tọa sơn, tràn đầy vẻ đẹp hùng vĩ, trang nghiêm. Hãy cùng khám phá 15 địa điểm...

Nội quy cho khách

Nội quy hoạt động🞄 14/12/2020

Chùa Ba Vàng (Bảo Quang Tự) là một Tùng Lâm chuyên tu và hoằng Pháp, đồng thời cũng là nơi tham quan chiêm bái cảnh Phật.

Nội quy hoạt động 🞄 14/12/2020

Chùa Ba Vàng (Bảo Quang Tự) là một Tùng Lâm chuyên tu và hoằng Pháp, đồng thời cũng là nơi tham quan chiêm bái cảnh Phật.